Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)

Chương 47: Chiều hôm sâu thẳm ở bắc bình (1)



Ga tàu Thiên Tân.

Bên cạnh cầu vượt nhà ga, một mình Trịnh Độ ngồi trên ghế chờ, hai phía khu vực chờ toa hạng nhất đều kín người canh giữ. Ở chỗ bóng râm, một người phụ nữ có đôi mắt to sóng sánh mặc chiếc áo sơ mi vải sa tanh cùng váy dài, bộ dáng được chăm sóc kỹ lưỡng nhìn như chỉ mới ngoài ba mươi. Cô ấy tò mò hỏi Hà Vị: “Anh Thanh nhà chúng tôi, ngoại trừ một chút thanh danh, còn lại đều là hai bàn tay trắng, sao lọt vào mắt xanh của cô hai thế?”

Hà Vị mặc một chiếc váy liền thân xanh nhạt dài đến mắt cá chân, mái tóc mềm được kẹp gọn sau đầu, đứng bên cạnh Tạ Vụ Thanh đang chống gậy, bất ngờ nghe hỏi như thế, không khỏi bật cười, đối diện nhìn Tạ Vụ Thanh.

“Ở thời loạn thế, công danh dễ tìm, nhưng thanh danh khó có được”, Trịnh Độ gõ điếu thuốc trên tay, “Có điều quá khứ của anh Vụ Thanh đây, so với Trịnh Độ tôi cũng kẻ tám lạng người nửa cân, thanh danh chẳng tốt mấy”.

Trịnh Sính Tích không quan tâm đến em trai út nhà mình, vui sướng quan sát đôi bích nhân trước mặt, nắm lấy tay Hà Vị: “Vị Vị nhớ kỹ trong lòng, chị chính là chị gái ruột của Tạ Vụ Thanh, sau này gặp chuyện khó khăn, cứ việc lên tiếng, chị ba sẽ giúp em”.

Hà Vị khẽ gật đầu.

Hiện tại chiến tranh khắp nơi, nhóm quân phiệt mới cùng chính phủ Nam Kinh giằng co đã mấy tháng.

Chỉ có quân Đông Bắc vẫn án binh bất động, họ đang chờ Bắc Bình và Nam Kinh phân rõ thắng bại. Chị em Trịnh gia không tiện đến Bắc Bình thời điểm này, sau khi tiễn Tạ Vụ Thanh ở Thiên Tân, cũng sẽ quay về quan ngoại.

“Cục diện Bắc Bình không rõ”, Trịnh Sính Tích nói, “Vì hai chị gái của mình, em cũng phải tự bảo trọng”.

Cô dặn dò xong, nhìn theo đoàn người của họ lên xe.

Hà Vị ngồi cạnh cửa sổ, nhìn Trịnh Sính Tích vẫn đứng trên sân ga không chịu rời đi, nhỏ giọng hỏi Tạ Vụ Thanh: “Tên của cô ba Trịnh gia này rất giống tên chị anh”.

“Sính Tích là tên chị ba anh”, Tạ Vụ Thanh xuyên qua rèm cửa vàng nhạt nhìn Trịnh Sính Tích, “Chị ba anh vừa mất, chị ấy cũng đổi tên”.

Mấy năm trước, khi anh nhìn thấy cô ba Trịnh gia ở Phụng Thiên, vẫn là mái tóc xoăn dài, hiện tại người kia đã để kiểu tóc giống chị ba anh.

Tiếng còi xông lên tận trời, bánh xe nghiền qua đường ray, mang theo những toa tàu đầy ắp người rời đi.

Trịnh Sính Tích không nỡ theo sau tàu mấy bước. Lần đầu gặp lại Tạ Vụ Thanh cô không nén được vui mừng, nhưng hiện tại từ biệt, đột nhiên cảm thấy đau lòng không khác gì năm đó, tựa như trơ mắt nhìn cô ba Tạ ra đi, nước mắt bất tri bất giác rơi xuống.

“Chị”, Trịnh Độ không muốn thấy chị ruột khóc, cất điếu thuốc vào, “Cần gì phải thế, đã nhiều năm như vậy”.

“Em nghĩ chỉ có mấy năm à…”

Đối với Tạ Sính Tích mà nói, đã hết một đời rồi.

Tàu chạy tới khúc cua, Hà Vị nhìn ra cửa sổ, không thấy ga tàu nữa, chỉ có bầu trời ẩm ướt, từng toa tàu nối đuôi nhau, đường ray xen kẽ trên đá trắng.

Vì đang mùa hè, hai bên đường sắt mọc đầy cỏ dại, cao hơn nửa người, tàu hoả chạy ngang cuốn lên gió thốc xiêu vẹo một bên.

Một trận gió mạnh mang theo hơi nóng thổi tới, gò má ê ẩm.

Hà Vị đóng cửa sổ.

Cô và Tạ Vụ Thanh mỗi người đặt một phòng riêng. Vì Tư Niên ngủ trưa cách vách nên Tạ Vụ Thanh đã lệnh quan quân mang công việc lớn nhỏ dọn hết sang chỗ này, nhường lại gian phòng kia.

Cô quan sát các quan quân lắp đặt thử máy đánh chữ, có người kết nối điện cho máy điện báo, nguồn điện được gắn vào một bộ phận phát điện tay cầm màu nâu đỏ. Trong lúc họ bận rộn, Tạ Vụ Thanh nhàn nhã ngồi trên sô pha, mở ra tấm bản đồ Bắc Bình mới nhất được ghi chú tỉ mỉ trên bàn trà bằng đá cẩm thạch.

“Lần này tới Bắc Bình vẫn ở khách sạn Lục Quốc”, anh nắm tay cô, kéo cô ngồi bên cạnh, “Điểm liên lạc của chúng ta phải đặt quanh khu vực sứ quán và lãnh sự quán mới an toàn”.

Cô “vâng” một tiếng. Hiện giờ các nhóm quân phiệt mới đều tụ về Bắc Bình, nếu anh không ở ngõ Đông Giao Dân, ngược lại càng khiến cô sầu lo.

Tàu chạy chưa đến mười phút, Thiên Tân gửi đến một bức điện báo: Thất phu già đầu, đi không nói năng.

Tạ Vụ Thanh đọc xong phì cười.

“Các anh ngày thường cũng gửi điện báo như thế à?” Cô nhoẻn miệng hỏi.

“Còn khó nghe hơn”, anh nói, “Họ biết vợ anh đang bên cạnh nên không dám nói nhiều”.

Tàu vừa vào khu vực Bắc Bình đã bị chặn lại, dừng tạm ở một trạm nhỏ chờ kiểm tra.

Lần này ra Bắc, Tạ Vụ Thanh lấy cớ dưỡng bệnh, nhờ bạn cũ xin giấy thông hành. Người kiểm tra từng toa tàu, đến chỗ nối liền hai toa đã được trình giấy thông hành, thấp giọng thương lượng một hồi mới quyết định không quấy rầy vị tướng quân đã rửa tay gác kiếm.

Lát sau, Lâm Kiêu đưa một tấm danh thiếp. Họ Chúc, tên Chúc Khiêm Hoài.

Chúc tiên sinh? Cô ngạc nhiên.

Năm ấy sau khi Phụng hệ thất bại đã lui về quan ngoại, Chúc tiên sinh cũng biến mất từ đó. Người trong kinh đồn đãi, nói Chúc tiên sinh bị một vị quân phiệt giam giữ, mang theo hắn cùng rời khỏi nơi này.

“Mời người đó vào”. Tạ Vụ Thanh  lên tiếng.

Chúc Khiêm Hoài đã lâu không gặp vẫn mặc bộ tây trang vàng nhạt như trước kia, tóc vuốt bóng loáng kỹ càng, ngoại trừ đuôi mắt hằn nếp nhăn thì không thay đổi nhiều. Hắn trông thấy Tạ Vụ Thanh và Hà Vị, mỉm cười miễn cưỡng: “Ở toa xe bên kia nghe người ta nói chỗ này có Tạ tiên sinh đến từ phương Nam, lại gặp được phó quan Lâm Kiêu, tôi liền đoán hẳn là tướng quân… Không ngờ cô hai cũng ở đây, làm phiền rồi”.

“Mời tiên sinh ngồi”. Hà Vị nhường sô pha đơn cho hắn.

“Không, không cần đâu”. Chúc Khiêm Hoài càng mất tự nhiên.

Khách đến không nói rõ ý đồ, cô và Tạ Vụ Thanh chỉ đành lệnh người pha trà, kiên nhẫn đợi.

“Tiên sinh gặp khó khăn gì sao?” Cô cười hỏi, “Nếu có việc cứ nói, không cần khách sáo”.

“Nhìn cô hai liền nhớ đến Hà thất tiên sinh”, Chúc Khiêm Hoài cười hiền, nhỏ giọng bảo, “Đầu óc lung tung, thất lễ quá”.

Hắn dõi mắt quan sát Tạ Vụ Thanh: “Tôi muốn hỏi một câu, mong tướng quân chớ trách”.

Tạ Vụ Thanh hơi gật đầu, chờ hắn hỏi.

“Tướng quân Tạ Khanh Hoài…” Chúc Khiêm Hoài khẽ nói, “Đi thật rồi sao?”

Trong toa tàu nhất thời tĩnh lặng.

Tạ Vụ Thanh mỉm cười hỏi lại: “Vì sao Chúc tiên sinh lại hỏi về một kẻ bị phán tội chết từ lâu?”

Chúc Khiêm Hoài nhấc tách trà, thấp giọng đáp: “Tôi chỉ muốn biết, một người tốt như thế, thật sự không sống nổi ư?”

“Hắn chết rồi”, Tạ Vụ Thanh nói, “Bị xử bắn”.

Trong thinh lặng, Chúc Khiêm Hoài thở dài, rũ mắt nhìn lá trà ngâm trong tách.

Hà Vị không muốn hai người họ chìm trong không khí tang thương, cô ôn chuyện với Chúc Khiêm Hoài, hỏi thăm tình hình gần đây của hắn.

Chúc Khiêm Hoài như biết rõ lời đồn về mình, cũng không kể nhiều quá khứ, đa phần đều chỉ nói ở hiện tại. Lần này hắn về Bắc Bình vì muốn thi tuyển vào một trường sư phạm. Hát kịch nhiều năm nên Chúc Khiêm Hoài nghiên cứu không ít về lịch sử, tài học hơn người, hắn muốn trở thành một thầy giáo. “Vị hiệu trưởng trường sư phạm kia rất tôn sùng nền giáo dục bình dân”, Chúc Khiêm Hoài giải thích, “Giáo viên trong trường đều mặc áo dài dạy học, khi tan làm thì khoác áo vải lam cùng học trò làm đồng áng, học sinh cũng toàn xuất thân từ gia đình bần hàn, vừa học vừa làm. Tôi muốn góp một phần sức”.

Chúc Khiêm Hoài cúi đầu cười, nhấp thêm hai ngụm trà rồi vội vàng rời đi.

Nhìn ra được hắn đến chỉ để nghe ngóng tin tức của vị tướng quân Tạ Khanh Hoài mà mình ngưỡng mộ.

“Lúc trước em từng nói anh và Tạ Khanh Hoài quan hệ rất tốt, hắn hẳn còn nhớ kỹ”. Cô giải thích với Tạ Vụ Thanh.

Tạ Vụ Thanh khẽ gật đầu.

“Vừa nghe hắn nhắc đến cô bảy của em”, anh hỏi, “Có ẩn tình sao?”

“Vâng”, cô đáp, “Từ sau khi hắn biến mất khỏi Bắc Bình, nhiều lời đồn nói hắn đi theo quân phiệt. Trong lòng cô bảy luôn nhớ hắn, không tìm thấy người nên nản lòng, bỏ về Vũ Hán”.

“Có điều cô bảy đến Giang Nam, chủ yếu vì vận tải đường thuỷ Trường Giang”, cô lại kể tiếp, “Bản đồ vận tải đường thuỷ Hà gia quá rộng, dễ khiến người khác chú ý, em giả vờ cùng cô bảy náo loạn một trận, nói với người khác sẽ tách riêng, chuyển vận tải đường thuỷ Trường Giang ra ngoài”.

“Lô hàng của Bạch Cẩn Hành trước phải qua đường biển, sau đó đến hàng hải Trường Giang”, cô bổ sung, “Chuyện này quan trọng, sau khi em về kinh phải đích thân đi Vũ Hán một chuyến”.

Trong hoàng hôn mênh mông, tàu hoả đến ga Chính Dương Môn.

Trận chiến hiện tại ở Trung Nguyên đang tới hồi gay cấn, vì thế tàu hoả từ Nam chí Bắc, chỉ cần dừng ở ga Chính Dương Môn, đều mang theo không ít sĩ quan và binh lính bị thương.

Tạ Vụ Thanh chống gậy xuống xe.

Thời tiết ẩm ướt, gió nóng mang theo mùi máu tanh mà anh quen thuộc nhất trên chiến trường, cuốn qua phân nửa sân ga. Lâm Kiêu cẩn thận quan sát quân trang của tốp binh lính phía xa, sai người đi hỏi thăm tình hình bộ đội.

Danh tính bộ đội còn chưa hỏi rõ, đã có quan quân nhận ra Lâm Kiêu.

Lúc trước trên chiến trường, Tạ Khanh Hoài một đường ra Bắc, đánh đâu thắng đó không gì cản được, tuy chưa tiến vào thành Vũ Hán nhưng vị phó quan kiêm chức tham mưu tên gọi Lâm Kiêu thường xuyên ra vào toà văn phòng cùng tổng bộ thành Vũ Hán, thay tướng quân báo cáo tiến độ công việc. Lâm Kiêu trời sinh da thịt mịn màng, trông như một thư sinh, tất nhiên để lại ấn tượng sâu sắc với người khác.

Hà Vị cùng Tạ Vụ Thanh dọc theo sân ga ra ngoài, dẫn theo mấy người Hà gia. Đám người Lâm Kiêu cố tình tách riêng, đi vào một cánh cửa khác, bọn họ không mặc quân phục, chỉ diện loại áo vải bình thường nhất, xách theo vali hành lý bằng da đựng thiết bị liên lạc quan trọng.

Có mấy sĩ quan nhỏ giọng bàn tán, đó là thuộc hạ cũ của Tạ Khanh Hoài.

Người nhận ra Lâm Kiêu, kính trọng gật đầu chào hắn.

“Mọi người rất tôn kính các anh”. Cô nói.

Tạ Vụ Thanh không đáp, chỉ thoáng liếc qua những người hành quân lễ với Lâm Kiêu.

Bên ngoài ga Chính Dương Môn, một loạt xe kéo chờ sẵn. 

Chỗ này để lại ấn tượng đặc biệt với cô và Tạ Vụ Thanh.

Tạ Vụ Thanh dừng chân ngoài cổng lớn, nhìn qua khu đất vàng sẫm đỗ xe kéo, bị ánh mặt trời ngày nắng chang chang hong khô, dưới bánh xe cuốn theo từng lớp bụi đất mịt mù. Đó là nơi Triệu Dư Thành bỏ mình.

Cổng thành xám xịt nguy nga, từng đoàn lữ khách lũ lượt nối đuôi nhau, còn có chiều hôm ở Bắc Bình, đều bày ra trước mắt anh.

Qua mấy năm, anh lần nữa quay về Chính Dương Môn.



Hai chiếc xe kéo lần lượt dừng trước đầu đường mới ở Nam phố, Khấu Thanh ngồi xe sau móc ra bốn đồng tiền đưa cho hai người kéo xe.

Đáng lẽ chỉ đáng một đồng, nhưng lại cho gấp đôi. Hai người kéo xe cười rộ nói cảm ơn, không chớp mắt nhìn theo bọn họ bước vào một ngõ nhỏ, thì thầm với nhau, đoán nhóm người này hẳn là giáo sư đại học mới đến Bắc Bình.

Ông bác trông nhà tuổi tác đã cao, có cảm tình sâu sắc với hai chú cháu Tạ gia, Hà Vị sợ ông không chịu nổi cú sốc nên mấy năm qua vẫn không nói chuyện Tạ gia thất bại, Tạ Vụ Thanh không rõ tung tích. Bên trong căn viện mấy chục năm vẫn không đổi, lá trúc xào xạc, vô cùng thoải mái. Dưới giàn nho, ông bác gánh theo một thùng nước đứng nơi râm mát tưới mấy tán bạc hà mới trồng, này do một lần Quân Khương đến thăm, thấy ông bác phiền não vì quá nhiều muỗi nên dạy ông mẹo nhỏ.

Tư Niên ngồi đường xa mệt mỏi, đang thiếp đi trong lòng Lâm Kiêu, hai bím tóc rũ bên má, càng làm nổi bật khuôn mặt nhỏ nhắn như ngọc bích.

Ông bác vừa thấy họ, miệng há to, từ kinh ngạc thành bật cười sang sảng, luôn miệng nói: “Nha đầu này thật giống mẹ, rất giống nha”.

Ông bác ném gáo hồ lô vào thùng nước, đẩy cửa sương phòng phía đông: “Chỗ này mát mẻ, để con bé vào nghỉ ngơi trước”.

Lâm Kiêu bế Tư Niên đến sương phòng, Khấu Thanh theo sát bên cạnh.

Ông bác ra ngoài, lúc này mới chú ý đến gậy chống trong tay Tạ Vụ Thanh, ông vốn thân thiết với lão tướng quân, đã quen thấy cảnh này, không trách móc chỉ hỏi: “Bị thương à?”

Tạ Vụ Thanh gật đầu: “Sớm khỏi thôi”.

Anh chậm rãi đi về trước, đẩy cửa chính phòng. Dưới đất không một hạt bụi, phía sau bình phong đang bật quạt điện.

Những tấm ảnh treo đầy tường không sai biệt, đặt đâu còn nguyên đấy.

Mọi người bận rộn khuân vác hành lý Tạ Vụ Thanh vào sân.

Tuy đã hoàng hôn nhưng tiết trời oi bức không đổi, Hà Vị khép cửa lại, khuấy đều ly nước ô mai ướp lạnh từ Hà gia đưa đến rồi kề bên miệng anh.

“Buổi tối muốn ăn gì?” Cô hỏi nhỏ, như tiếng thì thầm của những đôi vợ chồng mới cưới.

Lại nói thêm: “Trời nóng gay gắt, anh vẫn còn bị thương, không thể ăn mấy món từ mỡ lợn”.

“Vậy ăn hoa quả khô thế nào?”

Tim Hà Vị nảy một cái, hơi loạn nhịp.

“Lời nói lúc nhỏ vậy mà anh còn nhớ rõ”. Cô nói khẽ, kéo một cái ghế tròn đến ngồi trước mặt anh.

“Hiện giờ cũng chả lớn hơn bao nhiêu”, anh nói, “Tuổi hai mươi tư như hoa của cô hai chỉ mới qua thôi. Mà Tạ mỗ”, tay anh đặt lên thành ghế, lần nữa xắn gọn tay áo sơ mi bị xổ ra khi di chuyển lúc nãy, “Lớn tuổi vẫn không vợ, chẳng phải gọi là khoáng phu [1] ư?”

[1] Khoáng phu, danh từ chỉ những người đàn ông lớn tuổi mà chưa lấy vợ

Hà Vị định uống nước ô mai, bị anh chọc cười không tài nào uống nổi.

Mỗi khi người này trêu đùa, luôn có cảm giác yêu đương kiểu mới. Không đứng đắn gì cả.

“Để em bảo người mang váy cưới đến đây, còn có sơ mi âu phục may riêng cho anh nữa”, cô nghịch thìa sứ trắng, nói ra ý định, “Sau đó anh mặc thử xem, chắc là không sai lệch lắm. Dựa theo số đo trước đây của anh, hiện giờ anh chẳng béo nổi, ngược lại còn gầy hơn”.

Tạ Vụ Thanh im lặng một lát, bỗng hỏi: “Chuẩn bị xong lúc nào? Âu phục cưới của anh ấy?”

Anh đi để lại nửa tờ hôn thư, mà cô lại ở nhà chuẩn bị đồ cưới.

Cô mỉm cười, không muốn làm anh buồn, đặt bát lên bàn: “Không nhớ nữa”.

Lại nói tiếp: “Nếu gả từ tiểu viện Hà gia đến đây, chỉ e sẽ khiến người khác chú ý, không bằng từ sương phòng gả qua chính phòng. Ngày mai em tìm tiên sinh ở phòng kế toán đến xem ngày lành”.

Tạ Vụ Thanh định mở miệng, cô đã dùng mũi giày khẽ đá chân anh, ngăn lại: “Không được nói em thiệt thòi”.

Tạ Vụ Thanh là người ghét bày vẽ hình thức, nhưng luôn muốn mang những thứ tốt nhất cho Hà Vị.

Có điều ngoại trừ việc tự giữ mình, bảo vệ tốt bản thân cho cô, còn lại thứ gì cũng chưa từng có.

Ngay cả một món trang sức cũng không.

“Nếu anh có lòng, đợi ngày đất nước thái bình, mở tiệc đãi khách ở tám đại lâu, đăng trang nhất những tờ báo lớn kinh thành”. Cơ nhoẻn cười.

Tạ Vụ Thanh ngồi cách cô mấy bước, dưới giày da là mảnh đất Bắc Bình… Anh sững lại hồi lâu, khẽ gật đầu: “Được. Ngày đất nước thái bình, đãi tiệc ở tám đại lâu, toàn bộ mặt báo khắp Kinh – Tân – Thượng [2], đều sẽ đăng trang nhất”.

[2] Bắc Kinh – Thiên Tân – Thượng Hải

Lòng cô nhẹ nhõm, cười vang bảo: “Ba đầu báo lớn nhất, quý hoá quá”.

Anh cũng cười: “Tòng quân hai mươi lăm năm, chút lương bổng này vẫn tích cóp được”.

— HẾT CHƯƠNG 47 —
— QUẢNG CÁO —