Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 10: Phòng Hiệu Trưởng




***
Mùa đông đến, ai nấy đều đến trường với những cái áo khoác dày cộp bên ngoài cùng đôi găng tay, mũ len… Một số đứa mà tôi biết không đi giày nhưng xỏ tất đi dép quai hậu. Mỗi lần nhìn thấy đám bạn ăn bận theo phong cách này tôi lại liên tưởng đến những người phụ nữ vừa mới vượt cạn thành công. Tôi không thích mùa đông nhưng chẳng có lựa chọn nào khác. Mỗi sáng mùa đông đi học phải đối mặt với những cơn gió rét buốt thì chiếc xe đạp địa hình của tôi mới phát huy tác dụng. Tôi không ngại những cơn gió thổi hắt đến khi mà xe của tôi có thể điều chỉnh được tốc độ đạp nhanh hoặc chậm.

Vẻ bề ngoài hiền lành gần như vô hại của tôi theo đánh giá của những người thân quen là tôi cố tỏ ra như vậy. Thực tế tôi lại không phải là một đứa thuần tính. Bên trong vẻ hiền lành mà mọi người thường thấy là một thằng tôi hay trèo tường la cà quán xá ở gần cổng trường, học hành chểnh mảng và mỗi khi trên đường về, dường như để bụng mau đói hơn cũng như làm nóng người thì tôi tự học nhấc đầu xe đạp để đi một bánh. R9 phản đối quyết liệt việc này nhưng sau một khoảng thời gian kiên trì tập luyện trên đường đi học về, tôi cũng đã có thể đi xe đạp bằng một bánh khoảng hai chục mét. Đối với tôi mà nói thì đây đúng là một kỳ tích. Tôi có thể bày trò ở bất cứ đâu nhưng cứ về đến đoạn Cầu Khoai, địa phận của làng, thì tôi lại trở nên ngoan ngoãn. Tôi không muốn bản thân gây ra điều tiếng gì, tránh lọt đến tai của bà nội tôi. Cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, trong mắt của bà nội Già, thằng cháu đích tôn là tôi đã, đang và vẫn luôn là một đứa cháu hiếu thảo, hiền lành. Tôi cũng tự hào về điều này lắm lắm. R9 tỏ ra không hài lòng bởi nó biết rõ bộ mặt thật của tôi nhưng dù nó có cố nói cũng chẳng mấy ai tin, trừ mẹ tôi.

Tôi cùng đám bạn đứng co ro ngoài hành lang, dõi mắt nhìn xuống sân trường lác đác chỉ có vài nhóm nhỏ bạn học đang túm năm tụm ba đá cầu. Thời tiết lạnh khiến con người ta trở nên lười biếng đi vài phần. Tôi huých nhẹ vai Ly Lùn:

-Ê, cái Như kìa!

Tôi nhìn thấy bóng dáng bạn gái của Ly Lùn tất tả chạy từ đầu hồi dãy nhà hai tầng cũ kỹ cạnh bãi gửi xe về hướng dãy nhà ba tầng nơi chúng tôi đang đứng.

-Kệ đi. Bọn tao đã thống nhất ở trường không chạm mặt nhau để đỡ bị ai nhìn thấy. Bố nó mỗi khi rượu vào điên tiết lên sẽ đập nó như quân thù quân hằn đấy.

-Đấy là lý do em đây không uống rượu. – Tôi vừa nói vừa cười.

Chúng tôi đều là những đứa sinh ra và lớn lên ở quê. Ở lúc giao thời, những cái cũ chưa phai mờ mà cái mới, cái tân tiến chưa rõ ràng thế nên việc học sinh cấp ba quen biết rồi yêu nhau vẫn là điều cấm kỵ. Người lớn, bao gồm thầy cô giáo và phụ huynh đều muốn chúng tôi chuyên tâm vào việc học. Tuy nhiên báo chí, sách truyện, tiểu thuyết tình cảm ướt át… đã xuất hiện rất nhiều tại các cửa hàng nơi cổng trường từ mấy năm nay. Lũ học sinh cấp ba hầu như đứa con trai nào cũng đã từng đọc qua tác phẩm nổi tiếng Cô giáo Thảo (hay như các thành viên tích cực của Thiên Địa hội thì đây là siêu phẩm trong những siêu phẩm) dưới dạng những trang phô tô lem luốc nhưng không làm giảm đi sức nóng tỏa ra từ những trang giấy vô tri ấy.

-Anh Ly ơi, anh Ly!

Tôi và Ly ngạc nhiên khi nhìn thấy Như thở không ra hơi đứng ở đầu cầu thang với gọi Ly. Ly vội chạy ào đi, tôi và những đứa khác quay nhìn sang hướng khác tán chuyện. Chỉ chốc lát sau, Ly Lùn giật tay tôi rồi kéo vội ra một chỗ.

-Gì thế? – Tôi rút tay lại.

-Cái Hà An mới đánh nhau. – Ly Lùn nói nhỏ.

-Gì? Sao lại đánh nhau? – Tôi ngạc nhiên.

-Cái Như chạy lên để báo việc ấy. Nó đánh nhau ngay cửa lớp luôn, mà đánh nhau với con trai.

-Trời ạ! – Tôi nói. – Nó đanh đá như thế đánh con trai có gì lạ. Chuyện này chẳng phải nghe nhiều rồi à? Hơn nữa em với nó có gì đâu, báo em làm gì.

-Cái Như bảo có liên quan đến mày!

-Gì? Sao lại liên quan đến em?

-Nghe loáng thoáng có tên mày, chuyện gì mà trấn lột ấy. Cái Hà An nhổ nước bọt vào mặt thằng Quang Xô.

-Cái gì? Anh không đùa chứ?

-Cái Như vừa nói với tao xong, đùa đâu mà đùa.

-Không thể như thế được. Thằng Quang Xô bên lớp B7 là hàng xóm sát vách nhà cái Hà An. Em gái của Quang Xô còn chơi thân với cái Hà An mà.

-Mày chắc chứ?

-Sao lại không chắc. Thời gian vừa qua cái Hà An nó sục sạo thông tin về em dĩ nhiên em sẽ có cách để thám thính ngược lại chứ.

-Hàng xóm với nhau sao lại đánh nhau nhỉ? – Ly Lùn hỏi tôi.

-Anh hỏi em thì em biết hỏi ai. Có khi nào là tranh giành ảnh hưởng không nhỉ?

-Hay mày xuống dưới dấy xem thử có chuyện gì.

-Xuống đấy à… Em xuống thì giải quyết được gì chứ. Thứ nhất, đối với thằng Quang Xô thì em chỉ là hạng tôm tép. Thứ hai là đối với Hà An, em cũng chẳng muốn dây dưa với nó.

-Mày đàn ông đàn ang. Cái Như bảo là hai bên gây sự là do mày.

-Sao lại do em được? Ây… có khi nào thằng Quang Xô thích cái Hà An không nhỉ? Ui, nếu thế thì…

-Bởi thế tao mới nói mày xuống đấy xem thử.

Tôi lưỡng lự trong giây lát nhưng Ly Lùn đẩy tôi xuống cầu thang, liên tục phẩy tay nói:

-Dù gì mày cũng là con trai, xuống xem thế nào coi như quan tâm.

Tôi chép miệng một cái rồi chạy xuống cầu thang nhưng chưa xuống đến tầng trệt thì gặp cô giáo dạy toán đang đi ngược lên.

-Anh này đi đâu đây?

-Dạ… dạ thưa cô, em…

-Đến giờ học rồi, lên lớp đi.

-Thưa cô, em đi vệ sinh ạ.

Cô giáo đứng sang một bên nhường đường cho tôi, tôi cúi đầu cảm ơn cô rồi phi nhanh như gió xuống đầu hồi dãy nhà hai tầng cũ kỹ với bờ tường loang lổ. Tiếng trống vào lớp đã điểm nên chỉ trong nháy mắt, sân trường nhanh chóng vắng hoe, ngoài hành lang của dãy nhà hai tầng cũng chẳng còn bóng dáng học sinh nào. Ngó trước nhìn sau, tôi biết thời gian không còn nhiều nên mím môi cất bước thật nhanh băng qua những khung cửa sổ để đến lớp 11A3. Tôi chưa lần nào đến lớp này nhưng nhờ Ly Lùn kể nên tôi cũng xác định được cơ bản khu vực Hà An ngồi. Đứng bên cửa sổ, tôi đảo mắt thật nhanh chỉ trong khoảng mười giây đồng hồ rồi quay lưng chạy vội về lớp. Tôi không nhìn thấy Hà An ở mấy bàn đầu gần bàn giáo viên nhưng việc tôi đứng bên cửa sổ đủ để cho cái Như, thằng Long và một số đứa khác nhìn thấy. Tôi nghĩ chỉ còn cách này để nhắn nhủ đến Hà An là tôi có quan tâm đến sự việc vừa mới xảy ra. Thực tâm tôi không muốn đi nhưng có điều gì đó thôi thúc đôi chân của tôi và tim của tôi dường như đập nhanh hơn.

Ly Lùn chuyển một tờ giấy đến, trên giấy chỉ viết ngắn gọn: Tình hình thế nào? Tôi viết trả lời luôn xuống bên dưới: Không có trong lớp, không biết.

Nhưng tôi sẽ rất mau biết tường tận mọi chuyện…

Chú bảo vệ mà tôi quen xuất hiện ở cửa lớp, trên tay cầm một quyển sổ nói với cô giáo dạy toán:

-Cô cho em Lý Tiến Nam xuống phòng thầy Hiệu trưởng có việc.

Cô giáo đang viết dở đề một bài toán trên bảng liền dừng lại khẽ gật đầu. Vừa hay cô lại là vợ của thầy Hiệu trưởng.

-Xuống phòng Hiệu trưởng mau nào.

-Cháu á? – Tôi ngạc nhiên dùng tay chỉ vào ngực mình.

-Lớp này còn đứa nào tên như mày không nhóc?

-Dạ…

Tôi đứng dậy nhìn cô giáo rồi quay sang nhìn các bạn với khuôn mặt ngơ ngác:

-Cháu… cháu có làm gì đâu ạ?

Chú bảo vệ mà tôi quen không nói gì, chỉ lùi lại phía sau chừng ba bước chân chờ đợi. Cô giáo cũng nheo mắt nhìn khiến tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Tự nhiên nỗi sợ hãi ập đến. Đối với một học sinh bình thường mà nói thì giữa giờ học bị mời xuống phòng hiệu trưởng uống nước chè chẳng khác nào sét đánh ngang tai. Tội to tội nhỏ cùng lắm thầy cô chủ nhiệm nhắc nhở, trách phạt là lẽ thường, còn nếu đã bị mời đi gặp thầy Hiệu trưởng ắt là chuyện phải tày đình lắm.

-Thưa cô, em xin phép ạ!

Tôi cúi mặt lách người bước ra cửa trong những ánh mắt ái ngại của bạn bè cùng lớp, lầm lũi đi theo chú bảo vệ. Trong đầu tôi nghĩ thật nhanh, liệt kê những tội lỗi mình có thể phạm phải. Lâu rồi tôi không trèo tường ra ngoài mà tôi thản nhiên đi qua cửa phụ vì quen chú bảo vệ. Nếu có ngồi gác chân nơi quán nước thì tôi cũng tìm chỗ kín đáo. Tôi không tè bậy, không trêu con gái, không chửi bậy, không đánh nhau… nghĩ một hồi mà tôi không thể phát hiện ra bản thân mình đã phạm phải lỗi gì.

-Chú Nghị! – Tôi bước nhanh hơn trên những bậc cầu thang, khẽ kéo tay chú bảo vệ hỏi nhỏ. – Cháu phạm lỗi gì mà bị gọi thế?

-Tao đâu biết, đang ở phòng bảo vệ thì thầy Hiệu trưởng gọi điện báo nên tao thi hành.

Tôi đưa tay lên gãi đầu.

-Như này là to chuyện rồi, cháu có làm gì sai đâu nhỉ.
-Chắc không có việc gì đâu. Mày thì tao lạ gì.

-Nhưng chẳng tự nhiên mà thầy gọi cháu xuống. – Tôi lo lắng nuốt nước bọt, mặt nhăn nhó thở dài. – Có khi nào cháu sẽ bị đuổi học không nhỉ?

-Ơ, cái thằng. Mày làm gì sai mà người ta đuổi học mày.

-Chú cháu mình chỗ quen biết, chú không nắm được thông tin gì à?

-Không, việc của tao là bảo vệ tài sản của trường, trông lũ giặc chúng mày trèo tường với đi muộn để ghi sổ.

-Chú có ghi cháu không đấy? – Tôi lo lắng hỏi.

-Mày toàn lo linh tinh. Tao với mày lạ đếch gì nhau mà ghi với chép. Tao cũng chỉ ghi vài đứa lấy lệ thôi. Lũ học sinh chúng mày là lũ giặc, nghịch thì có gì mà lạ.

-Đúng rồi, chú cháu mình còn có họ mà, chú nhỉ!

-Thế thằng đếch nào hôm trước bảo họ cọ đít nhau sáng mai hết họ ấy nhỉ?

-Cháu nói vui ấy mà, chú để bụng làm gì, hề hề hề.

Chú Nghị là anh họ của mẹ tôi nên tôi cũng hay cợt nhả nhưng chưa bao giờ quá mức. Sáng nào đi học hoặc ra về tôi đều cất tiếng chào chú ấy thật to. Đúng ra tôi phải gọi bằng bác nhưng tôi bảo nhìn chú ấy trẻ quá, gọi bằng chú cho dễ lấy vợ hai. Tôi luôn biết cách lấy lòng người lớn cũng như luôn biết cách để họ không cảm thấy tôi là một đứa hỗn xược.

-Mày vào phòng thầy Hiệu trưởng nhớ gõ cửa. Tao ra phòng bảo vệ luôn.

Bóng lưng của chú Nghị xa dần. Những ánh nắng nhạt của mùa đông loang lổ dọc hành lang. Trong lòng tôi hồi hộp, lo sợ khi đứng trước cánh cửa gỗ màu xanh đậm. Sau cánh cửa này là thầy Hiệu trưởng với nét mặt nghiêm nghị, đôi mắt nhìn như xoáy sâu, thấu tận tâm can của lũ giặc con chúng tôi. Như một thói quen, tôi hít liền ba hơi thở thật sâu rồi nhè nhẹ thở ra để lấy lại bình tĩnh.

-“Mình không làm gì sai, mình không nhận gì hết, có chết cũng không nhận. Mình là một học sinh ngoan nhất trường”.

Tôi tự động viên bản thân trước khi đưa tay lên gõ nhẹ ba lần vào cánh cửa gỗ. Ba âm thanh vang lên, tôi hồi hộp chờ đợi.

-Vào đi!

Giọng thầy Hiệu trưởng từ bên trong phòng vọng ra. Tôi cầm tay nắm kéo cửa hé vừa đủ để lách người vào, mặt hơi cúi nhìn xuống nền nhà.

-Thưa thầy, thầy cho gọi em ạ?

Đôi tai tôi vểnh lên nghe ngóng, đôi mắt đảo nhanh nhìn những ô gạch hoa màu vàng.

-À, anh Nam đã đến rồi đấy hả? Mời anh Nam vào uống nước.

Tôi cảm giác gai hết cả người nhưng vẫn phải ngẩng đầu lên, cố nặn ra một nụ cười để nhìn thầy nhưng nụ cười vừa mới xuất hiện trên mặt tôi liền tắt ngúm. Đôi mắt tôi mở to, chớp chớp liên hồi, hết nhìn bên trái rồi lại nhìn sang bên phải.

Hà An đứng ở một góc tường, tóc tai rũ rượi, trên mặt còn có những vết ửng đỏ, khóe miệng vẫn còn vệt máu đã khô. Cái áo khoác gió màu nâu cũng đã bị rách một ống, nhìn chung bộ dạng rất thảm hại. Hà An không nhìn tôi, thay vào đó, ánh mắt của cô nàng ngước nhìn lên trần nhà ngắm quạt trần dù nó không quay. Ở góc còn lại, Quang Xô quần áo xộc xệch, tóc tai cũng bù xù, trên mặt cũng hiện rõ những vệt xước mà chỉ cần nhìn qua tôi cũng đoán ngay đó là vệt do móng tay cào cấu. Quang Xô nhìn tôi với ánh mắt vằn lên tia hận thù, tưởng như nếu không có thầy Hiệu trưởng ở trong phòng, nó sẽ nhào đến túm lấy cổ áo rồi tẩn cho tôi một trận thừa sống thiếu chết ngay lập tức. Thoáng trong giây lát, tôi dường như hiểu ra mọi chuyện và biết ngay lý do vì sao mình bị gọi xuống đây.

-Cậu ngồi đi chứ, định để tôi mời đến bao giờ?

-Dạ, dạ! – Tôi xoa nhẹ hai tay vào nhau, lưng hơi khom xuống, nét mặt thay đổi rất nhanh.

Tôi khép nép ngồi xuống cái nệm tối màu. Thầy Hiệu trưởng ngồi đối diện tôi, sau khi rót nước cho tôi, thầy ngả lưng ra phía sau nghiêm nghị nhìn tôi. Phong thái của thầy thể hiện rõ thầy là một người có đầy đủ uy tín, quyền hành cao nhất ở ngôi trường xịn nhất huyện này. Tôi không lảng tránh cái nhìn của thầy, tôi biết đó là cách duy nhất để không bị lép vế ngay từ đầu.

***