Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 19: Hiểm Nguy Rình Rập



***
Mẹ tôi gọi điện về hỏi chuyện tôi có bạn gái!

Điều này khiến tôi cảm thấy bối rối. Tôi một mực khẳng định rằng đó chỉ là một người bạn là con gái nhưng mẹ tôi nói:

-Nó học lớp dưới, lại không phải cùng làng cùng xã mình thì bạn bè là bạn bè thế nào hả con?

Tôi đã không biết phải trả lời câu hỏi này của mẹ như thế nào.

-Mẹ nghe nói nó là một đứa dạn dĩ, có lẽ không hợp với con đâu. Năm nay cuối cấp, con phải tập trung vào việc học, phải đỗ đại học chứ không được sao nhãng vào những chuyện tình cảm không đáng có.

-Dạ. Nhưng…

-Ừ, mẹ dặn thế. Bây giờ mẹ bận rồi.

Tiếng tút tút vọng ra từ ống nghe của cái điện thoại cố định. Tôi đặt ống nghe trở lại vị trí cũ khẽ lắc đầu ngao ngán. Như vậy có nghĩa là mẹ tôi đã biết hết mọi chuyện, nghe giọng điệu nói chuyện tình cảm của mẹ là tôi hiểu bởi trước đây, chỉ vào những dịp đặc biệt quan trọng như… nhờ vả tôi làm chuyện gì đó hoặc bản thân tôi sắp sửa thi cử thì mẹ sẽ nói chuyện rất ngọt ngào. Tôi và mẹ vốn không hợp tính nên rất hiếm khi nói chuyện tình cảm được với nhau. Tôi biết mẹ thương và quan tâm đến tôi theo cách của mẹ. Tôi cũng không muốn mẹ tôi buồn vì như tôi đã nói, tôi là một người sống thiên về tình cảm mà phàm những người sống tình cảm lại thường hay nhận phần thiệt về mình để mọi chuyện được tốt đẹp.

Tính đến thời điểm này, tôi đã sống cùng bà Già được bảy năm và tôi chỉ gặp bố mẹ cùng hai em của mình vào các dịp nghỉ hè hoặc dịp Tết cổ truyền. Những năm trước khi công việc chưa bận rộn, bố tôi thường chăm chút cho cái Tết của hai bà cháu ở quê và ngày cuối cùng của năm cả nhà sẽ đông đủ bên mâm cơm tất niên. Mẹ tôi ít khi về, họa may khi bên nhà bà ngoại có giỗ chạp thì mẹ tôi mới về, tuy nhiên những dịp như thế một năm cũng chỉ đôi ba lần rồi mẹ tôi lại trở ra Hà Nội ngay. Có lẽ vì thế mà giữa tôi và mẹ khó có tiếng nói chung. Tôi là một đứa thông minh mà thói đời, trong một gia đình có nhiều con, đứa nào thông minh và hiểu chuyện hơn cả thường phải chịu thiệt thòi.

-“Chắc chị Hiền đã nói với mẹ chứ chẳng ai khác”.

Tôi đã phỏng đoán như vậy nhưng không cố công tìm hiểu bởi điều này chẳng có ý nghĩa gì.

Gần đến Tết, làng Bưởi Cuốc nhỏ bé của tôi thường xuyên vắng bóng người bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều những khuôn mặt lạ lẫm. Tết là dịp mà những gia đình sống và làm việc ở nơi xa bắt đầu trở về làng. Họ đi biền biệt cả năm, chỉ về làng đông đủ vào dịp Tết thế nên tôi không thể biết mặt hết được. Thường thì sau ngày Ông Công Ông Táo, ngoài người lớn thì trẻ con bắt đầu được cho về mỗi lúc một đông khi mà các trường học đều đã cho học sinh nghỉ Tết. Những ngôi nhà cửa đóng then cài quanh năm suốt tháng bắt đầu có bóng người, vào những buổi chiều tà, khói bếp từ những ngôi nhà cả năm lạnh lẽo đã bốc lên, len lỏi qua những mái ngói, quện vào những bụi tre hay những tán cây và những con đường nhỏ trong làng cũng tấp nập người qua lại. Trong cả một năm, chỉ có dịp Tết đến Xuân về thì làng tôi mới trở nên có sinh khí.

Chiếc xe đạp mini màu xanh ngọc bích của tôi dừng lại trước cổng nhà Hà An. Sau khi rời khỏi xe, Hà An ôm cặp đứng bên cạnh đường mời mọc:

-Nay Tết Ông Công vào nhà tớ ăn cơm luôn.

-Bà tớ cũng cúng, tớ phải về. Nhà chỉ có hai bà cháu, bạn còn lạ gì.

-Mời bạn ăn một bữa cơm cũng thật là khó. Đây là lần thứ bao nhiêu tớ mời rồi? Trong khi tớ đã ăn cơm ở nhà bạn ít nhất là ba lần.

Tôi đưa tay lên gãi đầu, cười ngượng nghịu, nói:

-Đấy là bạn đến đúng bữa chứ tớ có mời đâu. Để hôm nào có dịp thì tớ sẽ vào ăn cơm.

-Hết tuần này là được nghỉ Tết, kế hoạch của đằng ấy thế nào?

-Chẳng biết! Năm trước thì tớ ra Hà Nội đón các em về chơi Tết nhưng năm nay nghe nói chúng nó không về. Thằng em trai tớ đã lớn, nó cũng đã học lớp 10 và có người yêu rồi. Con em gái chắc bám càng bố mẹ về.

-Em trai của ấy lớp 10 đã có người yêu, ở lại Hà Nội để đi chơi với người yêu vậy mà đằng ấy lại chưa có kế hoạch gì kể cũng lạ.

-Ôi, thằng em tớ đẹp trai, bạn gái nó nhiều nên thiếu gì chỗ chơi. Nói thật chứ về quê chán chết.

-Thế ấy định bao giờ thì có người yêu?

Nét mặt Hà An chợt nghiêm lại, ánh mắt sắc lạnh nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi lảng tránh cái nhìn đấy, nhoẻn miệng cười đáp:

-Tớ hãy còn đi học, thời gian còn dài, vội gì.

-Tớ chả biết đằng ấy giả ngu hay ngu thật.

Hà An nói xong lại quay phắt người nhanh chóng đi vào nhà, tôi cũng vội nhấn pê đan để đuổi kịp hai thằng bạn đã bỏ xa tôi hàng cây số. Tôi không hiểu sao kể từ hôm đi chơi cùng Hà An nguyên một ngày dịp Tết Dương lịch đến nay Hà An thi thoảng lại tỏ ra phụng phịu, giận hờn vu vơ khiến tôi khó hiểu. Tôi nghĩ có khi Hà An cũng thích mình thật rồi nhưng mỗi lần nghĩ đến việc mở lời tỏ tình thì mặt tôi nóng ran, hơi thở gấp gáp còn bụng thì đói meo như thể cả tuần bị nhịn đói. Chính bởi những suy nghĩ vẩn vơ kiểu như thế khiến cho mỗi lần giáp mặt Hà An thì tôi cũng cảm thấy không được tự nhiên. Tôi cho rằng đến một lúc nào đó thích hợp thì tôi sẽ lấy hết can đảm để mở lời đề nghị Hà An làm bạn gái của tôi. Tuy nhiên thời điểm thích hợp là khi nào thì tôi chẳng thể nào biết được.

Đẩy nhẹ cánh cổng gỗ để dắt xe đạp vào, tôi phát hiện ra chiếc xe Dream quen thuộc của bố đang dựng trong sân, trong lòng tôi thoáng vui mừng. Chưa dắt xe đạp vào đến sân thì bóng dáng của mẹ tôi từ trong nhà bước ra, theo sau mẹ là một người bạn, tôi đoán như vậy.

-Cháu chào cô, con chào mẹ!

Người phụ nữ đi cùng mẹ tươi cười chào lại tôi. Sau vài câu hỏi xã giao thường thấy, tôi vừa đặt ba lô xuống phản thì mẹ tôi hỏi:

-Hôm nay mẹ với cô Hòa về ăn Tết Ông Táo với hai bà cháu, bạn gái của con đâu?

Tôi giật mình đánh thót, nuốt nước bọt đánh ực một cái.

-Cô với mẹ cháu tưởng là cháu dẫn bạn gái về ăn cơm.

Tôi cố trấn tĩnh để nặn ra một nụ cười gượng gạo đáp:

-Dạ, bọn cháu chỉ là bạn học cùng trường thôi cô ạ.

Mẹ tôi lấy chồng năm mười tám tuổi và sinh ra tôi vào một năm sau đó. Mẹ tôi năm nay mới ba mươi sáu tuổi, mái tóc dài ngang vai của mẹ được uốn xoăn, tôi nghe nói đó là mốt kiểu Hàn Quốc. Mỗi khi về quê, mẹ tôi thường mặc minijuyp cùng một đôi bốt cao cổ hoặc đôi khi là một bộ váy tương đối sặc sỡ. Mẹ tôi chỉ cao khoảng một mét năm mươi bảy, nước da trắng sáng, khuôn mặt ưa nhìn và hay cười. Người ngoài nhìn nhận mẹ tôi là một người phụ nữ đẹp, một người phụ nữ mô – đen. Điều này cũng chẳng có gì lạ khi mẹ tôi đường đường là chủ sở hữu một cơ sở sản xuất sữa đậu nành đang ăn nên làm ra. Tôi hiếm khi thấy mẹ về quê mà mặc hai lần một bộ giống nhau. Mẹ tôi có thể được coi là hình mẫu của những người phụ nữ biết trưng diện, khéo léo trong giao tiếp, rất phù hợp với thời buổi kinh tế thị trường ở thời điểm này. Chỉ cần liếc qua mẹ tôi thì ai cũng có thể đoán ra đó là một người phụ nữ có tiền! Năm trước mẹ tôi từng về họp phụ huynh khiến phụ huynh của lũ bạn cùng lớp bàn tán rồi sau đến lũ bạn tôi hay trêu tôi là bảo chị gái đi họp hộ. Điều này khiến tôi ngại, vậy nên mỗi khi cần họp phụ huynh, tôi đều lấy một cớ nào đó để bố mẹ mình vắng mặt. Hồi đầu năm học vừa rồi, tôi đã phải nhờ chị ruột của mẹ tôi, mà ở làng tôi thường gọi là già, đi họp hộ để đỡ bị ai chú ý.

Vậy tại sao tôi lại chột dạ khi mẹ tôi đề cập đến hai chữ “bạn gái”?

Mẹ sinh ra tôi nên thường nói “tao đi guốc trong bụng mày, tao đẻ ra mày cơ mà” còn tôi, với kinh nghiệm mười bảy năm làm con của mẹ thì tôi cũng hiểu rõ một điều rằng ẩn phía sau vẻ trẻ trung, lộng lẫy kia là một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ. Phút trước mẹ tôi có thể cười nói vui vẻ nhưng ngay phút sau đó, nụ cười tươi rói của mẹ có thể sẽ tắt ngúm và phát ra những từ ngữ mạnh khiến người nghe, nếu yếu tim, sẽ dựng tóc gáy.

Mẹ tôi ghê gớm có tiếng ở chợ Nam Đồng!

Hà An là một cô gái có cá tính mạnh. Tôi có thể là một kẻ khù khờ trong chuyện tình yêu trai gái nhưng ngoài ra thì những chuyện khác tôi đều rất thông tỏ. Tôi sợ rằng hai người, một phụ nữ và một cô gái trẻ, có cá tính mạnh gặp nhau sẽ lành ít dữ nhiều.

-Hôm nay nhà ai cũng cúng nên chắc bạn ấy phải ở nhà giúp bố mẹ. – Tôi tìm một lý do để từ chối.

-Con lên đón bạn ấy xuống đây chơi một tí cho mẹ gặp mặt rồi về, chẳng mất bao nhiêu thời gian. – Mẹ tôi ngọt nhạt khiến tôi cảm thấy gai ốc nổi khắp người.

-Mấy khi cô với mẹ cháu về chơi. Cháu lên xin phép nhà bạn gái rồi chở bạn ấy về đây ăn một bữa cơm không có vấn đề gì đâu mà.

-Dạ…

-Chìa khóa này con. – Mẹ tôi đưa chìa khóa xe máy ra trước mặt tôi. – Nhanh cái chân lên, chốc nữa mẹ với cô còn phải đi sớm vì tối nay còn có việc.

-Nhưng…

-Nhưng với nhị cái gì. – Mẹ tôi vẫn giữ nét mặt tươi cười. – Mẹ có ăn thịt bạn gái của con đâu mà con lo lắng. Chỉ là gặp mặt và ăn một bữa cơm.

Dứt lời mẹ đẩy luôn tôi ra ngoài cửa nhà. Tôi đứng đực ra một chỗ, mặt nhăn nhó nhưng chẳng thể tìm ra được một lý do nào đó phù hợp để từ chối.

-“Thôi, có khi trong cái rủi lại có cái may. Mẹ mình ghê gớm thế này có khi cái An sợ chạy mất dép luôn ấy chứ. Nếu như thế chả phải điều chị Ngọc Hoa nói sớm ứng nghiệm hay sao. Ừ, nếu suy nghĩ kỹ thì mình vẫn có lợi, chả thiệt gì”.

Nghĩ bụng như vậy tôi cúi đầu chào mẹ và cô bạn của mẹ sau đó quay xe máy nhanh chóng rời đi đón Hà An. Trong suốt đoạn đường bốn cây số, tôi đi không nhanh không chậm và thực sự thì nội tâm cũng có chút giằng xé. Tôi lo là ngay trong bữa cơm, mẹ tôi sẽ buông lời bóng gió rồi Hà An sẽ sa sầm nét mặt hoặc cũng có thể Hà An sẽ phản ứng lại giống như Hà An mà tôi từng biết trước đây.

Người ta thường ví phụ nữ với sư tử mà tôi sắp bị kẹp giữa hai người phụ nữ. Điều đáng sợ hơn cả chính là người nào ngoài mặt cũng nói cười giả lả nhưng trong bụng nghĩ gì thì chỉ có ông trời mới biết.

***