Linh Dị Âm Dương

Chương 92: Cầu xin



Người bỏ công tham gia vào trò đùa quái ác kia có nhiều có ít nên trừng phạt dành cho từng người cũng nặng nhẹ khác nhau. Cố Cửu cảm thấy suy luận này của mình hợp lý hơn hai giả thuyết trước đó, Thiệu Dật cũng đồng ý với phỏng đoán của sư đệ.

Trương Tài Tuấn yên giấc một mạch đến sáng hôm sau. Lúc Thiệu Dật và Cố Cửu vào phòng tìm cậu ta thì cậu ta vẫn còn ngủ mê man. Cố Cửu không hề nương tay đập cậu ta dậy, thong thả bắc cái ghế ngồi ngay trước giường nhìn cậu thanh niên còn ngái ngủ mắt mũi kèm nhèm trước mặt.

Cố Cửu hỏi thẳng thừng: “Người trả thù các cậu là Lý Văn Đức đúng không?”

Trương Tài Tuấn giật mình tỉnh hẳn, tái mặt trợn mắt nhìn Cố Cửu chằm chằm.

Cố Cửu thản nhiên nói: “Cậu ngủ đến giờ này nên không biết. Tối qua Ngô Chí Nghiệp cũng gặp chuyện rồi. Cậu ta rơi xuống cái hố Tiết Minh từng ngã xuống, cũng chính là cái hố gần cây cổ thụ mà Lý Văn Đức chết đó. Hai chân cậu ta gãy lòi cả xương, mắt thì bị cành cây chọc vào, mù rồi.”
Trương Tài Tuấn run lẩy bẩy, cậu ta bổ nhào đến trước mặt Cố Cửu, túm lấy ống tay áo của cậu không buông, gào lên: “Mấy người chẳng phải là đạo sĩ đó sao? Nó hại nhiều người như vậy sao mấy người không bắt nó lại? Bắt nó lại đi chứ!”

Cố Cửu ung dung giải cứu cho cái tay áo của mình rồi nhìn thẳng vào Trương Tài Tuấn, lạnh lùng nói: “Mấy người các cậu ngậm miệng giấu diếm sự thật về cái chết của Lý Văn Đức, cho rằng cứ như vậy sẽ thoát tội, nhưng các cậu hoàn toàn không nghĩ đến trên đời này gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Tình cảnh các cậu gặp phải bây giờ cũng chẳng khác mấy so với hình phạt mà lẽ ra các cậu phải chịu đâu.”

Mắt của Trương Tài Tuấn hằn vệt đỏ, cậu ta la lớn: “Nhưng mà tôi vốn chẳng làm gì cả! Không phải tôi trói nó, cũng không phải tôi treo nó lên! Tại sao tôi không làm gì mà nó cũng không buông tha cho tôi?!”
Chỉ với ba câu này của Trương Tài Tuấn đã đủ để khẳng định suy đoán của Cố Cửu là đúng. Người trả thù bọn họ chính là Lý Văn Đức.

Người trong thôn đều cho rằng Lý Văn Đức rơi nhầm vào bẫy rập thợ săn đặt trên núi, chính vì vậy mà thời gian gần đây mấy hộ săn bắn trong thôn Nam Hà cũng bị liên lụy, chịu hàng xóm dị nghị, lại còn bị người nhà họ Lý kéo đến chất vấn, đòi bọn họ đền mạng. Đó là chuyện liên quan đến mạng người, không một ai dám thừa nhận cái bẫy đó là do mình làm cả, có người bí quá còn đổ lỗi ngược cho Lý Văn Đức, nói có lẽ cậu làm chuyện gì đó xấu xa nên mới bị trừng phạt. Thế là Lý Văn Đức không những chết oan chết uổng mà còn phải cõng tiếng xấu trên lưng, muốn không oán hận cũng khó.

Cố Cửu chẳng thèm đôi co với Trương Tài Tuấn. Cậu ta sẽ không hiểu được rằng nhiều lúc bàng quan không làm gì cũng là tội. Bởi vì cậu ta nhát gan nên không dám phản đối hành vi sai trái của Tiết Minh và Trương Thiên Lộc, cứ cho là Lý Văn Đức vẫn biết cậu ta nhu nhược đi, nhưng bản thân mất đi mạng sống thì khó mà tránh khỏi việc giận cá chém thớt. Nếu lúc đó Trương Tài Tuấn kiên trì can ngăn thêm một chút, biết đâu bọn Tiết Minh sẽ bị lung lay, có lẽ cậu đã không mất mạng oan uổng.
Trương Tài Tuấn đòi Cố Cửu và Thiệu Dật bắt Lý Văn Đức, đúng là họ có thể bắt được, nhưng Lý Văn Đức có oán, vả lại cậu ra tay vẫn biết chừng mực, không hề lấy mạng ai, không phải là ác quỷ phải cưỡng chế bắt đi để trừ hại cho dân. Trong trường hợp này, nếu hai người Cố Cửu dùng vũ lực trấn áp cậu ta thì ắt sẽ tổn hại đến công đức. Cố Cửu có thể đứng ra làm trung gian để điều đình, nhưng còn làm chuyện ảnh hưởng đến công đức của mình ấy hả? Xin lỗi, không làm.

Cố Cửu nói: “Rốt cuộc là Lý Văn Đức đã chết như thế nào? Cậu phải nói thật với bọn tôi thì đợi Lý Văn Đức tìm tới tôi mới có thể giúp cậu năn nỉ cậu ấy được.”

Tối qua Cố Cửu biết thêm được từ miệng Trương Thành Nghĩa rằng mấy chục năm trước nhà họ Lý có một đứa con trai khác, nhưng đứa bé này thân thể yếu ớt nên sau một trận ốm nặng thì chết yểu, mấy năm sau nhà họ sinh thêm được Lý Văn Đức, bởi vì từng chịu nỗi đau mất con nên họ trông chừng cậu rất kĩ, giữ rịt cậu trong nhà không cho đi đâu. Trước năm mười tuổi Lý Văn Đức rất ít khi tiếp xúc với người ngoài, dần dần trở nên thẹn thùng ít nói. Cậu được nuôi như vậy đến mười sáu tuổi, khi đó người nhà họ Lý mới cảm thấy không thể để cậu ru rú trong nhà mãi được bèn thả cho cậu ra ngoài tìm bạn chơi, thế nhưng tính cách đã thành hình rồi thì rất khó sửa. Nay Lý Văn Đức mất đi làm người nhà cậu vô cùng đau khổ, họ hối hận tự trách sao lại để cậu ra ngoài làm gì, thà cứ nhốt ở trong nhà thì có khi đã không chết.
Nhà họ Lý bây giờ đã không còn con cái, chỉ còn cha mẹ của Lý Văn Đức và ông bà nội tuổi già. Ông bà lớn tuổi thì cũng còn cha Lý và mẹ Lý chăm lo, thế nhưng cha mẹ của Lý Văn Đức nay đã ngoài bốn mươi, chắc chắn không thể sinh con đẻ cái thêm nữa, về già không biết sẽ sinh sống thế nào. Lý Văn Đức biết phân biệt phải trái, Cố Cửu cảm thấy nếu cậu suy nghĩ cho tương lai của cha mẹ thì vẫn có thể thương lượng được.

Trương Tài Tuấn thấy Cố Cửu nói có hi vọng cứu được cậu ta, giúp cậu ta không đến mức thê thảm như bọn Tiết Minh nên bắt đầu bình tĩnh lại, rốt cuộc cũng chịu thành thật kể ra: “Ngày hôm đó, Tiết Minh rủ bọn tôi lên núi tìm đồ ăn…”

Trong năm người, Tiết Minh vẫn luôn là kẻ cầm đầu, hơn nữa mùa đông nhà nông nhàn rỗi không có việc gì làm nên Tiết Minh vừa đề nghị lên núi thì mọi người liền đồng ý luôn. Thật ra lúc đó bọn họ không gọi Lý Văn Đức đi cùng, là cậu tự biết tin nên chạy tới nhập bọn.
Từ trước đến giờ Tiết Minh vốn không ưa Lý Văn Đức, ngay cả những người còn lại trong nhóm, bao gồm cả Trương Tài Tuấn đều thấy Lý Văn Đức nhát gan phiền phức, cậu thường bị bọn họ trêu ghẹo nhạo báng. Mặc dù Lý Văn Đức cũng tức giận nhưng từ nhỏ cậu đã không có bạn thân, bây giờ chỉ có mấy người này cho cậu theo chơi cùng nên dù bọn họ có châm chọc cậu vài câu thì hôm sau cậu vẫn xí xóa đến tìm họ.

Hôm đó bọn họ lên núi gặp được một con gà rừng, nhưng Lý Văn Đức lóng ngóng đạp trúng cành cây khô khiến cho con gà nghe động chạy mất. Đã vài ngày Tiết Minh không được nếm mùi thịt cho nên hụt ăn thì giận lắm, lúc xuống núi hùa với Trương Thiên Lộc giễu cợt Lý Văn Đức để xả giận. Cậu ta nói Lý Văn Đức chẳng khác gì đàn bà con gái, không có bản lĩnh đàn ông, chẳng qua chỉ là một thằng nhóc bám váy mẹ, bọn họ trời đông ra đường chỉ cần mặc một cái áo bông là đủ, Lý Văn Đức nghe lời mẹ nên mặc tới ba lớp áo bông mới chịu.
Tuy rằng tính tình Lý Văn Đức mềm mỏng hay ngại nhưng không có nghĩa là cậu yếu đuối mặc cho người ta ức hϊếp, cậu đã nhịn Tiết Minh nhiều lần nhưng lần này Tiết Minh nói chuyện quá đáng quá nên cậu cãi lại mấy câu.

Tiết Minh vốn đang cơn bực tức vì mất con mồi ngon, bây giờ thấy Lý Văn Đức dám cãi lại thì càng giận dữ, thế là cậu ta bèn lôi dây thừng mình đem theo ra, bảo Trương Thiên Lộc đè Lý Văn Đức xuống đất rồi trói cậu lại treo lên cành cây. Tiết Minh nói chỉ cần Lý Văn Đức ở đó được một đêm thì cậu ta sẽ thừa nhận Lý Văn Đức là đàn ông chân chính.

Lúc hai kẻ kia trói người lại, Ngô Chí Nghiệp đứng bên cạnh cười hi hi ha ha cổ vũ, Trương Tài Tuấn cảm thấy làm vậy không ổn, tuy rằng bọn họ ở phía nam, mùa đông không có tuyết rơi, ban đêm cũng không lạnh như miền bắc nhưng trên núi lạnh hơn ở dưới thôn, lại có sương đêm, có khi sẽ bị lạnh chết mất.
Thật ra khi đó Trương Tài Tuấn có can ngăn, nhưng cậu ta nói một câu thì bị Tiết Minh quát nên không dám nói tiếp nữa, chỉ đành trơ mắt nhìn Lý Văn Đức giãy dụa, cứ thế bị treo lên nhánh cây trụi lủi kia. Sau đó cả bọn bỏ mặc Lý Văn Đức đang kêu la mà đi xuống núi.

Cả đêm hôm đó Trương Tài Tuấn ngủ không yên, sáng sớm hôm sau cậu ta vội đi gõ cửa từng nhà của mấy người trong nhóm gọi bọn họ lên núi xem, thế nhưng mùa đông là lúc thích hợp để ngủ nướng, bốn người còn lại đều không muốn dậy sớm nên cậu ta đành phải đi một mình.

Trương Tài Tuấn lên được đến chỗ ngày hôm qua bọn họ bỏ Lý Văn Đức lại, cậu ta thấy Lý Văn Đức nhắm mắt im lặng, còn tưởng cậu mệt quá ngủ thϊếp đi rồi. Ai ngờ khi cậu ta lại gần thì phát hiện Lý Văn Đức bị cóng đến mức người đông cứng cả lại, khuôn mặt tái xanh, đã không còn thở nữa.
Trương Tài Tuấn bị dọa cho hồn xiêu phách lạc, kinh hãi chạy xuống núi, trên đường té lộn nhào mấy lần. Cậu ta ba chân bốn cẳng chạy đến báo cho bọn Tiết Minh rằng Lý Văn Đức đã chết rồi. Mấy người kia cũng hoảng sợ tột cùng, vội vàng lên núi xem thử. Quả thật Lý Văn Đức chết rồi, không biết đã được bao lâu. Bọn họ chơi đùa làm chết người, nếu lộ ra thì ắt sẽ bị quan phủ bắt đi, cả bọn hoảng loạn không biết làm sao cho phải. Cuối cùng thì “thủ lĩnh” Tiết Minh vẫn bình tĩnh nhanh nhất, cậu ta chỉ huy mấy người còn lại tháo Lý Văn Đức xuống, ngụy trang thành Lý Văn Đức trúng bẫy dây thừng của thợ săn nên bỏ mạng, sau đó xuống núi trở về nhà làm bộ như không có việc gì.

Ai mà chẳng sợ bị chém đầu? Bọn họ không muốn bị đi tù hay bị chém đầu.
Lý Văn Đức cứ thế bị mất tích, sau đó cả bốn kẻ làm ác trơ mắt nhìn người nhà họ Lý tìm con khắp chốn, trơ mắt nhìn người ta phát hiện được thi thể của Lý Văn Đức, trơ mắt nhìn người nhà của cậu khóc chết đi sống lại, nhưng từ đầu đến cuối không ai hó hé một câu nào.

Cố Cửu nghe xong đầu đuôi câu chuyện, có thể tưởng tượng được Lý Văn Đức biến thành quỷ hồn rồi tận mắt nhìn thấy bốn người kia lạnh bạc, nhìn thấy người nhà mình đau khổ tột cùng đã phẫn nộ đến thế nào.

Trương Tài Tuấn bị nỗi hối hận và sợ hãi giày vò, vừa kể vừa không ngừng khóc lóc. Cậu ta thều thào nói: “Bọn tôi không biết sẽ thành ra như vậy. Tiết Minh nói cậu ấy chỉ đùa một chút thôi, nếu…nếu sớm biết như vậy…”

Đáng tiếc, trên đời này không có cách nào thay đổi những thứ “sớm biết như vậy”.
Cố Cửu thở dài một tiếng rồi bỗng cất tiếng gọi: “Vào đi.”

Cửa phòng của Trương Tài Tuấn đột ngột bị đẩy ra, hai vợ chồng Trương Thành Nghĩa đứng sững ngoài cửa, khuôn mặt tràn đầy đau khổ và thất vọng.

“Cha…mẹ…?” Trương Tài Tuấn nghẹn ngào, hổ thẹn không dám nhìn thẳng vào cha mẹ mình.

Cố Cửu nói với Trương Thành Nghĩa và Trương Kế thị: “Hai người đã nghe thấy hết rồi.”

Cố Cửu đưa ra một cách giải quyết: cậu có thể giúp bọn họ thương lượng với Lý Văn Đức để cậu buông tha cho Trương Tài Tuấn, nhưng điều kiện là nhà họ Trương phải thay Lý Văn Đức chu cấp cho cha mẹ và ông bà của cậu đến khi bọn họ qua đời. Nếu họ đồng ý thì cần phải đến nhà họ Trương nói rõ ngọn nguồn mới được.

Tuy rằng Trương Thành Nghĩa biết Trương Tài Tuấn không cố ý hại chết Lý Văn Đức, nhưng dù gì cậu ta cũng có trách nhiệm trong trò đùa quái ác kia. Điều đó khiến chú ta vô cùng thất vọng, trong lòng cũng áy náy. Chẳng phải người ta nói con mất dạy là lỗi của cha hay sao? Chú ta tự trách là do mình không dạy dỗ con cho cẩn thận nên mới xảy ra cớ sự này.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, dù Trương Thành Nghĩa có thất vọng đi nữa thì Trương Tài Tuấn cũng là đứa con ruột chú ta hết mực thương yêu, nhà họ sẽ làm tất cả những gì có thể chỉ cầu mong cho cậu ta được an toàn, thế là chú ta lập tức đồng ý với đề nghị của Cố Cửu. Việc gửi phí dưỡng già đó chắc chắn nhà họ Trương sẽ làm, vừa là để trao đổi điều kiện, vừa là vì nhà họ có lỗi với người ta.

Nhà họ Trương đã không có vấn đề gì, bây giờ việc cần phải giải quyết là gặp mặt nói chuyện với Lý Văn Đức.

Chắn chắn trước đó Trương Tài Tuấn đã từng gặp quỷ hồn của Lý Văn Đức, nếu không cũng sẽ không lo âu hãi hùng suốt nhiều ngày như vậy, nhưng hẳn là Lý Văn Đức không thường xuất hiện nên âm khí ở đây rất mỏng, chỉ cần nắng lên là âm khí bị xua đi ngay, vì thế cho nên trước đó Cố Cửu và Thiệu Dật mới không phát hiện ra âm khí trong nhà họ Trương.
Cố Cửu đứng dậy, nói với Trương Tài Tuấn: “Cậu chuẩn bị đi, chúng ta sẽ sang nhà họ Lý.”

Trương Tài Tuấn vừa nghe vậy thì tỏ vẻ do dự thấy rõ.

Trương Thành Nghĩa quát: “Còn không mau làm theo lời đạo trưởng? Lúc này mới biết sợ vậy sao lúc thấy người ta bị treo lên thì không sợ?!”

Trương Tài Tuấn hổ thẹn không dám lề mề nữa, lồm cồm bò dậy bước xuống giường. Mấy ngày nay cậu ta ăn không ngon ngủ không yên, thân thể suy nhược nên lúc mặc quần áo cứ lọng cọng, Trương Kế thị thấy vậy rốt cuộc vẫn không đành lòng, lại gần giúp con mình thu xếp.

Sáng sớm mùa đông, thôn Nam Hà vắng tanh, trên đường cái không thấy một bóng người nào qua lại. Đoàn người Cố Cửu lặng lẽ đi đến nhà của Lý Văn Đức, gõ cửa căn nhà im lìm tang tóc ấy.

Người ra mở cửa là cha Lý, người cha mất con tiều tụy đi thấy rõ. Ông nhìn thấy Trương Thành Nghĩa bèn ráng nở nụ cười, hỏi: “Thành Nghĩa đến à? Có việc gì không?”
Trương Thành Nghĩa vừa áy náy vừa chột dạ khẽ nói: “Lý ca, cho đệ vào nhà một lát. Đệ có chuyện cần nói.”

Cha Lý nghe vậy bèn tránh qua một bên nhường đường, ông vẫn chưa biết chuyện gì nên nhìn thấy Trương Tài Tuấn cúi đầu đứng ở phía sau còn hơi mừng rỡ, nói: “Tài Tuấn hả cháu? Rốt cuộc cháu cũng đến thăm Văn Đức rồi.”

Trương Tài Tuấn rụt cổ lại, cả người run rẩy, đầu càng cúi thấp hơn. Cha Lý nhìn thấy vậy thì lấy làm lạ khẽ nhíu mày.

Lý Văn Đức chưa tới ngày chôn cất, trong nhà còn đang bày một bàn cúng tế đơn sơ, giữa phòng là quan tài của người vừa qua đời.

Trương Thành Nghĩa đẩy con trai mình vào phòng, đá vào khớp gối của Trương Tài Tuấn một cái.

“Quỳ xuống!”

Trương Tài Tuấn ngoan ngoãn quỳ xuống, nức nở thành tiếng: “Văn Đức, tôi xin lỗi cậu.”
Cha Lý vốn đang thắc mắc lúc này chợt biến sắc.