Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 40: Mùi Thơm Phảng Phất



***
Câu chuyện giữa tôi và Hà An bị cắt ngang bởi sự xuất hiện của R9.

-Hê nô thằng bạn! Ơ!

R9 chợt khựng lại, vẻ mặt nham nhở của nó lập tức thay đổi khi nhìn thấy Hà An cùng ngồi trong bếp với tôi. R9 bên trên thì mặc áo len cổ lọ nhưng chẳng hiểu sao bên dưới lại bận quần cộc, trời thì đang lạnh.

-Vác mặt lên đây có chuyện gì thế?

Tôi vừa hỏi vừa đứng dậy đi ra khỏi bếp. Hà An cất tiếng chào R9, sau đó ngồi lại một mình.

-Sao nó lại ở đây? – R9 thì thào ghé tai tôi hỏi khi hai thằng đứng ở giữa sân nhà.

-Tao nên hỏi mày mới phải, trời đang lạnh sao ra ngoài lại chơi quần cộc thế này?

-Mới lội ruộng về.

-Giờ này đi lội ruộng? Mày điên à?

-Ai sướng như mày, trời lạnh ngồi trong bếp sưởi ấm lại còn có cả gái đẹp kề bên. Mẹ! Vận mày đỏ thật đấy.

-Đừng nói linh tinh, có gì mày nói luôn đi.

-Mượn tiền!

-Hử? Năm hết Tết đến đi mượn tiền, tiền cũ mày còn nợ tao cả đống đã trả đâu.

-Khi nào có tao trả.

-Thế mượn bao nhiêu? – Tôi nhăn mặt hỏi.

-Đôi ba trăm! – R9 tặc lưỡi.

-Mày tưởng tao giàu lắm à? Tao còn đầy việc phải dùng đến tiền đấy! Nào là…

-Thôi đừng trình bày nhiều, có cho mượn không?

-Chờ tí!

Tôi định chạy vào nhà lấy tiền cho R9 mượn. Cuộc đời tôi chỉ có một, hai thằng bạn thân nên chẳng dám tiếc chúng nó thứ gì nếu tôi có.

-Con xe đạp tao mới mua bị đứt phanh rồi.

-Thì sao?

-Chỗ bạn bè mày cũng phải nghĩ xem thế nào chứ.

R9 ngoái lại nhìn chiếc xe tôi đang dựng cạnh gốc bưởi, chẳng cần suy nghĩ nó hỏi luôn:

-Ý mày là tao đưa xe cho mày chứ gì? Để đi chơi Tết với cái An hả?

-Ừ! Mày đi tạm con mini của tao, cần thì còn con địa hình nữa.

-Toàn xe lởm! – R9 thốt ra một câu chê bai nhưng tôi không buồn để tâm.

-Hay thế này đi. – Tôi đề nghị. – Mày đổi cho tao con mini đỏ của mày lấy con mini xanh này, với cả nợ cũ tao xí xóa hết cho mày.

R9 trầm ngâm trong giây lát trước khi gật đầu. Nhưng R9 cũng chẳng vừa:

-Nợ sắp vay cũng không tính luôn nhé?

-Cái gì? Mày tham nó vừa thôi, đừng có được nước lấn tới. Mày nợ tao bao nhiêu tao chả nhớ, giờ mày mượn thêm mấy trăm cộng với cái xe đạp của tao nữa hóa ra cái xe cũ của mày đáng giá bạc triêu kia à?

-Thi thoảng mày vẫn mượn xe của tao chở cái An còn gì. Xe của tao tuy cũ nhưng là xe Nhật, xe mày mới nhưng là xe Tàu. Đấy, xe Tàu nên đi chưa được tháng đã đứt phanh.

R9 đứng cạnh chiếc xe đạp mini của tôi, nó bóp rồi nhả cái phanh ra liên tục như muốn trêu ngươi tôi vậy.

-Mà tán gái đi xe màu đỏ cho nó đỏ mày ạ!

-Mày biết tao cần nên ép tao, bạn bè cái đếch gì!

-Ừ, nếu không bạn bè thì mình là cậu cháu. Mày là cậu chẳng lẽ lại tính thiệt hơn với thằng cháu này à?

Cái làng Bưởi Cuốc bé bằng lỗ mũi này nhìn trước ngó sau kiểu gì cũng có họ hàng dây mơ rễ má. Bà ngoại của R9 là chị con chú bác với bố tôi nên quả thật theo vai vế thì tôi là cậu của nó. Tuy nhiên có bao giờ nó gọi tôi là cậu đâu, trừ khi cần nhờ vả nó mới mang quan hệ ra để nói chuyện.

Tôi đưa cho R9 hai trăm nhưng nó rút thêm một trăm nữa. R9 cầm mấy tờ tiền trên tay, vỗ nhẹ vào lòng bàn tay còn lại ra vẻ mãn nguyện.

-Còn thiếu không? – Tôi hỏi.

-Chừng này đủ rồi. Chốc nữa chạy lên Hồ mua cho bọn trẻ con ít đồ Tết.

-Bố mẹ mày chưa về à?

-Chắc tối nay, mà có khi trưa mai.

R9 có bốn anh em trai, bố mẹ nó đều hiền lành, thật thà như đếm thế nên đó cũng có thể là một phần lý do dẫn đến hoàn cảnh gia đình R9 không được khá giả. Làng tôi ngoài có nghề truyền thống làm đậu phụ thì còn có một cái tật xấu mà hầu như đàn ông nào trong làng cũng mắc phải, ấy là cờ bạc! Bố của R9 mỗi khi về quê dự đám giỗ hay đám cưới đều ngồi thâu đêm suốt sáng. Đối với một người làng Bưởi Cuốc chân chính thì đàn ông cờ bạc không có gì đáng chê trách, chỉ là… giải trí sau những ngày cắm mặt vào cái bàn gói đậu mà thôi. Bố tôi cũng từng chơi nhưng công việc bận rộn khiến ông không tham gia được. Tôi cũng đã, đang và sẽ tiếp nối truyền thống của làng mình để nét văn hóa ấy không mai một, tất nhiên là tôi không trở thành ông chủ của một lò đậu phụ Bắc Ninh.

-Thế tao lấy cái xe này về luôn!

R9 ngồi luôn lên xe đạp vài vòng quanh sân rồi nói thêm:

-Tí nữa tao mang ra đầu làng thay dây phanh, mày nợ tao hai chục đấy.

-Hả?

Chẳng hề quan tâm đến thái độ của tôi, R9 cất tiếng chào thật to rồi đạp xe ra về.

-Anh R9 về rồi à?

Hà An lên tiếng hỏi ngay khi tôi vừa quay trở lại bếp.

-Ừ, nó ra đồng nên tiện tạt qua.

-Tớ thấy anh ấy đi xe đạp về rồi, chốc nữa tớ về kiểu gì?

-R9 nó đổi xe cho mượn, tí nữa bọn mình xuống nhà nó lấy xe của nó.

-Tớ thích cái xe đạp của anh R9 lắm.

-Đấy chỉ là cái xe cũ thôi, nó dùng từ hồi lớp 9 đến giờ.

Hà An không nói thêm nên tôi tặc lưỡi nói tiếp:

-Thú thật là R9 nó bảo đổi hẳn xe cho tớ rồi.

-Thật hả?

-Ừ! Chỗ bạn bè với nhau, thằng này được cái tốt tính.

-Như vậy là sau này mỗi ngày đi học về bạn đều chở tớ phải không?

Tôi gật đầu ngay mà không cần phải suy nghĩ rồi đưa tay lên gãi đầu, hành động này biểu thị rằng tôi có chút xấu hổ. Tôi không biết tại sao Hà An lại thích cái xe đạp cũ của R9 nhưng tôi cũng chẳng bận tâm lắm. Tốt nghiệp lớp 12 xong, tôi mang cái xe đạp mini màu đỏ ấy đi tút tát lại toàn bộ, từ thay lốp xe, thay dây phanh, thay xích… sau đó đưa cho Hà An sử dụng. Cô nàng rất quý cái xe ấy và luôn miệng bảo đó là một cái xe tốt, có nước sơn đẹp.

Thời kỳ… hưng thịnh nhất, một mình tôi sở hữu tới bốn cái xe đạp bao gồm một cái mini bánh nhỏ màu xanh, khung liền mà tôi đã tự bỏ phần lớn tiền ra mua hồi học lớp 5 với giá một trăm ba mươi tám nghìn đồng ở Chợ Trời. Cái xe thứ hai là Peugeot màu đỏ của Pháp, xe này mẹ tôi cho khi mẹ thường xuyên sử dụng xe máy thay cho xe đạp. Cái thứ ba là chiếc xe đạp địa hình hai giảm sóc mà tôi đã mua khi vào học cấp ba. Cái thứ tư chính là chiếc mini màu xanh mới dùng chưa đầy tháng đã sang tay cho R9.

Tôi chở Hà An về vào chiều muộn. Suốt đoạn đường dài bốn cây số, cả hai lại giữ im lặng theo đuổi những suy nghĩ riêng chẳng ai có thể biết được. Tôi muốn nói gì đó nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu. Đến khi ngã tư Đông Côi dần hiện ra trong tầm mắt thì Hà An mới cất tiếng:

-Tớ cảm ơn vì cái mũ len và đôi găng tay nhé! Tớ sẽ giữ cẩn thận.

-Lần sau ra ngoài bạn nên chú ý một tí. Trời lạnh như thế này mà không đeo găng tay và đội mũ len có thể bị cảm đấy.

-Tại tớ nghĩ sẽ sớm có nắng ấm. Mà hôm nay, đối với tớ là một ngày vui. Hai bọn mình đã đi một vòng hết cả huyện này rồi ấy nhỉ?

-Làm gì có, huyện này còn rộng lắm, có dịp nào đấy tớ sẽ chở bạn đi một vòng. Quê mình rất đẹp.

-Này!

-Có chuyện gì?

-Để trả công cho bạn ngày hôm nay đã ra sức đạp xe chở tớ đi chơi, tớ cho bạn nắm tay tớ!

Tôi tưởng mình nghe nhầm, tay lái xe có chút loạng choạng, đôi chân cũng ngừng đạp.

-Nếu không muốn nắm tay tớ thì thôi.

-C…có! Có chứ, có chứ!

-Thế bạn bắt tớ phải đưa tay như này đến bao giờ?

Tôi cúi nhìn xuống và nhận ra bàn tay nhỏ nhắn của Hà An đã để sẵn bên hông trái của tôi tự bao giờ. Tôi chớp mắt liền vài cái, tim đập thình thịch. Tôi cũng chẳng nhận ra mình đã bóp phanh cho xe dừng lại ven đường từ khi nào nữa. Một chút ngập ngừng nhưng tôi cũng đủ can đảm để cầm tay của Hà An nhưng vừa chạm vào thì Hà An đã vỗ nhẹ vào tay tôi, nói:

-Tớ đã bỏ găng tay ra để cho bạn cầm, sao bạn vẫn đeo găng tay chứ?

-À, ờ, ờ nhỉ!

Tôi rút vội găng tay len ra nhưng luống cuống làm rơi xuống đất. Hà An cúi xuống nhặt rồi nhét vào túi áo khoác của cô nàng thay vì trả lại cho tôi.

-Nắm tay của tớ rồi thì không cần găng tay nữa, chốc về dù có lạnh vẫn sẽ thấy ấm.

-Thậ… thật chứ?

-Tớ đoán như thế vì bây giờ mặt của bạn đỏ như quả gấc thế kia thì làm sao mà thấy lạnh được.

Và đúng là tôi chẳng thấy lạnh thật! Hơi ấm từ bàn tay nhỏ nhắn của Hà An theo cánh tay lan ra khắp người. Tôi những tưởng mình không cần đến cả áo khoác trong thời tiết chỉ có hơn mười độ.

Đoạn đường vài trăm mét còn lại thì tôi chỉ lái xe bằng một tay, chân đạp những vòng quay thật chậm, tôi ước gì cứ đạp mãi mà không đến nơi. Gần đến ngã tư, Hà An khẽ động đậy những ngón tay nên tôi thả lỏng ra, có lẽ cô nàng không muốn ai nhìn thấy cảnh này và tôi cũng vậy.

-Cầm tay của tớ có thích không?

Hà An đứng ven đường tủm tỉm cười và hỏi tôi. Tôi ngây ngốc chỉ biết gật đầu.

-Nếu thích cầm tay tớ thì ngày mai đến chở tớ đi chơi, tớ sẽ cho bạn cầm tay lâu hơn.

-Ma… mai à, mai à?

-Ừ!

-Mai là… là hết năm rồi.

-Đúng rồi. Nhà tớ mới lắp điện thoại bàn, để tớ ghi lại cho, ngày mai gọi tớ nhé?

-Tớ… tớ không có bút.

Nhưng tôi có trí nhớ tốt nên chẳng khó khăn gì để nhớ một số điện thoại cố định.

-Chiều mai nhà tớ ăn tất niên lúc năm giờ chiều. – Hà An nói. – Bạn có thể đến ăn cùng với gia đình tớ. Ngoài người trong gia đình còn có mấy anh bạn của anh trai tớ nữa.

-Nhà… nhà tớ cũng ăn tất niên giờ đấy.

-Vậy tối đón tớ.

Trong khi tôi còn chưa kịp suy nghĩ thì Hà An nói thêm trước khi quay người rời đi:

-Nhớ nhé, đừng để tớ chờ lâu.

Suốt đoạn đường trở về nhà, tôi như người đang ở trên mây. Tôi cứ giơ bàn tay trái không có găng tay lên nhìn, thi thoảng lại cười một mình. Tôi thậm chí còn không nỡ đặt tay lên ghi đông xe vì sợ rằng mùi thơm phảng phất mà tôi tưởng tượng đang quấn lấy bàn tay của tôi sẽ bay đi mất.

***