Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 427: Bức tranh Phật Bà



***
Tôi thực sự chẳng thể nhớ nổi vì sao Sơn Ca lại đến nhà mình ở Hà Nội, tôi chỉ có thể chắc chắn một điều rằng anh ta đã tự đi. Điều này cũng chẳng có gì khó khăn bởi Sơn Ca là một người trưởng thành, anh ta có thể đi bất cứ đâu mà anh ta muốn. Phải nói rằng bố mẹ tôi là một người khá thoải mái khi chào đón mọi người đến chơi, dù sao cũng chỉ là thêm bát thêm đũa, chỗ ở thì cũng rộng rãi. Sơn Ca ngủ cùng với những anh công nhân còn tôi và em trai ngủ trong một phòng nhỏ, em gái ngủ cùng với bà Trẻ trong một gian khác.

Mỗi lần Sơn Ca ra nhà tôi chơi đều ở lại vài ngày sau đó anh ta có về nhà luôn hay đi thêm những nơi khác thì tôi không biết. Tôi đoán Sơn Ca muốn khám phá mảnh đất Thủ đô, cũng là tranh thủ tìm kiếm những khách hàng mới. Ai rồi cũng phải thay đổi theo thời gian. Sơn Ca cũng thay đổi về cách ăn nói trong cuộc sống hàng ngày nhưng bộ dạng của anh ta thì không, trang phục quen thuộc của Sơn Ca vẫn là quần tây ống dài, đôi dép xăng đan không cài quai, áo sơ – mi dài tay cài cúc nghiêm chỉnh nhưng cái áo lúc nào cũng nhăn nhúm và thường là những màu tối, nếu có màu sáng thì nó cũng đã biến thành màu cháo lòng từ bao giờ rồi.

Sơn Ca đến chơi nhưng anh ấy cũng giúp việc nọ việc kia, dĩ nhiên không phải là việc tay chân mà là những việc liên quan đến tâm linh. Bát hương Phật Bà cũng được Sơn Ca bốc giúp, bức tranh Phật Bà để trên ban thờ toả ra hào quang cũng là do Sơn Ca hô thần nhập tượng. Tôi khẳng định rằng bát hương và bức tranh Phật Bà thật sự thiêng bởi chính tôi đã vài phen khốn đốn. Tôi nghe người ta nói rằng hô thần nhập tượng, bốc bát hương để thờ khó bao nhiêu thì khi bỏ đi còn khó gấp nhiều lần. Bức tranh thờ Phật Bà cho đến nay bố tôi vẫn thờ cúng bởi tôi chính là người đã cuộn tròn bức tranh mang theo bên mình, dù cho chuyến đi gần hai nghìn cây số tôi cũng cố mang theo. Tôi đã bỏ lại Hà Nội rất nhiều thứ như giường tủ, bàn ghế, xe máy, quần áo… nhưng bức tranh Phật Bà thì không.

Tại sao tôi phải làm như vậy?

Bởi vì tôi biết, hay đúng hơn là tôi được mách bảo, người mách bảo tôi có ai khác ngoài bà chị mặc bộ váy đỏ nơi quê nhà mà tôi vẫn hay gặp vào mỗi tối, trừ khi chị ấy đi du ngoạn đó đây. Tôi không dám khẳng định Phật Bà đã giúp tôi và gia đình tôi nhưng tôi có thể khẳng định bức tranh thờ Phật Bà mà cho dù khi nghèo khó, chạy ăn từng bữa thì gia đình tôi vẫn thờ cúng cẩn thận. Ban thờ cũng chẳng có gì, đôi khi là vài quả mận, lúc thì quả roi hoặc sang hơn là chùm nhãn hay vài quả na.

Tôi biết rất nhiều người trên dải đất hình chữ S này còn nghèo khó hơn gia đình tôi vào thời điểm cuối những năm 2004 trở đi nhưng tôi và các em luôn lấy đó làm bài học, động viên nhau nhìn về tương lai để nỗ lực không ngừng nghỉ.

Bức tranh Phật Bà mà bố tôi thờ trong căn nhà thuê đã phần nào giúp bố tôi thoát khỏi việc rơi vào vòng lao lý. Phần còn lại đành phải trông vào sự chung tay của năm người trong gia đình nhỏ, thời điểm đó tôi đã quyết định bán cái xe Wave đỏ cờ của mình để thêm tiền lo cho xong chuyện bởi tiền bán cái xe Dream trước đó cho… em trai chỉ được có vài triệu – hình như sáu triệu đồng, mẹ tôi là người trả tiền. Người khác sẽ thấy lạ lẫm khi tại sao tôi lại có thể bán cái xe của mình cho người ruột thịt của mình và cầm tiền? Bởi cái xe Dream là tự tôi mua bằng tiền đi làm nhưng thấy hai em phải đạp xe gần hai cây số đi học, thêm nữa chúng nó đang tuổi lớn, cũng cần có một cái xe đẹp để đi chơi với chúng bạn. Một mình tôi khổ là đủ rồi. Tôi bán cái xe Dream đó cho em trai mình theo phương thức “khi nào có thì trả” và một học kỳ ở đất Thủ đô tôi phải mượn xe đạp đi học hoặc mượn xe máy của em gái – con cô út – vì nó và tôi lịch học ngược nhau. Cũng may cho tôi là cái xe Wave RS tôi đi mua hộ nó ở Kường Ngân nó chỉ đi chưa được một tháng thì thằng em rể tôi bây giờ tán tỉnh, sớm đón chiều đưa đêm chờ cửa thành ra tôi sử dụng cái xe đó như là của mình. Hình như số tôi không khổ được thì phải, bởi chỉ mới khổ một tí thôi đã không còn quá khổ nữa.

Tôi đi làm vài tháng và mua xe máy cho riêng mình, đấy chính là chiếc Wave Alpha màu đỏ cờ, thêm rất nhiều tiền nữa để biến chiếc xe ấy trở nên xịn sò hơn.

Một tháng sinh viên đi làm thêm được khoảng bảy trăm nghìn nên đánh lô vẫn là cách làm giàu mau hơn, từ đánh lô chuyển sang tính lô là cả một quá trình. Dĩ nhiên để mua đủ cái xe thì tôi vãn phải chạy về quê, vác thuổng ra sau vườn đào vàng lên mang đi bán! Ngoài vàng các chị trả công hay tìm cách cho thì cũng có cả những số vàng tôi tự tích cóp được khi còn sung túc để phòng khi sa cơ.

Nhưng tôi đã không phải bán xe mà vẫn đủ tiền, cũng chẳng phải chạy về quê đào vàng lên nữa, R9 bán cổ phiếu cho tôi mượn tiền, phần còn thiếu khoảng tám triệu thì tôi phải làm báo cáo thực tập hộ bạn mình với cam kết 8 điểm. Đối với tôi việc đó không khó bởi tôi viết lách cũng tốt, trình bày cũng tốt và quan trọng là thực tế! Thực tế tôi đã đi làm nhiều năm trước đó rồi. Hồi thức đêm làm báo cáo thực tập ấy tôi mới nhận ra kinh nghiệm và thực tế quan trọng đến mức nào.

Bố tôi đã phải ở Hà Nội 21 ngày, đó là lần cuối cùng ông ở lại đất Thủ đô lâu như vậy. Tôi vẫn nhớ buổi tối đưa bố ra mua vé xe chất lượng cao ở Giáp Bát, trong khi chờ đến giờ xe chạy tôi động viên bố:

-Đây sẽ là lần cuối cùng bố phải đi lại bằng xe ô tô, bố phải lạc quan lên. Sức khoẻ còn thì mọi thứ cũng sẽ còn.

-Ừ!

-Lần sau ra bố đi máy bay cho oách bố nhé, máy bay bây giờ cũng không còn đắt như xưa, chỉ hơn một triệu một vé.

Và đúng như thế thật! Từ đó bố tôi không bao giờ phải đi xe khách ra Hà Nội nữa, gặp lại người quen cũ cũng có thể ngẩng đầu lên mà nhìn, mà vỗ ngực xưng tên chứ không cần phải né tránh bất cứ ai.

Vậy bức tranh Phật Bà mà Sơn Ca đã hô thần nhập tượng đó thiêng đến mức nào?

Sau khi tôi tốt nghiệp đại học vào đầu năm 2009, nghĩa là tròn mười năm sau khi bốc mộ cụ tổ, khoảng vài tháng sau khi mộ cụ được anh họ tôi di dời đi nơi khác thì tôi vào Nam. Ban đêm tôi giúp bố mẹ làm đậu, buổi sáng thì ăn mặc chỉnh tề đi nộp hồ sơ xin việc.

Tôi đã đi xin việc trong một tháng nhưng không được nhưng tôi tự nhiên được nhận sau sinh nhật lần thứ 25 đúng một ngày. Người đã nhận tôi vào làm là anh Trương Bá Tú – người thạc sĩ công nghệ thông tin ở Úc mà tôi đã từng kể trước đây, cũng là người học sinh đoạt giải nhì toán quốc tế, tấm gương học tập của anh ấy có lẽ vẫn ở được in trong cuốn Giáo dục công dân lớp 6 – và tôi được đi làm.

Muốn công việc thuận lợi thì trước khi đi làm cứ lên ban thờ Phật Bà gõ chuông cầu khấn, chị Ma đã dặn tôi làm như thế, và tôi đã làm theo.

Tôi bắt đầu lập nghiệp ở Sài Gòn rộng lớn, giống như cá gặp nước. Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền trong 18 tháng, đủ để mua mọi thứ mà tôi muốn như xe máy, giường tủ, váy cưới, vàng làm lễ… để cưới vợ. Tôi có thể tự hào về điều này.

Ngoài nỗ lực của bản thân thì tôi luôn luôn may mắn, may mắn đến nỗi muốn là sẽ có! Dĩ nhiên là những thứ trong khả năng thôi chứ chẳng phải tỷ phú.

Nhưng tôi thừa nhận Sơn Ca là một tay phù thuỷ mát tay.

Trong vài ngày ở nhà tôi chơi thì Sơn Ca thường tha thẩn ra chợ chơi, đây chính là thời điểm mà cậu Út tôi bán hàng ế ẩm, Sơn Ca đã mách cậu Út hãy thắp hương ở ban thờ em gái tôi thì sẽ buôn may bán đắt nhưng mỗi ngày rằm và mùng Một đầu tháng đều phải thắp hương. Cậu tôi đã làm theo trong khoảng mười ngày và thực tế cậu bán hàng luôn tay từ sớm đến tối mịt không ngơi nghỉ.

Nhưng cậu tôi quên ngày rằm không thắp hương và mọi thứ lại như cũ, ế hàng!

Cậu muốn Sơn Ca giúp lần nữa nhưng Sơn Ca lắc đầu bảo:

-Số anh chẳng giàu được thì có cố cũng chẳng được, cơ hội chỉ có một.

Hàng hoá bán ế ẩm nên vài tháng sau cậu Út tôi về quê nghỉ để trải qua một mùa đông lạnh hơn những mùa đông khác.

Sơn Ca cũng hay dừng lại ở những hàng quán ngắm cái này, nghía cái kia, thi thoảng lại sờ tay vào xem thử. Bởi vì bộ dáng của Sơn Ca xộc xệch, đầu bù tóc rối như một gã ăn mày nên có người đã chửi và đuổi đi. Sơn Ca bảo:

-Từ giờ trở đi bà nhất định không bán được thứ gì sất!
Cả ngày hôm đấy cửa hàng không có nổi một khách. Bà chủ nhớ lại lời Sơn Ca nói đâm ra hãi đi hỏi khắp chợ về thằng thanh niên ăn mặc quê mùa, mấy ngày nay hay đi lại trong chợ. Hỏi mãi cũng có người chỉ đến nhà tôi. Bà chủ quán năn nỉ ỉ ôi nhưng Sơn Ca nhất định không chịu giúp, anh ta bảo đó là phạt cho tội chửi người khác cho biết thân. Mẹ tôi sợ cho chuyện, sợ bà chủ kia bù lu bù loa lại phải ra phường nên lại phải nói ngọt nói nhạt một lúc Sơn Ca mới chịu giúp. Anh ta đi ra cửa hàng đó làm gì chẳng ai biết, có điều hôm sau mọi thứ trở lại bình thường, bà chủ quán được một phen hú vía còn trong mắt mấy bà, mấy cô bán hàng gần nhà tôi thì họ đã nhìn Sơn Ca với ánh mắt sáng rực, ngay cả bà Nhuận bán nước cũng không chịu ngồi ngoài cuộc tranh đua mời thầy về nhà.

Sơn Ca vì thế làm không hết việc, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Những anh công nhân trong nhà tôi rất khoái Sơn Ca bởi mỗi khi anh ta về đến là túi to túi nhỏ, toàn là bánh kẹo, hoa quả thượng hạng, ăn đến phát chán.

Tôi chỉ biết chép miệng lắc đầu cười khổ và thầm nghĩ:

-“Tay này thật lắm trò”.

Bà Nhuận bán nước kiêm ghi lô đề, quán của bà vào buổi sáng, buổi trưa và chiều tối lúc nào cũng đủ mặt anh tài trong khu. Mấy anh công nhân chẳng biết tỉ tê với Sơn Ca thế nào mà anh ta cho một con số và dặn chỉ được đánh tối đa ba mươi nghìn, hơn sẽ không có cái mà ăn. Mấy anh công nhân nghe bán tín bán nghi, người nào máu thì đánh đủ ba mươi nghìn, người nhát tay thì đánh mười nghìn, có người sợ bị lộn đánh cả cặp.

Tối đề về đúng số đó, cả nhà tôi vui như hội nhưng bà Nhuận sớm hôm sau trả tiền cho mọi người thì thủ thỉ bên tai hỏi dò cuối cùng cũng lòi ra Sơn Ca mách. Bà ấy đóng cửa quán ngồi tỉ tê với Sơn Ca mãi rồi cũng rước anh ta đi đâu đó mãi đến tối mịt mới về cùng với một xấp tiền.

Tôi đứng ngoài mọi cuộc vui đó bởi tôi không muốn bị nghi ngờ.

***



Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi