Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 6: Về thăm quê



Chiếc xe ca Hải Âu với màu vàng đất chủ đạo và những sọc trắng đan xen đặc trưng của loại xe này chở bố mẹ và tôi từ ngã ba Xưa về quê, giống như nhiều đứa trẻ khác thời đó, tôi rất thích được ngồi hàng ghế đầu cạnh bác tài xế, cảm giác được quan sát mọi thứ thật thích, nhưng không phải chuyến đi nào cũng có may mắn được ngồi phía trên như vậy, lần này tôi được ngồi gần cửa lên xuống của xe, vẫn tốt hơn khi phải ngồi phía dưới.

Nhiều bạn sẽ không biết xe ca Hải Âu là xe gì, tôi thì chỉ biết đó là loại xe khách tôi nhìn thấy nhiều nhất khi còn nhỏ và người lớn gọi nó là xe Hải Âu, bây giờ hiếm khi tôi được thấy và mỗi lần thấy thì xe này đều đeo biển số đỏ của quân đội. Thật sự thì, loại xe này gắn với tuổi thơ của tôi rất mật thiết khi có những khoảng thời gian vào mỗi chiều, tôi thẫn thờ đứng ngóng đợi từng chiếc xe Hải Âu đi qua, chờ đợi người mình mong ngóng bước xuống.

Tôi cũng như nhiều đứa con trai khác, đều có sở thích đặc biệt với ô tô và ao ước sẽ sở hữu chúng, tất nhiên chỉ là dưới dạng đồ chơi bằng nhựa hoặc gỗ hay thậm chí là đất sét. Ở nông trường nơi tôi ở, chúng tôi vẫn hay nặn đất sét phơi khô thành ô tô, bánh xe cũng bằng đất, kéo đi chơi và tưởng tượng đó là một chiếc xe thật.
Ở sân nông trường có một cái xe Gaz69 hư hỏng bỏ không, tôi với đám bạn vẫn hay chơi ở đó, vặn vô lăng và tưởng tượng mình chính là người lái, có lẽ vì thế mà sau này tôi rất thích lái xe, lái một mình đi xa mãi không chán. Đôi khi tôi từng mong muốn trở thành tài xế Grab và kiếm tiền bằng cách chở khách nhưng điều này khó có thể xảy ra lắm, có thể đến lúc năm mươi tuổi tôi sẽ làm được điều này, khi những ràng buộc về trách nhiệm vơi đi và có thể sống cho riêng mình.

Chặng đầu tiên của chuyến hành trình về quê thì tới bến xe Hà Đông sẽ đổi xe, (bến xe Hà Đông nằm trên đường Nguyễn Trãi chắc bây giờ đã thành bến xe bus) sau đó lên xe buýt số 2 đi ra bến Nứa (bến xe nằm trong chợ Long Biên) rồi từ đó bắt thêm một chuyến xe nữa về quê. Từ bến Nứa về quê thì gần, chỉ độ bốn mươi ki - lô - mét là tới nơi nhưng nhà tôi không đi như vậy, bố tôi bắt xích lô về khu Trung Tự, nơi nhà cô ruột tôi đang ở, chỗ nhà cô tôi ở rất gần môt cái thủy đài lớn, gần tổng công ty rau củ quả Việt Nam, chính xác hơn là cạnh một con mương thoát nước mà sau này tôi biết là gần cầu Trung Tự. Mấy năm sau cô tôi mua căn nhà khác trong khu Khương Thượng, rộng và đẹp hơn chỗ hiện đang ở nhưng cái khu Khương Thượng ấy xưa kia nghe đâu là cánh đồng bát ngát, là chiến trường thời Tây Sơn đánh giặc nên rất nhiều xác chết vùi thây dưới đấy, nhiều lần người ta làm đường đào được cả núi xương, lên cả báo đó thôi.

Ăn cơm ở nhà cô xong xuôi, bố tôi mượn xe máy và cả nhà tôi rong ruổi về quê, kì này tôi cũng háo hức hơn vì được về thăm quê đúng nghĩa.

Các bạn đã biết sơ qua về làng tôi rồi, ngôi làng như ốc đảo giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn, cho đến bây giờ những thanh niên thế hệ 7x, 8x vẫn tự hào vì làng mình từng giàu nhất xã, có số má trong huyện nhưng tôi thì không thích ăn mày dĩ vãng cho lắm, phải nhìn vào thực tế mới được.

Lũy tre xanh rì bao quanh thôn làng giống như bao thôn quê Đồng bằng Bắc Bộ thời ấy, nằm cạnh con đường 282 (sau này đổi thành Quốc lộ 17) và được ngăn cách bởi một con mương tương đối lớn nhằm phục vụ việc tưới tiêu nông nghiệp, nghe đâu con mương này được đào hồi những năm đổi mới theo chủ trương của Nhà nước, con mương tuy hiền hòa này cũng đã đón nhận cái chết của nhiều người, cả người lạ lẫn người làng.

Đoạn đường gần tới cổng làng là một khúc cua, cũng không gắt đến nỗi cua tay áo nhưng cũng đủ làm những những tay lái lạ đường hoảng hốt nếu phi tốc độ cao nhưng ở thời 1992 này chưa có nhiều xe máy và đường cũng chưa đẹp như sau này.

Như tiêu chuẩn của một ngôi làng cũ (tôi không gọi là làng cổ, vì chả có cái gì cổ mà tôi thấy cả) trong thơ ca đó là: Cây đa - bến nước – sân đình, đều có đủ theo tiêu chí ấy. Qua cây cầu vào đến làng, bên tay phải có một cây đa sum suê gần đình làng, bến nước cách sân đình một khoảng chừng hơn năm mươi mét và nằm ngay phía trước cửa đình, rất nhiều người thường xuyên xuống rửa hoa màu vào mỗi chiều sau khi thu hoạch về, khung cảnh tiêu biểu giống như những bộ phim được làm những năm 2000 đã miêu tả.

Bên cạnh ngôi đình có một cây si già, có một bệ thờ xi măng cũ, bà Già tôi kể rằng chính cái cây ấy, cả làng này già trẻ lớn bé, những ai không kịp chạy thoát giặc Tây đã bị treo ngược lên chọc tiết, như một cuộc thảm sát vậy. Tôi tin lời bà Già nhưng đến nay vẫn thắc mắc về thời điểm xảy ra sự kiện ấy. Những năm đầu thế kỉ 20, quả thật vẫn có rất nhiều cách giết người dã man được thực hiện bởi quân xâm lược nên có thể hiểu được khi Bác Hồ đứng lên kháng Pháp bảo sao lại được lòng dân như vậy.
Nhà của gia đình tôi ở quê lúc ấy đã không còn nhà tranh vách đất nữa, hồi vỡ đê năm 1971 đã gây ngập lụt kinh hoàng, sử sách có ghi lại rằng Nhà nước phải mang cả tàu hỏa chở đầy đá hộc ra giữ cầu Long Biên, ngập lụt diện rộng phải tiếp tế lương thực cho dân bằng máy bay trực thăng. Do lũ lụt lớn mà căn nhà ông nội tôi dựng lên bị hư hại nhiều nhưng do hoàn cảnh con cái còn nhỏ, hai bà nội của tôi vẫn cố gắng sửa để ở mãi đến lúc bố tôi lấy mẹ tôi thì một căn nhà kiên cố được xây dựng mới cho khang trang để làm đám cưới, một phần vì khi ấy bố tôi kiếm được cũng nhiều tiền nên xây nhà to và cao nhằm đề phòng lụt như năm 1971. Theo kiểu cách thời ấy, trên nóc nhà có gắn những con số thể hiện năm xây dựng được làm bằng xi măng, những ô thoáng thông gió tôi nhìn đâu giống như chữ hỉ, chắc khi ấy bố tôi muốn thể hiện tình yêu cũng nên.

Nguồn gốc mảnh đất này của gia đình tôi như tôi đã nói, nó từng là bãi đất chăn vịt nằm rìa làng, do Cải cách ruộng đất ông tôi bị liệt vào thành phần địa chủ nên bị đuổi ra đây, mảnh đất rộng khoảng tám trăm mét vuông, phía trước, phía sau đều có ao nước, bên phía đầu hồi trái của căn nhà là lũy tre gai và rặng mây gai, phía đầu hồi bên phải của căn nhà nằm ở hướng Tây là một rãnh nước rất nhỏ sử dụng để điều phối nước giữa các ao nước với nhau, bên cạnh rãnh nước là một bụi mây gai làm tường rào ngăn cách với nhà hàng xóm.

Lúc xây nhà thì chọn hướng chính Nam nhưng vì lý do nào đó ông ngoại tôi khi ấy chuẩn bị là bố vợ trông coi giúp lại điều chỉnh chếch sang hướng Đông Nam nên bà Già tôi hay bảo xây như này là thất cách. Nền nhà xây cao thường thì có bậc tam cấp nhưng không hiểu sao lại xây thành bậc tứ cấp, khi tôi mười tám tuổi và đã có in - tơ - nét, tôi đọc và được biết rằng người ta chỉ xây tam cấp hoặc ngũ cấp trở lên chứ kị tứ cấp vì nó ứng vào chữ Tử trong "Sinh lão bệnh tử", thế nên tôi đã thuyết phục bà Già thuê người đập bỏ một bậc thềm đi, tôi không biết đó có phải là quyết định đúng khi tôi mười tám tuổi hay không.

Trước cửa nhà có một cây ổi rất lớn, sau này bà tôi chặt đi làm tôi tiếc mãi, tôi đã từng bị ngã từ trên cây khi hái ổi xuống đất, độ cao chừng bốn mét nhưng không hề hấn gì, có lẽ tôi may mắn khi rơi xuống phần đất mềm mà bà tôi đã xới lên để trồng rau trước đó.

Bố mẹ tôi mở cửa dọn dẹp căn nhà để ngủ lại mấy đêm, giường có sẵn nhưng điện thì không, chiếu cói đầu làng có bán nhưng không có điện thì nóng bức. Trong căn nhà ở quê vẫn có một bát hương tổ tiên, thi thoảng cô tôi vẫn về cúng bái hoặc người em gái ruột của ông nội tôi sống trong làng tạt qua thắp hương. Bát hương ở quê này đích thực là đồ cổ hàng trăm năm có lẻ, sau này bố tôi phải mang theo để tránh bị trộm. Trong lúc bố mẹ tôi dọn dẹp và bày hoa quả lên thắp hương tổ tiên thì tôi tranh thủ khám phá thêm về mảnh đất mà sau này nó sẽ là của mình (bây giờ vẫn là của bố tôi, anh em tôi giao ước đứa nào về quê ở sẽ là của đứa đó).

Các bạn còn nhớ cái miếu cũ trên mảnh đất này tôi đã từng đề cập chứ? Tôi nghe bà Già nói nó đã đổ nát từ tầm bốn mươi năm trước, còn lúc này khi tôi tám tuổi thì cái miếu chỉ còn là một đống đất nhô cao hơn xung quanh, có hình chữ nhật và nhiều gạch ngói vụn, tuyệt nhiên không còn dấu tích gì để tôi biết chỗ đó từng có một công trình nhỏ. Một số thanh niên rất kì cục, khi đi tiểu bậy họ có xu hướng chọn những nơi gạch đá ngổn ngang, nói cho vuông là tiểu bậy phải chọn chỗ có vẻ không được sạch sẽ gọn gàng cho đỡ áy náy. Tôi đứng cạnh đống đổ nát nhỏ nằm cạnh bờ rào và gần cổng đó, tay chống nạnh hứng chí vạch quần ra định tạo mưa.

- Này!

Một tiếng quát làm tôi giật bắn cả người, chưa kịp tạo mưa, tôi quay ra thì thấy một bà cụ chừng bảy mươi tuổi, tóc bạc trắng, khổ người cao lớn, một tay chống gậy tre, khuôn mặt nghiêm nghị, da mặt hồng hào và đôi mắt sáng quắc đang nhìn chằm chằm vào tôi.

- Mày định làm gì đấy thằng kia?

- Cháu... Cháu ...

Tôi lắp bắp không nói thành lời, kéo vội cái quần chun lên như cũ. Bà cụ tiến lại gần nhìn tôi một lượt rồi dùng cái gậy tre gõ lên đầu tôi mấy cái, gõ nhẹ nhưng đủ cảm thấy đau làm tôi co rúm người.

- Sau này mày còn dám đái ở đây tao sẽ cắt con giống của mày luôn nghe chưa?

- Vâng! - Tôi cúi mặt nhìn xuống, tay mân mê vạt áo tỏ vẻ biết lỗi.

- Tên gì?

- Dạ, cháu là N. ạ.

- A, thằng đích tôn đây à? Bố mày đâu?

Tôi chưa kịp đáp thì bố tôi từ trong nhà đã bước ra thềm và nói vọng tới.

- Bà mới tới ạ? Bố cháu vừa mới về định tối mới qua nhà bà, bà vào nhà đi.

- Tôi đang ngồi chơi gần đây, nghe người ta nói anh về nên tôi qua.

Mẹ tôi cũng đi tới, cả hai đi bên cạnh bà cụ tóc bạc vào nhà, tôi lững thững đi theo sau. Nhà không có bàn ghế, bà cụ ngồi bên mép cái phải gỗ lim truyền thừa của nhà tôi, một tay vẫn chống cây gậy tre đen bóng. Tôi không biết bà cụ này là ai nhưng bố mẹ tôi có vẻ rất kính trọng, xem ra có phần khúm núm. Tôi không thích người già khó tính, hai bà nội của tôi chưa gõ vào đầu tôi bao giờ vậy mà bà cụ này vừa gặp đã quát và gõ đầu tôi mấy cái.

- Anh về được mấy ngày? - Bà cụ lên tiếng hỏi.

- Bố cháu về sang cát, xây mộ xong cho ông ngoại thằng này rồi mới đi, đây là thằng lớn đấy bà, cháu nó chuẩn bị lên lớp 4.

Bố tôi chỉ vào tôi, rồi vẫy vẫy tôi lại gần rồi giới thiệu.

- Đây là bà H. Lớn, em ruột của ông nội.

- Cháu chào bà ạ!

- Lại đây bà xem nào!

Bà cụ xoa đầu tôi làm như chưa bao giờ xảy ra việc gõ đầu vậy.

- Cái mũi giống ông nội mày, tương lai tài giỏi lắm đấy cháu nhé.

- Năm vừa rồi cháu nó đạt học sinh giỏi, đứng nhất lớp đấy bà ạ.

Bố tôi bổ sung thêm, người già luôn hài lòng với những đứa trẻ học giỏi và biết nghe lời.

- Mộ bố vợ anh sắp xây, anh làm ăn như thế nào tôi không biết nhưng cũng phải thu xếp mà xây mộ của bố anh cho nó đàng hoàng.

- Vâng, bố cháu sẽ sắp xếp việc này ạ.

Bà cụ nói tiếp vẫn với giọng như ra lệnh.

- Còn cái miếu cũ nữa, anh cũng lo mà xây mới không được để hoang tàn như thế, bao lâu tôi không gặp anh nên giờ mới nói. Cái miếu anh để như thế thì sau này cơm anh còn không có mà ăn anh nghe chưa?

- Vâng, vâng!

- Khi nào anh chị xong việc thì cho cháu xuống nhà tôi!

Bà cụ ra về, chờ bóng bà cụ khuất hẳn sau mấy căn nhà bố mẹ tôi mới trở vào nhà ngồi trên tấm phản gỗ lim, khuôn mặt bố trở nên đăm chiêu. Bà Già (tức bà nội thứ hai của tôi) vẫn là từ điển gia đình giải đáp mọi thắc mắc cho tôi xung quanh những điều liên quan đến gia đình hay chuyện ở làng. Bà về làm dâu từ năm 1942 nên biết nhiều chuyện, còn bà Trẻ tôi là người trong làng từ nhỏ nhưng bà bận buôn bán, không bao giờ có nhã hứng kể cho chúng tôi nghe điều gì. Bà Trẻ thương các cháu nội ngoại bằng cách lo cho chúng miếng ăn, cho tiền mua bánh nhưng bà luôn thiên vị bố tôi, bố tôi là số một còn cháu chỉ số hai trở đi mà thôi. Sau này tôi mới hiểu trong hai bà thì bà Già cực kì ghê gớm còn bà Trẻ lại hiền lành quá đỗi, khi tôi hiểu ra thì đã lớn và tình cảm dành cho hai bà là như nhau, không thay đổi, nhưng tôi có phần thiên vị bà Già hơn.

Bà Già cho tôi biết ở làng tôi, người ta có tục lệ gọi tên các em gái, chị gái theo tên của người anh hoặc em đích tôn. Ông nội tôi tên H. bởi vậy người em gái kế ông thì người làng gọi là H. Lớn, bà em út được gọi là H. Con trong khi nếu là vợ thì có thể gọi là bà H. hoặc gọi tên riêng. Chính vì tục lệ này, ngay đến bố tôi còn không biết tên thật của cô ruột mình, tôi chưa hiểu hết tục lệ vì nó quá lằng nhằng nhưng tôi biết nhờ có vậy ở làng người ta biết rõ gốc tích của nhau.

Bà H. Lớn lấy chồng với của hồi môn cụ nội tôi cho nên cũng có của ăn của để, chồng bà vì đi cày bị lưỡi cày cắt vào chân, nhiễm trùng rồi chết, bà ở vậy nuôi hai cô con gái. Bà là một người khó tính và ghê gớm có tiếng trong làng, vì một cơ duyên nào đó sau khi chồng mất bà lập điện thờ. Lúc ông nội tôi mất, bố tôi mới sáu tuổi và cô út mới chỉ ba tháng vẫn còn ẵm ngửa, ma chay cho ông tôi xong, mấy người em của bà Già ở huyện khác có ý muốn đón chị gái về vì ông tôi mất rồi, bà Già lại chẳng có con cái, chẳng còn vướng víu gì mà ở lại đây cả. Bà Già lúc ấy cũng khăn gói tính đi nhưng bố tôi và các cô cứ quấn lấy khóc gọi mẹ, xin bà đừng đi, vậy là bà Già ở lại chăm con của chồng. Sau khi bà Già quyết định ở lại, bà H. Lớn có nói một câu:

- Số của chị ăn về đường hậu vận, sau này chị sẽ hiểu.

Bà Già cũng cho tôi biết, tên của tôi cũng do bà H. lớn đặt chứ không phải ai khác, những chuyện tương tự như thế này phải khi tôi lớn hơn, vào những đêm bên ngọn đèn dầu heo hắt bà mới kể cho tôi nghe.

- Chờ hương tàn rồi lên bà ngoại, sáng mai xuống dưới nhà bà H. Lớn. - Bố tôi nói.
***

Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi