Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 24: Suy Nghĩ Thay Đổi



***
Buổi học cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán là ngày thứ Sáu, trời nhiều mây, không khí Tết đã đến rất gần. Nhà nhà nô nức đi sắm Tết còn hai bà cháu tôi mới chỉ lo xong việc gửi quà Tết. Ngày mai thứ Bảy, 27 Tết, bà Trẻ sẽ về và sáng sớm ngày hôm sau bà Trẻ sẽ đi sắm Tết ở phiên chợ cuối năm. Làng tôi cũng có chợ nhưng bởi làng nhỏ nên chợ phiên cũng nhỏ, thế nên tất cả người làng đều sẽ đi chợ Chằm. Chợ Chằm là một chợ dân sinh có từ lâu đời nằm ở xã Mão Điền. Chẳng ai biết chợ Chằm có tự bao giờ nhưng có dân, có làng ắt sẽ có chợ. Theo sử sách thì làng Chằm được thành lập từ năm 1028, thời điểm nhà vua Lý Thái Tổ băng hà, nên chợ Chằm có lẽ cũng có kể từ thời điểm ấy. Làng Bưởi Cuốc của tôi cách làng Chằm chỉ một cánh đồng lúa. Dân làng muốn đi chợ thì men theo những bờ thửa chứ không có đường lớn để đi. Theo như tôi biết, thời xa xưa, giữa làng tôi và làng Chằm có những hiềm khích, bởi vậy hai làng mới không có lối đi lại.

Phiên chợ Chằm cuối năm họp chợ từ khoảng ba giờ sáng đến tầm giữa trưa ngày 28 Tết sẽ bày bán đủ thứ trên đời để phục vụ ngày Tết. Những năm trước các em của tôi về nghỉ Tết sớm kiểu gì cũng theo hai bà và mẹ đi chợ nhưng năm nay chẳng đứa nào về sớm nữa nên chợ Chằm sẽ vắng đôi ba người. Chợ Chằm còn có một cái tên khác mà ít người biết, ngay cả những người trẻ đã và đang sinh sống ơ nơi này. Trước đây chợ Chằm còn có tên gọi là chợ Âm Dương. Chợ Âm Dương họp vào ngày mùng Bốn tháng Giêng cũng là phiên chợ đầu năm mới. Tương truyền những người buôn bán ở chợ vào ngày này sau phiên chợ kiểm đếm tiền thì phát hiện ra có nhiều lá chuối khô, lá cây, đất sét… lẫn trong những đồng tiền xu. Ban đầu người ta chẳng hiểu vì sao nhưng sau này tìm hiểu thì biết được xưa kia làng Chằm và khu vực phụ cận là nơi chiến địa, oan hồn tử sĩ nhiều. Việc nhận tiền xu nhưng sau đó lại biến thành lá cây chỉ xảy ra vào phiên chợ đầu năm nên dần dà phiên chợ này được gọi là phiên chợ Âm Dương để ám chỉ việc mua bán xảy ra giữa người còn sống và người đã khuất. Những người bán hàng đã được mách nước rằng buôn bán ở phiên chợ này nên có thêm một chậu thau đựng nước, nhận tiền của khách thì thả vào chậu, tiền chìm là của người sống, tiền nổi là của người đã khuất. Tôi không biết phiên chợ Âm Dương này vì sao lại bị giải tán, có thể do buôn bán vào ngày đó chẳng có lời lãi chăng?

Dừng xe trước cửa nhà để Hà An xuống xe, cô nàng ôm cái cặp màu đen trước ngực, đưa tay vuốt mái tóc ngắn nay đã để mái lệch, hỏi tôi:

-Tết này ấy đã định làm gì chưa?

-Tớ chưa.

Quả thật tôi chẳng có ý định gì ngoài việc ngủ nướng. Tôi đã lớn nên chẳng có tiền mừng tuổi, mà thật ra tôi cũng không cần tiền mừng tuổi của người lớn vì có khi tôi còn sở hữu số tiền nhiều hơn một số người lớn mà tôi biết. Không có tiền mừng tuổi thì không cần phải theo bố mẹ hay bà nội đi chúc Tết, dù gì tôi cũng đã nhẵn mặt ở làng. Các em không về nên tôi cũng chẳng có ai để chơi.

Tết đã thay đổi rất nhiều trong gia đình tôi. Bố mẹ tôi mỗi ngày một bận rộn nên sẽ chỉ về nghỉ Tết vào chiều muộn ngày cuối năm để cúng tất niên sau đó sẽ rời đi vào ngày mùng Ba hoặc sáng mùng Bốn.

-Tớ nghĩ ấy nên đi chơi cùng với tớ. – Hà An đề nghị.

-Ừ, cũng được!

-Cũng được là cũng được thế nào? Phải quyết đoán, có hoặc không!

-Thì có!

-Vậy ấy tự lên kế hoạch thử xem chúng ta sẽ đi những đâu.

-Tớ… - Tôi đưa tay lên gãi đầu, mặt nhăn nhó. – Tớ chẳng biết đi đâu cả.

-Thì đến chơi nhà bạn của tớ hoặc nhà bạn của ấy.

-Ừ, đây là một ý kiến hay.

Hà An nhón chân lên dùng hai ngón tay gõ vào trán tôi một cái rõ đau.

-Tớ chẳng hiểu mối quan hệ giữa hai chúng ta là gì nữa. Mấy việc ăn với chơi tớ chưa bao giờ thấy bạn chủ động đưa ra.

Tôi đưa tay lên xoa trán đồng thời trả lời:

-Vì tớ không giỏi việc ấy.

-Thế để chị lên kế hoạch cho, còn đằng ấy sẽ làm tài xế.

Tôi không có ý kiến. Thực lòng tôi không mong đợi cái Tết này cho lắm.

-Tối ngày Hai mươi chín sau khi ăn cơm tất nhiên thì lên đây đón tớ, chúng ta sẽ đi chùa.

-Đi chùa nào?

-Tớ chưa nghĩ ra.

-Làng tớ cũng có chùa.

-Vậy lên đây đón tớ rồi chúng mình đi chùa ở làng của bạn.

-Sao lòng vòng thế? Đi như vậy mấy lượt, đạp xe sẽ mỏi chân.

Hà An nhìn tôi trân trân khiến tôi phải cụp pha.

-Cũng được. – Tôi nói.

-Mùng Một ấy đến nhà tớ chúc Tết bố mẹ tớ sau đó chở tớ xuống nhà ấy chúc Tết.

-Sao lại lòng…

Hà An trừng mắt khiến tôi phải bỏ dở câu nói.

-Tiếp theo đó sẽ đến chơi nhà các bạn của ấy.

Tôi gật đầu lấy lệ vì tôi chẳng có chút ý tưởng nào.

-Thống nhất với nhau như thế, còn bây giờ thì về đi.

-Mà đến chơi nhà bạn tớ làm gì, chả cần đâu.

-Sao lại không cần?

-Tớ nghĩ chẳng cần.

-Tớ muốn đến chơi nhà các bạn của ấy qua đó tớ sẽ dò hỏi thêm vài điều tớ cần biết. Thứ nữa tớ cũng muốn xem bạn bè của ấy là những người như thế nào.

-Chúng nó đều tốt tính cả.

-Nhưng đều đần độn cả.

-Hả? Làm gì có!

-Vì những người đần độn, khờ khạo mới chơi cùng nhau. Cứ nhìn đằng ấy là tớ đoán ra thôi. Trong một mối quan hệ, nếu tớ hoặc ấy chẳng ai chủ động thì hai chúng mình mãi mãi chỉ là những đường thẳng song song, chả vui gì cả.

-Tớ thấy như thế này cũng vui rồi.

Bốp! Hà An phát nhẹ vào vai tôi, phùng má trợn mắt định co chân đá tôi một cái nhưng lại thôi.

-Đi về đi!
-Thì về, con gái con đứa động tí là dùng tay với chân, chẳng hiểu thùy mị nết na ở đâu.

Tôi làu bàu rồi nhấn pê đan đạp xe ra về, văng vẳng bên tai là lời dặn của Hà An.

Tôi và những người mà tôi từng quen biết hoặc đang quen biết đều không theo đạo Phật và nhiều người trong số đó, bao gồm cả tôi, chỉ đến chùa cầu Thần khấn Phật mỗi khi có những việc cần nhờ cậy hoặc dịp đầu năm chứ còn ngày thường chẳng mấy ai đến chùa mặc dù cửa chùa luôn rộng mở. Tôi hay đến chùa làng nhưng đến chơi chứ hiếm lắm tôi mới vào thắp nén hương trong gian thờ. Trên đường về nhà, tôi ngẫm nghĩ về những ý định mà Hà An đã đưa ra khi nãy rồi ngẫm lại bản thân mình những năm qua. Tôi nhận ra những ngày Tết của tôi trước đây quá tẻ nhạt, tẻ nhạt đến nỗi không nhớ nổi mình đã làm gì, đi đâu vào những ngày Tết của năm trước.

-“Có lẽ năm nay mình nên làm gì đó khác biệt vì năm sau mình cũng không còn sống ở làng nữa”. – Tôi thầm nghĩ như vậy khi dựng xe đạp trong sân nhà.

Trời hửng nắng nhẹ, khói bốc lên từ những mái bếp của nhà hàng xóm kèm theo những tiếng nói cười rộn rã. Tôi nhìn lướt quanh một lượt nhà mình và nhận ra không khí Tết vẫn chưa tràn vào. Thả mình trên chiếc võng đong đưa qua lại, mắt nhìn chăm chăm lên những chữ Hán viết trên xà nhà, tôi chợt nhận ra mình đã thay đổi. Tôi của mấy tháng trở về trước thích một cuộc sống thu mình chẳng màng đến thế sự. Nỗi cô đơn đã trở thành một phần cuộc sống của tôi trong suốt những năm vừa qua mặc dù bà Già vẫn yêu chiều tôi hết mực. Có hai lý do chính khiến tôi quen với việc sống một cuộc sống ít bạn bè, lý do thứ nhất tôi xác định rằng mình chỉ sống tạm ở làng để học cho hết cấp ba rồi sẽ một đi không trở lại thế nên cái gì tôi cũng hời hợt. Lý do thứ hai mà có lẽ cũng là lý do lớn nhất khiến tôi ít quan tâm đến cuộc sống thường nhật là những đêm ngủ trên tấm phản gỗ cùng với những giấc mơ lạ kỳ. Thời gian của mỗi người trong một ngày hay một đời là hữu hạn, nếu như tôi đã mệt nhoài với những giấc mơ của mình thì cần gì phải tham gia vào những cuộc vui của đám bạn cùng trang lứa?

Tôi đã dành cả một buổi chiều dài để suy ngẫm về quá khứ và tương lai của mình.

Sau mấy tiếng gõ cửa thì Hà An xuất hiện mắt tròn mắt dẹp nhìn tôi, hẳn là cô nàng không tin rằng tôi sẽ đứng ở cửa nhà với một giỏ hoa quả.

-Đi đâu đây?

-Tớ…. – Tôi gãi đầu rồi cố nở một nụ cười. – Tớ mới đi mua ít quà Tết.

Hà An nhìn giỏ quà Tết cầu kỳ mà tôi đang cầm trên tay, nghiêng đầu hỏi:

-Để làm gì?

-Tớ… ý tớ là… thật ra tớ muốn gửi biếu ít quà Tết cho gia đình bạn.

-Hử? Sao hôm nay lại khách sáo đến thế?

-À… - Trước khi gõ cửa thì trong đầu tôi đã nghĩ ra rất nhiều câu nói hay ho nhưng bây giờ đối diện với ánh mắt của Hà An thì tôi đã quên sạch.

-Vào nhà đi, gớm, tớ không ngờ ấy lại chu đáo đến thế.

-Chỉ là tiện đường thôi, tiện đường ấy mà.

Hà An ở nhà có một mình. Sau khi mân mê chén nước chè đến mòn cả miệng chén đồng thời lảng tránh ánh nhìn và nụ cười tủm tỉm của Hà An, tôi đành phải bắt chuyện.

-Nhà… nhà mình đi chơi hết rồi hả?

-Bố mẹ tớ hôm nay vẫn ở cơ quan, một chốc nữa mới về.

-Anh của bạn chưa về à?

-Chắc chiều nay.

Thế là chủ đề mà tôi vừa mới bắt đầu đã đi vào ngõ cụt. Hà An mọi khi nói luôn miệng nhưng lần này thay vì nói thì cô ấy chỉ ngồi cười. Dường như Hà An đang xem tôi định làm gì hoặc nói gì, điều này càng khiến tôi bối rối.

-Nam đã sắm Tết được nhiều chưa?

-À chưa, thật ra thì tớ không sắm gì cả.

-Sao thế?

-Vì tớ chẳng biết nên sắm gì cả.

-Nhà có điều kiện thật là tốt. – Hà An gật gù. – Muốn gì thì mua lúc nào cũng được, đâu cứ nhất thiết phải chờ đến Tết, tớ nói có đúng không?

-Cũng… cũng không hẳn.

-Sáng nay hẳn là bạn dậy sớm để đi mua những thứ này hả?

-Ừ, tớ cũng tốn chút thời gian vì chưa có kinh nghiệm. Tớ không biết nên mua gì nên đã mua ngũ quả. – Tôi chợt trở nên hoạt bát. – Những quả này bạn lấy ra bày trên ban thờ sẽ rất đẹp. Ban thờ của nhà bạn đã dọn dẹp chưa?

Hà An nheo mắt nhìn tôi hỏi:

-Tớ thấy bạn rất lạ, sao cứ nói đến chuyện cúng bái là mắt bạn lại sáng lên thế?

-Hả? – Tôi chột dạ. – À… tại… tại vì tớ là con lớn lại ở với bà nội. Bà tớ chăm lo hương khói nên tớ biết vậy thôi chứ chẳng có gì.

-Tớ chờ nãy giờ xem đằng ấy có hỏi câu nào liên quan đến tớ không mà chẳng thấy gì.

-À… bạn ăn cơm chưa?

-Mới hơn chín giờ, bạn hỏi ăn cơm có vẻ hơi sớm.

Thế là tôi lại chẳng biết nói hay hỏi thêm điều gì nên đành ngồi khép hai đầu gối vào nhau, ánh mắt lúc thì ngước lên nhìn cái quạt trần, khi thì nhìn những vật dụng mà gia đình Hà An bày quanh phòng khách và đôi khi lại liếc nhìn những tấm ảnh gia đình để dưới mặt kính của bàn uống nước.

-Tớ… tớ thấy trần nhà có… có mạng nhện.

Hà An nhìn theo hướng tôi chỉ rồi hỏi:

-Thì sao?

-Sao bạn không quét dọn nhà đi.

Hà An khụt khịt vài cái rồi đứng lên:

-Ừ thì quét dọn. Rõ khổ, tự dưng vớ phải một đứa dở hơi. Tưởng đến đây quà cáp xong rủ người ta đi chơi mà mãi chẳng mở miệng, đến lúc mở miệng lại bảo đi quét dọn nhà cửa.

Mặt tôi đần ra một lúc đến khi Hà An đã đi xuống bếp thì tôi mới nghĩ ra là mình dại.

-“Ừ, biết thế rủ đi chơi hợp lý hơn nhưng mà rủ đi chơi ở đâu nhỉ?”

Tôi đã bắt đầu thay đổi nhưng khởi đầu dường như không được tốt cho lắm.

***