Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 3: Không có quan tài phù hợp



Những năm này, ở Quỳ Châu và Thái Nguyên rộ lên phong trào đi đào đá đỏ và đào vàng, bố tôi cũng bắt trend nên tay nải rời nhà, bố tôi quyết định theo hướng mua bán nhỏ lẻ vàng cám của những người đào ở bãi vàng trên Thái Nguyên, được một người có máu mặt bảo kê nên cũng tay cân tay tiền vào hành nghề ở bãi mà không gặp khó khăn gì. Sau một lần cân gian bán thiếu cho giang hồ tại bãi, bị bẻ cân, chỉ thiếu chút nữa thì bỏ mạng trong rừng sâu, nếu không có đại ca ở bãi đó đứng ra thì tôi mồ côi cha luôn từ những năm đấy. Khi trưởng thành, tôi được kể rằng người đại ca của bãi vàng giúp bố tôi lúc ấy khi còn trẻ đã lăn lộn cùng bố tôi mua bán súng quân dụng và bị bắt ở Lạng Sơn, bố tôi thì thoát được chạy về nhờ người quen là công an cứu bác đó ra, vì thế hai người mới thân thiết như vậy.
Bố tôi từ bỏ nghề mua bán vàng cò con ấy, tôi cũng thoát cảnh một tháng có vài ngày vào buổi tối đứng đạp cái pen hơi để bố khò vàng cục nhỏ thành hình những cái nhẫn, mặc dù được cho tiền mua kẹo, mua kem nhưng việc đạp vào cái pen như bơm xe đạp ấy rất mệt, phải đạp đều và liên tục, tôi cũng chả biết cái dụng cụ đấy gọi là cái gì.

Thất nghiệp nghề vàng, bố tôi chuyển qua bán tivi cho người Mường và thu mua hạt sa nhân. Tivi mua từ Hà Nội, vẫn là cái hiệu National vỏ màu đỏ, có tặng kèm thêm một tấm nhựa màu xanh chắn màn hình để tivi có vẻ như... có màu, đỡ nhìn đen trắng nhàm chán, mỗi cái tivi được bán thành công mang lại lợi nhuận đến Bốn trăm nghìn đồng, khoảng ba chỉ vàng bây giờ, còn hạt sa nhân thu mua thì lại bán về Hà Nội. Bởi vậy nhà tôi cũng thuộc diện có điều kiện kinh tế ở khu nông trường và vì thế bố tôi cũng có nhiều bạn bè, điều này ngay từ nhỏ tôi đã tự hiểu, người làm ăn buôn bán luôn có nhiều bạn bè hơn những người làm nghề khác.

Tôi đến nơi vào buổi trưa, đám ma đã có cờ báo tang treo ven đường, căn nhà hai tầng khang trang có mặt tiền nằm ở chân cầu, giờ tôi không còn nhớ tên, bên hông là con suối nhỏ. (Nếu bạn nào đó đang ở thị trấn này chắc sẽ biết tên cây cầu đó mà thôi). Chú tôi (ở miền Trung và miền Nam gọi là dượng) treo cổ tự tử!!!

Không biết nguyên nhân như nào, người thì bảo thua cờ bạc nợ nhiều, người thì nói do buồn chuyện gia đình ở quê... tất cả chỉ là phỏng đoán của mọi người, đến bây giờ cũng chưa có nguyên nhân cụ thể vì người chết làm sao mà nói đây?

Cô tôi khóc vật vã bên cạnh cái giường ngoài phòng khách nơi chú tôi nằm trên đấy, mặt đã được phủ khăn, tôi chỉ được đứng nhìn từ cửa sổ, mẹ tôi cũng khóc, bà tôi cũng như thế và nhiều người khác nữa. Chú ấy được phát hiện lúc sáng khi đứa con gái lớn dậy đánh răng thấy chân bố mình lửng lơ, thân treo trên xà bếp và lưỡi thì thè ra ngoài, con bé chỉ mới sáu tuổi! Lúc tôi tới nó và hai đứa nhỏ hơn đã được đưa qua nhà người thân trông coi giúp, đứa nhỏ nhất mới chỉ ba tháng tuổi. Tôi không biết việc đó ám ảnh nó như thế nào nhưng nó là một đứa nghị lực tốt, kiên định, sau này đi học lên cấp ba còn đoạt hạng nhì khi đi thi học sinh giỏi tỉnh Bắc Ninh, lúc thi đại học nó lại là thủ khoa đầu vào cái ngành nó học của trường Đại học Văn Hóa.

Tôi có hai cô ruột, khi trẻ hai cô đều lấy chồng cùng năm, lúc tính cưới nhiều người đã bảo là không nên vì kiêng kị, các bậc tiền bối trong họ cũng khuyên ngăn nhưng cô út vẫn kiên quyết, bên đằng trai cũng xem tuổi thấy năm đó tốt nên chả ai cản được. Cuộc đời không ai biết được điều gì, cũng có thể ông thầy nào đó nói đúng hoặc kinh nghiệm nghìn năm cha ông truyền lại là đúng. Nói chung, thầy bà tướng số cũng có nhiều loại, nếu như tôi gặp lại bà thầy đã xem tuổi tôi và người yêu, phán cho mẹ vợ tôi cái gì đó làm bà ngăn cản cật lực một thời gian dài chắc chắn tôi sẽ đập bà ta một trận ra trò nhưng cũng có thể bà ấy nói đúng, dù sao cuộc đời vẫn còn rất dài.

Chú B. đã chết, đấy là sự thật, con người hay cười, đẹp trai, cao hơn một mét tám ấy mỗi lần gặp các cháu đều có quà. Tôi nghe đâu bố tôi bảo, chú ấy cũng có tiếng tăm trong giới xã hội đen nơi ấy, đi đâu cũng mang trong người côn nhị khúc, đánh đấm nhiều trận phân cao thấp trong thế giới ngầm.
Vẫn chưa có quan tài nào phù hợp!

Chú ấy cao hơn mức phổ thông lại gấp gáp nên cả thị trấn và lân cận kiếm mãi cũng chỉ có một cái mà khi nhập quan vẫn thừa chân, áng chừng thiếu đến ba cen - ti - mét, tôi chỉ áng chừng vậy thôi, làm gì được lại gần mà biết rõ. Mọi người không biết nên làm sao, người thì to mà quan tài nhỏ lại ngắn, lại phải đưa về quê chôn cất, quãng đường một trăm năm mươi ki - lô - mét không phải là gần.

Đúng lúc ấy, có một người tôi không biết là ai bước lại gần nhìn rồi quay sang nói gì đó với mấy người xung quanh, sau đấy tách khỏi đám đông đang vây quanh và đi theo bố tôi, đứa tò mò như tôi làm sao bỏ qua cơ hội đi theo chứ. Bố tôi dẫn người lạ ấy vào phòng ngủ của cô chú trên tầng 1, người ấy xem xét một hồi, nhắm mắt lại lẩm bẩm gì đó trong miệng kiểu như niệm thần chú, ra điều rất bí hiểm, tôi vểnh tai nghe nhưng có điều tiếng nhỏ quá tôi chả nghe thấy.

Một lát, bỗng nhiên người lạ mở mắt rồi lấy chân đạp "phịch" một cái thật mạnh vào phía chân giường, tôi chả biết ông ta định làm gì nhưng cùng lúc ấy dưới nhà xôn xao hẳn lên.

Hai chân người chết đã nằm lọt trong quan tài như một phép màu!!!

Người Mường vẫn có những điều thật kỳ bí, đến nay tôi vẫn có thiện cảm với người Mường hoặc người ở Hòa Bình, có lẽ do họ mang lại cho tôi những điều kỳ lạ ấy.
Chú tôi sẽ được đưa về quê và chôn gần mộ của ông nội tôi, mọi người đã quyết định như vậy và đánh điện về quê và sáng sớm mai sẽ khởi hành...
Chuyến xe tang xuất phát từ thị trấn ấy đi qua thị xã Hòa Bình, qua cả Thủ đô (lần đầu đến Thủ đô trong tình huống này) rồi về quê. Tôi được đi cùng đơn giản vì đã thi xong, chỉ là chưa tổng kết năm và quan trọng tôi là đứa không phá quấy hay gây phiền cho ai.

Còn cách làng tôi chừng năm ki - lô - mét thì có sự cố dở khóc dở cười, nghe thì cũng bán tín bán nghi, là do đường đi quá dài nên... vàng mã mang theo rải đường bị hết!!! Xe chở áo quan không thể di chuyển được, máy xe nổ bình thường mà xe cứ ì ra như bị ai đó kéo lại! Bác tài xế mặt tái mét còn mọi người lại nháo nhào gom tiền lẻ lại, những tờ Một trăm đồng, Hai trăm đồng, Năm trăm đồng, Một nghìn đồng, đồng được giao cho một bác phụ nữ. Những tờ tiền được vứt xuống dưới đường, cái xe chở áo quan lại bon bon chạy, tôi ở trên xe ca Hải Âu (xe khách) thấy mọi người im lặng, trán vài người lấm tấm mồ hôi còn tôi thì tò mò việc đấy rất nhiều.

Bà Già giải thích cho tôi rằng rải vàng mã xem như lộ phí đi đường đưa cho ma quỷ, cô hồn để chúng không gây phiền nhiễu hay gây khó khăn cho việc đưa tang, vì hết vàng mã nên ma quỷ kéo xe tang lại không cho đi tiếp. Nghe thì biết vậy, mấy năm sau tôi được trải nghiệm kĩ hơn cái này, không nhìn thấy gì nhưng lại cảm nhận thấy cái gì đó, nói thật lúc đấy chỉ còn thiếu điều đái ra quần mà thôi, muốn chạy nhưng chân đông cứng.

Bây giờ tình trạng rải vàng mã vẫn còn dù Nhà nước đã cấm, có người tin người không về việc này, tôi thuộc nhóm bán tín bán nghi, không tin nhưng muốn thử, thử xong vẫn nửa tin nửa ngờ nhưng tôi biết nhiều người không muốn có sự cố bất ngờ trong lúc tang gia bối rối như vậy.
Ở làng người ta bàn tán xôn xao về chú B., tự tử là điều gì đó rất kinh khủng ở một làng quê vốn yên bình này. Làng tôi cho đến nay vẫn giữ những phong tục từ xưa, ví như đã chết ở xa thì không được mang vào làng, chỉ được để ngoài cổng làng gần cây đa cổ thụ mà thôi.

Chú B. tôi cứ như vậy về với đất, để lại vợ và ba đứa con cho cuộc đời vùi dập, nhiều năm sau này mẹ tôi thi thoảng có kể lại một vài điều về chú B., chồng cô út của tôi, ấy là thời cô út tôi chưa lấy chồng, mới đang yêu chú B. thì có lần cô cùng mẹ tôi đi xem thầy. Thầy xem quẻ và hỏi rằng tại sao không lấy người tuổi khác đang theo đuổi mà lại chọn lấy chú B.? Thấy cô tôi trình bày và có vẻ quả quyết lấy cho bằng được thì thầy chỉ nói:

- Anh này anh ấy bạc lắm!

Cô tôi lúc ấy còn trẻ, mới mười tám tuổi và mẹ tôi hai mươi, cả hai nói chuyện với nhau trên đường về rằng cùng lắm thì chú ấy chơi cờ bạc và đánh vợ con là cùng, dù gì ở làng tôi thì đàn ông cờ bạc là một chuyện quá ư bình thường, ai cũng chơi, từ trẻ lên mười đến bà cụ tám mươi tuổi. Chú B., lại là một thanh niên đẹp trai, cao ráo, là mẫu người lý tưởng của nhiều cô khác trong làng nên những lời cảnh báo của thầy bói cũng mau bị quên đi. Cũng có lần dưới ánh đèn điện sáng choang của ngôi nhà ở quê, cô út tôi nói rằng thời ấy chú B. tôi cũng có quen một phụ nữ người Mường, nhiều người bảo cô rằng chú B. đã bị bỏ bùa, bắt phải bỏ vợ bỏ con để theo người ta hoặc là chết, có lẽ... Có lẽ chú ấy không tin và câu chuyện này cũng không biết thực hư đến như thế nào. Nếu ngồi xâu chuỗi lại các sự việc thì cá nhân tôi cũng cho rằng phải có ẩn tình phía sau, một người chẳng thấy nợ nần gì, giao thiệp rộng, vợ đẹp, con ngoan mà tự nhiên đi tìm cái chết một cách đầy khó hiểu.
Người chết thì yên phận nhưng người sống sẽ phải sống chung với nỗi đau.

Còn với tôi, quê hương lúc này tôi chưa có khái niệm gì, lần đầu tôi về làng chỉ có kỉ niệm như vậy, không ngủ đêm lại, hạ huyệt chú B. xong đoàn xe quay đầu trở về Hòa Bình.

Trở lại nhà, chỉ hơn một tuần sau thì tôi chút xíu nữa đã gây ra đại họa!
***

vô địch lưu , hài hước đọc giải trí