Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 17: Xe Đạp



***
Biển báo hiệu bên đường cho tôi biết vài trăm mét ở phía trước có cây xăng. Chuyển từ chân ga sang chân phanh, tôi liếc nhìn gương chiếu hậu bên trong xe và cả gương bên phụ, tiếp theo đó bật xi nhan khi bảng hiệu hình chữ P màu xanh sáng rực trong đêm đã hiện rõ trong tầm mắt. Đường khuya vắng vẻ, còn đến hơn ba trăm cây số nữa mới về đến nơi. Lúc ấy, có lẽ trời đã sáng.

Tôi tựa vào thành xe, ánh mắt chăm chú nhìn những con số liên tục thay đổi trên cột bơm xăng cho đến khi chúng dừng hẳn. Tôi trả tiền rồi hỏi nhân viên vừa bơm xăng cho mình, một người phụ nữ trạc bốn mươi tuổi:

-Nhà vệ sinh đi hướng nào vậy chị?

-Ở đầu hồi đằng kia, anh cứ đi thẳng.

Tôi khẽ gật đầu kèm theo nụ cười xã giao thay cho lời cảm ơn rồi nhanh chóng lẫn vào bóng tối để giải quyết nỗi buồn. Vài phút sau tôi trở ra, chị nhân viên của cây xăng đưa cho tôi một chai nước khoáng kèm theo một cái khăn lạnh. Tôi đã quen với việc này bởi hầu như tất cả các cây xăng trên miền cao nguyên lộng gió này đều thay lời cảm ơn khách hàng bằng một chai nước lạnh kèm theo một cái khăn ướt. Tôi ít khi dùng những thứ này vì nhiều lý do nhưng vẫn luôn nhận theo phép lịch sự. Bên trong hộc để găng tay của xe, vợ tôi luôn để sẵn một gói khăn ướt lớn và trong mỗi cánh cửa xe đều có ít nhất một chai nước cùng một cái ô.

Đánh xe ra khỏi vị trí đỗ ban đầu rồi rời xe, tôi chậm rãi băng qua đường để châm một điếu thuốc. Theo cách lý giải của những người có thâm niên hút thuốc thì mỗi hơi thuốc sẽ giúp họ tỉnh táo và tập trung hơn. Tôi đã hút thuốc lá được hai chục năm, nhiều lần đã cố bỏ, lần lâu nhất là hơn ba tháng, ngắn nhất là ba mươi bảy ngày nhưng rồi đâu lại vào đấy cả. Vài phút sau, tôi đến bên cửa xe, chuẩn bị rời đi thì chị nhân viên khi nãy tiến lại gần ngập ngừng hỏi:

-Anh… phiền anh cho hỏi… anh có về Sài Gòn không?

-Dạ… cũng có thể coi là về Sài Gòn chị ạ. – Tôi cười.

Người phụ nữ có vẻ lúng túng, dường như chị ấy định nói gì đó nhưng lại thôi. Tôi nhìn hai bàn tay của chị ấy đang bấu vào nhau, điều này thể hiện rõ chị đang băn khoăn, có điều muốn nói nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Thế nên tôi đành mở lời:

-Em có thể giúp được gì không?

-À… thật ra thì…

-Chị cứ nói ạ, nếu giúp được nhất định em sẽ giúp.

-Anh có nhìn thấy cô gái kia không?

Theo hướng tay chị nhân viên bán xăng chỉ, dưới ánh đèn sáng trưng của trạm xăng, tôi nhìn thấy một cô gái trẻ đang ngồi bệt ngay lối ra vào của căn phòng nhỏ gần trụ bơm xăng.

-Vâng! – Tôi gật đầu.

-Thật phiền anh quá. Con bé đó là em họ của em. Nó phải đưa đứa cháu xuống Sài Gòn khám bệnh mà… mà say xe. Nó cứ ngửi thấy mùi xe đò là nôn thốc nôn tháo.

-À vâng.

-Đứa nhỏ đi cùng mới sáu tuổi, cũng là cháu của em.

-Vậy chị muốn cho hai mẹ con cô gái đó đi nhờ xe của em phải không?

-Dạ, nếu được thế thì tốt biết mấy.

-Vâng, không vấn đề gì. Dù sao em cũng chỉ đi có một mình. – Tôi cười tươi thể hiện rõ thiện ý.

-Được vậy thì tốt quá, tốt quá. Anh cho hai đứa đi nhờ, để em gửi anh tiền xăng xe.

Người phụ nữ rút tiền từ trong túi ra nhưng tôi vội đưa tay ngăn lại:

-Tiện đường thôi mà chị. Đã bảo là giúp nhau ai lại nhận tiện.

Chờ cho người phụ nữ quay đi, tôi liền lấy điện thoại ra nhắn tin cho vợ mặc dù tôi biết giờ này vợ tôi đã ngủ từ lâu. Nội dung tin nhắn thì không có gì đặc biệt, chỉ nhằm thông báo tôi đang ở đâu và tôi mới nhận lời cho một người đi nhờ xe. Tôi thường đi xa một mình nên đã tự tạo cho mình một thói quen thông báo lộ trình và những thay đổi nếu có cho vợ để vợ tôi biết. Bên cạnh đó, cũng là cách đề phòng những bất trắc có thể xảy đến, phòng xa có bao giờ là thừa. Đó cũng là lý do mà ít khi tôi dùng nước uống hoặc khăn lạnh được tặng. Tôi không phải kẻ đa nghi nhưng cẩn thận thì không bao giờ thừa bởi những gì tôi đã trải qua trước đây khiến tôi có những thói quen như vậy.

-Cháu nó sốt hay sao vậy em?

Khi xe đã di chuyển được một đoạn ngắn, tôi mở lời hỏi thăm.

-Dạ cháu em ốm yếu liên miên anh ạ. Ngày mai có lịch hẹn với bác sĩ dưới Sài Gòn nên em đưa cháu xuống cho bố mẹ nó.

-Ủa? Anh tưởng cháu bé là con gái của em cơ đấy.

-Dạ không, em mới có hai mươi mốt thì sao con gái lớn chừng này được anh.

-À, anh xin lỗi nhé. Cháu nó mệt thì em lấy gối và cái chăn mỏng phía sau cho cháu nó dùng.

-Dạ không cần đâu anh ạ.

-Đừng ngại! – Tôi nói. – Đường hãy còn dài, mình là người lớn còn mệt huống chi con trẻ. Em cũng tranh thủ chợp mắt đi, nếu có say xe thì mở cửa sổ ra cho thoáng.

-Dạ, cảm ơn anh.

Xe chạy thêm một đoạn nữa, đứa bé đã nằm ngủ ngon lành ở băng sau thì cô gái cất tiếng hỏi tôi:

-Dạ, không biết anh tên gì ạ?

-À, anh tên Nam, còn em?

-Em tên An ạ.

-Hả? Tên An à?

Tôi thoáng ngạc nhiên ngoái đầu lại nhìn trong giây lát rồi lại tập trung vào con đường dài trước mặt.

-Dạ, sao anh lại ngạc nhiên thế?

-À! Thú thật với em là đã lâu lắm rồi anh chưa gặp cô gái nào có tên là An. Người miền Nam chắc chẳng thích cái tên ấy. – Tôi vừa nói vừa cười.

-Bố mẹ em đi kinh tế mới. – Cô gái đáp.

-Ra vậy! Quê gốc em ở đâu nhỉ?

-Ở Bắc Ninh anh ạ!

-Bắc Ninh à, huyện nào thế em? Vậy ra mình là đồng hương đấy.

-Quê em ở huyện Thuận Thành nhưng từ nhỏ đến giờ em chỉ mới về được có một lần hồi mấy năm trước.

-Thật trùng hợp. Anh cũng người Thuận Thành đây! Đừng nói là họ tên đầy đủ của em là Dương Hà An đấy nhé?

-Ủa, sao anh biết hay vậy?

Tôi dường như không tin vào tai mình nên sau một thoáng suy nghĩ, tôi giảm tốc độ dừng xe trước cửa một ngôi nhà ven đường có đèn điện sáng rồi bật đèn trần trong xe lên ngoái lại nhìn cô gái. Cô gái lúc này cũng nhìn tôi ngạc nhiên, thậm chí có phần khó hiểu với hành động của tôi. Một cô gái có mái tóc ngang vai đã nhuộm màu nâu nhạt chứ không phải màu đen nguyên thủy, nhìn thoáng qua có thể đoán còn đang đi học vì trên khuôn mặt vẫn phảng phất nét ngây thơ.

-Cùng tỉnh, cùng huyện lại còn cùng tên với một người bạn của anh nữa. – Tôi cười. – Anh phải nhìn cho kỹ biết đâu là người quen. May quá, chúng ta chưa quen.

-Cùng tên thì có gì lạ đâu ạ?

-Họ và tên luôn em ạ. – Tôi khẽ nhún vai một cái rồi tiếp tục cuộc hành trình.

-Nhìn anh có vẻ phấn khởi như vừa rồi hẳn đó là người bạn rất thân của anh?

-Ừm… Cũng không thân. Nói chính xác thì đó là người yêu cũ của anh. Mà nếu em mới hai mươi mốt tuổi, có thể gọi anh là chú cũng được, cho đỡ sợ!

-Nhìn anh không giống một ông chú lắm. Anh năm nay bao nhiêu tuổi?

-Sinh nhật lần thứ mươi của anh diễn ra vào tám năm trước.

Cô gái mất vài giây để hiểu điều tôi vừa nói khiến tôi tủm tỉm cười.

-Người yêu cũ của anh như thế nào? Em tò mò, nếu không ngại thì anh có thể kể.

-À… đó là một câu chuyện dài của nhiều năm trước nhưng theo anh là thú vị. Cũng hơn hai chục năm rồi.

-Hơn… hơn hai chục năm ạ?

-Có gì lạ, bây giờ giới trẻ có khi còn yêu sớm hơn anh ấy chứ. Đường còn dài, nếu em thích nghe thì anh kể cho mà nghe, dù sao cũng có chuyện để nói, nhỉ!

-Dạ!



Tôi đã chấp nhận buông xuôi, có thể là như vậy, bởi tôi không có cách nào để đối phó với Hà An. Cứ mỗi khi tôi cảm thấy mình sắp thoát khỏi lưới tình thì y như rằng Hà An đột nhiên xuất hiện để khuấy động trái tim non nớt của tôi. Mười lần như một, mỗi khi đối diện với Hà An là tâm hồn tôi treo ngược cành cây, hành động, cử chỉ, lời nói đều tiền hậu bất nhất. Tôi cảm thấy rất khó chịu khi phải trải qua cảm giác ấy. Kỳ lạ thay, nếu Hà An rời đi là tôi lại tỉnh táo, bày mưu tính kế để không phải gặp Hà An nữa.

Tôi là một người hay lo xa. Mục tiêu của tôi là sau khi rời khỏi ngôi làng nhỏ, rời khỏi quê hương thì đích đến chính là Hà Nội. Hà Nội luôn có sức hấp dẫn với tôi. Nếu như tôi thích Hà An hoặc thậm chí yêu cô ấy thì những tháng ngày sau này sẽ ra sao? Tôi đã không sống cùng bố mẹ từ khi lên mười nên ít nhiều hiểu được nỗi chờ mong khắc khoải khi phải xa cách người mà mình yêu thương. Bởi vậy, khi lý trí còn tỉnh táo, tôi không muốn tháng ngày sau này của mình phải yêu xa.

Đó là tôi muốn như vậy nhưng cuộc đời có cho như vậy hay không lại là chuyện khác.

-Nghỉ Tết Dương lịch, bạn sẽ làm gì?

Hà An đứng chờ bên hàng rào của bãi gửi xe cất tiếng hỏi ngay khi tôi vừa mới đến. Đám bạn đi cùng với tôi ngay lập tức tản ra. Kể từ hôm tôi và Hà An bị bêu tên trước cờ tính đến nay cũng đã được hơn một tháng. Trong suy nghĩ của bạn bè tôi, chúng nó đều đã mặc định rằng tôi và Hà An là một cặp. Đối với tôi thì mọi thứ chẳng có gì rõ ràng.

-Có thể tớ sẽ đi Hà Nội.

Tôi trả lời mà không cần phải suy nghĩ bởi mọi năm đều vậy cả. Những kỳ nghỉ lễ mà dài hơn hai ngày tôi đều bắt xe khách hoặc cùng R9 đạp xe ra Hà Nội thăm gia đình, nghe qua có vẻ hơi ngược đời nhưng sự thật chính là như thế. Bố mẹ tôi rất bận. Bây giờ cũng sắp đến Tết Nguyên đán, bố mẹ tôi có khi còn bận bịu hơn nhiều lần, thời gian đâu mà về thăm tôi.

-Đi Hà Nội chơi à? Tớ chưa được đi Hà Nội bao giờ, cho tớ đi với.

-Không được. – Tôi gạt phắt đi.

-Sao lại không?

-Con trai với con gái sao đi chung kiểu đấy được. – Tôi nhăn mặt. – Tớ đi mấy ngày luôn chứ có phải sáng đi chiều về đâu.

-Vậy thì tớ đi cùng bạn, chơi đến chiều rồi tớ bắt xe về.

-Không được, không như thế được.

-Không được, không được. Cái gì cũng không được. Vậy như thế nào thì mới được?

Tôi bối rối đưa tay lên gãi đầu, nét mặt nhăn nhó. Quả thật tôi chưa từng nghĩ đến trường hợp này.

-“Biết ngay mà, dính vào con gái một cái là rách việc”. – Tôi thầm nghĩ.

-Nếu tớ không được đi thì bạn cũng phải ở nhà.

-Hả? Ở nhà? Sao tớ phải ở nhà?

-Bây giờ chúng mình là một đôi, là người yêu, chúng mình cùng đi học thì phải cùng đi chơi chứ. Làm gì có chuyện bạn ra Hà Nội chơi mà tớ phải ở nhà.

-Ây ây, đừng có nói liều. Chúng ta chưa phải là người yêu, chỉ là bạn thôi. – Tôi đính chính.

-Ừ thì bạn. – Hà An gật đầu. – Thế nên tớ quyết rồi, bạn sẽ không được đi Hà Nội. Sáng mùng Một đạp xe lên nhà chở tớ đi chơi. Chúng ta sẽ đến nhà cái Như, bạn học của tớ. Nó bảo nhà nó có mít, sau khi ăn mít sẽ luộc hột mít và luộc khoai ăn.

-Tớ không thích, tớ…

-Ơ, tớ có hỏi bạn là thích hay không đâu? Tớ nói hôm đó bạn lên chở tớ đi. Chở đến nếu bạn không thích ở lại chơi thì bạn về hoặc đi đâu thì tùy, chiều đón tớ là được.

-Sao tớ phải làm thế chứ?

-Tớ đã quyết như thế rồi. Nếu sáng hôm ấy mà không lên đón tớ, tớ sẽ bắt xe xuống nhà bạn rồi ngủ luôn ở đó đến chiều, được không?

Tôi nghe Hà An nói vậy thì lạnh hết cả sống lưng. Xem ra tôi đã bị bắt thóp. Hà An cũng là một cô gái đáo để, cô nàng thừa biết tôi thương bà, không muốn bà cằn nhằn nên kiểu gì cũng phải chiều theo ý mà cô nàng muốn.

-Không nói tức là đồng ý. Ngoan đi rồi tớ sẽ thưởng. Trẻ con ngoan đều có quà cả.

Dứt lời Hà An tung tăng ra về cùng với chị gái, bỏ mặc tôi đứng bên hàng rào với vẻ mặt khó đăm đăm, tức phát điên mà không nói được thành lời.

-Nghỉ lễ đợt này đi Hà Nội chứ bạn?

R9 hỏi tôi trên đường về. Tôi lắc đầu, giọng chán chường:

-Con An điên nó bắt tao sáng mùng Một lên đón nó đi chơi, đi sao được mà đi.

-Đấy, tao bảo rồi. Thế tao với thằng Chắc Gạo đi với nhau vậy.

-Ơ… thế đi mà không có tao à?

-Thế mày yêu có phần bọn tao tí nào đâu.

-Mà xe tao không thể chở nó được. Hay mày đổi xe cho tao được không?

-Quên đi! – R9 đáp. – Tốt nhất mày nên sắm một cái để chở người yêu mày.

Và tôi phải đi mua thêm một cái xe đạp thật!

Mặc dù tôi chưa chính thức bước vào tình yêu nhưng đã tốn một đống tiền, nghĩ kiểu gì cũng không thể vui được bởi cái xe mini tàu màu xanh ngọc bích tôi mua hết một chỉ vàng chứ có ít ỏi gì đâu.

***