Linh Dị Âm Dương

Chương 48: Ông Chú



Thiệu Dật và mấy gia đinh nhà họ Viên cùng nhau hợp sức mở phần mộ trống chuẩn bị cho bà nội của Viên Phi Dương ra. Vừa mở cửa mồ ra, mọi người nhìn thấy nơi vốn phải trống trải không có bất kì thứ gì lại xuất hiện một hình nộm kích thước cỡ một bàn tay đang nằm chỏng chơ trên đất.

“Quả nhiên chúng ta đoán không sai.” Cố Cửu khom người nhặt hình nộm lên.

Viên Phi Dương đưa tay muốn sờ vào hình nộm nhưng bị Cố Cửu né ra. Cậu nói: “Cái này hẳn là dùng cỏ mọc nơi mộ bện ra, cô nương đừng chạm vào.”

Cỏ nơi mộ, đúng như tên gọi là loại cỏ mọc ngay trên phần mộ của người chết, hấp thu âm khí mà sinh trưởng, từ gốc đến ngọn đều đầy âm khí, người bình thường không nên chạm vào, đặc biệt là trên người Viên Phi Dương vẫn đang còn nguyền rủa chưa được giải.

Hình nộm được bện từ cỏ nơi mộ nếu dùng để nguyền rủa thì hiệu quả có thể tăng gấp nhiều lần so với rơm hay cỏ thường. Trên người hình nộm này mặc một bộ đồ nhỏ vừa người, nhìn qua là biết ngay được cắt ra từ đồ cũ của bà nội Viên Phi Dương. Hình nộm mặc đồ của bà, trên người cũng nhiễm hơi thở của bà, lại còn bị vùi vào mộ phần vốn được chuẩn bị cho bà nên đã đồng hóa với thân thể thực. Như vậy, bà nội đang nằm ở nhà mà chẳng khác gì đang nằm trong mộ vắng, đó là lý khiến bà đã đắp mấy lớp chăn bông dày sụ mà vẫn run rẩy vì lạnh.

Mỗi lần kẻ muốn hãm hại bà cúng tế người rơm này thì trên người bà lại mất đi một phần sinh khí, sinh khí bị âm khí trên người của hình nộm thôn tính nên khắp người bà cụ mới tràn ngập tử khí như Cố Cửu và Thiệu Dật nhìn thấy.

Cố Cửu tìm tới tìm lui thật kĩ trước bia mộ mới thấy được một chút vụn giấy màu đen cháy xém bám vào trên vách bia. Cậu nói: “Xem ra kẻ này rất cẩn thận.”

Viên Phi Dương hỏi: “Chúng ta đem hình nộm này ra có gây nguy hiểm không?”

“Không sao.” Cố Cửu đáp. Hình nộm và bà nội Viên Phi Dương bây giờ xem như liền một thể, cho nên mang nó ra khỏi mộ cũng giống như mang bà ra ngoài.

Cố Cửu lột hết quần áo trên người hình nộm, sau đó đánh tan tất cả âm khí, xong cậu quay sang nói với Viên Phi Dương: “Có điều bây giờ lão phu nhân rất yếu, kể từ bây giờ cô nương phải cho người canh gác, bảo vệ ngôi mộ này cẩn thận, không thể để kẻ gian tiếp tục cúng tế nữa, nếu không thì hậu quả khó lường.”

Nghe vậy, Viên Phi Dương lập tức lệnh cho hai gia đinh ở lại trông coi mộ. Sau khi họ lấp cửa mộ lại như cũ thì lên đường quay về.

Trên đường về, Cố Cửu đề nghị rằng tốt nhất Viên Phi Dương hãy thực hiện kế sách dụ rắn ra khỏi hang, không thể cứ bị động như thế này mãi được. Viên Phi Dương cũng đồng ý, nếu đã biết mình bị kẻ khác dùng tà thuật ám hại thì không thể ngồi yên chờ chết. Bọn họ ngồi trên xe ngựa cùng nhau bàn bạc ra một kế hoạch, quyết định ngay ngày mai sẽ thực hiện.

Đã bận rộn cả một đêm, lúc về đến nhà họ Viên đã qua giờ Tý, Cố Cửu và Thiệu Dật rửa mặt và làm vệ sinh sơ qua rồi hai người một mèo lăn lên giường ngủ say.

Sáng hôm sau, trời vừa tảng sáng, Viên Phi Dương đã dẫn theo Thanh Nịnh và một nha hoàn khác gõ cửa phòng của hai sư huynh đệ. Lúc bọn họ đến, Cố Cửu và Thiệu Dật đang dán bùa lên con bù nhìn thế thân của Viên Phi Dương.

Cố Cửu quay đầu nhìn ba người vừa tới từ trên xuống dưới khắp một lượt: “Mọi người chuẩn bị xong rồi chứ? Không để ai khác nhìn thấy?”

Hôm nay, Thanh Nịnh mặc quần áo của Viên Phi Dương, búi kiểu tóc như cô chủ hay búi, tư thế đi đứng cũng cố gắng bắt chước cho thật giống, còn nha hoàn kia thì lại bắt chước điệu bộ của Thanh Nịnh. Chiều cao của bọn họ đều xấp xỉ nhau, nếu đứng xa hoặc không quan sát kĩ thì sẽ không phát hiện ra được.

Viên Phi Dương nói: “Đạo trưởng yên tâm, không ai thấy cả, sẽ không lộ đâu.”



Vừa hay sáng nay trời khá âm u, “Viên Phi Dương” mặc một bộ đồ có mũ trùm để ra ngoài cũng không làm người ta thắc mắc. Viên Phi Dương thật thì sẽ ở lại đây với hai người Cố Cửu.

Thanh Nịnh đội mũ trùm lên, dẫn theo Thanh Nịnh giả đi ra.

Còn chưa kịp ra khỏi cửa, Viên Phi Dương đã gọi hai người lại: “Phải cẩn thận.”

Thanh Nịnh cười: “Tiểu thư yên tâm, chúng em chỉ ra ngoài đi dạo một vòng thôi, sẽ không sao đâu.”

Người bị dính nguyền rủa thì ngay cả đi đường cũng có thể đột nhiên té ngã đập đầu mà chết, nhưng mấy lần Viên Phi Dương gặp chuyện bất trắc đều là ở bên ngoài cả. Dường như kẻ chủ mưu không muốn để cô chết trong nhà, cho nên bọn họ mới nắm lấy điểm này mà bày kế, để Thanh Nịnh cải trang thành Viên Phi Dương ra ngoài một chuyến. Chắc hẳn đối phương rất để ý hành động của bọn họ, Cố Cửu nghĩ đến điều này nên tối qua đi ra ngoài đã dùng chút thủ thuật che mắt đánh lạc hướng.

Thanh Nịnh đi rồi, Cố Cửu nhìn thoáng qua cô gái đang đăm chiêu suy nghĩ bên cạnh, ướm hỏi: “Qua một đêm rồi, cô nương có nghĩ tới ai khả nghi không?”

Viên Phi Dương lãnh đạm nói: “Dĩ nhiên là có, chỉ là vẫn không dám tin.”

Cố Cửu tò mò: “Là vị họ hàng nào của cô vậy?”

Bát tự, tóc, máu hay da là những thứ cần để thực hiện nguyền rủa. Khoảng thời gian trước khi bắt đầu gặp tai nạn, Viên Phi Dương không hề bị thương, tóc thì mỗi lần cô tắm hay chải đầu Thanh Nịnh đều sẽ gom lại mang đi đốt, mà Viên Phi Dương tin rằng Thanh Nịnh sẽ không phản bội cô, vậy thì còn lại mỗi bát tự là con đường khả thi, mà bát tự của cô ngoài chính cô và bà nội ra chỉ còn một người thân duy nhất biết được.

Viên Phi Dương nói: “Ông nội tôi có một người em trai tên là Viên Mậu Điển, tôi gọi ông ta là ông chú. Lúc còn nhỏ có một lần tôi bị bệnh nặng, là ông chú đến miếu cầu thần khẩn Phật, quỳ hai ngày một đêm khấn cho tôi được khỏe lại.”

Đến tận bây giờ Viên Phi Dương vẫn còn nhớ như in lúc đó cô còn nhỏ xíu, yếu ớt nằm trên giường bệnh, vừa mới hé mắt ra đã thấy ông chú của mình khập khiễng bước vào phòng, tay cầm một đóa hoa tươi mới hái, vừa cười vừa dỗ dành cô: “Tiểu Dương tỉnh rồi, ông chú tặng con bông hoa này nhé.”

Viên Phi Dương rất thích hoa, khắp cả nhà họ Viên đều là hoa, ngay cả khu mộ tổ trên núi cũng ngập tràn các loại hoa đẹp do chính tay cô lựa chọn và sắp xếp.

Viên Phi Dương nhìn vị đạo trưởng trẻ tuổi đang ngồi xổm bên cạnh cô ra vẻ rảnh rỗi hết sức muốn hóng hớt, kể lại: “Trước kia tôi vẫn cảm thấy tên của mình thật xấu xí…”

Lúc Cố Cửu viết lại bát tự của Viên Phi Dương để làm bù nhìn rơm đã tính được năm nay cô mới tròn 17 tuổi, nhưng không khó để nhìn ra cô đã là chủ nhân thực sự của nhà họ Viên. Từ sáng hôm qua đến giờ, chỉ mới tiếp xúc vỏn vẹn một ngày mà cô gái tuổi không bao lớn này đã thể hiện được mình là người có bản lĩnh, làm việc vô cùng quyết đoán, uy thế có thừa. Tất cả người làm trong nhà họ Viên từ trên xuống dưới đều thật tâm làm việc cho cô, tôn kính gọi cô một tiếng “thiếu chủ”, tuy cô là phụ nữ nhưng không hề thua kém cánh mày râu chút nào, mà những điều này ngoài thiên phú của cô ra còn do cô được ông nội dạy dỗ từ nhỏ.

Viên Phi Dương, Phi Dương, đây rõ ràng là tên của con trai.

Năm đó lúc Viên Phi Dương chỉ mới là một bào thai trong bụng mẹ, ông nội của cô đã kì vọng đứa cháu này là con trai, thậm chí ngay khi cô còn chưa lọt lòng đã được ông đặt cho cái tên “Phi Dương” đầy nam tính. Kết quả làm ông phải thất vọng một phen, cô là một bé gái. Nhưng nào ngờ ông nội cô còn chưa kịp vực dậy tâm trạng xuống dốc của mình thì đã phải đối mặt với một nỗi đau còn lớn lao hơn, khi con trai và con dâu ông đột ngột qua đời. Đứa cháu gái vốn không được trông đợi lại trở thành giọt máu duy nhất mà con trai ông để lại.

Nhà họ Viên rất giàu có, sản nghiệp trong tay nhiều không đếm xuể, ở thời đại này gia nghiệp tổ tiên chỉ truyền nam chứ không truyền nữ, nhưng bây giờ ông nội Viên không còn sự lựa chọn nào khác, sau khi con trai và con dâu mất, ông từ chối đề nghị nhận con thừa tự từ họ hàng, cũng không đặt tên khác cho cháu gái mà nuôi dạy cô như một đứa cháu trai thực thụ.

Viên Phi Dương được dạy dỗ như con trai, không được mặc váy, không được khóc lóc ủy mị, không được thích những thứ xinh đẹp, tóm lại không được làm những việc nữ tính. Khi còn nhỏ thì không có vấn đề gì lớn, nhưng rồi cô dần dần trưởng thành, cô cảm thấy bức bối với cách ông nội quản chế mình, trở nên ương bướng không nghe lời. Cô lén xỏ lỗ tai, nhờ người khác mua váy cho mình, bắt đầu bày hoa trên đầu giường nằm.



Tất cả những việc Viên Phi Dương làm không thể qua mặt được ông nội, gần như ngày nào hai ông cháu cũng cãi nhau, thế là bà nội phải đi khuyên nhủ hòa giải cho hai người. Vì vậy, so với ông nội nghiêm khắc hay ép mình vào khuôn khổ hay bà nội mềm yếu không quyết đoán thì Viên Phi Dương thân thiết với ông chú hay cười lại còn cưng chiều mình hơn.

Lúc nào ông chú cũng đem cho cô những thứ cô yêu thích, cứ như làm ảo thuật vậy. Không những vậy, ông còn không lải nhải những đạo lý to lớn khiến người ta nhức đầu nữa. Mỗi lần cô oán trách ông bà nội, ông chú đều kiên nhẫn giảng giải cho cô những nỗi niềm mong mỏi của ông bà đối với cô, đều là muốn tốt cho cô cả.

Viên Phi Dương chống cằm, một động tác nữ tính như vậy mà cô làm vẫn có nét phóng khoáng riêng biệt: “Khi đó, ông ấy thực sự là ông chú cực kì tốt của tôi.”

Thế nhưng không biết từ khi nào người nọ đã thay đổi, vẻ mặt vui tươi hiền hậu dần dần mất đi, thay vào đó là đôi mày nhíu lại đầy vẻ ưu tư. Sau đó, mỗi lần cô giận hờn ông bà nội, cô không còn nghe được những lời an ủi khuyên nhủ nữa mà chỉ còn lại những lời phụ họa đầy tiêu cực.

Nếu chỉ như vậy một lần hai lần thì Viên Phi Dương cũng không chú ý, nhưng càng ngày những lời ác ý lại càng nhiều lên, cô bắt đầu cảm thấy kì lạ, tuy cô còn nhỏ tuổi, nhưng dù sao cũng được ông nội tự tay dạy dỗ, không phải là kẻ dễ bị tác động.

Từ đó về sau, mỗi lần đến nhà ông chú cô không còn tỏ vẻ dỗi hờn trẻ con, rồi sau đó nữa, Viên Phi Dương gần như không gặp lại ông vì lúc nào ông cũng có vẻ bận rộn. Hai ông cháu xưa kia thân thiết là thế mà bỗng trở nên xa lạ, chỉ vào mỗi dịp lễ tết mới gặp mặt thoáng qua.

“Rồi ông nội tôi qua đời.”

Khi người đứng đầu một gia tộc qua đời mà không có con trai hay cháu trai kế nghiệp thì nữ quyến trong nhà gần như rất khó có khả năng giữ được tài sản.

Viên Phi Dương nói: “Lúc ấy trong đám họ hàng của tôi có không ít người tơ tưởng đến khối tài sản kếch xù này. Nhờ có ông chú đứng ra giúp tôi và bà nội xử lý đám người đến gây sự mà tôi bớt được nhiều trở ngại, vượt qua được giai đoạn khó khăn đó.”

Cố Cửu nói: “Nghe qua có vẻ bề ngoài ông chú của cô là người tử tế đáng kính. Sao cô lại đoán được là ông ta ra tay?”

Viên Phi Dương cười mỉa mai: ‘Bởi vì năm xưa khi ông ta đi cầu thần Phật giúp tôi khỏi bệnh có cầm bát tự của tôi đi.”

Ngày sinh giờ sinh chính xác của cô ngay cả bà đỡ cũng không nhớ rõ, phương pháp loại trừ quá đơn giản, ngoại trừ cô và bà nội, người biết bát tự của cô mà còn sống đến bây giờ chỉ còn mỗi Viên Mậu Điển.

Cố Cửu thắc mắc hỏi: “Nếu vậy vì sao trước đây ông ta lại phải giúp hai bà cháu cô?”

Viên Phi Dương lơ đãng nhìn vào khoảng không trước mặt, nói: “Đúng vậy, việc gì phải giúp tôi? Tôi cũng muốn biết đây, nhưng dù thế nào thì tôi vẫn cảm thấy không phải vì lòng tốt đâu.”

Thiệu Dật bỗng nhiên lên tiếng: “Đến rồi.”

Cố Cửu đứng bật dậy, nhìn con bù nhìn thế thân của Viên Phi Dương.

Một đám khí đen người thường không nhìn thấy được từ từ xuất hiện ngay trên trán của con bù nhìn rơm giữa phòng.