Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 41: Trái Tim Nhiều Ngăn



***
Xã hội không ngừng vận động nên cuộc sống của mỗi gia đình cũng thay đổi từng ngày, sau nhiều năm thì sự thay đổi trở nên nhanh đến chóng mặt. Những điều xưa cũ đã được thay thế bằng những cái mới mẻ, một vài truyền thống được lưu truyền từ đời cha ông thì vẫn được lưu giữ lại, trong đó bữa cơm tất niên của mỗi gia đình, theo tôi nghĩ, cũng là điều hậu thế cần phải duy trì. Bao năm trôi qua tôi vẫn mặc định rằng bữa cơm tất niên sẽ là bữa cơm diễn ra vào buổi chiều tối ngày Ba mươi Tết, điều này theo tục lệ cổ truyền là đúng. Tuy nhiên khi cuộc sống bận rộn hơn, bữa cơm tất niên cũng vì thế mà thay đổi cho phù hợp và thường thì để cho đông con đủ cháu, nó có thể được tổ chức vào một ngày nào đó bất kỳ miễn là con cháu đều rảnh rỗi.

Bố mẹ tôi về đến nhà vào chiều ngày Hai mươi chín Tết, em gái tôi cũng về cùng. Trên nét mặt của bố mẹ tôi hiện rõ vẻ hài lòng khi công việc của một năm đã kết thúc, tôi không cần phải hỏi cũng biết được. Những tháng khác trong năm thì mẹ tôi làm đậu phụ cùng với một vài anh chị mà mẹ tôi đã thuê còn bố tôi sẽ lo việc sản xuất sữa đậu nành. Sữa đậu nành là nước giải khát và vì vậy vào mùa đông bán chẳng được bao nhiêu, thế nên vài năm gần đây bố mẹ tôi nhận gia công, đóng gói bánh mứt kẹo vào dịp Tết. Công việc này chỉ bận vào khoảng một tháng trước Tết nhưng kiếm được một khoản lợi nhuận tương đối. Bố mẹ tôi là những người năng động, rất phù hợp với nền kinh tế mới được mở cửa hội nhập. Nói một cách chân thành thì bố tôi chính là thần tượng của tôi và tôi nghĩ đứa con nào cũng thần tượng bố hoặc mẹ của mình giống như tôi vậy.

Em gái út của tôi tên là Chục Cân, nó đang học hớp 6 tại trường Trung học Bế Văn Đàn. Chục Cân là con út, lại là con gái nên ngoài được bố mẹ chiều chuộng hết mực thì tôi và thằng em trai yêu chiều nó không kém. Chục Cân có thể coi là một đứa con gái thành phố đúng nghĩa, đối với nó, bất kỳ thứ gì, con gì, cây gì ở quê đều lạ lẫm đến mức ngạc nhiên. Chục Cân đã từng làm một bài văn tả con gà, đó là một con gà độc lạ khi có những bốn chân! Bình thường tôi ít được gặp các em của mình nên mỗi khi gặp nhau thì tôi đều dành tình cảm cho chúng nó nhiều hơn mức bình thường của một người anh trai cần có. Đối với tôi, Chục Cân có thể xem là một cục vàng nặng mười cân.

-Em nghe mẹ nói với bố là anh có người yêu rồi phải không anh?

-Hả? Làm gì có, không có!

-Anh đừng có giấu em, nhà mình ai cũng biết cả rồi. Chú Khương nói với mọi người là đã xem ảnh của chị ấy. Chị ấy rất xinh có đúng không anh?

-Bọn anh mới chỉ là bạn thôi, chưa phải người yêu đâu. Anh mới quen chị ấy được có hơn hai tháng thôi mà.

-Em tò mò lắm. – Chục Cân ngắm nghía bức ảnh mà Hà An đã tặng tôi. Bởi nó hỏi nên tôi mới mang ra cho nó xem chứ trước đó tôi đã đem cất đi đề phòng những chuyện không vui có thể xảy đến khi mẹ tôi nhìn thấy ảnh lại chướng mắt. – Đây là ảnh chụp nghệ thuật đấy, nhìn chị ấy ở ngoài đời có đẹp như này không anh?

-Anh… anh không biết nữa. Bạn anh cũng bình thường thôi, con gái ở quê mà.

-Chị ấy tên gì ạ?

-Hà An!

-Ui, nghe tên đã thấy hay là biết chắc anh của em có mắt nhìn người rồi. Em về ăn Tết đến mùng Ba là đi rồi, anh cho em gặp chị ấy với.

-Gặp làm gì, có gì đâu mà gặp.

-Ứ! Em muốn xem mặt chị ấy cơ.

Con gái nói chung ngoài những giọt nước mắt thì còn một vũ khí bí mật nữa là nhõng nhẽo. Tôi lại không phải là người có lòng dạ sắt đá thế nên nhìn em gái bấu vào cổ tay lắc qua lắc lại, mặt phụng phịu thì tôi mềm lòng rất nhanh.

-Ừ! Nhưng mày có kín miệng được không? Sợ đưa mày đi đến lúc về mày lại bép xép.

-Em không bép xép mà, em thề!

-Thề cá trê chui ống. – Tôi gỡ tay em gái ra. – Tao không cần mày thề thốt nhưng mày mà nói linh tinh thì kiểu gì mẹ cũng sẽ nhiếc móc anh cho mà xem.

-Thế anh cho em đi chơi cùng anh nhé?

-Mày lớn rồi, đi theo anh làm gì.

-Em mới mười hai, lớn đâu mà lớn.

-Bằng tuổi mày tao làm được ối việc, mày chỉ được cái nhõng nhẽo là tài thôi.

Nói đoạn tôi đưa tay lên nhéo mũi Chục Cân rồi lấy lại bức ảnh mang đi cất. Tôi dự cảm không hề sai bởi ngay trong bữa cơm tất niên chỉ thiếu thằng em trai ở lại Hà Nội thì mẹ tôi đề cập đến chủ đề yêu đương của tôi:

-Mẹ là mẹ không thích con bé đấy! Con gái mà trán bướng như thế rất khó bảo.

-Bạn con mà mẹ, bọn con chỉ chơi với nhau…

-Bạn cái gì mà bạn, con tao đẻ ra thì tao thừa biết. Nhìn cái mặt của mày là thích nó rồi, hở ra là bênh nó chằm chặp!

Nghe mẹ nói vậy tôi chột dạ, thầm tự hỏi:

-“Mình bênh chằm chặp à? Có không nhỉ?”

Mẹ tôi nói tiếp:

-Việc của mày năm nay là thi cho đỗ. Năm cuối cấp sa đà vào chuyện yêu đương rồi chểnh mảng học hành. Mày mà thi trượt thì bôi tro trát trấu vào mặt tao đấy nghe chưa?

-Trường con riêng khối 12 đã gần chín trăm bạn, nhiều lắm chỉ hai mươi phần trăm số ấy đỗ đại học nên nếu con ở tám mươi phần trăm còn lại cũng chẳng có gì lạ. Con học lớp B8, lớp bét nhất của trường nên mẹ đừng kỳ vọng quá làm gì.

-Mày nói cái gì? Tao lo cho mày ăn học đến nơi đến chốn, bằng bạn bằng bè. Mày có thiếu cái gì không hả? Việc của mày là học cho tốt. Mày đỗ đại học rồi thì thiếu gì bạn gái, khi đấy yêu cũng chưa muộn.

-Con lớn rồi!

-Lớn cái gì mà lớn? – Giọng của mẹ tôi mỗi lúc một gay gắt. – Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống, không phải mày cứ muốn yêu ai là được đâu.

-Bọn con mới chỉ là bạn. – Tôi vẫn cố giữ giọng từ tốn nhưng thực tế trong bụng muốn nói lớn tiếng lắm rồi. – Nhà bạn ấy cũng là nhà đàng hoàng, nề nếp. Mẹ cứ nói như thế làm người khác tưởng nhà bạn ấy không ra gì. Với lại con nghĩ, kể cả nhà bạn ấy có vấn đề gì đi nữa thì chỉ cần bạn ấy tốt là được.

-Cái thằng ngu này, trứng mà đòi khôn hơn vịt! Tao bằng này tuổi đầu rồi chẳng lẽ tao không biết hay sao? Mày nhìn mày đi, mày có cái gì ngoài tiền? Nó là nó thích mày vì mày có tiền thôi con ạ. Nó đẹp như thế, thói đời vợ đẹp là vợ người ta con ạ!

-Cái gì mà tiền? Thế con hỏi mẹ, mẹ bây giờ cũng đẹp, hồi xưa còn trẻ mẹ cũng đẹp đó thôi. Vợ người ta là người ta thế nào?

-A… thằng này, tao nuôi mày lớn chừng này để mày cãi tao phải không?

-Thì con chỉ nói thật, nói đúng chứ con không cãi.

Mẹ tôi đặt mạnh đôi đũa xuống cái mâm nhôm gây ra tiếng động lớn. Hai bà và bố tôi lẳng lặng ngồi nghe từ đầu đến giờ không nói lời nào bởi tôi hiểu bà Già cũng không thích Hà An, bà Trẻ thì sao cũng được nhưng bố tôi nghĩ gì thì còn là một dấu hỏi.

-Thằng này ăn cơm đi, không nói nữa!

Bố tôi cuối cùng cũng lên tiếng. Nghe bố nói vậy thì tôi im. Tôi thừa biết rằng mọi cuộc tranh luận với mẹ tôi từ xưa đến nay sẽ chẳng đem lại kết quả gì. Mẹ tôi đẹp nhưng ghê gớm có tiếng trong làng ngoài xóm tuy vậy tôi lại chưa bao giờ sợ mẹ. Tôi biết mẹ thương tôi, quan tâm đến tôi, lo lắng cho tôi, kỳ vọng vào tôi theo cách của mẹ nhưng tôi không muốn như thế. Sau này lớn lên, tôi và mẹ vẫn khắc khẩu trong nhiều vấn đề. Tôi là đứa ngoài mặt hiền lành nhưng bên trong luôn ngầm chống đối. Tôi cũng thương bố mẹ, thương gia đình của mình nhưng theo cách của tôi.

-Đấy anh xem, mới nói nó vài câu mà nó cãi nhem nhẻm.

-Thôi em ăn cơm mau đi còn lên nhà bà ngoại không lại muộn. Con nó cũng mười bảy, mười tám rồi, tự khắc nó phải biết thiệt hơn.

-Anh nói thế mà nghe được à? Được rồi, mày mà không nghe lời tao thì tao sẽ cắt trợ cấp của mày.

Mẹ tôi dọa nạt, mặt mẹ đỏ phừng phừng nhưng mẹ dọa kiểu này thì tôi chẳng sợ bởi tôi chưa bao giờ ngửa tay xin tiền của mẹ. Đến ngay cả bố, tôi cũng chưa bao giờ xin, nếu bố cho thì tôi mới cầm. Mẹ tôi hợp tính với thằng em trai trong khi bố lại hợp tính với tôi hơn. Kể từ khi lọt lòng đến khi tôi trưởng thành, tôi chưa bao giờ bị đòn roi của bố trong khi Chục Cân, cô con gái bé bỏng mà bố tôi hết mực yêu thương, cũng bị ăn đòn đôi ba lần, thậm chí còn để lại cả sẹo nơi mắt cá chân. Bố tôi hiền lành nhưng cục tính, còn tôi là đứa thông minh biết lúc nào nên nói, lúc nào nên ngừng để tránh mọi chuyện đi quá xa.

-Mày thấy chưa? – Tôi thì thào nói với Chục Cân. – Tao nói có sai đâu, mẹ có ác cảm với bạn tao.

-Em thấy chị ấy xinh như thế mà sao mẹ lại không thích nhỉ?

-Tao nghĩ kỹ rồi, chỉ có một khả năng thôi.

-Là gì hả anh?

-Phụ nữ đẹp họ thường không thích nhau.

-Ừ! Có khi thế thật.

-Sau này mày lớn lên mà có yêu rồi lấy chồng thì chọn bà mẹ chồng hoặc là xấu hơn hoặc là đẹp hơn mày nghe chưa?

-Vâng!

Em gái tôi gật đầu ghi nhớ lời của anh trai. Nhưng cuộc đời ai biết trước được tương lai, thực tế sau này thì người chọn chồng cho Chục Cân lại chính là tôi.

-Mày lên nhà bà ngoại với bố mẹ chứ hả?

-Không, em ở nhà chơi với bà Già. Còn anh?

-Tao à? Ừm… tí nữa tao đi chơi.

-Hả? Cho em đi với.

-Cái gì, mày vừa bảo ở nhà với bà Già cơ mà.

-Em cũng muốn đi chơi với anh.

-Anh xuống nhà thằng R9 uống nước thôi.

-Em đi với.

-Làng mình tối nhiều ma lắm! Ma thích những đứa trẻ con xinh xắn, mày bước ra khỏi cổng kiểu gì cũng bị ma dắt đi. Mày ở nhà chơi với bà là tốt nhất.

-Ứ! Năm ngoái em nghe anh Ca bảo anh là người cứng bóng vía, đi cùng anh sẽ không sợ ma. Anh chở em, em ngồi sau thì ma làm sao mà bắt được.

-Tao đi bộ.

-Thì em nắm tay anh, anh nhất định phải cho em đi chơi cùng.

Chục Cân lại giở bài nhõng nhẽo mà tôi thì chưa bao giờ bực được với nó, ai bảo nó là em gái tôi làm gì.

-Đi thì đi! Mà tao nói trước là đừng có nửa chừng kêu buồn ngủ đòi về là tao mặc kệ mày luôn đấy.

-Em thức được đến mười một giờ khuya chứ anh tưởng à, có hôm còn quá nửa đêm ấy.

Tôi chỉ còn biết lắc đầu thở dài ngao ngán. Em gái tôi là chúa sợ ma nhưng đã dọa ma bắt rồi mà nó vẫn đòi đi thì đành chịu. Con cái sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống làm đậu phụ thì ngay khi nằm trong bụng mẹ đã có khả năng thức khuya, dậy sớm rồi. Làng Bưởi Cuốc này hầu như đứa nào cũng thế cả.

Và như thế, tôi sẽ đi đón Hà An mà có một cái đuôi lẵng nhẵng bám theo sau. Tôi cũng chưa biết sắp xếp kiểu gì khi mà xe đạp không thể chở được hai người ở phía sau.

Con đường nhựa vào tối ngày ba mươi Tết có đôi chút khác biệt so với ngày thường khi mà xe máy đi qua đi lại đông hơn. Chục Cân ngồi phía sau ôm eo tôi và luôn miệng hỏi đủ thứ chuyện trên đời.

Tôi chợt nhớ đến bài hát “Trái tim nhiều ngăn” mà tôi đã nghe vào buổi tối hôm nọ. Trái tim nhỏ bé của tôi quả nhiên phải chia thành nhiều ngăn nhỏ, có ngăn dành cho hai bà, ngăn dành cho bố mẹ, ngăn dành cho cô em gái bé bỏng của tôi và… cả một ngăn dành cho Hà An nữa. Một khi trái tim đã chia ngăn thì thời gian cũng vì thế mà phải chia nhỏ ra thành từng phần tương ứng.

***