Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 13: Lời dọa dẫm của chị Ma



***
Nhà tôi có một tấm phản gỗ lim truyền thừa từ đời này sang đời khác, thế nên nó đã trở nên cũ kỹ, mang trên mình dấu vết của thời gian. Sau Cải cách ruộng đất, ông nội tôi bị liệt vào thành phần là Địa chủ nên gia sản như nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò… đều bị tịch thu sạch. Ông và hai bà nội của tôi khi ấy bị đuổi ra ở một khoảnh đất nhỏ ven làng. Khoảnh đất này xưa kia là một cái gò thấp mà dân làng thường quây liếp để thả vịt. Tài sản ông bà mang theo ngoài bát hương để thờ cúng tổ tiên thì xin được cái phản gỗ lim cũ dựng trong buồng vốn từng là tài sản của ông bà. Trước đó, ông nội tôi cũng nắm được tình hình là gia đình sẽ bị đấu tố và tịch thu gia sản nên đã chôn giấu nhiều sọt đựng bát đĩa quý, ngoài chôn giấu còn dìm cả xuống ao để tẩu tán nhưng sau cùng những thứ ấy đều bị lấy hết.

Một túp lều tranh vách đất được dựng vội trên khoảnh đất ấy, cái phản gỗ trở thành chỗ ngủ của ông. Còn hai bà, mỗi bà ngủ riêng ở một cái chõng tre. Gia cảnh khi ấy vô cùng khốn khó, anh em họ hàng có muốn cũng không dám ra mặt giúp đỡ. Ông nội tôi đã ngủ trên cái phản gỗ lim ấy trong hơn mười năm. Lúc ông tôi ngã bệnh, ông không muốn từ giã cõi trần trên tấm phản gỗ lim ấy bởi nó là một trong hai thứ mà ông đã mang theo từ đống gia sản trước đây nên bà Già và bà Trẻ đưa ông sang nằm ở chõng tre. Lúc ông tôi mất, bố tôi mới lên sáu tuổi. Cả tuổi thơ của bố tôi đều ngủ trên tấm phản gỗ lim ấy. Theo lời bà Già kể với tôi, tấm phản gỗ lim cũ kỹ mà hàng ngày tôi vẫn dùng làm bàn học hay những đêm mùa hè nóng nực nằm thẳng cẳng ngủ ở trên quên trời đất, đã có từ nhiều đời trước. Cụ thể nhất là bà cô Tổ của nhà tôi, bà mất khi hãy còn trẻ và cũng ngủ trên tấm phản gỗ ấy. Những đời trước thì tôi không dám chắc nhưng tôi biết rõ rằng có ít nhất ba đời tổ tiên đã sử dụng tấm phản gỗ lim làm giường ngủ. Bởi vậy, tấm phản gỗ mang giá trị tinh thần nhiều hơn là giá trị vật chất. Nói một cách đơn giản, ngôi nhà mà hai bà cháu tôi đang ở bây giờ, hoàn thiện cuối năm 1983 nhưng mười năm sau mới về ở. Trong khoảng thời gian dài đằng đẵng này, nhà bỏ không, trộm cũng chẳng thèm bê tấm phản đi.

Sở dĩ tôi nói tấm phản gỗ lim cũ kỹ mang nhiều giá trị tinh thần chính là, ngoài việc bản thân nó là đồ cha ông để lại cho con cháu, truyền từ đời này qua đời khác thì nó còn có một giá trị tinh thần không ngờ đến mà tôi đã vô tình nhận ra. Nếu tôi ngủ trên tấm phản gỗ lim truyền thừa ấy, khả năng rất cao là tôi sẽ chìm vào những cơn mộng mị, thật đến nỗi không thể thật hơn. Đôi lúc, tôi tỉnh giấc lúc nửa đêm mà ngồi ngây ra trên phản, vầng trán ướt đẫm mồ hôi, ngay cả cái áo thun ba lỗ màu trắng cũng ướt đầm đìa. Tôi đã từng nằm mơ, tạm gọi là như thế, gặp được bà cô Tổ của mình, một người phụ nữ gần hai mươi tuổi, đầu chít khăn mỏ quạ, áo màu nâu nhạt, quần vải tối màu, chân đi guốc mộc. Bà cô Tổ nhà tôi rất ghê gớm, đấy là tôi cảm nhận như vậy, bởi tôi đã bị tát cho nổ đom đóm mắt một lần vì dám gọi bà cô Tổ của mình là… chị! Thật ra, đối với một thiếu niên hãy còn thơ dại như tôi, những người phụ nữ đáng tuổi chị thì gọi chị cũng là lẽ thường tình. Bố tôi, em trai tôi trong một dịp về nghỉ Tết cũng được trải nghiệm cảnh nửa đêm có người sờ chân đánh thức, ngoài tặng cho con cháu vài cái tát, bố tôi thậm chí còn bị bắt quỳ gối sám hối. Đến lúc tỉnh giấc, bố tôi còn cảm nhận rõ hai đầu gối đau nhức.

Ngoài bà cô Tổ thì nhờ ngủ trên phản gỗ lim, tôi còn nằm mơ thấy cả ông Mãnh, một trong những tổ tiên đời trước của tôi. Ông mất lúc mười ba tuổi. Ông Mãnh của tôi có sở thích đánh bạc, có lần tôi nằm mộng thấy ông thua chỉ còn lại cái quần bận trên người. Những giấc mơ ấy đều rất chân thực, chân thực đến khó tin.

Chị Ma, hồn ma được thờ cúng trong ngôi miếu nhỏ ở khu vườn nhỏ đầu hồi nhà, thảng hoặc tôi vẫn gặp trong mơ cũng là những đêm tôi ngủ ở tấm phản gỗ lim ấy. Sau này, tôi hỏi ra mới biết, rất nhiều tổ tiên trong gia đình đã từng ngủ trên tấm phản gỗ ấy trước khi mất. Nói một cách dễ hiểu, tấm phản gỗ chính là sợi dây liên kết tâm linh giữa tôi, một thằng cháu đích tôn, với tổ tiên của mình và cả chị Ma kia nữa.

Bản chất của tôi là một đứa nhát gan. Trong suốt thời thơ ấu của mình, đôi ba lần tôi bị bạn bè đánh cho xịt máu mũi chứ tôi chưa đấm nổi ai dù chỉ một cái. Tôi yêu thích hòa bình và ao ước mọi chuyện có thể giải quyết được bằng lời nói. Dần dà, khi lớn lên, tôi rất tự tin vào khả năng giao tiếp của mình dù người tôi gặp là một cậu bé hay một người già đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy. Tuy tôi nhát gan là thế nhưng lại rất bướng bỉnh. Tôi thích làm theo ý của mình, làm mọi việc theo cách mà tôi cho là đúng, cố gắng tránh gây hại hoặc tổn thương cho người khác. Tôi không muốn mất lòng ai cả, hay đúng hơn, tôi không muốn ai phải buồn vì mình. Có lẽ do tôi bướng bỉnh, cố chấp nên kể cả khi đã biết nếu thường xuyên ngủ trên phản gỗ, hàng đêm có thể bị những bóng hình mờ mờ ảo ảo làm phiền nhưng tôi không chịu ngủ ở giường bên cạnh. Ma thì ai mà chẳng sợ nhưng nếu những con ma ấy lại là người thân thích của tôi thì tại sao tôi lại phải sợ? Tôi rất yêu bà nội của mình, mặc dù bà chẳng phải là người đẻ ra bố tôi. Bà cũng rất yêu tôi, thương tôi có lẽ chỉ kém bố tôi một tí tẹo. Từ điều này tôi suy ra rằng, nếu một mai bà nội Già của tôi có mất đi, nhất định bà cũng sẽ phù hộ độ trì cho tôi, yêu thương tôi như bà đã từng, niềm tin này mỗi ngày một lớn.

Đêm ấy, ngay cái đêm mà tôi gặp Quang Xô và Hà An về, như mọi đêm khác, tôi ngủ ngon lành trên tấm phản gỗ với cái nệm màu hồng nhạt mà bố tôi đã mua cho bà Già nhưng bà nằm cứ kêu đau lưng nên tôi được dùng luôn. Còn bà, bà chỉ trải một cái chăn bông lên bên trên cái chiếu cói là ngủ ngon lành.

Bên ngoài cửa sổ có tiếng động đánh thức tôi dậy.

Đầu hồi nhà tôi, gần bờ ao có một cây vối rất lớn. Cây vối vươn tán lá sum suê ra xung quanh, có cành vươn cao che cả một góc mái nhà. Một vài cành vối nhỏ sà thấp gần cửa sổ, ngay chỗ bàn học của tôi vẫn hay ngồi. Có thể những ngọn gió lạnh vi vu thổi hàng đêm từ ngoài cánh đồng đã khiến những cành lá vối chạm vào cửa gây ra tiếng động. Tôi đoán là như thế. Cho dù là cành vối hay bất kỳ thứ gì khác thì mục đích vẫn là đánh thức tôi trong cơn mộng mị. Khung cảnh trăm lần như một, mờ mờ ảo ảo như buổi sớm tinh sương.

-Sao rồi thằng em đần?

-Gì ạ?

-Thằng em đần.

-Em đần bao giờ?

Người con gái xinh đẹp ngồi trên ngọn đống rơm với mái tóc đen nhánh dài chấm thắt lưng, nhiều sợi tóc đang phất phơ bay trong gió liếc nhìn tôi, cười nụ cười đầy ẩn ý. Tôi gọi chị ấy là chị Ma mặc dù tên thật của chị ấy không phải như thế. Không gọi tên húy là một trong những thói quen xưa kia cha ông để lại. Ngay đến như tôi, mãi đến lúc học lớp 9 mới biết tên thật của bà Già.

-Chị nghe nói hôm nay em bị con bé tóc ngắn nó chê là thằng đần.

-Chị nghe làm gì lời của bọn con gái, nó nói linh tinh. Em mà đần thì còn đứa nào khôn?

-Chị thấy quả thật chuyện trai gái hình như em tồ lắm. – Chị Ma nhăn mặt. – Mà cũng lạ nhỉ, từ lúc lọt lòng cho đến bây giờ, xung quanh em toàn đàn bà con gái. Chị tưởng em đã quen với việc đó rồi chứ nhỉ?

-Phụ nữ có phải cọp đâu.

-Thế sao gặp con bé đấy lại cứ như gặp cọp? Bị nó bắt vía rồi hả?

-Làm gì có! – Tôi lắc đầu phủ nhận.

-Mà cũng phải thôi. Từ lúc chị em ta quen biết đến nay, chị mới thấy hai đứa con gái đến nhà này nhưng thằng em của chị kém quá. Nhìn mãi không ra chút khí chất nào.

-Đấy là em không muốn. Người ta bảo dính vào con gái là đen đủi và rách việc lắm.

-Cái gì?

Chị Ma nhảy phắt từ trên ngọn đống rơm xuống vườn, bước vài bước nhẹ bẫng đã đến gần đầu hồi nhà chỗ cột ăng ten, chau mày nhìn tôi hỏi:

-Thằng nào, con nào nói với em như thế?

-Thì… thì người ta. – Tôi tặc lưỡi. – Em làm sao mà nhớ được chứ. Tại em nghe lâu rồi.

-Chị đây mà nghe đứa nào nói thế chị sẽ rút lưỡi. Gớm! – Chị Ma bĩu môi. – Em cứ tưởng mình báu lắm đấy.

-Em thì có gì đâu. – Tôi thừa nhận.

-Chị đây cũng là đàn bà con gái, tuy chỉ là ma nhưng cũng là ma đàn bà. Nghe câu em vừa nói là muốn gang miệng em ra. Hư… được chị đây phù hộ là phúc tổ mấy đời nhà em rồi, ở đó mà chê đen đủi. Liệu liệu cái mồm đấy.

-Sao chị lại vơ vào mình như thế? Đấy là em nói bọn con gái chứ có nói chị đâu.

-Chị đây cũng là con gái.

-Trước lúc là ma thì chị đã lấy chồng, tính ra phải là đàn bà chứ.

-Cái thằng này, chị không đập cho một trận thì không chừa cái thói cãi người lớn nhem nhẻm – Chị Ma dứ nắm đấm về phía tôi. – Chị đây lấy chồng nhưng vẫn là con gái biết chưa? Đàn ông con trai nói năng là phải đúng.

-Vâng! – Tôi kéo dài chữ vâng ra, mặt tỉnh bơ.

Tôi không sợ chị Ma bởi tôi đã gặp chị từ lúc mới tám tuổi, đã quá quen thân. Gọi là chị bởi vì chị ấy mất lúc còn trẻ chứ nếu tính tuổi tác có lẽ cụ của cụ của cụ của cụ tôi vẫn phải gọi chị Ma là cụ cố cũng chưa đúng. Chị ấy đã mất từ rất lâu. Năm ngoái chính tay tôi đã cải táng xương cốt của chị Ma. Để biết rõ nhất thì câu chuyện “Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc” sẽ giải đáp mọi thắc mắc mà bạn còn mù mờ.

-Hôm trước chị bảo em cứ quen con bé Hà An đấy đi nhưng em hỏi chị, nếu làm một việc mà biết là cái kết sẽ không đi đến đâu thì tại sao phải làm cho phí thời gian ra. Đời người thì ngắn, sống nay thác mai. Bây giờ người ta có câu thời gian là vàng bạc đấy ạ.

-Chị đây làm ma đủ lâu nên biết nhiều thứ có nói em cũng chả hiểu hết được. Cứ nghe chị. Chị thấy con bé đấy cũng được mà. Đẹp này, sắc sảo này, mau mồm mau miệng này…

-Nhưng nó ăn nói toàn trống không. Mặt nó cứ câng câng nhìn rất ghét, ánh mắt thì cứ cái kiểu kẻ bề trên nhìn xuống con sâu cái kiến.

-Chị đã chỉ bảo em nhiều rồi. – Nét mặt chị Ma sáng rỡ. – Con bé đó nhất định sẽ dạy em nhiều cái hay để sau này em còn dùng đến.

-Hử? Nó thì dạy em cái gì? Nó học dưới em một lớp, sao mà dạy cho em được?

-Trời ơi! Chẳng lẽ lấy cái cây đập một nhát vào đầu cho em ngộ ra. Chị nói cho mà biết, hồi chị còn sống, ở tuổi của em thì người ta đã lấy vợ sinh con rồi đấy.

-Ăn cơm mới, nói chuyện mới. – Tôi nói. – Em sẽ tự tìm được người em thích, em yêu rồi em sẽ cưới làm vợ. Em chỉ yêu một người thôi, đỡ mệt.

-Xời! – Chị Ma lại bĩu môi chê bai. – Con gái nhà người ta có sẵn à mà để em yêu rồi lấy làm vợ? Phải yêu nhiều vào cho từng trải. Đàn ông cứ là phải năm thê bảy thiếp.

-Ấy… không được, không thế được đâu.

-Sao lại không?

-Một thôi!

-Vớ vẩn! Nhà em bây giờ có tới hai bà nội vẫn sống hòa thuận đấy thôi?

-Chị không thể nói như thế được, thời nay khác nhiều rồi. Bọn em đi học, cô giáo bảo chỉ nên một vợ một chồng. Nếu yêu và lấy nhiều vợ là lăng nhăng, là không đáng tin.

-Khờ quá! Mỗi người đều có cái hay riêng. Nếu yêu nhiều sẽ biết nhiều cái hay. Lấy nhiều vợ thì các cô ấy cơm bưng nước rót cho chẳng thích à?

-Không! – Tôi lắc đầu nguầy nguậy. – Em sẽ chỉ yêu một đứa thôi.

-Ờ cũng được. Thì cứ yêu một đứa đi, hết yêu đứa này rồi mình yêu đứa khác cũng được.

Tôi díp đôi mắt lại nhìn chị Ma khiến chị ấy chột dạ. Tôi hỏi:

-Chả phải chị mới nứt mắt ra đã lấy chồng à? Mà lấy chồng cũng chẳng phải do yêu đương mà thành, sao chị có thể biết được?

-Nhìn mặt chị đây, mặt sáng dáng xinh nên chị học hỏi ở đám ma con cháu. Mỗi đứa lại một kiểu khác nhau, chị đúc kết thành hiểu biết của bản thân. Đâu cứ phải trải qua mới có thể trở thành thầy?

-Còn lâu, muốn làm thầy thì phải học trước đã. Ai mà tin được một người chưa trải qua yêu đương đi xúi người khác nên yêu thế nào chứ.

-Thôi không nhiều lời! Đàn ông con trai lắm lời quá! – Chị Ma tỏ ra bực bội, hai tay chống nạnh, giọng kiên quyết. – Mối lương duyên này em có muốn trốn không được, chạy không xong. Hoặc tìm cách thích nghi để thay đổi kẻ khác hoặc chấp nhận chỉ là đầu sai cho người ta, chọn đi.

-Em không chọn gì hết.

-Đây là lệnh. Nếu em mà không nghe theo, chỉ nay mai thôi chị sẽ tìm cách kéo con bé đó xuống đây cho nó đi vòng quanh làng rêu rao là em ngủ với nó rồi.

-Này, này! Không được, không được. Như thế là bậy bạ, là vu khống, đặt điều!

Chị Ma không để tâm đến lời tôi nữa, ánh mắt của chị còn bận ngắm bàn tay mười ngón búp măng, một chân nhịp nhẹ xuống đất, bộ dáng rất khó ưa.

-Tùy! Em nghe cũng được mà không nghe cũng chẳng sao. Chị đây chả ép ai bao giờ. Nhưng thứ mà chị giàu có nhất, nhiều nhất không phải là bạc vàng mà là thời gian. – Nói đoạn chị Ma sấn gần đến chỗ tôi đứng, mở to đôi mắt, giọng thì thào nhưng thể hiện rõ sự dọa dẫm. – Chị rảnh rỗi. Được, rượu mời không uống lại uống rượu phạt. Để xem em có thể trốn được không. Chị không biết nói đùa đâu.

Tôi choàng tỉnh giấc, mồ hôi lạnh vã ra như tắm vì sợ. Tôi không sợ ma, tôi sợ vì không biết chị Ma này sẽ giở trò gì. Xưa nay những trò nghịch của chị ấy đều không giống ai.

***