Ván Bài Lật Ngửa

Chương 37: Phần III - Chương 09 - 10




P3 - Chương 9
Chuyến máy bay riêng sáng mai sẽ cất cánh lên Buôn Mê Thuột. Luân và Dung, có Thạch theo, tháp tùng vợ chồng Nhu.
Tới giờ này, gộp các sự kiện lại, Luân biết chắc là chính Diệm khai mạc hội chợ mặc dù trên các thông tin khai thì, hoặc Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ hoặc bộ trưởng cải cách điền địa Đỗ Văn Công làm việc đó.
Luân không cách nào báo cáo cho anh Sáu Đăng. Liên lạc điện đứt từ hôm căn cứ núi Cậu bị biệt kích, còn liên lạc với Sa phải tạm ngưng vì trong lần gặp Luân sau cùng, Sa cho hay hộp thơ của anh Sáu Đăng có lẽ lộ, đã dời mà chưa nối lại được.
Theo Luân nghĩ, sau khi các giáo phái bị đánh dẹp, nhứt là sau cái chết của tướng Ba Cụt, tình hình lần hồi bộc lộ bản chất của nó: chế độ Mỹ - Diệm đối đầu trực tiếp với nhân dân. Vụ sát hại nữ Giáo sư Nguyễn Thị Diệu - một người kháng chiến cũ, con gái của cụ Nguyễn Văn Hiền, cựu thượng thơ triều đình Huế, ngay giữa lúc chị Diệu mang thai, vụ giết cò mi Nguyễn Văn Ngọc, ném lựu đạn lên sân khấu Kim Thoa, chiến dịch “tố Cộng” v.v... báo hiệu bắt đầu giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc xung đột miền Nam. Ngô Đình Diệm cho thấy ông ta nóng lòng sớm rảnh tay ở miền Nam để bắt tay vào mơ ước lớn nhất của đời ông: Bắc tiến. Tất nhiên, Diệm và Nhu không phải lúc nào cũng có thể sai khiến âm binh một cách chặt chẽ, song bọn thuộc hạ vẫn làm theo ý đồ của Diệm Nhu. Xét trên đại thể Diệm- Nhu muốn trấn áp quần chúng đồng thời dằn mặt trí thức: Giáo sư Nguyễn Thị Diệu là em của bác sĩ Vinh, chồng là Thạc sĩ Y khoa Trần Vĩ. Dám đụng giới đó, Diệm - Nhu tự đánh giá chế độ của họ đã đủ mạnh.
Đúng ra, thế lực của Diệm có vững hơn sau hai năm rưỡi cầm quyền. Hai công cụ quan trọng, nhất là quân đội và công an đều được tổ chức hẳn lại, gồm một hệ thống người thân tín của Diệm. Các tỉnh chia nhỏ và bộ máy hầu như thay đổi hoàn toàn, từ tỉnh trưởng đến viên đại diện hội đồng hương chính xã. Dân di cư được phân bố theo một loạt yêu cầu chiến lược: người có văn hóa thì giữ cương vị chỉ đạo, chỉ huy hoặc đi học. Số đông thì chia thành các mảng hình thành các cụm dân cư nơi xung yếu nhất: giữa trung tâm Sài Gòn, vùng ngoại ô, ven trục lộ dẫn vào thành phố, vùng rừng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Thậm chí, có bộ phận được cấy đến nơi rất hẻo lánh: Cái Sắn ở Rạch Giá và Bình Hưng, tận vịnh Thái Lan. Trong hoạt động kinh tế xã hội, những nhân vật di cư bao giờ cũng được ưu đãi. Diệm, theo lời khuyên của Lansdale thực hiện chính sách dựa vào dân di cư là lực lượng an ninh chính trị chủ yếu, dù cho sự lợi dụng đó đôi lúc khiến cho sự lưu manh trong dân di cư trở nên một loại “kiêu binh” ngang ngược, tạo nguy cơ cô lập chế độ ở miền Nam trong nhân dân.
Tuy nhiên, không phải là không có những dấu hiệu đầu tiên của sự rạn nứt. Tổng hội Phật giáo Việt Nam, mùa xuân năm ngoái nhân lễ Phật đản, đã họp đại hội, quyết định lấy chùa Ấn Quang làm trụ sở và yêu sách Chính phủ phải xem ngày Phật đản là ngày lễ chính thức của cả nước, như ngày Noel. Diệm rất khó chịu trước đòi hỏi đó mà ông cho là “vô lí.” Ông vẫn mơn trớn đạo Phật và đề cao đạo Khổng, nhưng ông tin rằng việc Chúa giao ông chiếc ghế Tổng thống ở miền Nam đồng nghĩa với việc Chúa giao ông sứ mệnh thành lập một quốc gia toàn tòng đạo Thiên Chúa. Nơi đây - một vùng chịu ảnh hưởng đạo Phật sâu sắc và lâu đời. Điều phiền lòng ông Diệm hơn nữa là bản kiến nghị tổng hội Phật giáo mang nhiều chữ kí của các thượng tọa vừa di cư vào miền Nam, như Thích Tâm Châu, Thích Đức Nghiệp.
Trong những lần gặp Luân, Diệm phàn nàn về các nhà sư Phật giáo, song ông nhìn sự vật khác Luân. Với ông, chẳng thể nào có “vấn đề Phật giáo,” bởi lẽ Phật giáo chẳng thể nào tự nổi lên vấn đề. Cho nên, ông chú ý hướng khác: thăng Lê Văn Tỵ làm đại tướng, giải tán tiểu đoàn an ninh Phủ Tổng thống và thành lập cả một lữ đoàn liên binh phòng vệ, do đại tá Nguyễn Thế Như chỉ huy, thành lập lữ đoàn dù dưới quyền trung tá Cao Văn Viên, v.v... Diệm quyết định cai trị bằng tay sắt.
*
Chiều nay, Luân dạo mát với Dung ở vườn ông Thượng. Thạch theo sau họ, giữ khoảng cách khá xa: chẳng thể có gì nguy hiểm với Luân ngay trong khu vườn sau Dinh Độc Lập. Vả lại, hai người nhất định sẽ nói những chuyện riêng tư mà người thứ ba không nên nghe.
Khu vườn vào giờ này còn vắng vẻ. Luân và Dung sóng đôi, bước chậm rãi.
“Cest à Capri
Que je lai rencontrée...”(1)
Luân hát khe khẽ. Nói chung, giọng Luân rất tồi, nên anh hát sai bét. Dung cười, cười rũ rượi.
- Lần đầu em nghe anh hát... Mà là một bài hát nhớ nhung! Gặp ai ở Capri, hở anh?
Luân cười theo:
- Tôi sẽ đổi lại: “Cest à Kitchener que jelai rencontrée!(2)
(1) “Chính ở tại Capri tôi đã gặp nàng” - lời một bài tình ca nổi tiếng. Capri: một thành phố nước Ý.
(2) Kitchener: đường Nguyễn Thái Học, nơi lần đầu Luân gặp Dung
Dung chợt nghiêm mặt:
- Em không thích đùa như thế!
Luân ngừng hát thở dài.
- Chắc có gì vui anh mới hát? - Dung ái ngại nhìn Luân, đấu dịu.
- Vui à? Đại khái cũng vui. Ít nhất cô và tôi yên trí được nếu không lâu hơn thì cũng từ nay đến cuối năm. Rheinardt cấp cho chúng ta lá bùa hộ mạng và người sẽ lấy lại nếu cần lấy là Durbrow. Có thể CIA chưa biết gì về chúng ta, có thể chúng muốn sử dụng hiểu biết của chúng ta như là một thứ lông ngỗng Mỵ Châu hoặc một thứ bẫy rập.
Luân cơ hồ quên phút trước, câu nói đùa của anh làm phật lòng Dung và tự nhiên cảm thấy một nỗi buồn vô hạn ập đến, anh nói giọng trầm trầm.
- Khả năng nào nhiều hơn? - Dung hỏi - Tức là khả năng biết chúng biết và chưa biết về chúng ta.

- Cả hai!
Bây giờ tới phiên Dung thở dài.
- Nhưng, nếu với khả năng đầu, chúng chỉ ngấp nghé ở mức cộng lại các hiện tượng lại thành nghi vấn...
Luân an ủi Dung. Chân họ âm thầm bước trên con đuờng sỏi.
Đến một ghế băng, Luân dừng lại lấy khăn tay phủi bụi và gọi Dung cùng ngồi với anh.
Dung linh cảm là Luân sắp nói một cái gì quan trọng. Tim cô đập mạnh. Luân nhìn Dung một thoáng rồi ngó lên ngọn cây đang từ từ sẫm màu theo bóng đêm.
- Một chuyện khó... - Luân cân nhắc từng lời - Chuyện khó do tự nhiên trở thành cái nút, Rheinardt hỏi, tôi chắc không chỉ là nhận xét của ông ta.
Luân nói rời rạc. Dung cố phán đoán, qua nét mặt rầu rầu của Luân.
- Màn kịch đòi hỏi các diễn viên chúng ta bám sát kịch bản, đó là quan hệ giữa tôi với cô trước dư luận. Trước dư luận có nghĩa là trước bọn chúng. - Luân nói thật khẽ, đăm đăm nhìn về Thạch, anh chàng cũng chọn một băng đá ở một góc và đang quan sát cả khu vực.
- Thế nào là khó? - Dung hỏi, giọng tinh nghịch.
- Như cô biết và tôi vừa nói, chúng ta phải thể hiện một kịch bản cho đạt... - Luân vẫn chưa tìm ra các diễn đạt rõ ràng hơn.
- Khó là không đạt vai kịch trong cuộc sống thực? - Dung hỏi và cười.
Luân lúng túng, càng lúng túng. Dung càng cười thích thú.
- A.07 bảo anh là một nhà hiền triết, lúc đầu em không tin, bây giờ thì thấy A.07 nói đúng!
Luân chẳng biết Dung ám chỉ cái gì. Anh đỏ mặt, chỉ dám khẽ liếc Dung. Cô gái, trong khi cười thoải mái, hài hòa, cái hồn nhiên bên trong với nét tạo hình cân đối bên ngoài - nhắc nhở Luân cuộc sống mà anh tự nguyện hiến dâng cả đời khi đội chiếc nón rơm, cắp ngọn tầm vông từ một mùa thu chưa xa lắm...
- Ông thộn ơi! Này nhé, với mọi người, anh và em yêu nhau, thậm chí, còn một bước ngắn nữa là cưới nhau. Đúng không nào? - Giọng Dung vẫn nhí nhảnh.
- Nhưng, chẳng lẽ không cưới nhau? - Luân hỏi, ngờ nghệch.
- Thì cưới! Có sao đâu... Anh lựa một dịp nào đó, mời bạn hữu đến nhà. Chính cô chú em còn thắc mắc, nói gì Rheinardt. - Dung nói, hơi nghiêm. Giọng cô nghe lạc đi một chút.
- Tôi thấy kịch bản này ác ác thế nào...
Giọng Luân rười rượi. Dung không cười nữa.
- Xin lỗi anh, em đùa không phải lúc... Hay là...
- Sao cô lại ngập ngừng? - Luân hỏi, lo lắng.
- Nếu anh thấy đóng vai gò bó, thì ta nên báo với anh Sáu Đăng hoặc A.07. - Dung hỏi, câu nói chua chát và mắt cô thì rơm rớm.
Luân thở dài. Dung bứt mấy chiếc lá xanh, mân mê.
- Sao anh thở dài? Em có nói gì xúc phạm anh đâu? Chúng ta nên làm lễ cưới sớm. Người yêu hay đã cưới nhau, có gì khác đâu? Hơn ai hết, anh hiểu chúng ta đang sống giữa cái gì? Không phải anh, không phải em có quyền vượt quá vai được giao.

Dung trở lại cái sắc sảo thường ngày.
- Với tôi, chẳng có gì phải thiệt thòi trong vở kịch này. Tôi là đàn ông. Trong cái nhìn của xã hội đương thời nước ta, đàn ông hàm nghĩa được trừ đi ít ra 50% trong loại sinh hoạt đơn thuần riêng tư. Còn cô, cô là gái. Tôi nói vở kịch ác ác theo tinh thần đó.
Luân thu hết can đảm, nói một mạch.
- Cám ơn anh! - Dung gay gắt hẳn - Chẳng lẽ anh không nghĩ rằng chúng ta sẽ thắng? Khi ấy, chỉ cần một lời, cát bụi sạch ngay thân hòn ngọc!
Luân nhìn sững Dung. Dung bóp nát mấy chiếc lá trên tay, mắt sụp tối giữa khu vưởn đã tắt chút nắng chiều còn sót.
- Còn nếu tôi cho vở kịch ác ác ở hướng khác, thì sao? - Bỗng nhiên Luân cảm thấy bạo dạn hơn - Đóng kịch với kẻ thù, tôi tin là mình không đến nỗi tồi. Còn...
Luân bỏ lửng câu nói. Anh kéo bàn tay Dung, nhẹ nhàng lau vết xanh lá cây. Dung để yên tay trong tay Luân.
- Ta về thôi! - Dung âu yếm kéo Luân đứng lên.
Hai người đi được vài bước.
- Ô kìa! Ông chồng sắp cưới, không biết quàng vai vợ mà đi dạo, hay sao?
Dung trêu Luân. Luân vụng về choàng vai Dung:
- Ngày mai, tôi đi Buôn Mê Thuột!
- Thế à? - Dung nói lại, rồi cô ấp úng - Liệu...
Luân biết cô nghĩ đến anh chàng công dân vụ mà họ gặp ở Gò Đen.
- Chưa chắc... Nhưng, nếu có, không có gì đáng ngại đâu.
- Em cũng nghĩ như vậy... Chà, em thích Tây Nguyên lắm. Đọc trong sách đâu bằng đến tận nơi.
Rồi Dung bỗng cười giòn:
- Mấy giờ ta cất cánh?
Luân sượng bộ.
- Nói cho anh biết: bà Nhu rủ em cùng đi đó! - Dung nhí nhảnh, nép sát vào Luân.
- Vậy sao? - Luân không kềm được niềm vui.
Cả hai đều bước thật chậm. Dung chợt hát khẽ một bài hát.
- Hay! Bài hát và người hát đều hay! - Luân khen.

- Anh đừng nịnh đầm! Bài hát thì hay! Đúng rồi! Bài “Dấu chân trên rừng” của Vĩnh An đó.
- Em hát lần nữa đi! - Luân giục.
“Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng
Chợt nghe tiếng chim nó kêu lạc đàn...”
Đèn vườn ông Thượng bật sáng.
P3 - Chương 10
Họ ngồi trên những cành khô, dưới vòm cây rừng Bời Lời kín mít. Nắng trưa theo gió, xuyên lá rải trên mình họ vài chấm lung linh.
Người gầy nhất, áo xá xẩu đen, gác chiếc vòng mây bên cạnh, hệt như một Hoa kiều thiến heo dạo, giọng miền Bắc pha:
- Tin tức Diệm có chắc không?
- Cô Ba Nọt Tông vừa ở trên đó về, cho biết tụi nó bài binh bố trận dữ dằn lắm. Như vậy, vợ chồng tay gì đó nói với thằng Phúc là thiệt.
Người trả lời, tác dềnh dàng, trán cao, mặc áo bành tô xám, khẩu “Côn” thò báng ra túi, là Năm Xếp – tỉnh ủy viên phụ trách an ninh, do công tác đó nên còn có tên là Năm Ninh, người gầy là Hoàng Lệ Kha, ủy viên thường vụ tỉnh ủy Tây Ninh.
- Tôi dò hỏi thằng cháu, theo nó, có triệu chứng Diệm lên Buôn Mê Thuột. - Người thứ ba, nhỏ nhắn, giống một học sinh. Anh tên Nhì, tỉnh ủy viên.
- Nếu con của ông Phương hé tin, chắc đúng trăm phần trăm rồi!
Ông Phương mà Năm Ninh nhắc là Trần Hữu Phương, nguyên Bộ trưởng, anh ruột của Nhì.
Họ trầm ngâm hồi lâu. Ngoài tiếng hồng hoàng vỗ cánh, khu rừng chìm trong lặng lẽ.
- Anh Ba cho ý kiến để tôi còn sắp đặt! – Năm Ninh chừng sốt ruột, lên tiếng.
- Khó đa! – Ba Kha đắn đo. Việc này lớn quá, tôi không dám quyết định. Đợi tôi gặp anh Chín bí thư trao đổi trong thường vụ rồi xin ý kiến R...
- Trời đất! Chạy vòng vo kiểu đó, thằng Diệm lên Buôn Mê Thuộc ăn ỉa đã đời, về Sài Gòn ngủ thẳng giấc, họa may người của tôi mới lò mò tới nơi – Năm Ninh bực dọc.
- Theo tôi, trao đổi thỉnh thị, anh Ba cứ làm còn bố trí anh Năm cứ bố trí. Để sẩy keo này uổng lắm. - Nhì chen vào.
- Chà! - Ba Kha do dự.
- Ít ra trong cấp ủy cũng có tới ba đồng chí bàn việc này, tôi thấy, mình chịu trách nhiệm với tập thể, bởi binh quý thần tốc, dễ gì có cơ hội. - Năm Ninh nhất quyết đốc vô.
- Mình ở một địa phương nhỏ, việc lại quá quan trọng, e quyết định có gì so thất chăng? - Ba Kha còn băn khoăn.
- Sơ thất gì mà sơ thất. Tội ác của thằng Diệm lút đầu lút cổ vậy mà anh còn sợ giết nó là phạm nguyên tắc. – Năm Ninh chì chiết – Nguyên tắc lớn nhất là trừ gian giệt ác, tôi nói vậy đó. Giết ẩu, giết càn là bậy, còn giết đúng để cứu dân là trúng nguyên tắc. Anh ngán kỉ luật, tôi chịu hết cho!
- Đâu phải vậy… - Ba Kha vẫn điềm đạm – Ta cân nhắc lợi hại về chính trị, giết Diệm bây giờ có lợi chưa?
- Tôi cho là có lợi – Nhì nói – Quần chúng tán thành. Nếu ta ra tay sớm, tỉ như năm ngoái, năm kia, thì có một số người chưa hiểu, bất lợi về chính trị. Nay, đến đồng bào di cư cũng có số bắt đầu thấy bộ mặt gian ác của Diệm. Nó đạp trên đạo họ để leo lên ngôi vua. Mà, là thứ bạo chúa.
- Cho ý kiến của anh là đúng đi, làm cách nào để thi hành được? – Ba Kha rõ ràng đã xiêu lòng.
- Tôi lo cho! – Năm Ninh nhổm người, sôi nổi – Thằng Phúc được lệnh lên Buôn Mê Thuột với đoàn công dân vụ Tây Ninh, nó nằn nằn đòi lãnh việc đó. Tôi tính kĩ rồi, nó làm là tiện hơn hết. Cô Ba Nọt Tông giúp nó.
- Súng lấy ở đâu? – Ba Kha hỏi.
- Có thể mượn chỗ anh Bảy Môn.

- Từ đây qua chiến khu Đ lấy súng, trễ mất!
- Súng ngắn thì sẵn. Lấy khẩu của tôi cũng được!
- Muốn chắc ăn,dùng tiểu liên. Tôi có chỗ lấy tiện hơn. - Nhì hạ thấp giọng.
- Quận trường Gò Dầu!
Sau đó, ba người chụm đầu, rù rì tới xế chiều.
*
Ngô Đình Diệm quyết định mở hội chợ Buôn Mê Thuột là việc có suy tính. Nhu đã nói tiếng nói chung cuộc trong vụ này.
Tây Nguyên – vùng đất chưa khai phá – giữ vị trí chiến lược cực kì quan trọng đối với bán đảo Đông Dương. Đứng vững ở Tây Nguyên có nghĩa là giành thế chủ động cao trong các tình huống khác nhau. Nhu lập luận: Với Tây Nguyên, chúng ta “tấn khả dĩ công, thối khả dĩ thủ.” Đúng vậy, địa bàn cơ động tiếp giáp Nam, Bắc Việt Nam, Lào và Miên cho phép người nào làm chủ Tây Nguyên có thể linh hoạt xoay chuyển cục diện quân sự. Hơn nữa, Tây Nguyên gồm nhiều bộ tộc chưa phát triển, đất đai lại màu mỡ, chỉ cần cấy vào một mức sức người có tổ chức và một mức máy móc là chinh phục được nhân tâm.
Từ lâu, Pháp đã thấy tầm vóc Tây Nguyên. Tư bản người Pháp theo sau các nhà truyền giáo, lập ra các đồn điền cà phê. Tuy nhiên mức đầu tư của Pháp nói chung chưa đáng kể. Có lẽ thành công lớn nhất của Pháp là kéo được một bộ phận người Rhađê. Ưu đãi tầng lớp trên của bộ phận này và biến họ thành công cụ trấn áp người Rhađê và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Sự chần chừ của Pháp cũng dễ hiểu: Tây Nguyên xa xôi hiểm trở, đường xá đi lại cách bức, dễ nảy sinh tình trạng cát cứ. Thực tế đã có một vụ cát cứ rồi.
Một gã lưu manh nhưng rất tài hoa bắn cung nỏ, đánh kiếm giỏi, khỏe mạnh, đẹp trai tên là Mayrena, từ Pháp phiêu bạt sang Attôpơ tìm vàng. Toàn quyền Đông Dương thấy gã lanh lợi nên giao cho gã nhiệm vụ chinh phục người Thượng. Công sứ Quy Nhơn Lamire giới thiệu gã với các linh mục đạo Thiên Chúa ở Komtum và gã được giúp đỡ khi vừa đặt chân lên vùng núi hẻo lánh này, nhất là của linh mục Guerlach. Đó là vào tháng 5 năm 1888.
Mayrena chọn Dakto làm chỗ đứng. Gã trổ tài bắn cung, đánh kiếm và bao giờ gã cũng vô địch. Người Sêđăng - vốn hiếu chiến - khâm phục gã. Chẳng bao lâu Mayrena lên ngôi vua, với tước hiệu Marie đệ nhất, vua nước Sêđăng, triệu tập đại hội bô lão để cử tể tướng. Một người Thượng tên Krui giữ ngôi vị này. Các bộ lạc Bana, Mơnông… lần lượt về với gã. Vương quốc Tây Nguyên có quốc kì, có giấy bạc, có cấp chức v.v…
Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp lo ngại. Bấy giờ, người Xiêm chiếm Attôpơ. Nếu để Mayrena liên minh với Xiêm coi như Pháp bị hất khỏi Tây Nguyên và địa vị ở Đông Dương càng lung lay. Quyết định kéo quân lên dẹp Mayrena đang sửa soạn thực hiện thì “quốc vương” về châu Âu nghỉ ngơi. Nhân cơ hội đó Chính phủ Pháp bít đường trở qua của gã, đưa công sứ Quy Nhơn “đăng quang” thay Mayrena và vài năm sau giải tán luôn vương quốc.
Mãi đến khi phong trào Việt Minh lên mạnh, Chính phủ Pháp mới thực hiện một loạt chính sách nhằm lôi léo người Tây Nguyên. Một trong những chính sách đó là lập khu tự trị Tây Kỳ. Tuy vậy, với cách nhìn thực dân cũ kĩ, người Pháp chỉ mới dám trao quyền cấp xã, cấp quận, còn trong quân đội, đại úy là quân hàm cao nhất dành cho người Thượng.
Chỗ dựa của Pháp là các linh mục, giám mục đạo Thiên Chúa. Trong khi đó, hội thánh Tin Lành, đến sau, lại mở rộng hoạt động và trở thành thế lực tôn giáo hàng đầu.
Vào giờ phút hấp hối ở Đông Dương, Pháp lại xoay sở thành lập cái gọi là Hoàng triều cương thổ - đặt Tây Nguyên dưới quyền trực tiếp của triều đình Huế, hi vọng tạo cho thế lực thân Pháp chốn nương náu lâu dài, nếu yếu thì vạn đại dung thân, nếu mạnh thì trong một hồi kèn, chế ngự từ biển Đông đến sông Mê Kông. Đứng đầu Hoàng triều cương thổ Khâm mạng Nguyễn Đệ, còn khu bắc do Ecarlat, khu nam do Didelot, người Pháp phụ trách.
Khi người ta hấp hối sự suy tính thường không chính xác. Bởi vậy, bằng một sắc lệnh đơn giản, Ngô Đình Diệm cho Hoàng triều cương thổ ra mây khói. Hội thánh Tin Lành đóng góp đắc lực trong việc Diệm thu hồi Tây Nguydên, sau đó, đến giám mục đạo Thiên Chúa Kon Tum.
Diệm đưa lên Tây Nguyên một số lượng người Kinh và người Nùng đáng kể. Những dinh điền “nhảy dù” giữa một vùng đất bazan màu mỡ, trên các trục lộ và cứ điểm xung yếu. Buôn Mê Thuột nhanh chóng đổi bộ mặt: một kinh đô Tây Nguyên.
Trong lúc đó, vấn đề phát sinh: các phần tử thân Pháp không dễ dàng buông vũ khí, cộng với ảnh hưởng Việt Minh người Thượng như Y Ngông, Y Blốc… đều tập kết ra Bắc Việt, song dấu ấn của cuộc kháng chiến vẫn còn in đậm trong lòng Tây Nguyên.
Điều mà Diệm cho là phải lợi dụng ngay, ấy là các phần từ thân Pháp chưa bắt tay với Việt Minh. Họ tính toán theo hướng khác: nước Miên độc lập, nuôi tham vọng bành trướng sẽ hỗ trợ họ, Lào rối tinh nội bộ, gần như bỏ ngỏ vùng Attôpơ.
Trong cách nhìn Tây Nguyên, Nhu có vài chỗ khác Diệm. Nhu không sợ những người Thượng thân Pháp, mà lo số dính dáng với hội truyền giáo Tin Lành và những tin tức về cái gọi là Fulro(1) – chắc chắn được Kossem, tham mưu phó Quân đội Hoàng gia Cambốt ủng hộ.
(1) Fronnt Unif de Libérotian des Races Opprimées: Mặt trận thống nhất giải phóng các sắc tộc bị áp bức.
Gì thì gì, phải phô trương sự ổn định miền cao nguyên. Diệm chỉ thị cho Bộ Cải cách điền địa, Tổng ủy dinh điền, tướng tư lệnh quân khu II, các tỉnh trưởng Darlac, Pleiku, Komtum, Phú Bổn, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Phước Long tổ chức hội chợ, danh xưng do Diệm đặt: “Hội chợ kinh tế đoàn kết Kinh - Thượng.”
Báo chí, đài phát thanh được lệnh tuyên truyền rùm beng cho hội chợ.
Hội chợ được sửa soạn nhiều tháng. Sau Tết Đinh Dậu, nhịp độ sửa soạn càng khẩn trương. Cả một khu vực quanh biệt điện rộn ràng: nhà triển lãm, nơi giải trí, quán ăn, hộp đêm. Hội chợ lôi kéo hàng vạn người từ miền biển Trung Bộ, từ Sài Gòn lên, chủ yếu là buôn bán. Buôn Mê Thuột đột ngột được nhắc tới. Nguồn tin do Sở nghiên cứu chính trị tung ra: Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ sẽ cắt băng khánh thành hội chợ. Nó phù hợp với công việc của Thơ bấy lâu – chủ tọa các ban tổ chức hội chợ từ khi nó ra đời.
*
Kể ra, mùa xuân năm 1957 khá rực rõ nhìn theo lăng kính của gia đình họ Ngô, Tổng thống tái đắc cử Eisenhower, một quân nhân chống Cộng, một người bảo thủ hạng nặng của Đảng Cộng hòa bắt đầu nhiệm kì hai ngày 20-1-1967 - một bảo đảm có sức nặng cho chế độ Nam Việt Nam. Phó Tổng thống là Richard Nixon, một lính thủy giải ngũ, rất tán thành cung cách cai trị của Diệm. Điện văn trao đổi giữa hai Tổng thống tràn đầy lời lẽ ngọt ngào. Bằng áp lực của Mỹ, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, mười ba nước kí tên đòi Nam Việt Nam được chấp nhận làm hội viên của tổ chức quốc tế này. Tất nhiên, mười ba nước không thể giúp ông Diệm vào Liên Hiệp Quốc, nhưng ít nhất cũng khua trống cho dư luận biết Nam Việt Nam có một nhà nước với quốc kì như thế, quốc ca như thế, vị Tổng thống như thế.
Giáo phái tan rã, xét về đại thể, Chính phủ ông Diệm kiểm soát tuyệt đại bộ phận lãnh thổ, bộ máy cai trị được thiết lập tận ấp xóm. Thanh niên, thanh nữ Cộng hòa xuất hiện, cái trước do Ngô Đình Nhu làm thủ lĩnh, cái sau thì Trần Lệ Xuân. Công việc ở miền Trung do Ngô Đình Cẩn đảm đương, với chức vụ cố vấn chỉ đạo.
Chiến dịch tố Cộng rầm rộ. Đôi khi, báo chí nước ngoài “xì” ra một vài tin chẳng hay ho gì lắm, tỉ như quân đội bắn giết bừa bãi, một số trường hợp mổ bụng moi gan những người bị “tình nghi” Cộng sản, thậm chí, có cả bức ảnh chụp toán dân vệ dùng đầu lâu một “Việt Cộng” làm quả banh trên sân cỏ. Trần Chánh Thành nhất loạt phủ nhận – phủ nhận trên mặt trận thông tin và che giấu luôn Ngô Đình Diệm. Thành không dám lừa Nhu. Vả lại, không cần lừa. Nhu cho rằng cai trị có cứng, có mềm. Giết chừng đó chứ giết hơn vài chục lần cũng không có gì đáng bận tâm. Bởi vậy, Nhu giả tai ngơ mắt điếc hoạt động của linh mục Nguyễn Lạc Hóa, một người Hoa, tại khu Bình Hưng. Nguyễn Lạc Hóa khét tiếng hung thần, cho tay sai nướng thịt người, ăn gan người, lắt vú phụ nữ, tự do hãm hiếp cả vùng căn cứ kháng chiến Cà Mau. Nhu biết hết, chỉ dặn Hóa: chớ cho bọn báo chí léo hánh tới.
Năm 1957 mở đầu như vậy đó.