Thần Giữ Của Ban Duyên

Chương 23: Lời Khấn Xin Bí Mật




***
Làng tôi bé bằng cái lỗ mũi!

Cả làng ra hay vào đều phải qua một cái cầu xi măng nhỏ vừa đủ một cái xe tải loại một tấn chạy qua. Cầu này được xây hồi năm 1976 và không có tên giống như bao nhiêu cây cầu nhỏ khác trên khắp đất nước Việt Nam nhưng người làng vẫn quen gọi là cầu Đình bởi cây cầu nằm phía trước sân đình. Cây cầu thường được quét vôi màu trắng mỗi độ xuân về. Đầu cầu phía bên làng có một cây si còn đầu bên đường cái có hai cây xà cừ (tôi không biết đích xác là cây gì vì hiểu biết về cây của tôi gần như bằng 0) rất lớn, phải hai đứa trẻ con ôm mới xuể.

Tôi là khách quen của một vài cửa hàng tạp hóa nằm ở đầu làng không phải vì tôi là người trong làng mà là vì tôi thường xuyên mua bánh kẹo, nước ngọt và cả vàng mã. Một trong những biệt danh mà các bà, các cô bán hàng ở đầu làng thường gọi tôi đấy là thằng Mỏ Khoét! Tôi thích ăn kẹo lạc và uống Coca, thi thoảng để cho giống người lớn thì tôi cũng uống nước chè. Tuy nhiên tôi chỉ uống nước chè khi cần thiết chứ bình thường chẳng mấy khi tôi uống.

Làng thì nhỏ nên ai ra vào mà lạ mặt là dân làng biết ngay. Các bà các cô ở đầu làng nhìn mặt mũi là biết luôn con nhà ai không cần phải hỏi. Vậy nên ngay khi tôi chở Hà An ra đầu làng bằng cái xe đạp mini màu xanh ngọc bích mới mua được hơn nửa tháng thì bắt gặp những ánh mắt dò xét của người lớn.

-Con bé này là con nhà ai?

Bà cụ chủ quán nhỏ ven con mương Khoai miệng nhai trầu bỏm bẻm, tay thoăn thoắt lấy mấy gói bánh mà tôi chỉ nhưng ánh mắt của bà cụ cứ nhìm chăm chăm vào Hà An.

-Đây là bạn cháu ạ.

-Thế hử?

Nhìn Hà An thêm vài giây, bà cụ hỏi thêm:

-Cháu người ở đâu?

-Cháu ở ngoài Đông Côi bà ạ.

-À! Là bạn học hử?

-Dạ, hôm nay Ông Công Ông Táo nên bạn cháu về chơi. – Tôi giải thích ngắn gọn.

Bà cụ thôi không hỏi nữa. Mấy gói bánh và hai thẻ hương bà cụ cho cả vào cái túi bóng đưa cho tôi. Tôi để vào lồng xe đạp.

-Của cháu hết bao nhiêu bà ơi!

-Để tớ trả!

-Thôi, để tớ!

-Đây là đồ tớ mua cúng.

Nghe Hà An nói vậy nên tôi đành cất tiền vào túi.

-Đúng rồi, đồ cúng ai mua người đó trả chứ. Hồi hôm qua mày mới mua quần áo, mũ mão rồi cả ngựa giấy rồi còn gì.

Tôi cười trừ.

-Thế bà cho cháu những thứ đồ giống hôm qua bạn cháu đã mua hoặc… à… bà lấy cho cháu thêm ba quả cau, một lá trầu nữa ạ.

Hà An lấy ra năm chục nghìn, đó có lẽ là tất cả số tiền mà cô nàng có.

-Bà lấy cho bạn ấy ít tiền đinh với vàng thỏi là được rồi.

Tôi tỏ ra sành sỏi.

Trên đường chở Hà An về nhà, Hà An hỏi tôi:

-Ấy hay mua đồ cúng hay sao thế?

-Đâu có, giỗ chạp bà tớ bảo tớ đi mua thì tớ mua thôi.

-Tớ thấy ấy có vẻ rất thành thục mà bà cụ thì dường như rất quen với cách mà ấy mua quà bánh.

-Đâu có. – Tôi tặc lưỡi. – Người làng với nhau, bà cụ còn có họ với tớ. Tớ phải gọi bà ấy là bà đấy.

Tôi nói xong thì ngẫm nghĩ xem mình có nói đúng không. Bà cụ vừa rồi tất nhiên chẳng có họ hàng gì với tôi cả nhưng việc tôi gọi bà cụ bằng bà thì đúng. Thôi thì chí ít cũng có một nửa là thật.

-Kể ra thì bạn cũng biết cách mua đồ cúng đấy chứ.
-Tớ chưa mua như này bao giờ.

-Chưa mua mà sao biết mua cau với trầu.

-Tớ không biết, tớ nghĩ là cần vì bà của ấy hay nhai trầu.

Tôi nghe Hà An nói cũng có lý, cô nàng này cũng chịu khó suy nghĩ chứ không phải là một cô nàng vô tâm. Tôi giúp Hà An đặt hai gói bánh lên ban thờ, giúp cô nàng châm hương rồi lẳng lặng lùi về phía sau quan sát cô nàng khấn vái. Hà An vì vái ba vái là xong khiến tôi có chút ngạc nhiên định lên tiếng hỏi nhưng ngẫm lại khi nãy cô nàng bảo rằng chưa từng đi sắm vàng mã, cau trầu bao giờ nên điều này cũng là dễ hiểu.

-Cái chén nhỏ này dùng để múc nước được không?

Hà An chỉ vào mấy cái chén nhỏ nằm trong tủ kính. Tôi bảo được. Hà An lấy ra một cái rồi đi múc nước mưa ở ngoài chum nước. Tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thay vì giúp Hà An, tôi quyết định ra ngoài sân, khoanh tay đứng dựa vào thân cây bưởi sinh đôi để xem Hà An làm gì. Sau khi đặt chén nước mưa lên bệ thờ của ngôi miếu nhỏ, Hà An trở vào nhà lấy ra một cái đĩa nhỏ rồi cặm cụi ngồi phết vôi lên lá trầu không. Nhìn đôi bàn tay lóng ngóng của Hà An thì tôi càng khẳng định rằng cô nàng này quả thật xưa nay chưa từng động tay đến những việc như thế này. Nhoài người cắm ba que hương vào bát hương nằm sâu trong bệ thờ của ngôi miếu xong xuôi, Hà An mới quay sang vẫy tay ra hiệu cho tôi lại gần.

-Miếu này thờ ai?

-Tớ không biết!

-Sao lại không biết?

-Từ xa xưa đã có một ngôi miếu cũ đổ nát, ngôi miếu này mới được gia đình tớ xây lại nên cũng không biết là thờ ai.

-Có phải thờ thánh thần không nhỉ?

Sợ rằng Hà An sẽ suy luận lung tung rồi khấn sai nên tôi đành phải gợi ý:

-Thường tớ thấy trong làng này người ta hay gọi là Cô Thần Miếu, chắc đó là tên gọi chung. Bà Già tớ cũng hay khấn như thế.

-Cô Thần Miếu à? Có đúng không? Chỉ sợ là ông thì sao?

-Là cô.

-Sao ấy biết chắc được chứ?

-Phụ nữ mất lúc trẻ thiêng lắm, tớ nghe bà tớ bảo thế.

Hà An sẽ gật đầu rồi chắp hai tay trước ngực, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm nhẩm rất nhỏ khiến tôi nghe không rõ. Quả thật tôi cũng tò mò không biết Hà An đã khấn xin điều gì, vậy nên ngay sau khi Hà An vái tạ thì tôi hỏi:

-Bạn xin cái gì thế?

-Ấy hỏi làm gì?

-Thì hỏi để biết chứ làm gì.

-Điều mình khấn không nên nói cho người khác biết, mất thiêng thì sao.

Tôi đưa tay lên gãi đầu rồi chép miệng quay đi. Điều này có lẽ Hà An nói đúng.

-Này! Tớ nghe bọn bạn nói những miếu thờ bà cô thường thiêng lắm có phải không?

-Tớ không biết nữa. Tớ có xin cái gì bao giờ đâu mà biết.

-Thế thường ngày bà ấy thắp hương thì xin cái gì?

-Người già thường khấn xin cho con cháu khỏe mạnh và làm ăn phát đạt chứ chẳng mấy khi xin cho bản thân.

-Sao lại thế nhỉ?

-Bà tớ bảo là người già như ngọn đèn trước gió. Gió thổi mạnh thì tắt nên khi nào các cụ về đón thì đi chứ muốn sống thêm cũng chẳng được.

-Từ nhỏ tớ không ở với ông bà nên không biết.

-Tớ thì ngược lại.

-Mà này…

Hà An kéo áo tôi lại.

-Ban nãy lúc tớ khấn ấy mà… ừ… chẳng hiểu sao trong đầu tớ lại lởn vởn hình bóng của một người con gái, khuôn mặt nhìn cứ mờ mờ ảo ảo như có sương mờ bao phủ.

-Sao thế được.

-Có khi nào là Cô Thần Miếu hiển linh không nhỉ?

-Chắc không đâu. Nếu miếu này thờ một cô gái mất lúc trẻ thì bây giờ cũng già khọm rồi, trẻ sao được mà trẻ. Tớ nghĩ là do bạn tưởng tượng ra thôi. Tớ nghe bà tớ bảo ma thì xấu lắm, mặt trắng bệch, đôi mắt thâm đen, quần áo rách như tổ ong.

Bụp! Một quả bưởi nhỏ bằng hai đầu ngón tay bất chợt rơi thẳng vào đầu tôi. Tôi nhăn nhó đưa hai tay lên xoa đầu. Hà An đứng gần bên ngẩng đầu lên nhìn tán cây bưởi đang rung rinh theo gió, chẳng hề để tâm đến quả bưởi nhỏ vừa rơi thẳng vào đầu tôi. Tôi nghĩ vừa rồi mình có lỡ mồm nói xấu về ma nên mới bị nhắc nhở. May chỉ là quả bưởi nhỏ chứ đó mà một viên gạch thì chẳng biết sẽ ra sao.

-“Lần sau phải giữ mồm giữ miệng mới được”.

-Chẳng biết thế nào nhưng tớ có niềm tin lắm. – Hà An chợt đưa mắt ngoái lại nhìn ngôi miếu nhỏ. – Tớ có cảm tưởng là ngôi miếu này rất thiêng.

Tôi không nói gì, cũng nhìn về hướng ngôi miếu theo Hà An rồi bĩu môi tỏ ý chê bai.

-Nhưng mà bạn đã khấn xin cái gì thế?

-Để khi nào hoàn thành được thì tớ sẽ nói cho mà nghe. Mà bây giờ ấy chở tớ về đi, cũng hơn bốn giờ rồi.

-Bạn không có xe đạp hay là… - Tôi đề nghị. – Hay lấy tạm cái xe mini mà đi. Tớ đi xe này hơn nửa tháng vừa rồi thì chán, đạp mau mỏi chân lắm. Tớ thích đi xe địa hình hơn.

-Cảm ơn ý tốt nhưng tớ thích có người khác chở. Nếu tớ nhận chẳng phải sau này tớ sẽ phải tự đi ư?

Nói đoạn Hà An bỏ tôi đứng ngây ngốc dưới tán cây bưởi còn cô nàng vào trong nhà lấy mũ len trùm kín hai bên tai. Trên đoạn đường chở Hà An về, đôi lần tôi khéo léo gợi chuyện vì muốn biết cô nàng đã cầu khấn điều gì nhưng Hà An đều gạt đi.

Trực giác mách bảo tôi rằng sắp có biến cố xảy ra mà xưa nay trực giác của tôi rất nhạy.

-“Có khi nào con bé này nó khấn xin mình sẽ mê mệt nó không nhỉ? Mình thì có vẹo gì đâu chứ?”

Tất nhiên, Hà An chẳng đời nào khấn điều đấy mà tôi thì cũng không cần phải chờ đợi lâu để biết.

***