Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 3: Lá thư tay




***
Như đã nói, tôi là cháu nội. Bố tôi là con trưởng nên nghiễm nhiên tôi là cháu đích tôn. Đối với những người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong chế độ phong kiến như bà nội của tôi thì cháu đích tôn là quan trọng hơn cả. Bà tôi quan niệm rằng, cháu đích tôn sau này sẽ là người chăm lo việc thờ cúng tổ tiên một khi bà khuất núi. Mấy năm sống cùng bà, tôi đã nhớ tất cả những ngày giỗ của các cụ. Bà nội không bắt tôi phải nhớ, cũng chẳng bao giờ bắt tôi phải chuẩn bị bất cứ thì cho một đám cúng giỗ dù chỉ là một lưng cơm, một quả trứng. Hồi hai bà cháu mới về làng, điện đóm còn phập phù, đèn dầu vẫn được thắp lên mỗi tối sau bữa cơm. Bà nội nằm đong đưa trên võng, một tay phe phẩy cái quạt giấy màu tím than, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Còn tôi mỗi buổi trưa nắng hay tối trời, thường hay ngồi ngoài hiên nhà với bình nước vối cùng cái cốc bằng sắt tây tráng men màu xanh nhạt. Bởi nhà chỉ có hai bà cháu nên bà sẽ nghe những câu chuyện vụn vặt của tôi xung quanh chủ đề trường lớp, đôi khi là những buổi trưa bêu nắng lẽo đẽo theo đám trẻ chăn trâu. Chủ đề của bà nội tôi thì khác hẳn, tất cả các câu chuyện của bà đều bắt đầu bằng hai chữ “Ngày xưa…”. Những câu chuyện của bà giúp tôi nhớ đến những người đã khuất. Bà kể cho tôi không chỉ một lần thế nên tôi tự nhiên phải nhớ. Từ lúc thơ ấu đến lúc thanh niên, tôi luôn bắt đầu câu chuyện bằng “Ngày xưa…” như bà mình đã từng.

Tôi chưa bao giờ là đứa chu toàn trong việc thờ cúng. Tôi luôn muốn làm mọi thứ đơn giản theo cách hiểu biết riêng của mình. Mùng Một hoặc hôm rằm, ngoài việc múc mấy chén nước mưa đặt lên ban thờ rồi chắp tay khấn vái thì tôi ít khi phải đụng tay làm việc gì.

Trong khu đầu hồi phía đông nhà tôi gần một năm nay xuất hiện một ngôi miếu nhỏ nằm gần cổng nhà. Ngôi miếu được xây cuối năm trước, do chính tay tôi thiết kế. Bởi khả năng thiết kế của tôi có hạn nên ngôi miếu nhỏ được quét vôi màu trắng có hình dáng không giống bất cứ một ngôi miếu nào ở trong làng. Làng tôi nhỏ, lại vắng. Ngôi làng nhỏ nằm giữa những cánh đồng lúa, nhìn từ trên cao, ngôi làng chẳng khác gì một ốc đảo xanh mướt giữa màu vàng của ruộng lúa. Tên nôm của làng là Bưởi Cuốc. Tôi không biết tại sao làng tôi tuy nhỏ nhưng lại có rất nhiều những ngôi miếu nhỏ. Tôi đã đem thắc mắc này hỏi bà nội, bà chỉ giải thích đơn giản và ngắn gọn rằng:

-Làng này đất dữ.

Tôi không hiểu điều này lắm bởi tôi thấy làng của mình rất yên bình, chỉ có điều nhà hoang nhiều quá. Ba phần tư người làng ở trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn ở nơi xa mà bố mẹ tôi là một ví dụ. Làng đã vắng lại toàn người già với trẻ con nên cuộc sống của những thanh thiếu niên như tôi rất buồn tẻ.

Từ hồi về sống ở quê, tôi thường hay nằm mộng thấy một cô gái trẻ với mái tóc dài đen nhánh, vô cùng xinh đẹp thường xuất hiện trong giấc mộng. Ban đầu tôi chỉ đơn thuần nghĩ đó là do mình hay đọc truyện tranh nên ngủ mơ. Tuy nhiên, những tập truyện tranh mà tôi đọc chỉ toàn là Hesman, Teppi hoặc Bảy Viên Ngọc Rồng... nên tôi đã bắt đầu nghĩ khác.

-“Có khi nào mình được trả ơn vì đã xây miếu?”

Nhưng điều này cũng chẳng phải.

Mấy năm trước tôi quen anh Sơn Ca, một thầy cúng ở huyện Lương Tài. Anh Sơn Ca hơn tôi ba tuổi. Lần đầu tiên đặt chân đến nhà tôi, anh Sơn Ca đã nói với tôi rằng ở mảnh đất này có một bà cô chết trẻ rất ghê gớm.

-Tao vừa mới đến đã trừng mắt nhìn tao!

Sơn Ca đã nói với tôi như vậy. Tôi không nói gì bởi ai cũng có những bí mật của riêng mình. Nếu tôi kể cho anh Sơn Ca hoặc ai đó rằng tôi thường nằm mơ hoặc đôi khi ngồi bên thềm nhà nói chuyện một mình, hẳn họ sẽ nghĩ tôi điên. Duy chỉ có R9, thằng bạn nối khố, là bán tín bán nghi mỗi khi tôi kể chuyện cho nó nghe.

Ngôi miếu nhỏ là do tôi tự tay vẽ, tự đi thỉnh bát hương về để thờ cúng. Điều này cũng không có gì lạ bởi trong làng tôi có một ngôi chùa nhỏ rất thiêng. Nhờ sư thầy bốc bát hương giúp là một điều tốt. Tuy ngôi miếu nằm trong đất nhà tôi nhưng Sơn Ca lại là người chi trả toàn bộ chi phí xây cất, anh ấy là một người tốt bụng. Thi thoảng vào cuối tuần, Sơn Ca hay rủ tôi đi cùng mỗi khi cúng bái ở nhà nào đó gần làng. Trong khi anh ta làm lễ cho gia chủ thì tôi có thể tựa vào một gốc mít nào đó đọc truyện và chờ đợi. Sau mỗi lần như vậy, Sơn Ca đều đưa tiền, tôi không nhận bởi quan điểm vô công bất thụ lộc nhưng nếu Sơn Ca rủ tôi uống nước, ăn kẹo thì tôi nhất định không chối từ. Dần dà, Sơn Ca rủ tôi lang thang trên những cánh đồng vào ban đêm để đào bới vài thứ của chìm mà người xưa để lại. Tôi làm tất nhiên sẽ tính công. Nhờ đào thuê cho Sơn Ca mà cuộc sống của tôi cũng bớt tẻ nhạt lại còn có thêm tiền quy đổi thành những cái nhẫn vàng chôn giấu trong vườn. Tôi đã bắt đầu lập quỹ đen kể từ hồi còn học cấp hai. Không ai biết tôi có bao nhiêu tiền.

Tôi lại nằm mơ.

Bởi tôi đã quá quen thuộc với những giấc mơ thường xuyên lặp đi lặp lại nên chuyện này quá đỗi bình thường. Cô gái mỗi lần xuất hiện trong giấc mơ của tôi, lần nào cũng như lần nào, đều có dáng vẻ yêu kiều, dịu dàng nhưng lại nghiêm khắc. Mỗi lần cô gái ấy xuất hiện đều sẽ cảnh báo hoặc nhắc nhở điều gì đó sắp xảy ra với tôi. Tuy nhiên cách nói mập mờ khiến tôi không còn bận tâm đi tìm hiểu nữa.

Sơn Ca cho tôi biết tên thật của chủ nhân ngôi miếu nhỏ là Ngọc Hoa, một cô gái trẻ đã mất lúc mười bảy tuổi. Tôi tỏ ra hờ hững vì tôi đã biết điều đó trước anh ta vài năm nhưng tôi ít khi dám gọi tên húy. Tôi đã gọi linh hồn cô gái tên Ngọc Hoa ấy là chị Ma vì chị còn rất trẻ. Lần đầu gặp chị Ma thì tôi chỉ mới tám tuổi, cái tuổi ngây thơ, trong sáng. Bà nội tôi đơn giản gọi là Cô thần miếu mỗi khi khấn vái. Tôi cho rằng đây cũng là một cái tên phổ thông mà những người lớn tuổi hay dùng để gọi những vong hồn ngự trong các ngôi miếu nhỏ. Sự thực thì khi thờ cúng, nếu biết tên húy hoặc danh xưng, chức vị… của vong hồn chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả ít ai ngờ đến. Tôi nghĩ như vậy.

Nhưng tôi kể như vậy không nhằm tuyên truyền mê tín dị đoan. Dù gì cũng chỉ là những giấc mơ mà thôi.

Trong giấc mơ…

Tôi từ trong nhà bước ra ngoài hiên, khung cảnh quen thuộc hiện dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Những tán cây cao trước cửa nhà khẽ đung đưa trong gió nhẹ. Chị Ma đứng dưới sân nhà hất hàm hỏi tôi:

-Em nhìn hai cây bưởi thế nào?

Tôi đưa mắt nhìn tán hai cây bưởi sum suê trước sân nhà. Hai cây bưởi này hồi tôi về đã lớn như vậy, mỗi năm vào mùa hè đều sai trĩu quả. Bây giờ đã qua Tết Trung thu cả tháng trời nên quả không còn nhiều nữa. Mùa hè tôi không ở quê nên bà nội tôi thường vặt bưởi rồi gánh xuống chợ Bưởi để bán. Cũng có năm bà tôi bán cho đoàn thanh niên với giá rẻ như cho để các anh chị ấy tổ chức phát quà vào tối Trung thu cho đám trẻ trong làng ở hội trường.

Tôi chỉ biết hai cây bưởi nhà mình khác lạ khi tôi định làm xà đơn để tập lên xà cho người… cao thêm chút ít.

Tôi thấp quá.

Tôi thật ra cũng lười.

Bởi vì lười nên tôi tìm cách để không phải làm một cái xà đơn và rồi tôi mới nhận ra hai cây bưởi kỳ lạ ở trước sân nhà mình.

Hai cây bưởi giống nhau như hai giọt nước. Tôi đã thử lấy cái đòn gánh của bà mang ra vắt ngang chạc ba của hai cây và lạ thay, hai chạc ba cao bằng nhau. Điều này bắt đầu khiến tôi để ý. Vì để ý nên tôi thuộc nằm lòng hai cây bưởi này. Thi thoảng tôi vẫn bắc thang trèo lên ngọn cây bẻ những cành tầm gửi mọc um tùm. Cứ độ ba tháng một lần, những nhánh tầm gửi mọc ra lẫn vào tán cây bưởi. Tôi cũng đã chặt một que tre, chế ra một cái móc nhỏ để không cần phải trèo lên cao mà vẫn có thể bẻ gãy những nhánh tầm gửi ăn bám ấy.

-Hai cây bưởi thì có gì lạ ạ?

-Em thích ăn bưởi chua phải không?

-Vâng! – Tôi gật đầu.

-Vậy Em có thể hái hộ chị một quả bưởi ngọt được chứ? Chị nhất định sẽ trả công em hậu hĩnh.

Tôi khẽ nhún vai đồng tình. Điều này thì có gì là khó. Cái chị Ma này tại sao lại phải trả công hậu hĩnh cho một việc giản đơn như vậy chứ?

-À, thật ra em không cần hái xuống, em chỉ cần chỉ cho chị đâu là bưởi ngọt là được.

Tôi lững thững bước xuống sân ngước đầu nhìn lên, tận dụng ánh trăng sáng tỏ để tìm những quả bưởi lấp ló sau tán lá. Tôi không khó khăn gì để tìm thấy hai quả bưởi to hơn nắm tay một chút. Một Cô thần miếu quanh quẩn nơi miếu nhỏ hẳn chẳng có việc gì để làm nên thích bày việc ra.

Một tay chắp sau lưng, tay còn lại tôi chỉ vào hai quả bưởi nhỏ tự tin nói:

-Đây ạ! Có hai quả luôn.

-Chị muốn ăn bưởi ngọt.

-Thì đấy, cả hai quả luôn còn gì ạ. Nhưng quả còn nhỏ thế này chắc phải một tháng nữa mới ăn được ạ.

Chị Ma mỉm cười đầy khó hiểu rồi quay lưng, bóng dáng mờ nhạt dưới ánh trăng.

Giấc mơ khó hiểu của tôi chỉ vỏn vẹn có thế.

Sáng hôm sau, lúc dắt xe xuống sân chào bà chuẩn bị đi học, tôi chợt nhớ ra giấc mơ khó hiểu đêm qua. Gạt chân chống xe, tôi ngó nghiêng tìm thử xem có quả bưởi ngọt nào giống như trong giấc mơ đêm qua hay là không. Tôi chau mày khi nhìn thấy hai quả bưởi y như trong giấc mơ của mình nhưng tôi có chút giật mình khi nhận ra dường như tôi đã lầm.

-Ơ cái thằng kia, đi học không đi lại vác sào ra làm cái gì thế hả?

-Cháu chọc quả bưởi.

Tôi đẩy nhẹ cây sào.

“Bịch, bịch”

Hai quả bưởi nhỏ gần như rơi cùng lúc xuống đất. Tôi lẩm bẩm:

-Đây là bưởi chua mà, sao đêm qua mình lại bảo bưởi ngọt nhỉ? Mình chủ quan rồi.

Tôi cầm hai quả bưởi nhỏ trên tay nhìn qua nhìn lại một hồi, chợt trong lòng có chút bất an nhưng không hiểu vì sao. Hai cây bưởi sinh đôi này tán lá xòe xuống sân, lẫn vào nhau nên nhầm lẫn là điều khó tránh khỏi.

Hai cây bưởi mọc song song, một cây cho quả chua, cây còn lại cho quả ngọt. Quả bưởi ngọt và quả bưởi chua chỉ khác nhau chút ít ở phần cuống khi mà quả ngọt tròn xoe như quả bóng nhựa còn quả bưởi chua hơi nhú lên một chút ở phần cuống. Nhìn qua thì rất giống nhau nhưng nhìn kỹ lại khác nhau.
-Mày không đi mau lại muộn học bây giờ!

Bà nội đứng trên thềm giục giã. Tôi dạ rồi lấy đà ném luôn hai quả bưởi về phía cái ao trước nhà khiến bà mắng tôi thêm vài câu. Tôi chỉ cười tít mắt rồi mau chóng rời nhà.

Thời gian một tuần trôi qua nhanh. Ly Lùn nhắc lại chuyện cá cược làm quen với con bé tóc dài đứng đá cầu ở sân sau trường mà tôi đã nhìn thấy hôm trước.

-Mày hèn thế!

-Có gì mà hèn, chỉ là em không thích thôi.

-Tao nghe nói con bé đấy cành cao lắm, nhiều đứa trường mình thử tán tỉnh nhưng không đổ còn bị nó nói cho chẳng ra gì.

-Thế thì thôi, anh đừng có xúi trẻ con chơi dại. Trần đời này em không thích con gái nói tục chửi bậy, nghe chướng tai lắm.

-Nhưng mà nó đẹp.

-Đẹp có gặm ra ăn được đâu nào.

Tôi cố mọi cách để gạt bỏ chủ đề mà Ly Lùn đang cố gắng đề cập. Tôi biết Ly Lùn mới tán đổ một em lớp 11 cùng làng. Con bé đó cao hơn Ly Lùn hẳn một cái đầu theo đúng nghĩa đen, tên là Như. Tôi đã chạm mặt cái Như, bạn gái của Ly Lùn, vài lần. Nhìn chung, tôi có thiện cảm với bạn gái của Ly Lùn bởi đó là một cô nàng dễ mến, dịu dàng với mái tóc dài chấm thắt lưng, một cô thôn nữ đúng nghĩa.

-Năm nay cuối cấp rồi, chẳng lẽ mày định rời trường này mà không có nổi một mảnh tình vắt vai à?

Ly Lùn vẫn không từ bỏ ý định rủ rê tôi tán gái.

-Thật ra em có thích một đứa từ hồi lớp năm kia, nhưng mà… - Tôi chép miệng. – Học ngu nên nó không thèm để mắt tới. Nếu em đỗ đại học có khi…

-Ôi trời! Đấy chỉ là tình yêu bọ xít thôi mày ơi.

Rồi Ly Lùn ghé tai tôi thì thầm:

-Bọn tao đã hôn nhau rồi, hôn nhau thích lắm.

-Hả? – Tôi tròn mắt hỏi lại.

-Mày trẻ con nên tao có nói mày cũng chẳng hiểu nhưng tao đã hôn rồi. Hôn rất nhiều lần, lần nào cũng mê ly.

-Eo ơi! Thế hôn nhau môi chạm môi như thế có kinh không? Tại em thấy khi hôm người ta hay nhắm mắt.

-Sao lại ghê? Mẹ cái thằng đần.

Rồi Ly Lùn thì thào kể cho tôi những gì nó đã trải qua trong những ngày gần đây. Bọn con trai mới bước vào tình yêu lạ lắm. Đa phần đều có xu hướng khoe với bạn bè việc tán đổ một đứa con gái như một chiến công và nếu hôn được thì chẳng khác gì anh hùng. Tôi và vài đứa khác ngồi nghe mà há hốc miệng ngạc nhiên. Mãi cho đến khi thầy giáo đã đứng trên bục giảng, cả lớp đứng lên chào thầy thì câu chuyện hấp dẫn của Ly Lùn mới tạm dừng.

-Nói thật với mày chứ con bé Hà Anh đấy bén cực. Tao nghe nói nó là chị em sinh đôi, đứa còn lại tên là Hà An.

-Sinh đôi à?

-Ừ!

-Cùng trứng hay khác trứng?

-Là gì? – Ly Lùn hỏi lại tôi.

-À, nếu cùng trứng sẽ giống nhau y đúc, khác trứng có thể không giống nhau như hai giọt nước, có khi còn là một trai, một gái đấy.

-À… tao nghe nói giống nhau. Mà sao nói chuyện yêu đương mày ngu mà mấy chuyện khác lại thông thế?

Tôi bĩu môi:

-Ba cái tuổi ranh yêu với chả đương. Anh biết diễn viên Diễm Hương không?

-Có, thì sao?

-Phải đẹp như thế em mới thích.

-Mày có nhìn lại mày chưa?

-Ai người ta đánh thuế ước mơ. – Tôi cười.

Ngày hôm sau đến lớp, vừa mới gặp Ly Lùn kéo tôi ra một góc nói nhỏ:

-Mày giúp tao một việc được không?

-Chỗ anh em mà. – Tôi thò tay vào túi quần lấy tiền ra. – Anh mượn bao nhiêu?

Ly Lùn gạt tay ra hiệu tôi cất tiền đi. Tôi nghĩ người ta yêu nhau sẽ phải đi uống nước, ăn chè nên nhất định phải cần tiền.

-Ông bà già con người yêu tao cấm nó yêu tao, lo tập trung học hành.

-Thì đúng còn gì.

Ly Lùn tát nhẹ vào đầu tôi một cái.

-Mày biết cái đếch gì.

-Bố mẹ nó không thích nó yêu anh là phải. Anh học dốt lại còn lùn như cây nấm trong khi nó cao hơn anh một cái đầu. Bữa em quên hỏi, thế khi hôn anh phải bắc ghế à?

-Không, nằm hôn cũng được chứ.

-À… - Tôi gật gù. – Thế anh cần em giúp gì?

-Bố mẹ nó cấm không cho nó đi đâu ngoài giờ học nên…

-Ây ây! Đừng có rủ em đi làm chân gỗ. – Tôi ngắt lời.

-Mày là thằng khéo ăn nói nhưng tao không cần.

-Thế anh cần gì?

-Hợp lý nhất là một đứa bạn gái học cùng lớp đến chơi nhà vào mỗi cuối tuần.

-Ừ, thì sao?

-Vừa nãy tao nhác thấy con bé Hà Anh, hóa ra nó học chung lớp với người yêu tao mày ạ.

-Liên quan gì đến em?

-Mày tán con bé đấy đi. Mày tán đổ nó xong bảo nó đến rủ người yêu tao đi chơi.

-Khó thế mà anh cũng nghĩ ra được, tài thật đấy!

-Mày cố giúp tao rồi mày muốn gì tao cũng chiều cả.

-Anh thì có cái gì mà chiều? Vớ va vớ vẩn.

-Chỗ anh em, tao đang khó thì mày phải giúp chứ.

-Nhưng tán con đấy là điều không thể đâu. Anh chả thấy nó rồi à, nhìn nó nổi bật giữa đám con gái, thiếu gì vệ tinh vây quanh. Đó là chưa kể em còn nghe là chị em nó đầu gấu nhất trường, hay gây sự với người khác. Theo kinh nghiệm của em, tốt nhất đừng có dây vào loại con gái đấy, rách việc.

-Thì mày thử xem. Tao nghĩ rồi. Những thằng thích con bé đấy đều khác mày. Mày tuy xấu nhưng được cái nhiều tiền.

-Hả?

-Đúng còn gì nữa.

-Thôi, thôi…

Nhưng Ly Lùn nài nỉ đến mấy ngày, cuối cùng tôi cũng miễn cưỡng đồng ý thử tán con bé mà tôi không thích nhưng là theo cách của tôi. Tôi cảm thấy không tự tin vào vẻ bề ngoài không điển trai của mình nhưng tôi biết mình là một đứa thông minh.

Tôi bắt đầu muốn thử!

Tôi dành thời gian một tiết học ngồi nắn nót viết một bức thư bằng mực tím. Bức thư dài gần hai trang giấy, toàn những mỹ từ mà một thằng mơ mộng làm nhà văn như tôi có thể biết đều được đưa vào trong thư. Người ta bảo con gái yêu bằng tai nhưng tôi muốn thử xem con gái có thể yêu bằng mắt hay không. Gần hai trang giấy, tôi dành để mô tả nụ cười của con bé tên Hà Anh. Tôi còn phịa ra việc vào mỗi giờ ra chơi đều đứng trên lan can để nhìn nó đá cầu… Viết xong lá thư mà tôi còn phục chính tôi vì trí tưởng tượng vô cùng phong phú bởi tôi còn chưa nhìn gần mặt nó bao giờ.

Tôi đã mô tả nụ cười của Cô thần miếu mà tôi vẫn thường thấy trong mơ!

-Con gái mà, đứa nào cũng thích khen đẹp! – Tôi nói với Ly Lùn. – Nhưng nếu khen nó đẹp thì đơn giản quá nên em chỉ đề cập đến nụ cười hút hồn của nó. Có như thế khi đọc nó mới thích.

-Thật chứ? – Ly Lùn hỏi lại tôi.

-Tán gái thì em không có kinh nghiệm nhưng nịnh con gái thì anh mang cơm nắm đến đây em dạy cho.

-Được, thằng này khá!

Ly Lùn đứng dậy vỗ vai tôi, định gấp lá thư lại nhưng tôi liền ngăn.

-Đừng gấp, để nguyên như thế.

Tôi lấy từ trong cặp ra quyển vở chép môn Vật lý được bao bọc cẩn thận, có cả nhãn vở.

-Kẹp lá thư này vào giữa rồi đưa cho nó, như này vừa tế nhị, vừa không lộ. Đứa khác nhìn chỉ giống như mượn vở chép bài của nhau.

-À, được.

-Đây là quyển vở em chép bài cẩn thận nhất, cũng là mực tím. Nó đọc thư xong chắc chắn sẽ nghĩ đứa nào lừa nó nên nhất định sẽ kiểm tra xem còn gì trong vở. Đây… vở sạch chữ đẹp nhé.

Tôi lật giở vài trang cho Ly Lùn xem qua.

-Bên ngoài còn có nhãn vở nên nó sẽ tin đây không phải là trò đùa. Anh nhờ bạn gái anh đưa cho nó là xong thôi.

-Có chắc ăn không?

-Chắc! Em bảo rồi, nịnh con gái thì em tự tin.

Ngay giờ ra chơi sau đó Ly Lùn đi tìm bạn gái học ở lớp 11A3. Quyển vở chép môn Vật lý của tôi bên trong có lá thư làm quen được chuyền qua cửa sổ lớp đến nơi cần đến.

***