Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 35: Bên Đường Cái Quan



***
Tôi lóc cóc đạp chiếc mini màu xanh ngọc bích qua cầu Đình và cảm nhận rõ không khí Tết đã cận kề khi mà hàng quán ở đầu làng vốn quen thuộc với tôi, hàng ngày vắng vẻ thì lúc này lại rất đông người ngồi túm tụm bên những chén nước chè nóng cùng khói thuốc lào mù mịt. Sau một năm bôn ba khắp chốn thì Tết là dịp mà những người họ hàng, bà con lối xóm có dịp ngồi hỏi thăm nhau. Nhìn qua nhìn lại chỉ thấy đàn ông và trẻ nhỏ, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của người phụ nữ nào.

Phụ nữ làng Bưởi Cuốc nhìn chung tháo vát, nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó. Trước khi lập gia đình, con gái trong làng thường đỡ đần bố mẹ hoặc ông bà công việc đồng áng hoặc nếu bố mẹ thoát ly mở một lò đậu phụ thì họ cũng sẽ đi cùng. Con gái làng Bưởi Cuốc ở độ tuổi từ mười lăm đến mười tám thường ngồi bán hàng ở ngoài chợ từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về nhà. Cô nào mà ngoài hai mươi chưa lấy chồng đồng nghĩa với gia đình sẽ bật báo động đỏ. Tết cũng là dịp mà các ông các bà hoặc đấng sinh thành của các chàng trai, cô gái về làng kén dâu kén rể. Đối với những người phụ nữ sinh ra ở làng Bưởi Cuốc thế hệ 7x trở về trước thì yêu đương là một điều gì đó tương đối xa xỉ. Bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy cũng là điều không lạ trong xã hội Việt Nam trong những năm cuối của thế kỷ 20. Theo quy trình, phụ nữ làng Bưởi Cuốc khi đã lớn tuổi, nếu vẫn còn làm đậu thì họ sẽ lo việc bán còn phần làm nhường lại cho con trai. Làng tôi quan niệm rằng nhà nào nhiều con trai là nhà đó sau này sẽ khá giả. Nhìn qua nhìn lại, tôi chẳng thấy phụ nữ trong làng hạnh phúc vào lúc nào khi mà từ sớm đến tối họ chỉ làm và làm. Câu chuyện của họ bên mâm cơm gia đình cũng chỉ xoay quanh việc ế hàng hay đắt hàng hoặc một số câu chuyện vụn vặt về một người khách hàng đặc biệt nào đó nhưng rất ít, tôi nghĩ như thế. Tóm lại, tôi đánh giá phụ nữ làng tôi thuộc tuýp cam chịu, phần nhiều có đời sống tinh thần không được thoải mái mặc dù kinh tế mỗi ngày một khá lên.

Tôi chưa bao giờ có ý định sẽ yêu một đứa con gái trong làng chứ nói gì đến việc lấy gái làng làm vợ. Tôi không chê con gái làng tôi mà ngược lại, tôi đánh giá rất cao con gái trong làng nhưng mục tiêu của tôi là học để sau này không phải làm đậu. Làm đậu thì có tiền nhưng phải thức khuya dậy sớm, mỗi khi làm việc nhiều, mệt mỏi người ta dễ sinh ra cáu kỉnh với nhau vậy nên chuyện các cặp vợ chồng đánh cãi chửi nhau là chuyện cơm bữa. Tôi sẽ không lấy làm lạ khi nhìn thấy một cô ngồi bán đậu trong chợ với một bên mắt thâm đen hoặc gò má sưng vù. Nếu tôi theo đuổi việc học, sau này mộng làm nhà văn, phóng viên hoặc luật sư… thì lập gia đình với một đứa con gái trong làng chăm chỉ làm đậu và sống cam chịu e là không hợp lý.

Tôi nhất định sẽ lấy vợ thiên hạ.

Ở làng tôi, thanh niên trưởng thành đến tuổi lập gia đình mà phải đi lấy vợ thiên hạ, tức là người nơi khác, đồng nghĩa với bản thân hoặc gia đình có vấn đề nên người làng chẳng ai gả con cho. Đây là một suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu nhưng biết làm sao được khi mà những người có tiếng nói trong làng hay trong gia đình lại là những người thuộc thế hệ cũ.

Tôi tự nhận mình là một người tân tiến. Tôi cũng sớm nhận ra rằng càng đi nhiều nơi thì con ngườii ta càng có suy nghĩ cởi mở hơn, tiến bộ hơn. Vậy nên tôi mới nung nấu ý định và mong chờ đến ngày thoát ly khỏi nơi buồn tẻ này đến thế.

Con đường quốc lộ mà tôi vẫn thường gọi là đường cái quan trở nên vắng vẻ vào buổi sáng nay. Vừa đạp xe tôi vừa phóng tầm mắt nhìn về hai bên đường. Sau những cánh đồng là lũy tre làng, vài bụi tre nằm gần đường cái quan có chim chóc lượn quanh cùng khói bếp bốc lên từ một căn bếp nhỏ nào đó. Đường cái quan thì vắng nhưng những con đường làng lại tấp nập người qua lại. Tôi đạp xe qua cầu Thường Vũ, cây cầu vốn quen thuộc với tôi những năm trước khi còn học cấp hai và nhà của Vân Quỳnh nằm đâu đó khuất sau bụi tre đằng xa kia.

Đích đến của tôi dĩ nhiên là ngã tư Đông Côi. Tối hôm qua sau khi cân nhắc mọi lẽ, tôi đã quyết định rằng bản thân tôi nên ít nhất một lần thoát ra khỏi cái vòng an toàn mà xưa nay tôi luôn đứng ở bên trong. Tôi làm gì cũng đều tính toán kỹ thiệt hơn nhưng như vậy thì quá lý trí trong khi bản chất của tôi lại là một người sống thiên về tình cảm. Tôi không biết quyết định đạp xe đi gặp Hà An lần này có đúng hay không, tôi không muốn nghĩ nữa. Tôi muốn sống theo cảm xúc dù chỉ một lần thôi cũng được.

Mấy năm qua, kể từ khi quen biết chị Ma qua những giấc mơ kỳ lạ thì tôi cũng có nhiều thói quen mà một đứa thiếu niên ở tầm tuổi của tôi không nên có. Người xưa có câu tâm sinh tướng và hẳn là tâm của tôi thường xuyên suy nghĩ như một người già dẫn đến khuôn mặt của tôi thực sự nhìn không được trẻ cho lắm. Chị Ma, một linh hồn, thường chỉ cho tôi biết trước những nguy cơ có thể xảy đến như một bà thầy bói. Lần đầu tiên thì tôi còn hồi hộp nhưng dần dà đâm ra tôi chẳng còn để tâm nữa vì có làm gì đi nữa thì mình cũng thoát hoặc cũng thành cả. Chị Ma xúi tôi theo đuổi Hà An nhưng cũng chính chị ấy nói rằng chuyện này rồi sẽ chẳng đi tới đâu khiến tôi suy ngẫm rất nhiều.

Suy nghĩ nhiều cũng khiến con người ta mau già!

Thằng R9 bạn thân của tôi mà tôi thường nhắc đến là một đứa yêu bóng đá, nó thích duy nhất đội Arsenal có biệt danh Pháo Thủ còn tôi chỉ là một người hâm mộ nửa mùa của đội Manchester Ưa – Tiêm – Chích kể từ khi họ làm cú ăn ba lịch sử trước Bayern Munich. Tôi ít khi xem bóng đá còn R9 thì ngược lại, cuối tuần nó thường ngủ ở nhà tôi để xem cho thỏa thích. Trong khoảng thời gian suy ngẫm về chuyện của mình, tôi chợt liên tưởng đến một trận bóng đá giữa một đội mạnh và một đội yếu. Trước khi ra sân phần nhiều người hâm mộ có thể đoán được kết cục thắng thua giữa hai đội nhưng bất ngờ luôn xảy ra trong bóng đá và… tình yêu tôi cho là cũng như vậy. Trọng tài chưa thổi còi, trận đấu chưa kết thúc thì kết cục chưa ngã ngũ. Đội Manchester Ưa – Tiêm – Chích của tôi đã làm được điều đó trước Bayern Munich vào năm 1999. Mà cho dù kết thúc trận đấu, đội yếu hơn có thua thì cũng chẳng cần phải cúi đầu bước vào đường hầm nếu như trong suốt hai hiệp thi đấu chính thức họ đã nỗ lực hết sức. Như vậy, nhìn ở một khía cạnh khác thì quá trình quan trọng hơn kết quả! Chỉ có những kẻ hèn yếu mới buông súng đầu hàng trước khi tiếng còi khai cuộc vang lên. Vận vào chuyện của tôi với Hà An, tôi hy vọng đến phút bù giờ tôi còn có thể thay đổi được mọi thứ. Hy vọng có thể giúp một người trở nên mạnh mẽ để bước tiếp. Tôi đã quyết định rằng, kể cả sau cùng tôi vẫn nhận thất bại ê chề, phải khổ đau chia tay Hà An trong nước mắt thì tôi cũng muốn gắng sức đạt được một điều gì đó để sau này không phải hối tiếc, không phải ước “giá như…”.

-Nam ơi, Nam ơi!

Tôi miên man theo đuổi những suy nghĩ riêng, chợt bên tai vọng đến tiếng ai đó hớt hải gọi tên mình. Trở lại với thực tại, tôi nhận ra con đường phía trước chẳng có ai, liếc nhìn sang hai bên cũng không có bóng dáng người. Tôi nghĩ mình đã nghe nhầm.

-Tớ ở đây!

Tôi bóp mạnh đồng thời hai phanh xe, tiếng rít vang lên, chiếc xe đạp dừng lại ngay lập tức.

-“Nghe như giọng của An”.

Tôi ngoái lại đằng sau và trố mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy Hà An vừa mới từ trên xe máy bước xuống. Cô nàng khẽ cúi đầu cảm ơn trước khi người đàn ông trung niên mặc áo khoác Nato vặn ga cho chiếc xe DD70 màu đỏ tiếp tục hành trình. Tôi vòng xe nhanh chóng đạp quay lại trong khi Hà An cũng sải bước thật nhanh. Hai chúng tôi đều dừng lại khi đã đủ gần, tôi ngồi trên xe đạp, một chân chống xuống đất còn Hà An đứng đối diện, cách tôi chỉ cái giỏ xe đạp mini. Hai ánh mắt chạm nhau trong một thoáng rồi mỗi đứa vội vàng quay nhìn sang một hướng khác nhau. Tôi và Hà An cứ như hai pho tượng bên đường, thời gian trôi qua rất chậm, âm thanh của một vài chiếc xe máy chạy qua lại ngược xuôi cũng không ảnh hưởng đến khoảng không gian hẹp giữa hai chúng tôi. Nói một cách… văn vẻ thì tôi và Hà An lúc này giống như đang ở trong cái thế giới mà chỉ hai đứa hiểu, tôi nghĩ như thế.

-Bạn đi đâu đây? – Tôi lấy hết can đảm để đưa ra một câu hỏi bởi lúc này thực sự thì trái tim bé nhỏ của tôi cũng đập nhanh hơn bình thường vài lần.

-Tớ… tớ xuống làng… làng Bưởi Cuốc.

Bây giờ tôi mới có thể nhận ra rằng đôi mắt của Hà An đã sưng húp, hẳn là đêm qua lại ngồi bó gối khóc tu tu. Bọn con gái thật mau nước mắt.

-Bạn đi đâu?

-Tớ định lên ngã tư Đông Côi để gặp bạn.

Một câu rất ngắn, rất đơn giản nhưng tôi đã phải hít một hơi thật dài để trấn tĩnh, thậm chí giọng nói của tôi còn có chút run run chẳng biết do gió lạnh hay do cảm xúc. Tuy nhiên, tôi không hề hay biết rằng hai bàn tay của tôi đã nắm chặt ghi đông xe đạp, nắm rất chặt. Tôi đang căng thẳng tột độ.

-Gặp… gặp tớ sao?

Tôi không trả lời mà gật đầu trong khi ánh mắt không rời khỏi khuôn mặt của Hà An. Chẳng biết tôi có bị hoa mắt hay không nhưng dường như hai bên má của Hà An chợt hồng lên một chút, chỉ một chút thôi.

-Bạn… bạn… bạn đã đọc thư hôm qua tớ đưa cho bạn chưa?

Tôi lưỡng lự trong giây lát để nghĩ xem mình nên trả lời như thế nào cho phải thì Hà An đã nói tiếp:

-Bạn… bạn có thể trả lại tớ lá thư đó không? Tớ…

-Sao thế? – Tôi nheo mắt hỏi lại.

-Tớ… tớ không muốn bạn đọc được. Tớ… tớ đã nghĩ lại rồi, đáng ra tớ không nên viết thứ ngu ngốc ấy. – Hà An gượng cười nhìn tôi.

Bây giờ tôi mới nhận ra mình hãy còn ngồi trên yên xe đạp, tôi nhanh chóng nhấc nhẹ cái xe để gạt chân chống rồi mới chậm rãi nói với Hà An:

-Thật tiếc là… là tớ đã đọc mất rồi, thậm chí đã đọc nhiều lần.

Tôi nhận thấy trong giây phút khi mình vừa nói xong thì đôi mắt của Hà An lại cụp xuống nhìn đôi bàn tay đang mân mê giỏ xe đạp.

-Thế là bạn đã đọc rồi sao? – Hà An hỏi lại tôi, giọng thể hiện rõ sự thất vọng. – Tớ… như thế là tớ đã chậm mất rồi.

-Chậm cái gì cơ?

Hà An ngước lên nhìn tôi nhưng ngay sau đó cô nàng nhanh chóng cúi đầu lảng tránh ánh nhìn của tôi thêm một lần nữa. Trong phút giây này, tôi bỗng dưng cảm thấy mình như cao hơn, lớn hơn Hà An đến vài lần. Trước mặt tôi bây giờ chỉ là một Hà An nhỏ bé, yếu đuối và đang thể hiện rõ sự lúng túng, bối rối chứ chẳng còn là Hà An mấy tháng trước đã từng tìm đến tận cửa lớp hất hàm hỏi tôi là ai.

Thời gian có thể làm thay đổi vạn vật.

***