Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 31: Ma Nữ Trên Cây Thị



Bà Già không thể cho tôi thêm thông tin gì hữu ích, bà cũng nghe người ta nói bên khu ấy có ma, thậm chí nhiều ma nhưng chỉ có người ở bên khu đó người ta mới biết chuyện rõ hơn.

Mấy hôm sau, quãng đầu tháng Mười hai Dương lịch, hàng xóm gần nhà tôi có đám cưới, tôi chỉ biết hai bác hàng xóm đấy nhiều con cái và đi làm ăn xa, tôi không biết ai trong số đó, cũng chưa gặp, bà tôi nói rằng bố sẽ về dự đám cưới, tôi cho là bình thường. Làng này họ hàng đan chéo nhau, có cái gì lạ đâu, nhưng mà từ đợt có cái xe xịn sò có vẻ bố tôi chăm về.

Trước đám cưới một ngày, chiều ấy tôi ở nhà thì thấy mấy người bước vào cổng, toàn người lớn, một người đi phía trước bê trên đầu cái mâm xôi vò màu vàng vàng, phía trên có cả một con gà luộc nhìn trông rất đẹp. Tôi thấy rất lạ, đời tôi chưa có tham gia sự kiện gì kiểu như này nên tôi không hiểu, mà lúc này bà Già lại đi đâu mất rồi.

- Thằng lớn nhà Tr. đây phỏng?

Một bác gái lớn tuổi chỉ vào tôi lúc này đang đứng trên thềm, tôi vội bước xuống sân.

- Cháu con bố Kh. ạ!

- Ừ thì Kh., thế bà đâu rồi?

- Cháu không biết ạ, chắc bà cháu đi chơi đâu đó gần đây, để cháu đi gọi.

- Thôi không cần!

Bác gái phẩy tay ra hiệu cho tôi rồi nhắc người thanh niên đang đội cái mâm lễ, tôi đoán là nặng, bước lên thềm đi vào nhà.

- Em là con cậu Tr. hả?

- Dạ!

- Lớn nhanh thế, mới ngày nào chị gặp còn bế ẵm ngửa mà giờ lớn tướng rồi. Em biết chị không?

Chị hỏi cũng hay thật, chị bế em ẵm ngửa thì em biết làm sao được, nhưng tôi cứ gật đầu đại, chị ấy xoa đầu rồi dúi vào tay tôi tờ Hai mươi nghìn.

- Chị cho mua kẹo!

Tôi hơi ngơ ngác, chị này tôi chả biết nhưng đoán là con bác N. hàng xóm rồi, nhìn cũng giống nhau, lại là trẻ nhất, mấy người kia toàn lớn tuổi cả. Tôi đã được dạy là không tùy tiện nhận tiền hay quà của người khác, vụ trói vào gốc cau tôi quên sao được, vậy nên tôi không nhận, nhưng chị ấy lại lấy thêm tờ nữa, chả lẽ sợ mình chê ít.

- Cầm đi chị cho, chị cho bố không mắng!

Chị ấy cầm lấy tay tôi nhét tiền vào, tôi thật lòng rất ngại. Xoa đầu tôi thêm lần nữa rồi chị đi vào nhà, tôi cũng bước theo sau.

Mâm lễ với xôi và gà được đặt lên ban thờ gia tiên, bác gái kia vái rồi lẩm bẩm khấn gì đó trong miệng, sau đó chị gái mới nãy cho tôi tiền tiến tới một mình làm lễ, khấn vái xong thì đoàn người ra về, bỏ tôi lại ngơ ngác hết nhìn lên ban thờ, nhìn tiền trên tay rồi lại nhìn ra cổng nơi đoàn người đã rẽ phải đi khuất. Họ đến và đi chả giải thích với tôi câu nào.

Bà Già về, thấy mâm lễ trên ban thờ cũng không hỏi, tôi tò mò.

- Sao người ta lại mang lễ đến nhà mình làm gì bà? Cháu chả thấy ai quen hay có họ.

- À, đây là đĩ Th. nó mang lễ đến chứ ai.

Ở làng tôi các cụ già hay dùng từ "Đĩ" để nói về các con, cháu gái. Hồi tôi mới nhập học tôi cũng bị sốc nặng khi đám con gái dùng từ "Đĩ" để chỉ các bạn khác khi kể chuyện, còn khi nhắc đến đám con trai sẽ là "Thằng cu". Thằng cu N, thằng cu H.... con đĩ M, con đĩ Ph.... tôi nghe rất dị ứng, bởi vì ở xứ đồng rừng tôi biết, từ "Đĩ" để chỉ những cô lăng nhăng, đi ngủ với nhiều người, nói chung là chả tốt đẹp gì. Tôi đã nói điều đó với những đứa con gái, chả thay đổi được gì, đây là từ địa phương mất rồi, tôi nghe nhưng chưa bao giờ nói, tôi không thể bắt đám bạn là đừng gọi như vậy nhưng tôi có quyền nhắc mình không được nói. Nhưng bà Già là người lớn, là người già nói nên tôi cũng cho là bình thường, bây giờ gặp nhau mà gọi là "con đĩ Ph., con đĩ M" thì chúng nó cào mặt xé áo cho mà xem. Nhưng mấy lần gặp đám bạn cũ, tôi hay hỏi như này.

- Mấy con đĩ kia tới chưa nhỉ?

- Thằng N., mày bỏ ngay cái kiểu gọi ấy đi nhá!

- Đâu, tao chỉ hỏi xem còn thiếu ai?!

- Nhưng mày bỏ cái kiểu hỏi ấy đi không được à?

- Khổ! Lúc tao nói thì chúng mày bảo tao là ở đây gọi thế, tao tuy đi xa nhưng luôn nhớ nguồn cội, luôn nhớ mấy con đĩ tao quen ở quê.

Đám con trai thì cười như nắc nẻ, còn bọn gái thì tức lắm, cứ nhắm tôi đá đểu để xả, nhưng tôi bị điếc từ nhỏ, chả nghe thấy gì.

Cái chị gái xoa đầu và cho tôi tiền sẽ là cô dâu vào ngày mai, chị ấy tên Th., gọi bố tôi bằng cậu mặc dù chả họ hàng gì, lúc xưa là gọi bằng bố, nguyên nhân là vì câu chuyện của hai mươi năm trước.

Một ngày mùa mưa, mưa mấy hôm liền làm nước từ con mương dâng cao nên các ao trong làng nước đầy chạm cả mặt đường. Tầm buổi trưa cả khu đều đi làm đồng, chỉ còn đám trẻ con ở nhà chơi và trẻ con lại hay nghịch nước, ở đâu cũng thế. Mấy chị em chị Th. chơi ở gần mấy cái ao trước cửa nhà tôi, chị Th. lúc ấy mới khoảng ba tuổi hụt chân rơi xuống ao, chới với rồi chìm nghỉm, mấy chị em còn lại la hét toáng lên kêu cứu nhưng giờ này không có người lớn.

Bố tôi vừa hay lúc ấy đang gánh cơm chuẩn bị mang ra đồng cho hai bà ăn thì nghe thấy tiếng la hét của đám trẻ con ngay trước nhà, hạ gánh cơm xuống, bố tôi vác đòn gánh chạy lại, lúc này ông cũng được mười bốn tuổi rồi, có thể xem là lớn. Bố tôi học hết lớp 7 thì do lý lịch gia đình địa chủ nên bị cắt suất theo học cấp III, thay bằng một người học dốt có tiếng nhưng lại thuộc "nhóm 5c", khi đi học ông được bầu làm cán sự toán, thay thầy cô kiểm tra, giúp đỡ các bạn, sau khi bị nghỉ học thì ở nhà giúp hai mẹ chăm em, làm đồng.

Bố tôi chạy ra đến ao, cũng không xa, ngay cửa nhà, cách khoảng bảy mươi mét, bố tôi nhảy ùm xuống cái ao ngay sau khi chị của chị Th. chỉ chỗ chị ấy vừa chìm, ông nhảy xuống vẫn mang theo đòn gánh. Nước ao lên cao, bố tôi lặn xuống rồi dùng cái đòn gánh quơ quơ dưới nước. May mắn, bố tôi quơ trúng chị Th. lúc này đã uống no nước và sắp mất ý thức, cái đòn gánh như cái phao cứu cánh lúc thập tử nhất sinh, chị nắm lấy và bố tôi cũng nhanh chóng túm được tóc chị, trồi lên mặt nước, lôi nhanh vào bờ rồi cầm chân dốc ngược người chị Th. mấy cái, sau đó cho lên vai rồi vác chạy về nhà tôi, khi đó vẫn là nhà tranh vách đất. Bố sơ cứu bằng cách để tay lên ngực đứa bé rồi ấn xuống, cho nước trào ngược ra miệng.

Chị Th. được cứu!

Bố mẹ chị ấy mang lễ sang nhà tôi, xin cho chị Th. làm con nuôi của bố, tục lệ của làng là như vậy, nhưng bố tôi còn nhỏ nên gọi là cậu, xem như em của mẹ cũng được, nếu tính ra cũng là có họ, tuy xa lắc nhưng có họ vẫn là tốt.

- Đấy! Thế nên đĩ Th. nó lấy chồng, nó mang lễ đến bái gia tiên nhà mình là như vậy. Mà như mày, đúng ra mày tên là Hùng, nhưng cái bà mẹ nuôi của mẹ mày tên Hùng nên lại phải đổi.

Vậy ra, mẹ tôi lúc nhỏ cũng được người làng cứu khỏi chết đuối. Chồng cứu người còn người khác cứu vợ, cũng thật là trùng hợp, có khi nào...

Bố tôi về vào sớm hôm sau, nhân lúc bố còn ở nhà chưa đi đám cưới thì tôi hỏi lại chuyện xưa khi bố cứu người, ông kể lại cho tôi và kể thêm chuyện khi tôi hỏi về ma Mẹ Chẽ.

- Chỗ ngã ba con mương ấy lúc nhỏ bố với bà Già mày cũng hay ra cất vó tôm ở đấy, cũng nghe người làng kể là gần đấy có con ma Mẹ Chẽ nhưng bố chưa thấy. Nhưng mà ma cỏ mày cũng đừng có tin, có ai thấy bao giờ đâu.

- Dạ! Tại con nghe mấy đứa nó kể nên con hỏi.

- Bố nghe kể con ma Mẹ Chẽ đấy bị chết đuối gần đoạn ngã ba mương đấy, xưa kia lúc chưa có đường Quốc lộ, dân làng mình vẫn dùng con đường đất để đi xuống làng Bưởi Nồi, đoạn đấy có cây đa, gọi là cây đa Chẽ nhưng bố không hiểu sao lại gọi vậy.

- Cây đa đó chỗ nào hả bố?

- Cây đa chặt hồi bố còn bé, nghe bảo phải chặt đi vì nhiều ma quỷ, chả biết thế nào, hồi chặt còn cái gốc mà nhiều nhánh mọc tua tủa nhọn như gươm đao nên dân bứng gốc luôn.

- Nhưng sao lại chặt đi, bà Già bảo là cây đa hay có Thần đa lắm.

- Sao mà biết, nghe đâu thời giặc Pháp đến vùng này nó treo cổ nhiều người chống đối ở đấy.

Treo cổ?!

Tự nhiên tôi nhớ đến hình ảnh bóng người lắc lư trong đêm hôm trước, tôi cũng chợt nhớ ra mình quên luôn việc đến nhà thằng B.

- À bố, hồi xưa nhà mình có cái miếu như đợt trước bà H. Lớn bảo, sao bố không xây đi, rồi với cả lên chùa làm lễ như bà bảo.

- Tết này về bố mẹ sẽ làm lễ, mà sao mày cứ hỏi mấy chuyện đấy?

- Thì con thấy bà H. Lớn lần nào lên chơi cũng nhắc, con sợ bố quên.

Ngôi miếu vẫn còn rất lâu nữa mới xây, đúng hơn là phải xây, có những việc nếu ai đó cứ nhắc đi nhắc lại hẳn họ có lí do, họ không nói rõ hết được vì nhiều lẽ nhưng tốt nhất là nên làm, kẻo đến khi vận hạn tới hối không kịp.

Buổi chiều sau đám cưới thì bố tôi đi, tôi đến nhà thằng B. để đổi truyện, tiếp tục công việc dang dở tối hôm kia. Đi qua chỗ cây thị tôi dừng lại ngó nghiêng một hồi mới đạp xe rẽ phải cổng nhà thằng B., nó không có nhà, nhưng thằng anh nó thì có, thằng này tôi biết. Nó tên H. học lớp 6A, cũng gặp vài lần nhưng không chơi, nó hơn tôi tận hai tuổi, hay chơi với mấy anh lớn.

- Mày vào chờ nó tí, tìm nó có việc gì?

- Tao tìm nó đổi truyện thôi.

- Thế vào mà đổi, có mấy cuốn ở trên giường ấy.

Nhà có hai bà cụ, một bà rất già được gọi là cụ Chưởng bạ, một bà khoảng bảy mươi như bà Già thì tôi không biết tên. Tôi chào hai bà cụ rồi đi theo H. bước vào trong.

- Nhà mày cũng có hai bà à?

- Không! Cụ tao và bà nội tao.

Nhà nó là một căn nhà khá cổ, nền trong nhà là nền đất nện, ngả màu thời gian đen sì mỗi khi trời nồm là thấy ướt ướt. Trong nhà thằng H toàn gỗ, một căn nhà gỗ, sập gụ tủ chè đủ cả, đều bằng gỗ, có vẻ là gỗ lim, tôi không biết rõ.

Thằng H. này đám chúng tôi gọi là H. lùn hoặc H. dô, nó cao hơn tôi một ít và to ngang, người khá là chắc, dáng người thấp đậm, có cái trán cao rộng, hơi nhô ra một tí, mũi hơi tẹt. Trong khi tôi ngồi trên cái giường xem qua mấy cuốn truyện thì nó ngồi ở tràng kỷ rót nước uống đúng kiểu ông cụ non. Phía sau lưng nó là bức tường được ghép lại từ những tấm gỗ màu nâu nhạt, phía sau là buồng ngủ của cụ nó, cụ Chưởng bạ. Trên bức tường gỗ ấy có dán vài tấm poster ảnh đội tuyển bóng đá, trên cao nhất có bốn tấm ảnh, một tấm tôi biết là Bác Hồ, một tấm là ông Lê Nin còn hai tấm kia chả biết ai, tôi cũng không còn nhớ nữa.

- Mày uống nước!

Nó mời tôi, tôi đi lại tràng kỷ ngồi, lấy chén nước, hóa ra là nước vối chứ không phải trà, thằng này học các cụ lại chả học tới nơi.

- Cụ mày sao tên lại lạ thế? Sao lại gọi là cụ Chưởng bạ?

- Hồi xưa cụ nội tao làm chưởng bạ ở làng nên gọi mãi thành quen.

Tôi uống nước, ngó nhìn xung quanh một hồi.

- Mày về mấy tháng đã quen chưa?

- Cũng chả có gì...

- Hôm trước tao xuống đây với thằng H. bên khu Đông, mày biết nó không?

- Thằng đấy hình như là chú họ tao, chơi với thằng B., hôm nào chả ghé đây.

- Tối hôm kia tao với nó đến mà nửa đường gặp ma nên lại về, khu nhà mày thấy bảo nhiều ma lắm hả?

- Ma cỏ gì, tao về ở khu này mấy tháng cũng nghe loáng thoáng nhưng chưa thấy, toàn linh tinh.

Tôi không hỏi thêm về việc ấy.

- Mày có mấy tấm tranh đẹp thế, sao toàn các đội bóng ?

- Mấy tấm này tao mang từ ngoài kia về, cũng có tấm tao tìm mua được trên Hồ, tao thích xem bóng đá. Mày thích không?

- Trên đài không mấy khi có, tao không biết gì về bóng đá cả!

Và thế là như chọc vào đúng chỗ ngứa, nó giảng giải một hồi về bóng đá, tôi vẫn nghe chăm chú. Bóng đá thì trẻ con vẫn chơi nhưng với thân hình ốm đói gầy gò của mình, mỗi khi chơi tôi không thể tranh chấp được nên thường làm khán giả, đội nào thiếu người thì gọi tôi vào đứng trông gôn, một việc tôi xem là phù hợp, nhàn nhã và ít bị đâm sầm vào người. Thằng H. này mê bóng đá quá, nó nói say mê, nó hâm mộ đội Arsenal và Ronaldo vậy nên tôi gọi nó là Ronaldo hoặc R9, tôi đã đặt cái tên này được hai mươi sáu năm và vẫn cài trên tất cả các điện thoại nếu phải đổi máy, tôi không có thói quen lưu số điện thoại vào Sim , tôi thích lưu vào điện thoại vì có thể gõ đầy đủ tên, dấu. Trong điện thoại của tôi bây giờ các kí hiệu như R9, H2, C2, L.A, ... rất nhiều, biểu thị các biệt danh tôi đặt cho bạn bè của mình.

Tôi quen R9 như vậy, cũng không có điều gì đặc biệt, nó cũng hiền lành, ít nói nhưng cuộc đời nó sau này lại đi song song với tôi qua rất nhiều sự kiện, từ buồn, vui, đau khổ, hiểu lầm, hạnh phúc ...Thậm chí đã suýt chết thay cho tôi, nếu tôi có mặt ở đó bây giờ hẳn là cũng đầu thai rồi, nhưng tôi đang ngồi viết nghĩa là tôi không sao, còn nó cũng không sao nhưng bố mẹ tôi và gia đình coi nó như "thằng lớn" trong nhà, hồi nó cưới gia đình tôi về đủ cả con cháu, anh em bạn bè hay nhiều người thấy ngạc nhiên hỏi bố nó, tôi nghe rõ câu trả lời.

- Anh em nó chơi với nhau từ tấm bé nên cưới thằng nhà em bọn nó về đông đủ.

Người ta ngạc nhiên cũng có lý do cả, tôi thì chả lạ mặt gì nhưng vợ con, em gái, em rể... mà về thì cũng lạ, tuy xa xôi nhưng mọi người đều không thể vắng mặt trong đám cưới của một người con trong nhà được.

Mải ngồi nghe nó nói chuyện rồi tán gẫu thêm, trời sẩm tối tôi ra về, đi qua gốc cây thị tôi lại lần nữa ngửi thấy thoảng mùi mắm tôm.

- Làng mình bây giờ nhà nào cũng thích chấm mắm tôm hay sao thế nhỉ?

Tôi lẩm bẩm trong miệng.

- Mấy đứa nó không thích mùi mắm tôm này, tao cũng thế, để đây ngửi không thể chịu được!

Tiếng người đàn ông nói văng vẳng bên tai, tôi dừng lại ngó quanh.

Không thấy ai!

- Mình nghe nhầm à?

Tôi cảm thấy khó hiểu, đạp xe mau về nhà cày truyện, với lại cũng đói rồi.

***

Cơm tối hôm nay hơi khác, trên cái mâm cơm bằng gỗ có một bát mắm tôm!

- Ơ sao lại có mắm tôm thế bà?

- Tao muối ít cà pháo, xin mắm tôm về chấm.

- Làng mình tự làm mắm tôm hay sao mà đi đâu cháu cũng thấy mùi.

- Xưa nhà nào cũng có cả vại nhỏ ăn dần, giờ ít người chả mấy ai ăn cũng chả ai đi mò tôm tép về làm nữa.

Bà bắt đầu chấm cà pháo ăn rồi kể.

- Xưa tao với bố mày cất vó tôm, cũng chọn những con tôm tép nhỏ để làm mắm ăn, giờ có nơi người ta bán nên không ai làm mắm nữa. Chúng mày chỉ biết lấy đậu trắng chấm thì làm sao biết ngon, cái bún riêu mày hay ăn cũng có mắm tôm đấy!

- Tối hôm qua với hôm nay đi chơi cháu ngửi thấy khắp làng, chả biết ai ăn xong vứt bừa bãi hay sao ấy...

- Mắm tôm sao vứt bừa bãi được, ở cái làng này nhà nào mà còn làm mắm để ăn thì cũng cất kỹ chứ.

Đêm ấy, trong giấc ngủ mơ màng, chị Ma xuất hiện, vẫn cái váy đỏ thêu những bông hoa, mái tóc dài đen nhánh, làn da dưới ánh trăng nhìn sáng bóng.

- Xe đạp mới màu đỏ đẹp quá!

- Xe cũ ấy mà, bố em cho. Hôm trước chị đi nhanh quá em chưa kịp cảm ơn.

- Muốn cảm ơn thì ngày giỗ chị mua bộ quần áo, đừng cảm ơn suông như thế.

Ừ nhỉ? Hình như mình chưa bao giờ hỏi ngày giỗ.

- Lại màu đỏ hay sao?

- Ừ, dĩ nhiên là màu đỏ!

- Em thấy màu xanh cũng đẹp, bà em cũng hay đốt màu xanh nữa.

- Đã bảo màu đỏ là màu đỏ!

- Dạ! Thì màu đỏ, hay thêm bộ màu xanh để thay đổi? Em thấy chị có mỗi một bộ.

- Bộ này đẹp nhất!

- Vậy chị nói ngày giỗ thì em mới biết được!

Ngày sinh ra có thể quên nhưng ngày trở về với cát bụi chắc con ma nào cũng sẽ nhớ, vì đấy là ngày bắt đầu ở một thế giới khác.

- Mấy hôm nay có ngửi thấy mùi mắm tôm không em?

- Em có! Làng em chả biết người ta làm gì mà em lại ngửi thấy khắp nơi.

Chị Ma cười khúc khích, có vẻ rất đắc ý.

- Chị xúi bà bán bún riêu em hay ăn đổ đấy!

Nói xong Chị Ma lại cười như nắc nẻ.

- Ôi! Con ranh Chẽ ấy chắc là ức lắm...

- Là sao chị?

- Nó dám hỗn với chị, đã xấu lại còn không biết điều.

- Hả? Sao ạ?

- Nó dám gọi chị là ranh con, mới tí tuổi đầu. Chị xúi bà bán bún riêu mang mắm tôm ra đổ một ít ở chỗ hôm trước đấy.

- Sao lại xúi bà ấy làm thế ạ ?

- Bà ấy bán hàng ế, chị kéo khách ăn cho hết, đổi lại bà ấy phải giúp chị việc ấy.

Tôi nghe xong chưa biết nên cười hay nên như thế nào, lại có cả chuyện như vậy ư?

- Mà sao lại là mắm tôm? Chị nói màu đỏ nó sợ, sao không vứt cái gì màu đỏ xuống đấy là được rồi.

- Làm như thế con ranh ấy nó biết ngay, mắm tôm đổ xuống đấy chọc tức nó là được rồi.

- Vậy là ...? Hôm qua...

- À, tiện thể xúi bà ấy đổ một ít chỗ em gặp con bé treo cổ, nó rảnh quá nên chị cũng rảnh.

Tôi cười khổ sở.

- Chả lẽ ma không thích mùi mắm tôm? Chị cũng là ma mà.

- Chị có ngửi thấy gì đâu mà sợ - Chị Ma cười cười. - Trước đây dân hay giữ mắm tôm trong nhà, ma quỷ không thích mùi này nên chị cũng học theo trêu mấy đứa trẻ con thôi.

Lại cười, chị Ma có vẻ rất đắc ý, nhưng nhờ vậy tôi biết thêm được một thứ hay ho đó là người xưa dùng mắm tôm để trong nhà xua đuổi ma quỷ, tôi tin như vậy vì người chết lâu họ có kinh nghiệm bao đời rồi.

Nhưng từ dạo ấy, tôi ít ăn mắm tôm.

---

***

vô địch lưu , hài hước đọc giải trí