Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 2: Bên khung cửa



***
Một tin khiến tôi cảm thấy lo ngại khi bước vào năm học cuối cấp này chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo thu gọn lại khối thi đại học. Sẽ chỉ còn bốn khối A,B,C và D. Trong hai năm học trước đó, tôi chỉ tự tin vào môn Văn, Sử, Địa cùng môn Tiếng Anh mới được học từ lớp 10, tức là hệ 3 năm. Tôi đã lựa chọn thi khối H vào Học viện Ngoại giao với ba lý do chính. Lý do thứ nhất, trường ấy thi tuyển đầu vào gồm ba môn Văn, Sử, Tiếng Anh. Lý do thứ hai, tôi tự đánh giá bản thân là một người khéo ăn nói, tự tin khi giao tiếp nên khả năng sẽ phù hợp. Lý do cuối cùng đơn giản hơn cả, đấy là cái tên Học viện Ngoại giao rất là oai. Mới nói ra khỏi miệng thôi đã cảm thấy mình… nâng cao giá trị bản thân thêm vài phần. Bây giờ chẳng còn khối H để thi thì tôi chỉ còn lựa chọn khối C. Những môn tự nhiên là kẻ thù với tôi hoặc tôi là kẻ thù của chúng, chỉ cần nhắc đến tên môn học thôi là tôi đã cảm thấy một áp lực nặng nề đè nén lên đôi vai gầy nhỏ bé.

Suốt hai năm học trước đây, tôi chưa hề đi học thêm ở bất cứ lớp học nào do thầy cô trong trường tổ chức. Có vài lý do để tôi không đi học thêm nhưng lý do chính đáng và đơn giản nhất là do tôi học chính khóa vào buổi chiều nên học thêm sẽ vào buổi sáng. Đối với một kẻ lười biếng như tôi, thích ngủ vùi trong chăn cho đến lúc mặt trời đã lên cao bằng ngọn sào thì việc dậy sớm lóc cóc đạp xe dăm bảy cây số để học thêm đúng là một cực hình.

Như tôi đã nói, tôi không có vẻ ngoài thu hút ánh nhìn, đó là cách nói giảm nói tránh của việc xấu trai cùng vẻ bề ngoài khác người. Tôi thường mặc quần Jeans ống côn sáng màu cùng áo thun hoặc áo sơ mi xắn tay. Nếu là mùa đông, tôi sẽ khoác thêm một cái áo phao hai mặt xịn sò được mua ở một cửa hàng nào đó ở phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Mùa hè tôi thường đi dép quai hậu, mùa đông tất nhiên sẽ là một đôi giày. Tôi không có nhiều giày dép nhưng nếu có nhất định phải là đồ tốt. Ba lô khoác trên lưng, cưỡi chiếc xe đạp địa hình có giảm xóc trước sau khiến tôi khác biệt với phần lớn các bạn học chung trường. Xấu trai nhưng ăn mặc khác lạ với số đông khiến tôi trở thành mục tiêu xin đểu của những anh lớn trong trường. Thật may, việc bị trấn lột, nộp phí bảo kê hàng tháng cho các đại ca đã chấm dứt khi tôi học gần xong lớp 11, đều là nhờ có mẹ tôi can thiệp chứ tôi, một kẻ cái đấm thì thiếu, cái đá thì thừa, gió mạnh thổi khả năng cao sẽ bị bay mất thì lời nói với các đại ca luôn vô giá trị.

Tôi là một kẻ dễ bị bắt nạt. Đấy là sự thật.

Năm học này cũng không khác so với những năm trước. Mỗi lúc tan trường, tôi đều nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của Vân Quỳnh với mái tóc dài kẹp một cái nơ đơn giản, cặp sách màu đen chằng ở ba ga sau lẳng lặng dắt xe ra khỏi cổng trường. Rất hiếm khi Vân Quỳnh nhìn tôi mặc dù tôi luôn cố ý dựng xe gần chỗ của cô ấy. Thực tế cũng có đôi lần Vân Quỳnh liếc qua nhìn tôi nhưng vài lần hiếm hoi ấy tôi đều lảng tránh ánh nhìn. Tôi không biết vì sao, có lẽ tôi cảm thấy bản thân mình kém cỏi. Tôi đã không đẹp trai lại còn học dốt.

Vân Quỳnh đạp xe đi trước, tôi lẽo đẽo đạp theo sau với một khoảng cách vừa đủ để ngắm nhìn mái tóc dài chấm thắt lưng ấy gò lưng đạp xe ngược gió. Con đường cái quan mỗi trưa nắng, có một đoạn dài chỉ có vài bóng xe đạp lặng lẽ trở về nhà sau một buổi học. Đạp bên cạnh tôi thường là R9, thằng bạn thân cùng làng, cùng trường nhưng khác lớp. Lý do tôi đặt tên nó là R9 đơn giản là vì nó thích cầu thủ Ronaldo De Lima mang áo số 9 của đội tuyển Brazil, danh thủ có biệt danh Người ngoài hành tinh, cộng thêm trán nó hơi dô nên tôi kết hợp lại gọi nó là R9. R9 hơi lùn nhưng được cái tốt bụng chẳng ai bằng. Tính nó cẩn thận, tỉ mỉ nhưng lại thiếu quyết đoán. Nhà R9 có bốn anh em trai, bố mẹ nó cũng hiền lành như đất vậy nên nhà nó hơi nghèo. Tuy hơi nghèo nhưng nhà R9 sống có nề nếp bởi lúc xưa cụ nội của nó làm chức Chưởng bạ, khó tính có tiếng trong làng. Bố mẹ R9 vào tận trong Nam làm ăn đã được vài năm, mấy anh em nó ở cùng với bà nội, giống như tôi vậy.

Bởi vì là một đứa tốt tính, chân thành nên R9 rất giỏi trong việc biến bàn thắng thành cơ hội. Nhiều năm chơi với nhau, tôi đã vài lần giới thiệu cho nó những mối ngon, gia cảnh vững mạnh nhưng chẳng hiểu sao một thời gian sau đều chơi với nó giống như một người bạn tốt. Đó là chưa kể những cô gái xung quanh nó, ai cũng quý mến nó nhưng chẳng cô nào chịu yêu nó. Một trong số những cô đẹp, cao ráo lại thích R9 nhất đã từng gọi điện nói với tôi ngắn gọn thế này:

-Nó là thằng đần. Bao khôn ngoan ông cướp hết của thằng bạn ông. Ông nên dành thời gian dạy cho thằng bạn của ông đi!

Tôi cũng chỉ biết cười nhăn nhó, cười đau khổ chứ chẳng biết làm gì khác. Chẳng hiểu thằng bạn mình đã làm gì mà khiến một cô gái phải bực như thế.
R9 là một đứa ế có thực lực. Tôi đã tưởng nó sống cô đơn cho đến già nhưng phúc ấm tổ tiên nhà nó còn dày. Nó quen một cô gái xứ Ba Tư, từ lúc gặp lần đầu đến lúc mặc áo cô dâu chưa đến nửa năm, đó là một cô gái tốt, hoạt bát, giỏi giang và cá tính. R9 lấy vợ khiến cả gia đình tôi mừng như trúng đề.

Tôi và R9 là hai con người trái ngược với nhau như cực âm và cực dương của một cái ắc quy.

-Mày có đăng ký học thêm môn Địa luôn không? Nay tao nghe thầy Liên nói ở trên lớp là tuần sau sẽ mở lớp.

-Không! – Tôi lắc đầu kiên quyết. – Năm ngoái thầy ấy làm chủ nhiệm lớp tao, tao đã hãi lắm rồi. Năm nay nghe tin thầy ấy không làm chủ nhiệm nữa, tao còn định rủ đám con trai trong lớp đi ăn khao đấy.

-Thầy ấy khó tính nhưng dạy giỏi.

-Ai chả biết nhưng thầy ấy có thành kiến với tao. Những thầy cô có tính cách như thế rất thích những thằng hiền lành và biết nghe lời như mày nhưng đặc biệt không thích những thằng cứng đầu như tao. Thôi, mày đi học rồi về dạy lại cho tao là được, tao trả tiền học thêm cho mày.

Tôi có tiền, tuy không nhiều nhưng cũng có thể mua được những thứ tôi muốn. Bố mẹ tôi bù đắp cho việc tôi phải ở quê bằng tiền. Ngoài tiền bố mẹ tôi cho thì tôi còn tự kiếm tiền vào mấy tháng hè cũng được một khoản kha khá. Vì sống với bà nội, một người già, nên tôi nhiễm cái tính tiết kiệm phòng lúc sa cơ. Tôi có tiền! Tôi không tiêu hoang nhưng nếu cần phải chi thì bao nhiêu cũng chấp nhận, miễn là… được lười.

Bởi tính tỉ mỉ nên R9 có tài lẻ là vẽ. R9 vẽ rất đẹp nên nó thích học Địa lý để vẽ biểu đồ. Nó cũng là đứa cẩn thận nên vở sạch chữ đẹp, chẳng có cuốn vở nào của nó quăn mép. Tôi thì khác, trong nhiều cuốn sách giáo khoa của tôi, tôi đã trang bị thêm cho những danh nhân khi thì cặp kính râm, lúc thì bộ râu dài…

… Tôi đứng tựa vào chấn song cửa sổ, đưa mắt nhìn tán cây xà cừ đang nhẹ đong đưa trong gió lạnh một ngày đầu đông. Tôi không thích mùa đông nhưng mùa đông lại luôn để lại rất nhiều dấu ấn trong cuộc đời tôi. Mấy hôm nay tôi đang suy nghĩ để viết một tập truyện ngắn với tiêu đề “Con ốc mượn hồn”. Đây là yêu cầu đầu tiên nếu muốn dự thi vào Trường viết văn Nguyễn Du. Những năm trước, nhà trường luôn yêu cầu bản thảo tối thiểu ba mươi trang giấy A4 gửi qua đường bưu điện để chấm sơ khảo.
Lũ con trai trong lớp đang túm năm tụm ba chơi cờ ca - rô, vài đứa khác nằm úp mặt xuống bàn tranh thủ thả hồn vào giấc ngủ. Đám bạn chung lớp hay chính bản thân tôi đã thay đổi rất nhiều sau một mùa hè. Cảm giác mình đã gần chạm đến ngưỡng cửa trưởng thành. Cái ý nghĩ "giờ này, ngày này năm sau mình sẽ không còn ở đây nữa" khiến tôi cảm thấy lòng mình bâng khuâng đến lạ.
Thằng Ly Lùn (bố tên là Thành nên bạn bè chung lớp hay gọi xách mé là Ly Thành nhưng tôi không bao giờ gọi kiểu như thế) đã thay đổi hoàn toàn so với hai năm trước. Nó đã không còn đứng lên giữa giờ học xin phép đi WC đồng thời rủ một bạn nữ nào đó đi cùng nữa rồi.
- Tao nghĩ mày nên kiếm một em nào đấy để yêu chứ đời học sinh sắp hết con mẹ nó rồi mà chả biết mùi gái gú thì chán lắm.
- Thôi anh ạ! Cao không với tới, thấp thì không xong.
Tôi vẫn hay gọi Ly Lùn là anh bởi nó hơn tôi tận hai tuổi.
- Mày là con nhà có điều kiện, kiếm em nào nổi nổi một tí cho bõ công cầm cưa. Này tao bảo... con người yêu tao dưới lớp 11A3 ấy, mày biết chứ?
- Làm sao? - Tôi hỏi lại.
- Lớp ấy có một con rất xinh, rất kiêu. Ừ... xem như nổi tiếng nhất nhì cái trường này luôn, không thằng mả mẹ nào đủ tự tin tán. Mày thử không?
- Kiêu à? Con gái đẹp nó kiêu là phải, nhưng… đẹp lắm à?
- Tao lạ đếch gì nó, à... kia kìa, kia...
Ly Lùn nhón chân lên, thò tay ra ngoài cửa sổ chỉ xuống phía dưới khoảnh sân sau dãy nhà ba tầng. Trên khoảnh sân ấy có một nhóm nữ sinh đang đá cầu. Tôi không biết đá cầu nên chưa bao giờ quan tâm đến trò này.
- Kia cái gì? - Tôi hờ hững hỏi lại.
- Kia... mày thấy con tóc dài kia không? Đấy... đấy... con bé mặc áo khoác gió tối màu, quần kaki sáng màu... kìa... thấy chưa.
- À, con bé đi dép Bitis màu da bò hả?
- Ừ.
- Đẹp không?
- Anh bị hâm à? Đứng trên này nhìn thế đếch nào được mà biết đẹp xấu ra sao.
- Đm, mày để tao.
Tôi chưa biết Ly Lùn sẽ làm gì thì nó cố thò miệng ra cửa sổ, hai tay bắc loa gọi lớn tên đứa con gái rồi nói:
- Hà Anh ơi! Anh yêu emmmmm!
Nói xong nó chui tọt vào trong để mặc tôi mặt đần ra đứng bên khung cửa sổ.
- Thằng mất dạy nào đấy? Có giỏi thì ra mặt xem nào!
Tôi nghe giọng oanh vàng lanh lảnh hét lớn đến chói tai chợt rùng mình hụp vội người xuống nấp dưới khung cửa sổ, tim đập thình thịch phần vì sợ sẽ bị nó nhìn thấy phần vì đúng như thằng Ly Lùn nói, con bé đấy xinh thật.
- Sợ té đái rồi hả? Con bé đó xinh nhưng mà chửi bậy có tiếng, bà la sát lắm. - Ly Lùn ngồi xổm bên cạnh tôi cười nham nhở.
- Ừ đẹp thì có đẹp nhưng sao nó nói bậy thế nhỉ?
- Thế nên có thằng nào dám tán đâu. Nó đầu gấu lắm, đánh nhau nổi tiếng cả ở trên Hồ luôn chứ không riêng gì đất Ngọc Khám này.
- Anh chơi dại, nó ghê gớm thế giới thiệu cho em làm gì.
Ly Lùn đứng phắt dậy vẫy tay gọi mấy đứa con trai khác lại gần cửa sổ rồi cả bọn thi nhau dí mặt sát chấn song nhìn xuống dưới chỉ trỏ hồi lâu.
- Nếu mày tán đổ được nó thì bọn tao bao mày năm cốc chè, hôm nào đi đá bóng mày cứ ăn thoải mái. - Ly Lùn nói với tôi.
- Em hay ăn nhưng chè đỗ xanh trên Hồ thì có vị gì. - Tôi từ chối.
- Đm, nếu mày hạ gục được nó thì bọn tao sẽ nể mày một phép, sẽ tôn mày làm sư phụ. Việc bao thằng không làm được mà mày làm được mới oách chứ.
- Thật à?
Cả đám con trai bu lại thì thầm, khiêu khích, thuyết phục, nhỏ to... với tôi và cuối cùng tôi gật đầu nhận lời thách thức.
Và như thế…
Tôi đã vô tình đẩy đưa cuộc đời mình sang một ngã rẽ khác mà ngã rẽ này cô bạn lớp phó Vân Quỳnh mà tôi thầm ngưỡng mộ cùng cả những người thân quen của tôi ra sức ngăn cản. Cũng bởi quyết định có phần hiếu thắng này mà tôi đã trở nên nổi tiếng khắp trường, lan sang cả trường khác. Một sự nổi tiếng không ai muốn.
Trong cuộc sống, người ta hay nói mọi sự ngu dốt đều phải trả giá bằng tiền mặt còn tôi, tôi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc bởi quá khứ, dù có vui hay buồn thì cũng cần phải được trân trọng.
Hứa hẹn thì hứa hẹn với bọn bạn cùng lớp vậy chứ tôi cũng không để tâm đến đứa con gái mà thằng Ly Lùn gọi là Hà Anh ấy. Có một lý do cốt yếu khiến tôi không quan tâm mặc dù con bé đó xinh, đấy là do nó chửi bậy. Mẫu con gái của tôi phải giống như Vân Quỳnh, ngoan hiền, học giỏi, tóc dài… đại khái là thùy mị nết na. Ai cũng có những mẫu người ưa thích của riêng mình. Tôi mặc dù không có gì nổi bật nhưng tôi vẫn có cái quyền đó. Tôi không sợ mình thua cuộc bởi nếu thua, cả lớp có hơn chục đứa con trai, mỗi đứa một cốc chè đỗ đen thì cũng chỉ hai mươi nghìn là cùng. Đối với tôi, số tiền này quá nhỏ để phải bận tâm.
Thật ra Ly Lùn nói cũng phải. Học ở trường huyện, kể ra tôi cũng là con nhà có điều kiện nhưng tôi tự đánh giá mình là một thằng nửa tỉnh nửa quê. Ở quê thì trông như ở tỉnh và ngược lại, ở tỉnh thì lại chẳng khác gì ở quê mới ra. Em trai tôi và đám bạn thân của nó vẫn thường nhận xét như vậy, tôi cho là đúng. Tôi nghĩ gia đình khá giả không phải là một điểm mạnh bởi xã hội luôn có những người khá giả hơn. Thứ nữa, bố mẹ tôi khá giả chứ tôi thì chẳng có cái gì. Tôi từng tự động viên mình rằng sau này lớn lên, kiếm ra nhiều tiền hơn bố tôi, tôi nhất định sẽ đầy người yêu. Nếu điều đó xảy ra, tôi vẫn thích đó sẽ là một cô gái thùy mị nết na, giống diễn viên Diễm Hương càng tốt.
Dựng chiếc xe đạp địa hình vào gốc cây bưởi sinh đôi, băng qua đoạn sân nhỏ, tôi vào nhà nằm kềnh ra phản thở phì phò vì nắng. Mâm cơm bà nội đã dọn sẵn chờ tôi về cùng ăn.
-Cơm hôm nay có gì thế bà ơi?
-Canh rau muống luộc, ruốc, trám, dưa gang muối và thịt kho.
Uể oải ngồi xuống mâm cơm, tôi chan nước rau vào bát cơm hãy còn nóng, lùa vội bát cơm, ăn như thể sắp chết đói.
Ăn xong thì ngủ.
Cuộc sống của tôi tương đối buồn tẻ. Tôi muốn thời gian trôi qua mau, năm học kết thúc rồi thi đại học, đỗ hay trượt cũng được ở Hà Nội. Ngoài việc có nhiều cơ hội kiếm tiền thì mỗi tối có thể đi chơi điện tử.
Tôi chỉ biết chơi đá bóng trên máy PS2. Trò chơi này mới du nhập về huyện tôi được một thời gian nhưng tôi đã chơi từ mấy năm trước nên tôi không có đối thủ. Ở ngay cổng trường có một cửa hàng điện tử, lũ bạn cùng lớp tôi thi thoảng vẫn vượt tường ra chơi, tôi cũng thử vài lần nhưng sau đó thì từ bỏ bởi chẳng ai chơi với mình. Đó là chưa kể nổi quá dễ bị ăn đập.
R9 bỗng đâu từ ngoài cửa đi vào khi tôi đã lim dim. Tôi ngồi dậy hất hàm hỏi:
-Lên làm gì đấy?
-Nhà tao hết mẹ cơm.
-Tao mới ăn xong. Mày vào trong chạn bới cơm mà ăn, đồ ăn thức uống bà cũng để ở chạn ấy.
Dứt lời tôi lại nằm kềnh ra thiu thiu ngủ. Tôi và R9 đã quá thân, nhà tôi cũng là nhà của nó, bà tôi cũng là bà của nó nên tôi không cần phải tiếp đón. Một tuần nó ăn cơm ở nhà tôi vài bữa là chuyện bình thường. Cuối tuần nó sẽ chiếm luôn cái tivi để xem bóng đá nhưng tôi cũng không lấy làm phiền. Tôi thường mở radio để nghe tin tức thời sự. R9 nhiều lần bảo tôi có nhiều thói quen của một người già, nó nói cũng chẳng sai.
-Này, mày còn tiền không?
R9 vỗ vai tôi liền mấy cái.
-Để làm gì?
-Chiều rảnh định chạy xuống Bưởi Nồi làm vài trận với thằng Chắc Gạo. Mày đi luôn không?
-Không! Hai thằng mày đá ngu bỏ mẹ, tốn thời gian. - Tôi nghiêng người lấy tiền từ trong túi ra đưa cho R9. – Lúc nào về mua hộ tao mấy quả cau với một lá trầu tươi nhá. Mai rằm.
-Ờ. Thế mày không đi thật à?
-Không, tao ngủ cái đã, đêm còn đầy việc.
-Việc gì?
-À… à… viết truyện. Tao phải viết một tập truyện gửi đến phòng tuyển sinh của trường Nguyễn Du mà vẫn chưa có ý tưởng nào đây này.
R9 bỏ mặc tôi lại với cái quạt chạy vù vù.
Nó tếch đi chơi mãi đến tối mịt mới mò về nhưng lại quên mua mấy thứ tôi dặn. Tôi chửi một chặp nhưng nó chỉ cười trừ. Nó lại ăn chực thêm bữa cơm tối no nê xong rồi mới chịu phủi đít quần ra về.
***