Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 43: Tán… “Trung Ương”



***
Tôi chở em gái đi xuyên qua con đường liên xã. Tối ngày hai mươi chín Tết, chỉ còn vài tiếng nữa là đến thời khắc Giao thừa nên nam thanh nữ tú đổ ra đường ngày một nhiều. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nằm dọc hai bên đường liên xã hầu như đều sáng đèn từ trong nhà ra đến ngoài cổng. Khung cảnh tĩnh mịch vốn có của một xã thuần nông vào buổi tối được thay thế bằng sự nhộn nhịp, hứng khởi khi tạm biệt năm cũ và chờ đón một năm mới hứa hẹn nhiều may mắn sắp đến gần.

Lối dẫn lên cầu Hồ to và rộng vừa mới hoàn thiện. Đúng như tôi nghĩ, càng đi đến gần cầu Hồ thì càng đông người dựng xe ở hai bên đường, tưởng như thanh niên của cả huyện đều không hẹn mà gặp tại đây vậy. Tiếng pô xe máy gầm rú, tiếng người cười nói huyên náo… tất cả tạo thành một thứ âm thanh đặc trưng của chốn đông người là ồn ào, náo nhiệt. Đâu đó vọng lại tiếng pháo tép nổ đì đẹt, mùi diêm sinh lẫn trong những cơn gió lạnh.

Tôi từng nhiều lần đọc báo, xem tivi thấy người ta hay nói rằng khi làm đường xá, cầu cống sẽ góp phần quan trọng vào việc thay đổi nền kinh tế ở một địa phương. Tôi đi học và hiểu điều này nhưng chỉ ở mặt lý thuyết, còn thực tiễn cần phải kiểm chứng. Cây cầu Hồ bắc qua sông Đuống, dài khoảng hơn năm trăm mét, và đối với tôi thì đây là một cây cầu lớn. Mười bảy tuổi đầu tôi mới chỉ biết đến cầu Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Chương Dương… những cây cầu quan trọng kết nối Thủ đô và vùng phụ cận. Nhưng Hà Nội là một thành phố lớn trong khi hiện tại tôi đang ở một huyện không lớn của một tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước nên chính vì thế cầu Hồ, theo xếp hạng của riêng tôi, là một cây cầu lớn. Nhờ có cây cầu này mà đời sống của người dân huyện Thuận Thành thay đổi nhanh đến chóng mặt và cũng nhờ cây cầu mà bạn bè cùng trang lứa của tôi có thêm nhiều lựa chọn.

-Vui quá! – Em gái tôi thốt lên.

Chục Cân ở Hà Nội từ nhỏ, hàng ngày chỉ loanh quanh từ nhà đến trường mà trường thì cách nhà chưa đầy năm trăm mét, thảng hoặc nó được bố mẹ tôi chở đi ăn kem Chân Chống Giữa, dạo một vòng Hồ Gươm… thế nên đối với Chục Cân thì mọi thứ mà nó chưa được nhìn thấy ở Thủ đô đều mang lại cho nó những niềm vui nho nhỏ. Còn tôi thì ngược lại, tôi đã chán ngấy cuộc sống buồn tẻ nơi đây. Khung cảnh nhộn nhịp này chỉ sau khoảng ba tiếng nữa là biến mất và phải chờ đủ ba trăm sáu mươi lăm ngày nữa mới có thể tái hiện. Con người là vậy, thường thì họ mong muốn, khát khao những điều mà họ chưa đạt được, chưa có được và vì vậy đôi khi họ quên đi rằng hiện tại đáng trân quý biết bao nhiêu, để rồi một ngày nào đó trong tương lai lại ước ao bao giờ cho đến ngày xưa.

-Đi qua cây cầu đằng kia sẽ đến đâu hả anh?

-Thị xã Bắc Ninh. – Tôi trả lời.

-Xa không anh?

-Độ mười lăm đến hai chục cây số.

-Em chưa đến thị xã Bắc Ninh bao giờ.

-Anh cũng vậy. – Tôi tặc lưỡi. – Mày ở Thủ đô quen rồi sẽ thấy thị xã Bắc Ninh chán òm. Anh nghe nói thị xã chỉ to bằng một quận của Hà Nội mà sầm uất thì chẳng thể bằng được đâu.

Tôi dựng xe ven đường ngồi chờ thêm một lúc nữa để cho Chục Cân ngắm nghía mọi thứ chán chê, trẻ con mà, chỉ được chừng mười lăm phút là nó kêu chán. Tôi nhẩm tính thời gian để đoán chừng những người ngồi nhậu tại nhà Hà An đã tàn cuộc hay chưa và quyết định chở em gái về đấy.

-Hay tí nữa em ở lại nhà chị An xem tivi, anh với chị ấy xem bắn pháo hoa xong thì đón em có được không?

-Sao mà được chứ. – Tôi gạt ngay. - Ở lại đấy mày chơi với ai?

-Tại… tại em buồn ngủ.

-Cái gì? Sao lại buồn ngủ? Nãy mày bảo là…

-Nhưng chẳng có gì chơi nữa thì đi ngủ.

-Tí nữa bắn pháo hoa đẹp lắm! Hay mày muốn ăn gì để…

-Em xem bắn pháo hoa ở Hồ Gươm rồi mà, ngồi ở nhà xem tivi cũng được. Trời lạnh như này em thấy ở nhà thích hơn là lang thang ngoài đường anh ạ.

Đúng là lý lẽ của trẻ con, kiểu cách của trẻ con khi mà chỉ vừa mới lúc nãy nó còn khẳng định sẽ đón Giao thừa, sẽ ngắm pháo hoa nhưng bây giờ thì nó muốn về nhà.

-Để chốc anh hỏi xem thế nào đã, sợ nhà người ta kiêng kỵ có người lạ trong nhà thì sao. Thôi, để anh đưa mày về nhà ngủ, mới hơn chín giờ, còn sớm.

Thay vì trả lời, Chục Cân ngồi sát lại vòng tay ôm lấy tôi, hành động này của nó đã thay lời muốn nói. Tôi dừng xe ở ngoài cổng và dặn Chục Cân trước khi nó đẩy cánh cửa ngõ đi vào:

-Nhớ anh dặn gì chưa?

-Em nhớ rồi mà.

-Ngoan! Mai anh sẽ mừng tuổi cho mày.

-Hi hi hi! Anh nhớ mừng tuổi cho em nhiều nhiều nhé. Em mới mua một cái ví nhỏ để đựng tiền mừng tuổi rồi. Năm nay em không mua lợn đất nữa.

Lợn đất mà Chục Cân nuôi rất khó để tăng cân khi mà anh trai của nó, tức là em trai của tôi, có thể dùng một cái nhíp moi tiền ra mà chẳng ai hay biết.

-Như thế là lớn rồi đấy em ạ, có lớn có khôn! – Tôi xoa đầu Chục Cân. – Tiền bạc nhớ giữ cẩn thận,mà tốt nhất mày nên gửi bà Trẻ cầm hộ thì còn. Đừng có đưa cho mẹ cầm, mẹ mà cầm thì xem như số tiền đấy ra đi không hẹn ngày trở lại đâu.

-Vâng, em biết rồi.

Chả cứ là mẹ tôi mà bất cứ người mẹ nào cũng thế, họ đều giữ hộ tiền mừng tuổi của con nhưng khi bọn trẻ cần thì số tiền ấy đã dùng để mua sách vở, quần áo hay một thứ gì đó cần thiết… nói chung, đó luôn là những lý do vô cùng êm tai.

Tôi vặn ga phóng ù đi, tranh thủ tạt qua nhà R9 hỏi thăm dăm câu ba điều cho thời gian mau trôi qua. Tôi đã hẹn lúc mười một giờ khuya nên đến sớm quá e không tiện.

Tôi đỗ xe trước cửa nhà Hà An, cánh cửa vẫn mở rộng. Hà Anh xúng xính trong bộ quần áo mới từ bên trong nhà bước ra, trên đầu đội một cái mũ len hình chóp nhọn. Đi ngay phía sau lưng Hà Anh là một người thanh niên mà tôi đoán chừng là bạn trai. Tôi nghĩ Hà Anh có bạn trai cũng là một điều bình thường, nếu không có mới là lạ.

-Tớ đi chơi trước nhé, cái An nó đang ngủ trong phòng bố mẹ tớ ấy!

Hà Anh thông báo cho tôi biết, tôi gật đầu thay cho lời cảm ơn và chào người thanh niên trước mặt. Hai chúng tôi bắt tay nhau, nhìn gần tôi mới nhận ra mặt anh chàng cũng ửng đỏ.

-Đây là anh Cường, bạn của tớ. – Hà Anh giới thiệu. - Tớ với anh ấy sẽ đi xem pháo hoa, tí nữa bạn có đi xem không?

-Tớ cũng chưa biết nữa, An muốn đi đâu thì tớ chở đi đó. Thú thật là tớ cũng chưa đón Giao thừa ở ngoài đường bao giờ cả.

Tôi và anh Cường hỏi thăm xã giao thêm vài câu và hẹn gặp lại. Anh Cường đang là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, một ngôi trường danh giá. Đối với tôi mà nói thì để thi được vào trường đó thôi đã là xuất sắc lắm rồi. Tôi rất nể trọng những người giỏi, làm bạn với họ ít nhiều cũng học hỏi được những điều hay.

Anh Cường có dáng người thấp đậm, mái tóc để ngôi giữa, làn da sáng và hay cười, anh cười rất nhiều, tưởng như trên khuôn mặt của anh không có nụ cười thường trực thì mọi người không nhận ra vậy. Anh Cường là một chàng trai tốt và… tỉnh táo hơn tôi rất nhiều. Điều này hẳn là dễ hiểu khi anh hơn tôi đến ba tuổi, chắc ít nhiều cũng đã có vài ba mảnh tình vắt vai chứ không như tôi, một kẻ chỉ mới chập chững bước vào con đường tình yêu. Sau này tôi không rõ lý do anh chia tay Hà Anh bởi vì tôi và anh đi theo hai ngả khác nhau nhưng tôi tin chắc rằng anh Cường đã, đang và sẽ có một mái ấm hạnh phúc. Anh ấy xứng đáng được như thế.

-Tớ đi trước nhé!

Hà Anh vẫy tay chào tôi, tôi đứng nhìn theo mãi cho đến khi ánh đèn hậu màu đỏ khuất sau chỗ rẽ ở ngã tư Đông Côi. Bên trong phòng khách không có ai, chiếc xe Cub cũng không còn dựng nơi góc phòng nữa.

-“Anh Tuân cũng đi chơi với các bạn của anh ấy rồi”.

Bố của Hà An từ sau nhà đi lên, bác ấy cầm siêu nước vừa mới sôi đang bốc khói nghi ngút.

-Bác để cháu. – Tôi bước đến cẩn thận đỡ lấy siêu nước rồi rót vào cái phích Rạng Đông ở cạnh bàn. – Bác có uống nước chè không để cháu pha luôn.

-Ờ, tao đang định pha ấm nước để uống. Thế mày còn ngồi đây làm gì? Bọn nó đi hết cả rồi.

-Hãy còn sớm mà bác. – Tôi vừa cười vừa nói. – Thú thật với bác là cháu không thích những chỗ đông người.

-Ui trời, còn trẻ là cứ phải đi chơi chứ. – Bố Hà An chép miệng. – Như tao bây giờ muốn đi cũng chẳng có sức mà đi.

Bố của Hà An là bác Tùng, một cán bộ thủy lợi của huyện. Trong lúc cẩn thận pha chè, tôi tranh thủ nhìn kỹ thì nhận ra rằng anh Tuân và hai chị em Hà An thừa hưởng nhiều nét giống bác ấy, một người đàn ông phúc hậu có đôi mắt biết cười. Chỉ qua vài câu xã giao thì tôi có thể nhận định sơ bộ rằng bác Tùng thuộc tuýp người bỗ bã, dễ gần.

-Mày cũng hay uống nước chè hả?

-Cháu ít khi lắm ạ.

-Nhìn mày pha chè có vẻ thành thục, bốc một nhúm là đủ, lại còn biết tráng chè. Nếu không uống nước chè thường xuyên thì kiểu gì chẳng phải bốc đến hai ba lượt mới đủ một ấm. Hay mày pha cho ông bô?

-Dạ không ạ! Cháu ở với bà nội. Chả là cháu hay lên chùa chơi nên hay pha nước chè cho ông sư ở chùa.

-Đấy, phải vậy chứ. Mày chơi với con An nhỉ?

-Vâng ạ!

-Biết nó lâu chưa?

-Bọn cháu cũng mới quen được hơn hai tháng.

-Ờ, bạn bè chơi với nhau phải bảo ban nhau điều hay lẽ phải.

-Vâng!

-Mày dạy nó pha chè cũng được đấy! Tao có hai đứa con gái lớn bằng đầu bằng cổ mà chưa bao giờ chúng nó pha cho tao được ấm chè ra hồn, lúc thì loảng toẹt, khi thì đặc không thể uống nổi.

-Vâng!

Tôi kín đáo liếc nhìn đồng hồ, mới có hơn mười giờ khuya một chút. Từ nãy giờ tôi ngồi đây nói chuyện mà Hà An chưa xuất hiện nghĩa là cô nàng còn đang kéo gỗ trong phòng ngủ cùng với mẹ.

-“Thôi, không đi chơi Giao thừa thì ngồi tán luôn ông bác này để sau lấy chỗ đi lại cho dễ, mình sẽ đánh địch từ trung ương xuống địa phương luôn.”

Tôi nhủ thầm rồi chủ động gợi chuyện, chủ đề để nói với một người lớn thì tôi tương đối tự tin. Bác Tùng nhâm nhi chén nước chè nóng, rít một hơi thuốc lào rồi thong thả kể cho tôi những gì bác ấy đã chuẩn bị cho Tết.
***