Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 42: La Hiên bá phủ




- Bái, bái kiến Lê đại nhân.

Lúc này Triệu Quế đã đi xuống, nhìn thấy hoàng đế cùng Đào Biểu mặc thường phúc, hắn cơ linh lập tức hiểu phải nói như thế nào. Lê Bang Cơ nét mặt vô cùng điềm nhiên nói.

- Triệu nội thị vất vả.

- Không dám, không dám, làm việc cho thánh thượng nào dám nói đến chuyện vất vả.

Triệu Quế lập tức nói, đùa chắc, đối diện với hoàng đế hắn dám nói đến hai chữ vất vả sao. Nguyễn Vô Niệm không khỏi ngạc nhiên, hoá ra hai người vẫn có quen biết, hơn nữa nhìn thái độ Triệu Quế vô cùng sợ hãi huynh trưởng của hắn. Nguyễn Vô Niệm đối với thân phận của Lê Bang Cơ càng ngày càng tò mò. Thế nhưng hắn biết ai cũng có bí mật của riêng mình, nếu huynh trưởng không nói hắn cũng sẽ không hỏi đến. Hắn biết rõ rằng huynh trưởng sẽ không hại hắn.

- Triệu nội thị, hẳn ngươi đã biết đây là ai ta không cần giới thiệu, hiện tại ta muốn cùng huynh trưởng đến xem phủ đệ, không biết có vấn đề gì không?

Nghe Nguyễn Vô Niệm nói Triệu Quế vội vàng xua tay đáp.

- Không có vấn đề gì, Lê đại nhân là anh em với La Hiên bá, đi đến quý phủ cũng là chuyện thường không đúng sao. Lê đại nhân, La Hiên bá, mời.

Nguyễn Vô Niệm gọi Nguyễn Lộc dắt ra hai con ngựa già, Lê Bang Cơ thấy vậy liền nói.

- Đào Biểu, ngươi để ngựa cho La Hiên bá cưỡi, ngươi cưỡi ngựa già đi. Một bá tước làm sao có thể cứ cưỡi ngựa già như thế.

Đào Biểu vừa dự định nhường ngựa thì Triệu Quế đã nói.

- Không cần, không cần, ở đây ta có một con ngựa, cứ để cho La Hiên bá cưỡi đi.

Làm sao hắn có thể để quan trên của mình cưỡi ngựa già trong khi hắn lại cưỡi ngựa bình thường đây, trừ khi là hắn muốn chết. Lê Bang Cơ không có ý kiến, Vô Niệm cũng không nói gì. Cứ như vậy Triệu Quế cưỡi ngựa già đi phía trước dẫn đường, sau lưng là Lê Bang Cơ và Vô Niệm, Đào Biểu và Nguyễn Lộc cưỡi ngựa đi sau cùng. Lê Bang Cơ nói.

- Hôm nay ngu huynh đến vội còn không biết mang quà mừng gì, ngày mai ngu huynh sẽ cho người dẫn đến cho đệ một con ngựa xem như là quà mừng tân gia.

Nguyễn Vô Niệm cũng không khách sáo nói.

- Như vậy đệ cảm ơn huynh rồi.

Phủ bá tước cũng cách không quá xa tiệm Điềm của Nguyễn Vô Niệm, nằm ở phía Đông của hoàng thành nằm ở phường Hà Khẩu, đi bộ mất chừng hai mươi phút sẽ đến nơi (từ Quán Thánh đến hàng Buồm). Dọc theo đường này người hơi ít một chút, nhưng bù lại phủ đệ của quan lại ngày càng nhiều, bởi từ đây vào cửa đông của hoàng thành khá gần, quan lại đều xây phủ đệ ở đây để vào cung cho tiện, rất ít người chọn cửa Bảo Khánh bởi từ cửa Bảo Khánh đi vào Cung thành cực kỳ xa.

Đi chừng hai mươi phút, bọn hắn dừng trước một toà phủ đệ khá lớn, có bờ tường cao chừng hai mét, phía trước cổng phủ mở rộng, bên trên treo một tấm biển viết chữ Hán: "La Hiên bá phủ". Triệu Quế nhảy xuống ngựa nịnh nọt nói.

- La Hiên bá, đây là phủ của ngài, bệ hạ đã dặn dò sửa sang, quét tước sạch sẽ, ngài có thể lập tức dọn vào ở.

Nguyễn Vô Niệm gật đầu, vừa nhìn bề ngoài hắn đã rất hài lòng, phủ này đảm bảo đủ không gian riêng tư, lại ở nơi quan lại ở nhiều, an ninh ổn định, lại không ồn ào như những phường khác. Vô Niệm quay sang Lê Bang Cơ nói.

- Huynh trưởng, chúng ta vào thôi.

Bọn hắn leo xuống ngựa đi vào bên trong, bước qua cổng liền thấy được một đội mười người ăn mặc quần áo hạ nhân màu nâu sẫm, có tổng cộng năm nam năm nữ, tuổi đều không quá hai mươi. Bọn người hầu vừa nhìn thấy Triệu Quế dẫn theo đoàn người đi vào, bọn chúng liền quỳ xuống hành lễ hô lớn.

- Bái kiến bá tước đại nhân.

Nguyễn Vô Niệm trọng sinh không ít lần qua thời kỳ phong kiến, hắn đối với lệ quỳ bái, sở hữu nô lệ đã quen, do đó hắn cũng không cảm thấy có gì không thoải mái, nhớ năm xưa hắn còn sở hữu hàng ngàn gia nô đây. Vô Niệm cho bọn người ở đứng lên, sau đó quay sang Nguyễn Lộc nói.

- Nguyễn Lộc, từ nay ngươi sẽ trở thành quản gia của phủ, bọn chung quy về ngươi quản, đi lấy khế ước, lập một danh sách như thông lệ.

Nguyễn Vô Niệm từ sớm đã có quyết định, Mạc Khoa và Nguyễn Lộc là hai người lớn tuổi nhất, thành thục nhất trong đám tuỳ tùng của hắn, do đó Mạc Khoa sẽ quản lý thương nghiệp bên ngoài, Nguyễn Lộc thì lo nội phủ, tính cách của Nguyễn Lộc cẩn thận, nội liễm, lại biết tính toán, làm sổ sách, phân bố quản lý công việc, vô cùng thích hợp với công việc quản gia.

Chờ Nguyễn Lộc dẫn theo đám hạ nhân rời đi, Triệu Quế mới dẫn theo Nguyễn Vô Niệm và Lê Bang Cơ đi tham quan, vừa đi vừa nói.

- Đây là một phủ đệ được xây dựng từ thời Minh thuộc, đã sửa sang lại theo đúng quy cách của một bá tước. Theo quy định thổ trạch bá tước không được rộng quá 2 mẫu (7.200 m2). Phủ để tường xây phía trước đều bằng gạch, bên trên lợp ngói ống, thiết kế của phủ là kiểu chữ "đinh" với hai dãy nhà chính, hai khoảng sân và một hồ nước, đằng sau hậu viện còn có nhà bếp, nhà kho và nơi ở cho hạ nhân. Nội thất bên trong đều đã được thay mới, bá tước đại nhân cứ yên tâm dùng.

Nguyễn Vô Niệm đi dạo quanh nhà cảm thấy vô cùng hài lòng, dù phủ đệ không lớn như kiếp sống thời nhà Trần của hắn thế nhưng chim sẻ ngũ tạng vẫn đủ, phủ đệ này bố trí hợp lý, đầy đủ chức năng, còn được thiết kế chống cái nóng và ẩm của thời tiết phía Bắc, quả thực vô cùng thích hợp cho hắn cư ngụ.

- Bày biện trong căn nhà này liệu có phải đơn giản quá hay không?

Ngược lại Lê Bang Cơ lại nhíu mày, Thượng thư tỉnh ban cho Vô Niệm một toà phủ đệ trống rỗng, trang trí ở bên trong đến cái bình hoa cũng không có. Nguyễn Vô Niệm lại cười nói.

- Huynh trưởng không cần tức giận, đệ thích tự mình trang trí nơi ở của mình hơn.

Lê Bang Cơ nghe vậy mới không nói gì nữa mà Triệu Quế cũng vì vậy mà thở phào một hơi, coi như đã qua được kiếp nạn. Hắn lại nói.

- Còn đây là nhưng ban thưởng khác của bệ hạ, mời bá tước kiểm tra.

Mấy binh sĩ lập tức đem lên bao gồm triều phục, quân phục, tiền vàng. Vô Niệm làm quan đương nhiên là có quan phục. Quan phục hiện tại của triều đình được Lê Thái Tông quy định theo đề nghị của Lương Đăng du nhập vào một số yếu tố từ triều phục của nhà Minh, cũng vì việc này mà Nguyễn Trãi và Lương Đăng đã từng không ít lần hạnh hoẹ nhau. Theo đó quan phục có rất nhiều loại bao gồm Triều phục, công phục, thường phục và thị phục.

Trong đó triều phục gồm có lương quan và chu phục mặc vào các ngày Lễ tế giao, lên ngôi của vua, Thánh Tiết, Tế Tổ, Tế Thái Miếu, mùng một Tết Nguyên Đán; Công phục gồm mũ phốc đầu và áo bào trơn mặc lên triều vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng; Thường phục gồm mũ ô sa, áo bào trơn mặc vào ngày thiết triều mình thường vào các ngày 5 - 10 -20 - 25 hàng tháng, mặc lúc ở công sở làm việc. Còn thị phục là trang phục khi đi thị sát của quan lại. Mãi đến khi Lê Tư Thành lên ngôi mới bổ sung vào thêm y quan có thêu bổ tử giống như triều phục nhà Minh. Nguyễn Vô Niệm là quan võ bát phẩm nên áo bào của hắn là màu xanh.

Ngoài ra Nguyễn Vô Niệm là võ quan còn được ban thưởng cả áo giáp và vũ khí bao gồm một minh quang giáp, một mũ trụ, một thanh gươm, ngoài ra còn có chiến ngoa, cùng các loại vật phẩm linh tinh khác. Minh quang giáp và chiến ngoa rõ ràng đều là hàng định chế bởi vì nhỏ hơn chiến giáp bình thường không ít, lại vừa vặn với Nguyễn Vô Niệm mới mười hai tuổi. Nhưng Nguyễn Vô Niệm ấn tượng nhất chính là thành gươm kia, chỉ thấy gương dài hơn ba thước, phần đốc gươm được làm bằng sừng trâu cong và nhọn về phía cuối đâm cũng có thể chết người.

Keng!

Nguyễn Vô Niệm vừa mới rút gươm nó lập tức phát ra một tiếng oanh minh, gươm có một lưỡi sáng loáng, cạnh phía bên kia có khắc rãnh máu, nơi tiếp xúc với đốc kiếm có hình một con "nhai xế" bằng đồng miệng ngậm lấy lưỡi gươm, trên thân gươm có khắc mấy chữ: "Diên Ninh nhị niên tạo", nghĩa là thanh gươm này mới chỉ có hơn một năm tuổi mà thôi.

- Gươm tốt, thực sự là gươm tốt.

Hắn có thể nhìn ra được đây là một thanh gươm bất phàm, chất thép cực kỳ tốt, không phải là hàng đại trà mà rõ ràng là hàng định chế giành riêng cho võ tướng, chất liệu tạo nên vô cùng quý giá. Lê Bang Cơ mỉm cười nói.

- Bệ hạ thực sự rất coi trọng đệ, thanh gươm này ngu huynh biết tên là Dũng Dực đao, lưỡi làm bằng bách luyện tinh cương vô cùng sắc bén, chém ngàn nhát cũng không hề sức mẻ. Hi vọng đệ có thể sử dụng thanh gươm này tinh trung báo quốc, không phụ hoàng ân.

Nguyễn Vô Niệm trong lòng có chút xúc động, người ta nói bảo kiếm tặng anh hùng, Nguyễn Vô Niệm không ngờ rằng Diên Ninh hoàng đế lại coi trọng hắn đến như vậy, đao, giáp đều được định chế, hơn nữa còn không phải phàm vật. Nguyễn Vô Niệm gật đầu nói.

- Huynh trưởng yên tâm, hoàng ân cuồn cuộn, đệ nguyện dùng hết tài năng của mình phụng sự quốc gia.