Linh Dị Âm Dương

Chương 84: Ôn dịch



Quận Vĩnh Bình còn nhỏ hơn quận Võ Khê nên hai sư huynh đệ Cố Cửu chỉ ở lại đó một thời gian ngắn rồi đi.

Hai người thong dong đánh xe lừa đi đến một thành thuộc quận Thượng Dương, quận tiếp theo trong lộ trình. Hai ngày đầu rất êm ả nhưng sau đó trên đường bắt đầu xuất hiện nhiều người tay xách nách mang, mặt ủ mày chau đi ngược lại hướng họ đang đi tới. Nếu chỉ có một hai người thì không nói làm gì, đằng ngày số người giống như vậy càng ngày càng tăng nên Cố Cửu và Thiệu Dật không thể không chú ý, thế là Cố Cửu ngăn đón một ông lão đi đường lại hỏi thăm xem có chuyện gì.

Ông lão nhìn một cái đoán được họ đang trên đường đến quận Thượng Dương bèn thở dài, nói: “Hai vị khoan hãy đến đó, bây giờ quận Thượng Dương đang loạn lạc lắm, trong thành có ôn dịch, quan phủ đóng cổng thành rồi, không biết khi nào mới mở lại nữa.”
“Ôn dịch?” Cố Cửu nhéo nhéo đầu ngón tay lạnh lẽo, làm bộ lơ đễnh hỏi: “Bệnh thương hàn sao ạ?”

Trong quyển “Thương hàn tâm pháp yếu quyết” có ghi: “Mùa xuân ấm áp, mùa hè nóng bức, mùa thu mát mẻ, mùa đông lạnh giá, bệnh tật cũng xoay vòng mà kéo đến, hết bệnh này đến bệnh khác. Ôn dịch là thuật ngữ người cổ đại dùng chung cho các bệnh truyền nhiễm và bệnh cấp tính, vì thế ôn dịch có thể xảy ra quanh năm. Mùa xuân thì cảm mạo, mùa hè thì say nắng, mùa thu thì sốt rét, còn mùa đông hay gặp nhất là bệnh thương hàn.”

Bệnh thương hàn rất dễ lây lan, vả lại không hề giới hạn ở nhóm đối tượng hay độ tuổi nào, bất kể già trẻ lớn bé gì cũng có thể mắc phải. Thế nhưng dù cho trình độ y học thời cổ đại vẫn còn lạc hậu đi nữa thì bệnh thương hàn cũng không được liệt vào hàng khó trị, sao bây giờ lại nghiêm trọng đến mức phải đóng thành, chẳng lẽ có điều gì đó bất thường đã xảy ra ở đây?
Tình hình có vẻ rất xấu, nhưng sau khi thương lượng thì Cố Cửu và Thiệu Dật vẫn quyết định sẽ đến xem thử. Ông lão thấy họ khăng khăng muốn đi nên cũng không khuyên thêm gì nữa, chỉ lắc đầu đầy lo lắng rồi hối hả lên đường.

Sau khi từ biệt ông lão, hai người Cố Cửu tăng tốc một chút, khi đến được quận Thượng Dương thì đã là vào chính ngọ ba ngày sau.

Cổng thành vào quận Thượng Dương khép chặt, ngay phía trước cổng thành khoảng mười thước người ta lập một rào chắn, có quan binh trông coi nghiêm ngặt. Một vài nhóm bá tánh đang vây quanh hỏi han náo loạn. Những người này hầu hết cũng đến từ nơi khác muốn vào thành giống như Cố Cửu và Thiệu Dật, có vài người là người địa phương đi xa về, người thân còn ở trong thành, bọn họ lo lắng cho gia đình nên một mực làm ầm ĩ đòi lính gác thả cho vào.
Mấy người lính gác cổng thành bị bọn họ phiền nhiễu mãi nên chẳng quan tâm ai với ai nữa, huơ huơ binh khí trong tay xua đuổi, còn dọa bọn họ nếu còn quấy rối nữa thì sẽ bắt lại, đợi giải quyết xong chuyện ôn dịch rồi xử lý.

Cố Cửu và Thiệu Dật chỉ đứng từ xa quan sát, không hòa mình vào nhóm người mất trật tự kia. Hai người đều nhíu mày lo lắng, bởi vì đối với người bình thường thì tòa thành này chẳng qua đang gặp phải bệnh dịch mà thôi, còn trong mắt đạo sĩ như bọn họ thì trước mặt là một vùng khí đen ngập trời, sương mù đặc quánh tạo thành một lớp màn bao phủ khắp nơi. Phía trên không trung cũng có một luồng khí đen vần vũ, liên tục biến hóa, nếu nhìn kĩ thì sẽ thấy giống như một bóng người đang giương nanh múa vuốt đầy đe dọa vậy.

Cố Cửu và Thiệu Dật không hẹn mà gặp cùng nghĩ đến một từ: Ôn thần!
Ôn thần có tổng cộng có năm: ôn thần mùa xuân Trương Nguyên Bá, ôn thần mùa hạ Lưu Nguyên Đạt, ôn thần mùa thu Triệu Công Minh, ôn thần mùa đông Chung Sĩ Quý và tổng lĩnh ôn thần Sử Văn Nghiệp. Bọn họ được xưng tụng là ngũ phương sứ giả, là hung thần được bá tánh thờ phụng, chuyên cai trị chuyện ôn dịch bệnh tật. Vùng nào bỗng nhiên dịch bệnh xuất hiện tràn lan thì người dân ở đó hay treo cây ngải cứu trước cửa nhà đề phòng ôn thần đến viếng thăm, cầu bình an. Thế nhưng thật ra dân gian họ tỏ vẻ kính sợ thần linh vậy thôi chứ không tin vào thần, chẳng qua là làm để mua sự yên tâm. Ôn thần mà họ hay nói tới thường dùng để chỉ những kẻ ác hoặc các thế lực hung tàn.

Trong dân gian đã thế, đối với giới huyền môn thì ôn thần càng không đáng để trọng vọng, người trong huyền môn đều biết cái gọi là ôn thần chẳng qua chỉ là những người chết đi mà trên thân vẫn còn lệ khí dày đặc đeo bám biến thành, loại khí này có tính cuồng nộ bạo liệt, cũng là một loại khí cực đoan nguy hiểm. Phàm người mang lệ khí trên mình đều là người có oán hận hay ác ý nặng đến nỗi khi chết đi sát khí vẫn theo, sát khí này sẽ thôn tính dương khí và sinh khí của người sống mà chúng gặp phải.
Nơi này bây giờ có lệ khí hoành hành, lại thêm người bệnh người chết la liệt làm sinh khí và dương khí bị thiếu hụt dẫn đến việc ôn dịch bùng phát càng dữ dội cũng không có gì lạ.

Trận ôn dịch ở quận Thượng Dương này rõ ràng là do lệ khí quấy nhiễu, không biết người để lại lệ khí lúc còn sống đã gặp phải chuyện gì mà sát khí lại nặng đến như vậy, tới mức hình thành cả một cái màn đen to lớn bao trùm cả thành. Chỉ cần một ngày cụm sát khí này chưa tan thì ngày đó tình hình trong thành sẽ vẫn không khá lên, thậm chí có thể càng ngày càng nghiêm trọng.

Cố Cửu và Thiệu Dật chỉ đứng trước cổng thành quan sát trong chốc lát, sau đó đợi đám người bu đen bu đỏ kia giải tán thì hai người cũng lánh đi. Thế nhưng hai người không đi xa, xe lừa đang chạy thì đột nhiên Thiệu Dật ghìm dây cương đổi hướng rồi dừng lại dưới tán một cây cổ thụ ngay bên cạnh sông đào bảo vệ thành.
Trời lặng gió, bóng cây tiêu điều, cũng may là thân cây to nên mới che được cho hai sư huynh đệ. Thiệu Dật cẩn thận nấp sau cây cổ thụ, lấy ra một lá bùa trống, lại bảo Cố Cửu đi đến bờ sông múc nước.

Cố Cửu bưng một chén nước nhỏ về, nhíu mày lẩm bẩm: “Nước dơ quá.”

Ý của Cố Cửu nói không phải là nước sông bị ô nhiễm mà là có quá nhiều khí ô uế chứa trong nước. Nước là nhu cầu tối quan trọng đối với mọi sinh vật sống, vì thế nước cũng chính là căn nguyên của vạn vật. Trong nước có chứa sức sống mãnh liệt, nước càng sạch thì càng mang lại nhiều sinh khí. Tuy nhiên chén nước mà Cố Cửu vừa múc lên chỉ có một chút ít sinh khí mỏng manh, còn lại đều là lệ khí hung hãn đại diện cho những người đã chết, vô cùng hỗn tạp. Nước sông ngoài thành đã thế này thì đừng hi vọng gì vào nước giếng sinh hoạt của dân chúng trong thành, không biết đã dơ đến mức nào rồi. Nếu cứ uống nước bị nhiễm bẩn như vậy trong nhiều ngày thì chắc sinh khí và dương khí của người uống sẽ bị thôn tính hết.
Điều này cũng chứng tỏ rằng lệ khí trong thành đã bắt đầu tràn ra bên ngoài, người dân sống ở vùng lân cận khó mà tránh khỏi hiểm họa. May mắn là dòng nước vẫn chảy liên tục, không bị tù đọng, lệ khí lẫn trong đó sẽ dần bị chuyển dời đến nơi khác, dù không nhanh nhưng cuối cùng vẫn sẽ bị sinh khí sản sinh ra từ sự vận động của dòng nước đẩy đi. Thế nhưng điểm đáng lo ngại là lệ khí chỉ bị phân tách chứ không biến mất hoàn toàn, người uống phải nước này tuy không đến mức bệnh nặng nhưng khó tránh khỏi cơ thể bị yếu đi, mức độ suy nhược thì tùy thuộc vào khoảng cách nơi ở của họ so với quận Thượng Dương, ở xa thì đỡ hơn.

Thiệu Dật nhận lấy cái chén, cau mày đốt một lá bùa Tịnh Thủy trước rồi mới hòa nước vào chu sa để vẽ. Xong xuôi, hắn đặt lá bùa trống lên càng xe và nhanh chóng vẽ ra một lá bùa.
Sau khi vẽ xong lá bùa, Thiệu Dật kẹp nó giữa hai tay, bắt quyết, hướng về phía quận Thượng Dương mà niệm: “Nhân thế đêm dài khổ, bao bộn bề lo toan. Lửa lớn đương gào thét, người đói khát lầm than. Nước Cam Lộ dương liễu, xua đi cơn khát dài. Tịnh bình pháp tương sinh, hồn thần sinh đại la. Từ bi độ chúng thủy, nhuận cập vu nhất thế. Cam Lộ tẩy nhân gian, một lần độ muôn kiếp.”

Thật ra đây là chú Cam Lộ, một loại chú của nhà Phật, nhưng sự học của Thiệu Dật và Cố Cửu đều được truyền thừa từ Phương Bắc Minh, một thiên tài tinh thông và vận dụng được nhiều dòng tri thức nên hai người cũng khá am hiểu về Phật đạo.

Chú Cam Lộ có thể giải trừ hết thảy bệnh tật tai ách, đương nhiên Thiệu Dật làm gì có nước Cam Lộ, hắn lấy nước từ sông đào bảo vệ thành của quận Thượng Dương thay cho Cam Lộ là vì con sông này ngày ngày đêm đêm bảo hộ bình dân bá tánh sống trong thành, tự thân nó có chứa ý nguyện bảo vệ dân chúng nên kết hợp với thuật pháp sẽ phát huy được công dụng một cách hiệu quả nhất.
Lá bùa được đốt lên, Thiệu Dật lại cầm một nhánh cây tươi vừa mới bẻ được lúc nãy ở ven đường dùng làm đại diện cho hành mộc mang sinh khí để dẫn đường cho làn khói bốc lên từ lá bùa. Theo động tác tay của Thiệu Dật, cụm khói di chuyển đến ngay chính diện thành, chạm vào bóng đen trên không trung rồi như một dòng nước thực thụ thẩm thấu vào cụm lệ khí, chậm rãi bao bọc lấy nó, gột rửa thanh lọc.

Thế nhưng bóng đen kia đã ở đây một thời gian nên sức mạnh khá đáng gờm, không phải chỉ với một lá bùa là có thể tẩy trừ sạch sẽ, lá bùa chỉ có tác dụng làm chậm quá trình ngưng tụ lệ khí, giúp cho tình hình trong thành không tệ thêm nữa mà thôi, muốn hoàn toàn diệt trừ được bóng đen thì hai người vẫn phải tìm cách vào thành, tìm ra nguồn gốc của lệ khí mới được.
Bây giờ đã là giữa trưa mà cả nhà còn chưa được ăn cơm, Cố Cửu thì không muốn ăn món nguội, nhất là trong thời tiết mùa đông giá lạnh này, cho nên hai người liền tìm một chỗ tránh gió để làm đồ ăn. Thiệu Dật bày bếp lò ra, ra sông múc nước lên, còn phải đốt vài lá bùa Tịnh Thủy tẩy sạch nước rồi mới dám dùng.

Trời vào đông nên chắc chắn đám rắn đã đi ngủ hết, Tiểu Đệ nhởn nhơ đi dạo một vòng xung quanh vậy mà lại chộp được một con rắn đang rúc trong hang. Nhóc ta tha con rắn còn đang ngủ mê man không biết gì về ném dưới chân Thiệu Dật, dùng mắt ra hiệu cho hắn. Tuy Tiểu Đệ bé một mẩu nhưng ánh mắt nó nhìn Thiệu Dật lại vô cùng oai nghiêm bệ vệ, cứ như nhà vua đang ra lệnh cho bề tôi vậy. Nó liếc mắt xong bèn nhảy phốc lên xe cuộn thành một cục ấm áp chờ cơm, nom vô cùng thảnh thơi nhàn hạ.
“Hừ, một con mèo thôi mà làm giá cái gì, xem ta có nhổ sạch râu nhà mi không.” Thiệu Dật tức mà không nói được, chỉ hầm hừ trong bụng, bất đắc dĩ phải xách con rắn ra bờ sông làm thịt.

Nhưng mà nói gì thì nói, cũng nhờ Tiểu Đệ mà trưa nay mọi người được một bữa thịt rắn ngon lành ăn đỡ thèm.

Chiều hôm đó, Cố Cửu và Thiệu Dật đi đến một thôn làng ở vùng lân cận. Thôn này gần với quận Thượng Dương nhất, nhưng người dân trong thôn không lấy nước uống ở sông đào kia nên chưa bị lệ khí ảnh hưởng, dù vậy thấy dịch bệnh ở trong thành nguy hiểm nên tất cả các hộ sống trong thôn đều lo xa, chuẩn bị sẵn thuốc thang, hai sư huynh đệ đi một vòng thôn ngửi thấy toàn mùi thảo dược đang đun.

Thiệu Dật và Cố Cửu mua một ít cỏ khô, sau đó gửi xe lừa lại trong thôn rồi đi thẳng tới nhà thôn trưởng dặn bọn họ tuyệt đối không dùng nước sông đào hoặc các kênh rạch gần đó để uống hay giặt quần áo kẻo bị lây nhiễm bệnh dịch.
Dặn dò xong hai người đi bộ quay lại chỗ trú ẩn ban trưa, tới khi trời nhá nhem tối thì đốt một đống lửa nướng lương khô đem theo lên ăn chiều rồi ngồi đợi.

Đêm đến, quan binh canh giữ ngoài cổng thành bắt đầu lục tục thay ca. Cổng thành được mở ra từ bên trong, một hàng mười người cầm thương đi ra, đội quan binh đang gác trao đổi một chốc với đội tới thay rồi định vào thành. Thế nhưng bọn họ còn chưa kịp quay đi thì bỗng nhiên một trận gió lớn không biết từ đâu ập đến đánh úp, gió mạnh đến nỗi khiến tốp quan binh đứng không vững, bị thổi cho xiêu xiêu vẹo vẹo sắp ngã đến nơi.

“Ối gió lớn quá!”

“Gió gì như ma, ở đâu tới vậy?!”

Gió thổi cát đá bay mù mịt, tất cả lính canh đều phải đưa tay lên che mặt để bảo vệ mắt mũi miệng. Người bày ra kế này, Cố Cửu, nhanh chóng thừa cơ ôm Tiểu Đệ nghênh ngang đi vào thành cùng với Thiệu Dật, thậm chí bọn họ còn lách xuyên qua đám người đang la hét ỏm tỏi kia để đi vào cổng thành còn mở toang hoác.
Đợi cả nhóm an toàn vào thành rồi Thiệu Dật mới tung một lá bùa đã châm lên cao, lá bùa bay một vòng trên không trung, lập tức gió cát liền ngừng thổi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Hai đội lính gác cổng ngơ ngác nhìn nhau, mắt ai nấy đều đỏ bừng vì gió rát, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao.

Thiệu Dật và Cố Cửu ẩn mình trong bóng tối, kiên nhẫn đợi cho lá bùa cháy sạch sẽ, cả tro cũng bay đi mất không để lại chút dấu vết nào rồi mới đi.

Trong thành trống rỗng, nhà dân hai bên đường cứ như nhà hoang không có ai ở, tối om om. Hai người phải đi một đoạn xa mới thấy được ánh đèn leo lét, nhưng khi tiến lên gõ cửa thì ánh đèn vụt tắt, trong nhà không có tiếng động nào.

Cố Cửu và Thiệu Dật cứ đi trên con đường tối mịt như vậy, một thành thị to lớn lại cứ như tòa thành ma không có hơi người, chỉ có tiếng thở và tiếng bước chân sột soạt của chính họ mà thôi, vắng lặng chết chóc làm người ta sợ hãi.
Nơi đây không có chỗ nào là không có lệ khí hoành hành, nhưng trên người Cố Cửu và Thiệu Dật đều có pháp khí cho nên lệ khí không thể tổn thương đến họ được, những đám khí sắp chạm đến họ đều dạt ra tứ phía, đợi họ đi qua rồi mới tụ lại được.

Hai sư huynh đệ cố ý lần theo vết sinh khí trong thành, đi hết một quãng đường rất dài mới tìm thấy nơi có nhiều sinh khí, cuối cùng hai người dừng lại trước một con phố. Đầu con phố này cũng có chốt chặn được quan binh trông coi. Nơi này có nhiều ánh sáng, còn có tiếng người, mà hai người chưa kịp ẩn thân nên đám lính canh gác đó thấy được họ. Gã cầm đầu chĩa đầu thương nhọn về phía Cố Cửu và Thiệu Dật, giương giọng cảnh báo:

“Đây là vùng cách ly. Kẻ nào có ý định đột nhập vào khu cách ly gây sự gϊếŧ không cần hỏi!”