Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 11: Tình Huống Khó Xử



***
Tôi xoay nhẹ chén nước chè hãy còn ấm nóng trong lòng bàn tay, khuôn mặt tỏ ra tươi tỉnh, đôi mắt nhìn thẳng về phía trước. Thầy Hiệu trưởng hơi nhíu mày như đang suy nghĩ điều gì, sau đó thầy với tay lấy chén nước chè thổi nhẹ rồi nhấp môi thưởng thức. Tôi không dám nhận mình là người biết thưởng thức nước chè nhưng tôi cũng thường ngồi uống nước chè cùng một vị sư già ở chùa làng nên ít nhiều tôi cũng học được vài điều. Ánh mắt của thầy Hiệu trưởng chăm chú nhìn làn khói mỏng bốc lên từ chén nước chè màu xanh nhạt, tôi cũng chăm chú nhìn theo, tuyệt nhiên không liếc trái hay liếc phải.

- Cậu Nam! – Thầy Hiệu trưởng đặt lại chén nước xuống bàn kính. – Cậu và cô An đây có quan hệ như thế nào?

- Dạ? Bạn An đây ạ?

Thầy khẽ gật đầu. Tôi nhìn sang Hà An đứng nơi góc phòng, cô nàng vẫn lảng tránh cái nhìn của tôi.

- Em cũng mới quen bạn ấy được khoảng hơn một tháng. – Tôi thừa nhận luôn thay vì chối bay chối biến. – Bạn An thi thoảng có đi nhờ xe của em vì nhà bạn ấy tiện đường ạ.

- Cậu học lớp 12, cô này học lớp 11, sao lại quen nhau được nhỉ?

- Thưa thầy. Mẹ bạn An làm ở bệnh viện huyện mình, dạo trước em có đưa bà nội em lên khám bệnh ở đấy, được mẹ bạn An đây chăm sóc chu đáo, tận tình.

Thầy Hiệu trưởng chau mày, ánh mắt của thầy không rời khỏi tôi. Tôi tiếp tục kể ra câu chuyện mà mình vừa mới tưởng tượng ra:

- Em sống với bà nội, nhà chỉ có hai bà cháu nên em phải vào viện chăm sóc bà. Trong mấy lần vào viện thì em có vô tình gặp bạn An thế nên chúng em có nói chuyện và quen biết sơ sơ ạ.

Thầy Hiệu trưởng vắt chân chữ ngũ, những ngón tay của thầy gõ nhẹ lên đầu gối.

- Cậu kể tiếp đi, tôi đang nghe.

- Dạ thưa thầy, tất cả chỉ có như thế ạ.

- Tôi nhiều lần nhìn thấy cậu chở cô này về nhà, có đúng không?

- Vâng! Bạn bè giúp đỡ nhau là phải ạ. Các thầy cô thường dạy chúng em tương thân tương ái mà nhà bạn An đây, hai chị em lại chỉ có một cái xe đạp đi học.

Khoé miệng của thầy Hiệu trưởng khẽ cong lên trong một thoáng giây, tôi đoán thầy cố giấu đi nụ cười.

- Cậu ăn nói khá lắm, quả nhiên con nhà buôn bán nên ứng biến rất mau lẹ.

- Dạ thưa thầy, em tuyệt nhiên không dám nói dối các thầy cô, bố mẹ em vẫn thường dặn dò như thế ạ.

Ánh mắt của Hà An bây giờ không còn ngước nhìn lên trần nhà nữa mà mở to nhìn tôi chằm chằm. Chẳng biết do câu chuyện tôi bịa ra thú vị hay là vì cô nàng chột dạ bởi tôi biết nghề nghiệp của phụ huynh mặc dù trong ba, bốn lần chạm mặt, chúng tôi chưa bao giờ nói về gia đình.

- Còn cậu Quang đây, cậu và cậu ta quan hệ như thế nào?

Thầy Hiệu trưởng liếc nhìn sang Quang Xô, lúc này cậu chàng dùng hai bàn tay mân mê vạt áo, mặt cúi gằm nhìn xuống nền đá hoa dưới sàn nhà. Bất chợt tôi nghĩ, mình như là một phụ huynh đang gặp ông thầy Hiệu trưởng, còn đôi trai gái đang bị đứng phạt nơi góc tường kia là con trẻ của mình vậy.

- Bạn Quang lớp B7 em có biết. Bọn em vẫn hay đi đá bóng cùng nhau, ngày nào chẳng gặp nhau.

- Tôi nghe nói cậu Quang này trước đây thường xuyên trấn lột tiền của cậu, có đúng không?

- Dạ? – Tôi tỏ rõ sự ngạc nhiên.

- Cậu định giả ngây giả ngô với tôi phỏng?

- Dạ không. Bạn Quang đây sao lại trấn lột em được.

Quang Xô ngẩng mặt lên nhìn tôi trong một giây, vẻ ngạc nhiên lộ rõ rồi lại cúi mặt xuống. Sự thật thì trong hai năm trước, Quang Xô là một trong những học sinh nghịch ngợm, cũng nhiều lần cậu ta xin đểu tôi. Hồi năm lớp 11, Quang Xô cũng đã từng bị một bạn học dùng dao đâm gây thương tích vì thường xin đểu cậu ta. Tôi không nhớ mình đã bị Quang Xô xin đểu bao nhiêu lần, mỗi lần mười đến hai mươi nghìn, có khi năm mươi nghìn nhưng đối với tôi, số tiền đó quá nhỏ để tôi phải bận tâm. Dạo cuối năm lớp 11, bởi áp lực tâm lý đè nặng do có quá nhiều hội xin đểu nên tôi cũng từng mang theo dao găm trong cặp định ăn thua đủ một lần với mong muốn sẽ bị đuổi học để sớm rời khỏi huyện này đoàn tụ với gia đình tại Hà Nội. Tuy nhiên ý định này của tôi đã bị R9 phát giác, nó mách mẹ tôi nên ý định dùng dao găm xử lý đám đầu gấu của tôi đã bị ngăn chặn từ trong trứng nước.

- Cậu không cần phải sợ. Cậu Quang đây đã nhiều lần gây ra lộn xộn ở trường. Hôm nay, chính miệng cô An đã nói rằng vì cậu Quang trấn tiền của cậu nên hai bên mới xảy ra đánh nhau.

- Đánh… đánh nhau… đánh nhau ạ? – Tôi ngẩn người ra nhìn Hà An và Quang Xô một lượt. – Không thể nào.

- Cậu nhìn thử đi. Hừ… Các cô các cậu đến trường để học hay để xưng hùng xưng bá?

Tôi nhìn Hà An, cô nàng lại lảng tránh ánh nhìn của tôi một lần nữa. Tôi quay sang nhìn Quang Xô, cậu ta cũng không nhìn tôi lấy một giây.

- Cô An nói rằng cậu Quang trấn tiền của cậu thế nên cô ấy đã đánh nhau với cậu Quang để đòi lại công bằng. Sao nào… cậu Nam?

- Không thể có chuyện đó được, thưa thầy. Em với bạn An cũng mới quen. Em cũng chưa bao giờ kể với bạn ấy chuyện gì ngoài chuyện học hành, lại càng không đả động gì đến bạn Quang.

- Cậu nói như thế nghĩa là cô An đây đặt điều?

Câu hỏi của thầy Hiệu trưởng đưa tôi vào thế khó. Nếu tôi bênh Quang Xô sẽ không đáng mặt con trai, nếu tôi bênh Hà An thì tốt nhất ngày mai tôi nên tự bỏ học, không cần phải đến trường nữa.

- An! Những gì cậu Nam đây nói có phải không?

- Thưa… thưa thầy…- Hà An ấp úng.

- Em nghĩ không phải do bạn An đặt điều đâu thầy. – Tôi cướp lời Hà An. – Có thể bạn ấy đã nghe dư luận đồn đại nên phỏng đoán. Con người ta khi bức xúc hay tìm một lý do nào đấy để viện cớ.

- Tôi không hỏi cậu.

- Dạ… nếu thầy không hỏi em thì thầy gọi em xuống đây làm gì ạ?

Câu hỏi của tôi khiến thầy Hiệu trưởng sững người, dường như thầy chưa bao giờ nghĩ đến tình huống một học sinh học ở ngôi trường do thầy quản lý lại có thể hỏi ngược lại thầy. Ánh mắt của thầy nói lên tất cả. Tôi vội nắm lấy cơ hội, nói một mạch:

- Em nghĩ đã là học sinh trong trường, việc con trai với con gái chơi với nhau cũng không có vấn đề gì phải lưu tâm, trừ khi mối quan hệ bạn bè ấy ảnh hưởng xấu đến việc học tập. Thêm nữa, nếu học sinh trong trường như hai bạn đây đánh nhau em nghĩ cũng chẳng có gì lạ bởi ở tuổi của chúng em, chúng em có thể đánh nhau chẳng cần lý do gì. Đôi khi chỉ là không thuận mắt. Bạn Quang và bạn An, nếu em nhớ không nhầm, hai bạn này là hàng xóm sát vách, từ nhỏ lớn lên cùng nhau. Em gái bạn Quang chơi thân với bạn An nữa, thầy là hàng xóm chắc thầy cũng chẳng lạ phải không ạ?

Thầy Hiệu trưởng gật gù khích lệ tôi:

- Cậu nói tiếp đi, tôi vẫn đang nghe.

- Em xin phép khẳng định với thầy là bạn Quang chưa từng trấn lột tiền của em.

- Vậy cậu giải thích như thế nào về việc cô An đây nói như vậy?

- Bạn Quang có thể nghịch ngợm nhưng bạn ấy không trấn tiền. Một sự việc xảy ra ở trường mình mỗi học sinh lại thêu dệt thêm hàng chục phiên bản nên em nghĩ bạn An đã có hiểu lầm. Em xin khẳng định với thầy điều này.

- Cậu rất khôn khéo, những lời cậu vừa nói ra chả phải đang tìm cách gỡ tội cho hai cô cậu này hay sao? – Thầy Hiệu trưởng tủm tỉm cười.

- Bạn An và bạn Quang đều là bạn học. Nếu em có thể giúp được gì cho hai bạn này nhất định em sẽ giúp. Nhưng thưa thầy, em là con trai nên em cũng có sĩ diện của em chứ ạ. Giả như bạn Quang đây có trấn tiền của em thì em cũng không đời nào đi kể với bạn An khi biết hai người là hàng xóm, đó là chưa kể nếu nói với bạn An thì em mới là người mất mặt. Đời thuở nhà ai, con trai lại nhờ con gái đi lấy lại công bằng trong khi em còn học trên bạn An một lớp.

Thầy Hiệu trưởng không nói gì, chỉ lẳng lặng uống hết chén nước chè xanh còn dở. Tôi vội vàng cầm ấm nước rót cho đầy lại, điệu bộ rất tự tin.

- Tôi mệt mỏi với các cô, các cậu. – Thầy Hiệu trưởng thở dài. – Năm nay cuối cấp, cậu không học hành đàng hoàng mà dính vào chuyện yêu đương nhăng nhít thì khó mà bước vào ngưỡng cửa đại học được. Tôi biết bố của cậu và tôi hi vọng cậu sẽ không làm gia đình cậu thất vọng.

- Dạ, em hiểu ạ.

- Các cô các cậu về lớp đi. Tôi nhắc nhở lần cuối, nếu một trong hai cô cậu đây còn gây sự trong trường thì tôi chắc chắn sẽ đuổi học. Chuyện này tôi sẽ không nói với phụ huynh của các cô các cậu nhưng hai cô cậu đây hãy tự vấn bản thân đi. Các cô các cậu định làm trò cười cho cả cái trường này à? Con trai đánh con gái, con gái nhổ nước bọt vào mặt con trai, không còn ra cái thể thống gì nữa.

Dứt lời, thầy Hiệu trưởng đặt mạnh chén nước chè xuống bàn kính thể hiện sự giận dữ.

- Thưa thầy, chúng em nhất định sẽ nhớ kỹ lời thầy dạy ạ.

- Về lớp đi!

Tôi đứng dậy, hai tay để dọc hai bên thân cúi người chào thầy rồi đi giật lùi ra đến cửa. Hà An và Quang Xô liếc nhìn nhau rồi nhìn tôi, tôi nheo mắt khẽ lắc nhẹ đầu ra hiệu đi mau. Cả hai cúi gập người chào thầy Hiệu trưởng, nhanh chân bước đến cửa. Quang Xô mặt lạnh tanh cắm đầu bước phăm phăm dọc hành lang đầy nắng, bóng dáng của cậu ta khuất sau doạn rẽ lên cầu thang. Tôi chậm rãi bước theo hướng Quang Xô, được vài bước Hà An mới lên tiếng:

- Này! Ấy không hỏi thăm gì tớ à?

Tôi quay lại nhìn Hà An, ánh mắt ái ngại.

- Về lớp đi! Mà tốt nhất bạn xin phép về sớm, ghé nhà thuốc mua bông băng thuốc đỏ, mua thêm cả đá về mà chườm. Nhìn bộ dạng của bạn bây giờ có giống ai không?

- Tớ làm thế là vì ai chứ?

Tôi hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh.

- Nhưng đó không phải là cách. Cách của bạn làm chẳng những không giúp được ai mà còn gây hại đến chính bạn. Đó là chưa kể, nếu chuyện này vỡ ra, ngày mai chắc gì tớ đã đi học được. Bạn hiểu tớ nói gì mà, phải không?

Vẻ mặt của Hà An lúc này khác hẳn với lúc ở trong phòng hiệu trưởng. Vẻ mặt bướng bỉnh luôn cho rằng mình đúng, ánh mắt như thách thức người đối diện.

- Về lớp đi. – Tôi hạ giọng. – Có chuyện gì nói sau.

Hà An đứng im tại chỗ, không có ý định rời đi.

- Bây giờ không phải là lúc tỏ ra bướng bỉnh đâu. Điều này không có lợi. Những gì tớ vừa nói chỉ là muốn tốt cho bạn, mong bạn về nhà nghỉ ngơi rồi suy nghĩ cho thấu đáo.

Dứt lời, tôi quay lưng bước đi thật nhanh. Đến chỗ khuất ở cầu thang tôi dừng lại thò đầu ra nhìn thử xem Hà An còn đứng ở chỗ cũ hay là không. Tôi thở phào khi nhìn thấy cô nàng hai tay đút túi quần thong dong bước từng bước về phía dãy nhà hai tầng cũ kỹ cạnh bãi xe. Đến lúc này tôi mới đưa tay lên vỗ ngực bình bịch liền mấy cái. Đứng dựa lưng vào tường, tôi ngẫm nghĩ xem tiếp theo mình sẽ phải hành xử như thế nào khi mà tự nhiên bị lôi vào mớ bòng bong không đáng có này. Nếu tôi không xử lý khéo, chỉ nay mai thôi, nhất định tôi sẽ bị đập cho một trận nhừ tử và con đường đến trường gần như sẽ bị đóng sập lại. Quang Xô là một đứa lầm lì, ít nói. Những đứa lầm lì, ít nói như vậy tốt nhất tôi phải chủ động xử lý mọi chuyện nếu không hậu quả khó lường sẽ xảy ra.

Sau khi tốt nghiệp, tôi ít gặp Quang Xô vì nó đi xuất khẩu lao động, bẵng đi vài năm tôi nghe tin về nó. Đêm trước ngày cưới, nó bị tai nạn giao thông sau khi uống rượu cùng bạn bè chia tay cuộc đời độc thân. Sáng hôm sau, rạp cưới biến thành rạp tang, người đến tham dự đám cưới, tiền mừng cưới lại trở thành tiền phúng điếu. Đó là một câu chuyện đau lòng. Tuy nhiên, đó là chuyện của sau này khi chúng tôi đều đã trở thành những thanh niên còn lúc này, khi cả ba vẫn còn mài đũng quần trên ghế nhà trường thì chẳng ai có thể đoán trước được tương lai cả.

***





— QUẢNG CÁO —