Đàn Lang

Chương 3



Công tử chung quy không thể đi chu du thiên hạ.

Trong số con cái, người mà Đại trưởng công chúa thương yêu nhất chính là Công tử, chỉ hận không thể buộc ở bên người vì vậy cho nên tuyệt đối không thể đồng ý cho hắn lang bạt ở bên ngoài.

Công tử tức giận ầm ĩ mất hai hôm, cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì.

“Huynh gặp Tạ Tuấn rồi sao?” – Trong Quốc tử học, Hoàn Tương hỏi hắn.

Quốc tử học nằm trong Thái học viện, là nơi Cao tổ hoàng đế của bản triều xây dựng nên chuyên dành để dạy dỗ hậu duệ quý tộc. Con cái quan lại từ ngũ phẩm trở lên đều có thể đưa vào học tập trong Quốc tử học. Công tử bắt đầu từ năm 14 tuổi đã là học trò của Quốc tử học, hầu như mỗi ngày đều phải đến đây đọc sách.

Công tử đang viết chữ, vẻ mặt lãnh đạm nói – “Ừm!”

“Thế nào?” – Hoàn Tương hỏi.

“Rất tốt!” – Công tử nói.

Hoàn Tương ý tứ sâu xa nói – “Nghe nói huynh lại nhắc đến chuyện viễn du với bá phụ, bá mẫu hả?”

Công tử nhìn hắn – “Làm sao đệ biết?”

Hoàn Tương đắc ý nói – “Trong thành Lạc Dương này có chuyện gì mà ta không biết chứ.” – Dứt lời lại chuyển sang tôi – “Nghê Sinh, bánh ngọt nhà Tân An hầu ngươi ăn chưa?”

Tôi nói – “Bánh ngọt kia quý giá như vậy không phải là thứ mà một nô tỳ như ta được phép ăn.”

Hoàn Tương à một tiếng nói – “Vậy lần sau ta mang một ít cho ngươi nếm thử.”

Tôi chỉ ậm ờ coi như là trả lời.

Đúng lúc đó, có người cất tiếng gọi Hoàn Tương. Hắn đáp lời, còn nháy mắt với tôi ra vẻ phong lưu đào hoa rồi mới rời đi.

Hoàn Tương tự Tử Tuyền, cùng tuổi với Công tử. Phụ thân của hắn là đệ đệ của Hoàn Túc, Xương Ấp hầu Hoàn Giám, mẫu thân xuất thân từ Vương thị danh tiếng lẫy lừng ở Lang Gia, ngoại tổ phụ là Lan Lăng Quận công Vương Hoàn.

Hai người tuy là đường huynh đệ nhưng phong thái lại khác nhau một trời một vực.

Trong Quốc tử học, nếu như luận về quần là áo lượt, Hoàn Tương nhận thứ hai thì không ai dám đứng thứ nhất.

Chuyện học hành, hắn không hứng thú nhưng ăn chơi đàn đúm thì lại vô cùng tinh thông. Mỗi lần trong kinh xảy ra sự kiện trọng đại gì đó được mọi người ồn ào bàn tán thì nhất định là không thể thiếu mặt Hoàn Tương, còn có trò mới lạ gì mà hắn không tham gia thì trò đó chắc chắn không tính là trào lưu. Hoàn Giám từng vô vọng cảm thán, giá như thiên hạ lấy việc ăn uống chơi bời ra để thi thố thì tốt biết mấy, nhi tử của ông ta chắc chắn chính là thiên tài.

Chẳng bao lâu sau, Tiến sĩ Trần Dục lên lớp, đám học trò đang tản mát khắp nơi lập tức ngoan ngoãn trở về chỗ ngồi.

Đám thư đồng đi theo hầu hạ như bọn tôi cũng vội vàng lui về hạ đường. Tôi đứng lẫn trong số thư đồng, đợi cả hồi lâu vẫn thấy trên bục giảng chỉ có một mình Trần Dục liền không nhịn được mà quay sang hỏi một thư đồng quen biết – “Hôm nay chỉ có một mình Trần Tiến sĩ giảng bài thôi sao?”

“Chắc là còn có cả Thẩm trợ giáo nữa.” – Thư đồng kia vừa nói vừa ngó nghiêng – “Ngài ấy… không phải là đến rồi kia sao.”

Tôi thuận mắt nhìn về phía cửa, chỉ thấy như gió xuân thổi vào mặt, một người khoan thai bước vào trong sảnh, tay áo lay động, tựa như mang theo khói sương mờ bóng.

Thẩm Xung vận một bộ quan bào Quốc tử học màu trắng mộc mạc, bên dưới mũ quan là khuôn mặt tuấn tú như thường ngày.

Tôi không khỏi lộ ra nụ cười.

Đối với tôi mà nói, nếu như có người hỏi việc cần mẫn nhất khi đi học cùng Công tử là gì thì đó chính là ngắm nhìn Thẩm Xung.

Thẩm Xung, tự Dật Chi, là cháu trai của Thẩm thái hậu, thế tử của phủ Hoài Âm hầu. Chàng lớn hơn Công tử hai tuổi, năm nay vừa tròn hai mươi, nếu luận quan hệ thì chàng là biểu huynh của Công tử.

Thẩm Xung cũng giống như công tử, đều là danh sĩ.

Thẩm thị là nhà mẹ của Thẩm thái hậu. Từ sau khi Viên thái hậu sụp đổ, Hoàng đế gia phong mẹ ruột làm thái hậu, Thẩm thị cũng theo đó mà thăng quan tiến chức, hưởng hết mọi sự vinh hoa. Hoài Âm hầu ba đời đơn truyền, đến đời Thẩm Diên, tuy cơ thϊếp vô số nhưng thiên tư khiếm khuyết, sau nhiều năm cố gắng cũng chỉ có được một đứa con trai là Thẩm Xung. Vì vậy không chỉ phủ Hoài Âm hầu mà ngày cả Thẩm thái hậu ở trong cũng cũng coi chàng như châu bảo, cho dù là ra vào hoàng cũng cũng không cần phải lắm kiêng kỵ như người khác.

Phàm là có gia cảnh xuất thân như vậy, mười người thì hết chín kẻ là dạng chơi bời lêu lổng nhưng may mắn thay, Thẩm Xung lại là ngoại lệ trong số đó.

Chàng thiên tư thông minh, thuộc làu kinh sử, mười hai tuổi vào Quốc tử học, nhờ vào học thức uyên bác, mười tám tuổi đã ra làm quan, đương nhiệm chức trợ giáo Quốc tử học. Đây là chuyện trước nay chưa từng thấy ở Thái học viện cho nên không có một ai dám nói chàng là dựa vào ấm ân của gia tộc. Nếu như không có gì bất ngờ thì chàng sẽ trở thành vị Tiến sĩ trẻ tuổi nhất trong lịch sử Thái học viện.

Tôi vẫn còn nhớ rõ cảnh tượng vào cái hôm lần đầu tiên nhìn thấy Thẩm Xung.

Năm ấy, sau khi Công tử khỏi bệnh, Thẩm Xung chính là vị khách đầu tiên đến thăm hắn.

Tôi chỉ là một tiểu tỳ mới vào phủ, không hiểu bất cứ quy củ gì, vẫn luôn bị người ta giễu cợt. Hôm ấy tôi lười biếng trốn ở trong phòng ngủ trưa, đến lúc dậy thì phát hiện giày của mình biến mất. Đúng lúc Đại trưởng công chúa sai người tới gọi tôi tới để hỏi chuyện sinh hoạt hàng ngày của Công tử, tôi không còn cách nào đành phải mặc quần áo chạy ra ngoài tìm, vòng vèo tìm cả hồi lâu mới phát hiện ra giày bị treo ở trên cây đào. Cây đào thân mảnh, không thể leo lên được, tôi nhảy mấy cái cũng không với tới được. Đang lúc định kiếm một vật gì đó để đáp lên cây thì bỗng nhiên có một bàn tay giơ lên giúp tôi gỡ chiếc giày từ trên cành cây xuống.

Tôi vừa quay đầu lại, trái tim liền hẫng một nhịp.

Đó là một vị thiếu niên anh tuấn, gương mặt như nhuộm trong ánh mặt trời, lúc nhìn tôi tựa hồ như mang theo cả ánh dương ấm áp.

“Của ngươi à?” – Chàng mỉm cười, đưa giày cho tôi

Tôi dạ một tiếng, không biết là do giọng nói của chàng quá dễ nghe hay là do ánh mặt trời quá chói chang mà cả gò má lẫn tai tôi đều đồng loạt rực hết cả lên

Tôi nhận lấy chiếc giày, kinh ngạc nhìn Thẩm Xung rời đi, đến câu cảm ơn cũng quên không nói.

Cho đến khi trở lại trong viện, nhìn thấy chàng một lần nữa, lúc này tôi mới biết được tên chàng từ miệng một nha hoàn khác.

Về sau, tôi nghe được thanh danh về chàng.

Tổ phụ từng nói, gốc rễ của quân tử là bác học, bụng đầy kinh thư thì lòng dạ mới rộng rãi, khí vận tự khắc rực rỡ sáng sủa.

Tôi vô cùng tán đồng suy nghĩ của ông. Từ đó trở về sau, mỗi ngày tôi đều mong đợi có thể gặp lại Thẩm Xung.

Tuy Hoàn thị và Thẩm thị là thân thích, thường xuyên qua lại nhưng không phải là ngày nào cũng gặp mặt. Sau khi Công tử khỏi bệnh liền quay trở lại Quốc tử học. Lúc nghe nói Thẩm Xung cũng là học trò của Quốc tử học, tôi tuy không phải là thư đồng nhưng vẫn xung phong nhận nhiệm vụ theo hầu Công tử. May mà Đại trưởng công chúa hết sức cưng chiều con trai, vẫn e sợ hắn ở bên ngoài xảy ra chuyện bất trắc cho nên mới lập tức đồng ý với yêu cầu của tôi.

Nói đến chuyện này, có không ít người vô cùng đố kỵ với thân phận thị tỳ hầu cận của tôi.

Huệ Phong trong nhà Thẩm Xung từng lộ vẻ si mê nói với tôi – “Nếu như có thể hoán đổi vị trí với cô, bảo ta làm nô mười đời ta cũng chấp nhận.”

Tôi cười nói – “Cũng được, đổi đi.”

Huệ Phong cáu giận đánh tôi một cái – “Nghê Sinh, cô giễu cợt ta.”

Đúng là oan uổng, tôi nói thật lòng mà.

Công tử quả thực tài mạo khuynh thế, có điều đó chỉ là đối với người ngoài mà thôi.

Còn đối với tôi… Tất nhiên, tôi thừa nhận Công tử rất có sức hút nhưng người ta thường nói xa thơm gần thối, thịt cá ăn nhiều cũng phải chán. Tuy trước mặt người ngoài, Công tử là thần tiên thoát tục, không dính khói lửa nhân gian nhưng hắn chung quy vẫn là con người. Vào lúc riêng tư, hắn cũng chẳng khác gì với đám công tử quý tộc khác, vừa tùy hứng vừa tự luyến. Hơn nữa tôi từng có một đoạn thời gian cả ngày bị nhốt ở trong phòng, chỉ có thể nhìn thấy khuôn mặt gầy gò, xám ngoét như tro tàn vì bệnh tật của hắn, còn phải giúp hắn xử lý chuyện vệ sinh…Hậu quả của chuyện này chính là vô luận Công tử có xuất chúng như thế nào thì tôi cũng có thể “tâm lặng như nước”.

Đem ra so sánh thì Thẩm Xung, bất luận là vào lúc nào cũng khiến cho người ta vô cùng thuận mắt.

Cái này không phải là do tôi tự mình nói bừa mà là dựa vào thực tế hẳn hoi. Phủ Hoàn và phủ Hoài Âm Hầu vốn có quan hệ mật thiết, đám nô tỳ hầu cận đều quen biết nhau cả cho nên bất cứ tin đồn gì cũng không thể giấu được, nhưng trước giờ chưa từng thấy có ai nói xấu Thẩm Xung nửa câu, chỉ toàn khen ngợi.

Chàng ôn hòa lễ độ, tính tình thấu đạt, chưa từng đánh chửi người hầu… Mà điều hiếm có nhất chính là tướng mạo vô cùng tuấn tú.

Điều đáng tiếc duy nhất chính là tuy đều là danh sĩ nhưng Thẩm Xung lại không được người đời tán tụng tâng bốc như công tử.

Nếu như nói nguyên nhân ở đâu, chắc là do hai điều; một là do Thẩm Xung trước giờ không thích giao du, các nhã hội danh lưu đều hiếm thấy bóng dáng chàng tham dự; hai là do Công tử nổi danh sớm, danh tiếng lại lẫy lừng, hào quang quá lớn khiến cho tất cả những người đem ra so sánh với hắn đều thành ảm đạm thất sắc.

Nhưng điều này lại vừa hợp ý tôi, tốt nhất là mọi người đều coi thường Thẩm Xung, chỉ một mình tôi có thể nhìn ra điểm tốt của chàng.

Người đương thời thích những thứ tinh xảo đẹp đẽ, thông thường đều hâm mộ loại tướng mạo hoàn mỹ như mỹ ngọc không tỳ vết của Công tử, nhưng đối với tôi mà nói, Thẩm Xung mới càng hợp mắt. Dung mạo chàng hơi góc cạnh, khi cười lên lại ấm áp như gió xuân, giống như những bức họa quân tử tôi từng nhìn thấy trong tàng thất của tổ phụ khi còn bé. Nhưng khiến cho người khác say mê nhất lại là giọng nói của chàng, trầm thấp thuần hậu, mỗi lần nói chuyện đều có thể khiến cho người ta rạo rực trong lòng.

Thẩm Xung thích làm vườn, viện của chàng trồng đầy các loại hoa cỏ cây cối, cảnh trí bốn mùa như tranh vẽ.

Huệ Phong thường than phiền nói, công tử nhà nàng ấy tốt thì tốt thật nhưng mỗi lần có hạt giống mới là bọn họ lại phải theo chàng vất vả làm vườn. Tôi thì cảm thấy nàng ta đúng là không có mắt nhìn, ở trong mắt tổ phụ tôi, một nam tử đến trồng trọt còn không biết thì chẳng khác nào phế vật, có thể quản lý tốt đất đai mới có thể quản lý một gia đình.

Tôi thường nghĩ nếu như tôi là thị tỳ của Thẩm Xung thì nhất định mỗi ngày đều khích lệ chàng trồng hoa trồng cỏ, một bước không rời, tiện bề độc chiếm… À không, là hầu hạ…

Tôi còn mộng tưởng hão huyền rằng đợi đến ngày tôi lấy lại được điền trạch của tổ phụ, giả như phủ Hoài Âm Hầu suy sụp một chút thì thật tốt. Không cần phải suy sụp hoàn toàn giống như Viên thị, chỉ cần khiến cho Thẩm Xung mất hết thân phận, lưu lạc đầu đường, như vậy thì tôi có thể danh chính ngôn thuận mà thu nhận chàng vào nhà. Tâm nguyện của tổ phụ lúc còn sống chính là để cho tôi thừa kế sản nghiệp, tìm một lang quân có thân phận đến ở rể, từ đó cuộc sống tiêu dao tự tại. Tuy tổ phụ không còn nữa nhưng với phẩm vị ông, Thẩm Xung tuấn tú tài giỏi như vậy nhất định là ông sẽ rất thích…

Giờ lên lớp ở Quốc Tử học rất dài, giờ Tỵ bắt đầu vào học cho đến giờ Thân mới tan.

Mặt trời đã ngả về Tây, tôi và Thanh Huyền thu dọn sách vở cùng giấy bút, theo Công tử rời đi.

Học trò của Quốc Tử học đều là con cháu quý tộc trẻ tuổi chưa nhập sĩ, luôn được quan tâm, đặc biệt là người có danh tiếng ở bên ngoài như Công tử. Mỗi lần tan học, luôn có người hâm mộ đứng chờ ở ngoài cổng lớn, chỉ mong được nhìn hắn một cái, cho nên để tránh phiền toái, bọn tôi luôn đi đường vòng từ cửa sau ra ngoài.

Dĩ nhiên, đây là chủ ý của tôi.

Vì phía sau học đường là nơi của trợ giáo, tiến sĩ và tế tửu của Quốc tử học, đi ngang qua đây rất có thể sẽ gặp được Thẩm Xung.

Đáng tiếc chỗ này hôm nay lại vô cùng an tĩnh, chắc là chẳng có hy vọng gì.

Tôi đang thất vọng đi từ hàng lang đến chỗ rẽ thì chợt nhìn thấy một bóng người cũng đang đi về hướng này, suýt chút nữa là đụng vào nhau.

“Nghê Sinh?” – Thẩm Xung dừng bước đỡ lấy tôi.

Tôi thích nhất là nghe chàng gọi tên tôi, đáy lòng dâng lên một loại cảm giác rạo rực ngọt ngào.

“Biểu công tử.” – Tôi hành lễ nói.

Công tử cũng nhìn thấy chàng liền dừng bước.

“Đệ đi đâu vậy?” – Thẩm Xung hỏi.

Công tử trả lời – “Về phủ.”

Thẩm Xung đưa mắt nhìn trời nói – “Ta cũng chuẩn bị trở về phủ, hay là đi cùng đi.”

Công tử mỉm cười xem như bằng lòng.

Thời tiết hôm nay khá ấm áp, đến chiều muộn tuy gió có hơi lạnh như vẫn rất dễ chịu. Tôi đi theo phía sau Công tử, nhìn bóng lưng của Thẩm Xung đằng trước, vô cùng hài lòng.

Trong lứa đồng niên, người Công tử coi trọng không nhiều, Thẩm Xung là một trong số đó. Hai người là thân thích, so với người khác lại càng thân hơn một bậc, chưa từng câu nệ tiểu tiết.

Nhờ phúc của Công tử, Thẩm Xung cũng biết tôi, còn nhớ cả tên.

Lúc trước khi chàng vẫn còn là học trò ở Quốc tử học, tôi thường xuyên thừa dịp rảnh rỗi trong giờ học đi tới viện của chàng, làm như tình cờ gặp gỡ. Tôi hay giả vờ xuất thần ngắm hoa, ngắm chim, hoặc cầm một quyển sách ngồi đọc ở hành lang, lúc chàng đi qua luôn có thể nhận ra tôi.

Tôi nắm lấy thời cơ, hết hỏi chàng cây lại hỏi chàng hoa, hoặc nhắc đến một câu diễn giải kinh điển nào đó, Thẩm Xung luôn rất kiên nhẫn giải đáp, giống như thể đối đãi với một học trò cần cù hiếu học.

Một lần Thẩm thị và Hoàn thị cùng tổ chức yến tiệc, tôi nghe Thẩm Xung nói với Đại trưởng công chúa, không ngờ đến một thị tỳ nho nhỏ bên cạnh công tử cũng yêu thích học vấn như vậy, đúng là may mắn của phủ Hoàn.

Công tử nghe vậy liền lộ ra vẻ kinh ngạc, còn tôi tuy mặt mày bình tĩnh nhưng trong lòng thì như nở hoa.

Đáng tiếc, từ hai năm trước, sau khi chàng lên làm trợ giáo thì bên cạnh luôn kè kè một Trần Dục mặt mũi nghiêm nghị, cho dù tôi có thường xuyên đụng mặt chàng đi chăng nữa thì cũng chẳng nói được câu gì, đúng là mất hứng.

Giống như Hoàn Tương, Thẩm Xung cũng hỏi Công tử về cuộc gặp mặt với Tạ Tuấn.

Không ngoài dự đoán của tôi, Công tử khen ngợi Tạ Tuấn không ngớt.

Còn Thẩm Xung nghe xong chỉ cười một tiếng.

“Nghe nói sức khỏe của phụ thân Tạ công tử không ổn lắm, lần này huynh ấy hồi kinh chắc là phải ở lại lâu. Song phía Tần vương hiện giờ cũng đang rảnh rỗi, huynh ấy không có mặt ở đó cũng không sao.”

Công tử nghe vậy liền lộ ra vẻ kinh ngạc – “Rảnh rỗi? Tần vương không phải đang diệt phản loạn hay sao?”

Thẩm Xung cũng lấy làm ngạc nhiên – “Đệ không biết gì sao?”

“Biết chuyện gì?”

“Bệ hạ đã điều Tần vương đến Khương, chiến sự ở Hà Tây có lẽ sẽ giao lại cho Mạt Lăng hầu Tuần Thượng.”

Công tử nghe vậy, ánh mắt liền trầm xuống