Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 1: Từ Thái Nguyên đến Hòa Bình



Những câu chuyện lạ tôi kể, việc trùng lặp tên người, sự việc hay địa điểm đều là ngẫu nhiên. Một số câu chuyện trong bài không có lời giải đáp cụ thể, nhiều câu chuyện có yếu tố tâm linh khó giải thích, vài chuyện có chút tình cờ..., và sau cùng, không có câu chuyện và con người nào đúng hay sai chỉ có hợp lý và chưa hợp lý mà thôi.

Mẹ tôi rất nhiều lần nhắc đi nhắc lại một câu chuyện như thế này, đó là vào khoảng đầu năm 1985 khi gia đình tôi còn sống ở thành phố Thái Nguyên, gần ga Lưu Xá bây giờ. Một đêm mẹ tôi nằm mơ chạy loạn giặc Tàu cùng những người đang bán hàng ở chợ Đồng Quang, mọi người nhốn nháo chạy qua một bãi tha ma thì nhìn thấy có một thằng bé còn nhỏ rất đẹp trai, da trắng, môi son ngồi khóc trên một nấm mộ mới xây, mọi người đi qua muốn bế nhưng nó nhất định không theo ai, đến lượt mẹ tôi giơ tay bế thì thằng bé đó cười rồi theo luôn.

Gần một năm sau mẹ tôi sinh thêm con trai, chính là thằng em kế tôi bây giờ, nó cao ráo, đẹp trai, da trắng môi son và rất sát gái, mỗi tội khá bướng bỉnh, lúc nhỏ hay quậy khiến gia đình cũng nhiều lần phải đi xin nhà người ta bỏ qua vì nó hay đánh nhau, mãi đến hết cấp III nó mới thay đổi tính nết, trầm tính hơn và không gây sự. Nhà có mấy anh em thì nó vẫn hợp tính với mẹ tôi nhất, được cưng chiều nhất.

Tôi có một đứa em gái, sinh năm 1987, mặt trái xoan, có giọng cười rất trong mà theo như lời kể của mẹ tôi là "cười khanh khách", da cũng trắng, mắt tròn, những tấm ảnh gia đình còn lưu lại thì tôi thấy nó là đứa bé rất đẹp.

Kỷ niệm tôi vẫn nhớ, hồi năm 1989, khi ấy gia đình tôi chia đôi ra để tìm kế sinh nhai. Tôi, bố và bà nội Trẻ lên Lạng Sơn, tôi không nhớ nơi đó nhưng nó gần chợ Kỳ Lừa, khoảng năm ki - lô - mét gì đấy. Trời mùa đông lạnh, mỗi tối phải để than củi vào cái chậu rồi cho vào dưới gầm giường cho đỡ lạnh. Đầu năm ấy, mới Tết xong mẹ tôi và em gái từ Thái Nguyên lên thăm, anh em tôi chơi với nhau trên một bậc thềm đá dẫn xuống suối. Bậc thềm đá ấy chừng tám bậc, nó vô tình trượt ngã từ trên cao xuống dưới mà không hề hấn gì, cũng không khóc, chỉ bẩn quần áo mà thôi, tôi thì sợ bị đánh vì không trông em cẩn thận. Nó đã không mách mẹ tôi!

Nhưng đấy là lần cuối cùng tôi được gặp và chơi cùng với nó. Sau này, như các ông bà thầy bói từng nói giống nhau, nó đi theo để phù hộ cho riêng tôi, nhưng đó là sau này, còn lúc nghe tin em mất tôi chưa đủ lớn để hiểu nỗi đau ấy.

Em tôi đã mất vì bệnh viêm màng não!

Người chạy xe máy lên báo tin em gái tôi nguy kịch là ông bác họ, từ Thái Nguyên lên tới nơi tôi ở cũng chừng hơn một trăm năm mươi ki – lô - mét, đường xá thời đó nhiều đoạn khó đi chứ không dễ như bây giờ, đi từ sáng sớm đến trưa mới tới nơi.

Tôi được cho về cùng, ngồi trên bình xăng chiếc Simson màu đỏ, tôi nhớ bố tôi chạy rất nhanh, chừng năm mươi đến sáu mươi ki - lô - mét trên giờ ở những đoạn đường đẹp, bác tôi chạy theo sau. Đến một đoạn đường khá thẳng, có hai hàng cây ăn quả sum suê bên đường, một đám trẻ cũng tầm tuổi tôi đang chơi đùa thì bất thình lình một đứa chạy băng qua đường, bố tôi tránh không kịp.

Huỵch! Hự!

Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc thằng bé đấy (chừng tám, chín tuổi) nhìn tôi, tôi nhìn nó, bốn mắt nhìn nhau. Tôi ngồi trên bình xăng còn nó thì bị xe máy đâm phải, hai tay choàng về phía tôi, đầu gần chạm nhau, nhìn nhau như kiểu ngạc nhiên. Tôi nghĩ nó sẽ bị chết! Nhưng điều kì lạ là nó chả làm sao, từ chỗ bị đâm xe đến khi xe dừng cũng phải mười mét, nó đứng dậy phủi quần áo rồi chạy lại chỗ đám bạn. Bố tôi ngây người ngồi lặng trên xe, bác tôi đến hỏi thăm thằng bé nhưng đúng là nó chả làm sao cả.

- Có lẽ không kịp rồi anh ạ! - Bố tôi nói.

- Ừ, tình hình này chắc anh em mình về tới nơi không kịp nhìn mặt.

Khoảng năm giờ chiều, chạng vạng, khi xe máy trôi nhẹ xuống con dốc, tôi thấy mẹ tôi, em trai, bà nội Già (tôi có nhiều bà nội)... rất đông người đang đứng ở cổng, đầu chít khăn trắng xóa, mắt đỏ hoe và sưng húp.

Mọi người vừa đưa em tôi đi chôn trở về!

Em gái tôi, đứa em gái xinh xắn sinh năm 1987, nằm dưới một ngôi mộ nhỏ ven bờ suối, gần công ty gang thép Thái Nguyên, phải đến nhiều năm sau gia đình mới có điều kiện đưa hài cốt em về quê cha đất tổ, chuyến đi đó là một chuyến đi rợn tóc gáy mà tôi sẽ kể vào một dịp khác.
Nhưng vì sao em tôi mất và đi chôn nhanh như vậy?!

Trở lại ngày hôm trước.Em gái tôi sốt, cho uống thuốc nhưng không giảm, buổi chiều muộn người nhà chở mẹ và em lên bệnh viện đa khoa Thái Nguyên vì chắc nó
không chỉ bị ốm bình thường.

Trên đường đi, em tôi sốt cao đến mê man, sợ nó cắn lưỡi nên mẹ tôi cho tay vào miệng, nó cắn làm như muốn đứt rời ngón tay cái vậy. Đến bệnh viện, ngón tay rướm máu của mẹ tôi được thay bằng một cái đũa, nó cắn cái đũa gần như gãy đôi. Tôi không bao giờ biết nó đã đau đớn như thế nào, mẹ tôi cũng chỉ biết khóc, lúc ấy em gái tôi chưa đầy hai tuổi.

Bác sỹ nói nó bị viêm não Nhật Bản, nghe đâu bệnh này thời đó gây ra cái chết cho nhiều trẻ em, tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu về bệnh này, trong cuộc sống, đôi khi có những điều càng tìm hiểu lại càng khiến ta đau lòng, lại khiến ta ước "giá như ..."

Tôi chưa bao giờ hỏi lại chi tiết việc này, chỉ biết rằng khi bệnh viện trả về nó mất trên tay mẹ tôi, giữa trời đêm lạnh của tháng Hai Âm lịch, tôi cũng không bao giờ hiểu cảm giác khi đó của mẹ tôi lúc ấy, chỉ biết rằng hơn ba mươi năm trôi qua vào ngày giỗ của nó, mẹ tôi không thắp hương, không hỏi han, cũng không kể, hiếm lắm có người gợi chuyện mẹ tôi chỉ nói dăm ba câu qua loa. Mỗi khi tôi thắc mắc về việc này thì mẹ tôi chỉ nói:

- Sao tao phải thắp hương cho nó? Nó là con tao, tao thương nó vậy mà nó bỏ tao đi.

Tôi cảm nhận trong câu nói ấy có chút hờn giận, chút đau khổ, chút bi ai... Tôi thật không cảm nhận được hết vì tôi không phải phụ nữ, không mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, không hiểu được hết tình mẫu tử. Tôi chỉ biết nghe và im lặng, đó là quyền lựa chọn của mẹ tôi, còn với cá nhân tôi, khi đó còn quá nhỏ để hiểu nỗi buồn đau là như thế nào.

Bố tôi về đến nơi khi việc chôn cất đã xong xuôi nhưng mọi thứ quá nhanh, bố tôi có lẽ cũng thấy buồn vì việc không kịp nhìn con gái mình lần cuối.

- Con chị nó đi, con dì nó tới, số nó làm con chỉ được đến vậy nhưng nó sẽ đưa về đứa khác, nhưng phải đem chôn ngay chiều nay!

Đấy là lời của bà thầy hay ông thầy nói cho người nhà lúc đến xem giờ mất, giờ chôn. Việc ma chay đều do họ hàng tổ chức một cách nhanh gọn là như vậy, đến bây giờ mỗi khi có người nằm xuống, đi chôn giờ nào cũng phần lớn do bà thầy hay ông sư đưa ra.

- Từ khi nó biết nói đến lúc nó chết, nó chỉ gọi mẹ xưng tên chứ không xưng con với tao bao giờ! Số nó được đi hầu Quan Âm nên nó không chịu xưng con với ai!
Mẹ tôi nói tiếp, trong khi tay vẫn không ngưng công việc bán hàng ở chợ.

Nhưng cuối năm 1989, tôi lại có thêm đứa em gái khác thật!

Từ lúc em gái tôi mất đến lúc con bé em gái út ra đời chính xác là chín tháng một ngày, cũng cùng năm đó. Con bé út nhà tôi lớn lên với nước da bánh mật chứ không trắng (bây giờ dùng đủ các thể loại dưỡng da với ở nhà chơi nên nước da đã trắng theo đúng mong muốn) ảnh chụp bây giờ nhìn khá giống Hiền Hồ, tôi hay gọi là Hàm Hồ vì ít nhiều nó cũng phải dùng ứng dụng chứ, Hiền Hồ tôi nghe nói còn rất trẻ, nó thì đã ngoài ba mươi tuổi rồi. Con bé út từ nhỏ đến lớn không xa rời mẹ tôi nửa bước, khi lấy chồng điều kì lạ là bố mẹ tôi chuyển cửa hàng đi đâu thì chỉ chừng một, hai tháng sau nhà nó lại chuyển đến gần đấy. Kể ra trong ba anh em hiện nay nó vẫn là đứa được chiều từ nhỏ, lấy chồng cũng được chồng cưng chiều, cuộc sống hiện tại chỉ thấy dành thời gian chăm con và săn đồ giảm giá, tính toán uống trà sữa gọi chỗ nào lợi giá, lên đồ cho con trai và con gái lên hình như người mẫu ảnh... tuyệt nhiên không màng thế sự. Kiểu như miệng thì kêu nghèo khó nhưng tay thì đặt đồ ăn đồ uống nhanh như chớp. Thi thoảng tôi đọc thấy bài đăng của các bạn trẻ viết rằng "đám cưới có nên mời anh giao hàng không?" Ây, tôi cứ tưởng đó là nó cơ đấy.
Sau khi em tôi mất được chừng ba tháng thì mọi thứ xáo trộn, bố tôi không làm ăn trên Lạng Sơn nữa, còn mẹ tôi cũng muốn bỏ Thái Nguyên, như kiểu chạy trốn nỗi đau.

Cả gia đình đi Hòa Bình, lên xứ mà người ta gọi là rừng thiêng nước độc, bằng chiếc xe Gaz màu xanh, lỉnh kỉnh những đồ đạc. Điểm đến sau cùng là gần ngã ba Xưa, người ta hay gọi đùa là “ngã ba say”, đã nhiều năm rồi, tôi không rõ địa điểm này bây giờ ra sao. Huyện Lạc Sơn, Hòa Bình này người Kinh sống lẫn với người Mường nhiều, người Mường nghe đâu có nhiều bùa chú. Ví dụ như bùa yêu, bùa yêu thời đó nghe đâu dùng cây mía để làm phép, tôi chịu! Bùa thì không thấy nhưng việc người bị ma nhập thì cũng nhiều lần thấy, chả rõ ma rừng hay ma nào nhưng người bị nhập làm nhiều hành động kì quái, làm nhiều thứ không tưởng! Họ có thể trèo lên nóc nhà nhanh như con thạch sùng vậy.

Đã nhiều năm, tôi không còn nhớ tên cái nông trường nơi gia đình tôi đã sinh sống, dân ở cũng tương đối đông và cây cối thì bạt ngàn, nhà nọ cách nhà kia chỉ chừng ba con dao quăng.

Gia đình tôi thuê lại một căn nhà nhỏ của vợ chồng bác Chín Hợi, vợ chồng bác này cũng từ vùng khác đến làm kinh tế mới hồi sau giải phóng. Căn nhà lợp mái tranh vách đất giống như nhiều căn nhà ở miền núi Tây Bắc thời cuối những năm tám mươi của thế kỉ trước. Ổn định chỗ ở được vài ngày thì tôi bị ốm, sốt cao, bà nội tôi bảo do lạ nước, nhưng tôi bị sốt cao nên đã sinh ra ảo giác.

Trong những cơn sốt tôi mơ thấy rất nhiều bộ đội, bộ đội bắc thang trổ mái nhà rồi leo lên đứng trên đấy hò hét bắn máy bay! Cơn mê sảng ấy cứ lặp đi lặp lại, những chú bộ đội quần áo sạch sẽ, mũ cối mới tinh tươm cứ lần lượt đi qua trước mặt tôi, rồi cái thang xuất hiện, rồi lần lượt leo lên, hô bắn rồi lại biến mất.
Tôi không sợ, đúng hơn là không biết sợ, tôi kể lại cho bà nội những hình ảnh ấy, bà tôi không nói gì. Tôi có nói những điều mình nhìn thấy trong cơn mê cho những người lớn khác nhưng không ai giải thích cho tôi, đáp lại là sự im lặng. Về sau tôi được biết trong khu vườn rộng bạt ngàn đấy đã từng dính bom B52 rải thảm, một tiểu đội hay trung đội pháo cao xạ đã hi sinh, có người tìm thấy xác, một số không phân biệt nổi các bộ phận trên cơ thể, sau hòa bình, mộ phần đã được đưa về nghĩa trang, đấy là những điều tôi được nghe kể lại, không rõ tính xác thực đến đâu.

Gia đình bác Chín Hợi có mấy người con, trong đó có một anh con trai lớn tên H. chừng mười sáu tuổi, anh ấy rất khỏe, ngoài việc học thường hay làm mấy công việc nặng để kiếm tiền, như đào huyệt, đào móng nhà..., lần đấy anh H. đi cùng phường thợ đào móng nhà cũng gần nông trường, tôi chưa đi học nên cũng đi theo để xem, trẻ con mà, chơi loanh quanh chỗ người lớn làm nhân tiện hái sim, hái mua, hái mâm xôi ở những triền đồi.

Anh H. đào móng, tôi ngồi chồm hỗm gần đấy, bỗng dưng anh dừng việc đào lại cúi xuống lúi húi vạt đất, tôi lon ton lại gần. Lẫn trong đám đất là một thứ, gần giống như bát ăn cơm bằng kim loại, tôi chợt nhớ tới cái bát sắt tráng men ở nhà. Anh H. lấy cái bát đó lên nhìn nghiêng nhìn dọc, cẩn thận gạt những bụi đất còn dính đầy trên bát rồi gọi người khác lại, họ nói gì đó với nhau rồi anh H. ngưng làm, rửa tay chân rồi đi về.

Tôi đi về theo, tôi không phải em trai nhưng anh H. thấy tôi không gây phiền nên cũng không đuổi tôi về nhà, anh H. đi ra chợ gặp một người nói chuyện hồi lâu, người đó xem rồi trả Hai mươi nghìn đồng cho cái bát anh mang tới. Hai mươi nghìn đồng mua được rất nhiều kem mút, số tiền nhiều nhất tôi từng có là Một trăm hai mươi đồng, tờ tiền to nhất tôi từng có là tờ Năm mươi đồng.

- Khi nào bà bán kem đi qua tao sẽ mua cho mày hẳn mười que luôn nhé N.

Anh H. nói với tôi, tay đút tiền vào túi, tôi lại theo anh đi, lần này là về nhà thật. Sáng hôm sau khi ngủ dậy tôi đi tìm anh H. để đi theo xem đào đất tiếp, nếu vô tình gặp bà bán kem thì được ăn kem nữa, hẳn mười que.

- Thằng H. ra trạm xá sáng nay rồi! - Bà tôi nói trong khi đưa cho tôi bắp ngô luộc.

Qua ngày hôm sau nữa anh H. vẫn chưa về, nhà bác Chín Hợi cũng nhốn nháo, một đứa năm tuổi như tôi dĩ nhiên chả biết chuyện gì đang diễn ra, đến chiều tối thấy nhiều người lớn ngồi quanh bàn uống nước, có cả bố tôi nữa, tôi thì cũng không vắng mặt, tôi ngồi cạnh cửa hông của căn nhà mải nghĩ khi nào gặp anh H. để ăn kem.
- Chắc phải đưa cháu nó lên huyện, ở trạm xá người ta không biết bệnh gì cả, cháu nó cứ mê man nói linh tinh rồi ôm đầu la hét. - Bác Chín nói.

- Đưa cháu lên huyện luôn bác ạ, em chở đi. - Bố tôi nói.

Bác Chín ngập ngừng, nhấp chén trà mắt nhìn chăm chăm vào ly nước.

- Nếu bác thiếu tiền thì em đưa trước tiền thuê nhà để bác dùng. - Vẫn là bố tôi nói tiếp.

- Lên huyện thì không khó, cái tôi lo là không biết cháu nó bị cái gì, đêm hôm trước đi ăn cùng đám thợ đào móng cho nhà Tùng, nó ra ngoài đi tiểu xong la hét ôm đầu rồi không nói thêm được gì nữa. - Bác Chín rầu rĩ.

- Chắc là trúng gió, uống rượu ban đêm ra ngoài có khi phải cảm bác ơi. - Ai đó lên tiếng.

- Có khi ăn phải đồ ôi thiu, hôm qua đám thợ đào móng nhà Tùng nghỉ cả loạt, nghe đâu bị tiêu chảy. - Một trong số người lớn bổ sung thông tin.

Ngồi thêm một lúc, quyết định đưa anh H. lên bệnh viện huyện, mọi người đứng dậy toan ra về, tôi lại gần bố tôi, vô tình buột miệng:

- Hôm kia anh H. có đầy tiền, tận Hai mươi nghìn đồng cơ, bố không phải cho bác Chín mượn đâu!

Tôi thấy sự khó hiểu trong mắt bố, ông nheo mắt lại, quay đầu nhìn bác Chín, bác ấy có vẻ cũng chả hiểu tôi nói gì. Tôi nói tiếp như sợ người lớn không để tâm tới.

- Con nói thật, Hai mươi nghìn đồng đấy, nhiều lắm, bán có một cái bát ăn cơm thôi, anh ấy hứa mua kem cho con nữa mà.

Choang!

Tiếng cái gì đó rơi vỡ, tôi không biết, xung quanh tôi tiếp theo đó là sự im lặng của người lớn, có vẻ họ đang nhìn lẫn nhau. Một ông khoảng ngoài sáu mươi tuổi, râu cằm mọc đen, dài dài nhưng không mượt như trong phim bây giờ, lao tới vồ lấy hai vai tôi, đôi mắt mở lớn vẻ ngạc nhiên, thở gấp gáp:

- Bát à, bát ăn cơm đấy bán cho ai? Trông nó như thế nào? Cháu biết không?

Tôi kể lại những gì mình thấy rành mạch, có vẻ thông tin có ích thật, ai đó nói rằng phải đi hỏi ông chủ thầu xem có đúng là đào được cái bát khi đào móng hay không, trẻ con nói thật nhưng vẫn phải xác minh cho chắc. Đúng như tôi kể, người lớn biết được thứ anh H. đã đào là đồ cổ, mang bán được tiền nên đêm hôm kia cả nhóm thợ đi ăn thịt chó, uống rượu túy lúy, đang ăn thì thấy anh H. kêu la, tay ôm đầu nên đưa ra trạm xá, còn những người khác bị tiêu chảy nằm ở nhà đến nay vẫn chưa hết bệnh.

Phải đi mời thầy cúng về!

Mệnh lệnh đã được đưa ra, người già trong khóm dân cư ấy đã đưa ra lời khuyên phải mời gấp thầy cúng về, nếu muộn e là sẽ có người mất mạng.
Trời gần về khuya, thầy cúng đã được mời tới nhà, trẻ con không được xem nhưng lúc tối bác gái đã ra chợ mua nhiều thứ lỉnh kỉnh tôi lần đầu nhìn thấy.
Anh H. đã lấy bát ăn cơm của người âm, một cái bát bằng kim loại, bây giờ người ta đòi phải trả lại nếu không sẽ phải chết! Việc này bây giờ có hoang đường không? Nhưng hơn ba mươi năm trước, lời thầy cúng đã như thánh chỉ, bác Chín lập tức đi gặp người mua nói chuyện chuộc lại đồ, người kia cũng không gây khó dễ, có lẽ họ hiểu.

Nửa buổi sáng hôm sau anh H. về, có vẻ tiều tụy hơn, mặt nhợt nhạt, đôi mắt lờ đờ. Sau này anh kể lại rằng, đang ăn nghe tiếng ai đó gọi ra ngoài, bước ra khỏi quán nhậu là bãi đất trống ven đường, dưới ánh đèn điện màu vàng nhạt hắt ra từ quán, có hai cái bóng mờ mờ cởi trần lao tới khóa tay theo kiểu giật cánh khuỷu, một bóng khác tát và đạp vào đầu anh rất nhiều đến choáng váng. Họ liên tục tra hỏi anh về bát ăn cơm đã bán đi đâu, bán cho ai, phải trả lại ngay nếu không sẽ giết anh, anh H. muốn la lên kêu cứu nhưng lại không thể nói ra tiếng, đến khi tỉnh lại thì thấy mẹ anh ngồi cạnh giường trong trạm xá. Thứ đồ anh tìm thấy có lẽ không phải chỉ là bát ăn cơm của một con ma bình thường.

Mọi thứ lại yên bình trở lại, việc anh H. lấy bát của người âm đi bán rồi ai cũng biết nhưng là chuyện có vẻ như chuyện bình thường vậy.

***

vô địch lưu , hài hước đọc giải trí